Người ta nói rằng thần làng Năng linh thiêng lắm!
Sóng gió từ đâu nổi lên cuồn cuộn, gầm rú
ghê rợn, chiếc xà lang chao đảo điên cuồng. Chín Nhạn bị gió nhấc bổng, cuốn ra
khỏi xà lang rồi hất mạnh xuống lòng sông. Con sông ấy rất sâu, sâu hoắm. Cho
tới một lúc nào đó, lâu lắm, ở một nơi nào đó, lạ lắm, ông tỉnh dậy. Xung quanh
là một vùng rộng lớn tối sẫm. Có luồng sáng lờ mờ hắt ra. Nhìn kỹ, trước mặt là
một ông lão có gương mặt phúc hậu, râu tóc bạc trắng, già đến mức không thể
đoán được khoảng bao nhiêu tuổi…
Giấc mơ kỳ cục, quái gỡ, đáo đi đáo lại
suốt mấy ngày như thế. Hôm sau y hệt hôm trước, hình như không dư không thiếu
chi tiết nào. Như một đoạn phim lập trình sẵn, cứ đến giữa khuya phát ra, bóp
nghẹt giấc ngủ của Chín Nhạn. “Cái gì không phải của mình thì đừng chiếm đoạt”.
Chỉ một câu ấy, bao nhiêu giấc mơ trôi qua ông lão kỳ lạ cũng chỉ nói mỗi một
câu ấy, rồi mất hút. Có đôi lần trong mơ, Chín định chạy đến hỏi ông ấy là ai,
nhưng lúc đó giọng nói trở nên ú ớ, như có thứ gì nén chặt lại, thanh âm tắt
lụi. Đến khi thức dậy, ông chạy ào ra khỏi phòng, sợ rằng mình còn nằm trong
đây một phút một giây nào nữa, thì lão già ấy sẽ bắt luôn cả mình đi.
Ngoài kia, đám nhân công vẫn đang khai
thác cát đều đều trong đêm bình lặng, không hề có chuyện gì xảy ra.
Chín Nhạn quyết định đi tìm lời giải. Ông
rời xà lang, dùng chiếc xuồng nhỏ bơi vào bờ. Thật ra ông biết người làng Năng
không ưa gì mình. Nhưng cũng may là trong làng không phải ai cũng biết mặt ông,
chỉ có những người từng bơi ra xà lang khai thác cát của Chín Nhạn mới biết
ông. Chính vì thế mà ông có thể ung dung lân la đến các quán cà phê ở xa xa,
vậy xem như tạm yên ổn. Ông hỏi ở đây từng có ông già nào tướng tá như vầy, mặt
mũi như vầy… Mọi người nghe xong ngó nhau, ai nấy lắc đầu. Ông lão là ai? Chín
Nhạn suốt mấy ngày tức tối vì không ai trả lời được câu hỏi nầy.
Tối qua ông lại mơ, đoạn phim lặp lại như
trước. Thức dậy mồ hôi đổ như tắm, thở ra nghèn nghẹn. Cơn lạnh ngoài sông lùa
về chạy dòng dọc sống lưng, lạnh ngắt. Ông lấy ly nước uống, cố nuốt vô mà cảm
thấy thấy cổ họng vẫn khan. Đêm nay ông lão kỳ lạ kia không chỉ nói một câu như
trước mà còn thêm câu thứ hai. “Đất đai của làng ta thì hãy trả lại cho làng
ta”. Vậy là đã tìm được câu trả lời. Nhờ câu nói thứ hai của ông lão do Chín
Nhạn kể lại, người ta đã đoán ra. Dân làng Năng quả quyết rằng ông lão ấy chính
là thần làng Năng.
Người ta nói rằng thần làng Năng linh
thiêng lắm!
Dân làng Năng bày ra trước mắt Chín Nhạn
một bức tranh lắp ghép nhiều mảnh về vị thần họ sùng tín. Những câu chuyện được
mọi người thay nhau kể. Đại ý là thần luôn phù hộ những người tốt với dân làng,
thẳng tay trừng trị những kẻ ăn ở ác đức. Chín bĩu môi không tin, nhưng không
dám nói ra. (Nếu nói là không tin chắc sẽ bị mọi người đập tơi bời, ông đã quá
sợ dân làng Năng nầy rồi).
“Ông thần làng Năng linh cỡ nào? Giỏi lắm
thì cũng chỉ ngồi trong đình hưởng đồ cúng. Làm gì được tao? Tao ở giữa sông,
thần có bơi ra tới đây vặn cổ bẻ họng được không? Ông thần tài ba gì ngoài mấy
cái trò chui vô giấc mơ để hù dọa”. Nhưng Chín Nhạn vẫn chịu khó ngồi nghe và
chỉ dám cười thầm trong bụng. Vậy mà không hiểu sao ông cứ mơ hồ nghe như văng
vẳng đâu đó bên tai, rằng thần làng Năng linh thiêng lắm!
Về tới xà lang, mấy thằng đệ tử cho hay
neo bị mắc kẹt vào vật gì rồi, nhổ lên không được. Kỳ lạ! Xà lang đi biết bao
con sông, hạ neo bấy nhiêu nhiêu chỗ, làm gì có nơi nào nhổ neo không được. Một
người nhổ không lên, hai ba người cùng kéo không được, cả chục người xúm lại,
sợi dây vẫn nằm trơ. Tiếng hì hục, tiếng hò dô, tiếng dây cọ vào xà lang trèo trẹo, tiếng thở dài, tất
cả nghe như nghẹn ứ.
“Lặn xuống!”, Chín Nhạn ra lịnh cho đệ tử.
Thằng nhỏ cỡ mười sáu tuổi lặn tài tình, phóng cái đùng xuống sông rồi mất tăm,
để lại một chùm tia nước hất lên cao. Đến khi ngoi lên, thằng nhỏ nói không
thấy cái neo đâu. “Trời! Sao lại không thấy? Không có neo mà sao sợi dây nặng
trịch kéo không lên?”. Chín Nhạn sai hai thằng lớn hơn lặn xuống lần nữa, lần
nầy lặn lâu, phải mang theo bình dưỡng khí. Gần mười phút sau, hai thằng trồi lên.
“Lạ quá ông Chín ơi! Thấy ghê quá! Chuyện
khó tin, nói ra hổng biết ông tin không nữa. Thiệt là ma quỷ gì đâu!”.
“Sao, nói lẹ coi”.
Hai thằng ú ớ, vẻ sợ sệt, ngó nhau đăm
đăm. Một thằng đưa tay quẹt nước trên mặt cho tỉnh táo lại rồi nói ngập ngừng:
“Ở dưới… có ông già… ổng nói… lấy cái neo
mình rồi”.
Chín Nhạn chưng hững, trợn mắt nhìn hai
thằng trân trân:
“Khùng hả mầy? Bị ma nhập hả? Sông sâu làm
gì có ai ở dưới được?”.
Thằng nhỏ nói tiếp:
“Bời vậy tui đã nói là khó tin lắm, kể ông
cũng không chịu tin. Tụi tui bơi lại đòi mà ổng đi mất tiêu”.
Chín Nhạn bắt đầu thấy hoang mang, ngờ ngợ
như nhớ ra điều gì:
“Ông già đó ra làm sao?”.
“Già dữ lắm, già khằn già chát khú đế, râu
bạc, tóc bạc. Ổng mặc đồ đẹp ghê luôn ông Chín”.
Chín Nhạn nghe xong giựt mình. Có cảm giác
đầu óc bần thần, choáng váng, hai lỗ tai lùng bùng. Ông già tụi nó tả không lẽ
là thần làng Năng? Có phải ông thần làng Năng linh thiêng như vậy? Chín chợt
nhớ đến lời thách thức của mình ban nãy, nghe cơn lạnh lại từ đâu tràn tới chạy
rần rần, xô ông liêu xiêu muốn sụp té. Trong đầu ông lại nghe văng vẳng đâu đây
có tiếng nói, rằng thần làng Năng linh thiêng lắm! Ông thở dài thườn thượt.
Tối nay Chín Nhạn không ngủ. Ông không
muốn giấc mơ lặp lại, nên thức một đêm cũng không sao, ban ngày sẽ ngủ bù lại.
Trên xà lang, nhân công và máy móc vẫn đang làm việc đều đều. Công việc khai
thác cát vào ban đêm đã không còn xa lạ. Đôi lúc Chín thấy mình thiệt tài. Năm
giờ chiều ngừng khai thác đúng như quy định, đến khuya khi mọi người ngủ say,
xà lang lại tiếp tục cho khai thác đến tờ mờ sáng thì ngừng, rồi bẩy giờ sáng
hôm sau khai thác tiếp. Như vậy mọi người sẽ nghĩ rằng xà lang khai thác cát
của Chín Nhạn hoạt động đúng theo thời gian cho phép của chánh quyền. Đâu ai
biết rằng hằng ngày vẫn có kẻ đang “đi đêm”.
Bữa sau, Chín Nhạn đem mâm trái cây đến
đình. Không biết thần làng Năng có linh thiêng như lời đồn không, thôi cứ thử
một phen, xem như tự cứu mình. Không gian trong đình yên ắng, chỉ nghe tiếng
thở của Chín Nhạn. Có ánh mắt nào đó gần lắm đâu đây, cuốn trôi tuồn tụt bao
dũng khí ban đầu của ông. Ông sắp mâm trái cây lên bàn thờ, khấn rằng mình làm
sai và đã biết lỗi, mong thần tha thứ, lại còn hứa sẽ không đụng tới đất đai
của thần nữa. Chín cảm thấy thấy cơ thể nóng bừng. Dường như thần đang có mặt
ngay lúc đó, đang kề mắt sát bên ngó chăm chăm từng cử chỉ của ông. Đây đó xong
xuôi, vậy mà bước khỏi đình ông lại còn đâm ra lo lắng, không biết kế sách nầy
có linh nghiệm không? Cả tháng nay chuyện làm ăn đã rắc rối lắm rồi, giờ lại
còn vướng vào chuyện thần chuyện quỷ…
* * *
Rắc rối! Đúng hơn phải là điêu đứng. Từng
đi qua nhiều nơi, nhưng chưa nơi nào làm Chín Nhạn phải khốn đốn như cái xứ sở
nầy. Nửa tháng qua, vài ngày người dân lại tụ tập ra xà lang khai thác cát của
ông để gây khó dễ. Mỗi lần đi là một tốp khoảng vài chục người, trai gái già
trẻ có đủ. Công việc khai thác phải tạm dừng. Nhân công đứng chết trân, mặt mày
xanh lét, ngốn hết tất cả những lời chửi bới của dân làng. Chiếc xà lang thì
phải hứng đủ thứ gạch, đá, trứng ung, cà chua, rau thúi… Có chạy xà lang đi cũng
không xong, ghe của người dân đã bao vây bốn phía và sẵn sàng đuổi theo, đành
phải đứng chịu trận.
Đơn giản là vì làng Năng lở đất quá nhiều.
Đất đai của làng mỗi ngày càng bị sóng nước vồ lấy. Dân làng sợ tiếp tục khai
thác cát sẽ làm trôi thêm đất xuống lòng sông. Chín Nhạn từng lấy một đống giấy
tờ ra, nè, mấy ông mấy bà coi đi, khai thác được cấp phép đàng hoàng. Vậy mà
cũng vô ích, xuýt chút nữa tờ giấy phép đã phải tắm nước cà thúi. Dân làng ai
nấy nhao lên:
“Kệ tía mầy! Hổng có cấp phép gì ở đây ráo
trọi. Giấy tờ gì của mầy hông cần biết, chánh quyền cho thì kệ, nhưng bây giờ
dân tụi tao không cho. Tụi bây hút cát dưới sông thì đất đai bên bờ sẽ trôi
xuống”.
“Ờ, phải rồi. Có cấp phép, nhưng khai thác
nhiều hơn quy định thì cũng có ai biết? Nên bây giờ nói gọn là dù khai thác ít
hay nhiều cũng không được”.
Chín Nhạn đứng im thin thít, người đơ như
tượng, nghe máu trong mình nóng lên sùng sục, tức muốn nổi khùng. Nhưng đành
chịu. Chừng nào mệt, họ sẽ tự bỏ về. Hết cách rồi!
Đôi ba lần chánh quyền cảnh cáo người dân,
nhưng vẫn không xong. Cuối cùng phải mời họp giải quyết. Đơn vị khai thác cát
có Chín Nhạn và hai thằng đệ tử, trong khi dân làng thì cả một… đại đội. Buổi
họp hôm đó xôn xao như nhóm chợ, không khí nóng hầm hập. Phòng họp chật cứng
như bị giãn ra thêm bởi đủ thứ tiếng bàn tán, kể tội, chửi rủa, hăm dọa… Nhà
khoa học được mời đến, nói rằng đã dùng phương pháp khoa học để thăm dò kỹ
lưỡng mới cho phép khai thác cát. Họ giải thích đất làng Năng lở là do tác động
của dòng chảy chứ không phải do việc khai thác cát. Người dân nhốn nháo bàn
tán, rồi ai nấy lắc đầu:
“Tui hỏi mấy ông cán bộ, cát đáy sông bị
hút lên tạo thành lõm ở dưới đó thì đất trên bờ làm sao không tụt xuống cái lõm
đó cho được? Tui không tin mấy ông đâu. Mấy ông là phe phái với nhau, mấy ông
ăn hối lộ nên mới theo tụi nó”.
“Phải rồi, hút cát lên thì đất phải tụt
xuống chớ. Mấy ông là nhà khoa học, giải thích sao cũng được, làm sao dân tụi
tui biết. Nhưng khai thác cát ít nhiều gì cũng làm lở đất”.
Mặc kệ phiên họp chưa kết thúc, dân làng
kéo nhau ùn ùn bỏ về, cửa phòng họp nhỏ xíu tưởng chừng bị tét làm đôi. Nhà
khoa học lắc đầu. Chánh quyền bất lực. Cũng phải, khi thấy đất đai của mình
đang bị uy hiếp như vậy, có ai chịu đứng nhìn đâu?
* * *
Chín Nhạn từ
trong đình lững thững ra về. Ngoài đường, nắng vừa đủ vàng ươm rọi nghiêng
nghiêng mấy bóng cây, đậu xuống mái tóc hớt cua trùi trụi của ông. Ông nghe
ngực mình đánh trống thình thịch, mồ hôi rũ nhau trườn ra lưng áo. Về vừa đến
xà lang, mấy thằng đệ tử mặt tươi rói, la rố ráo: “Nhổ neo lên được rồi ông
Chín ơi!”. Chín Nhạn giựt mình, không tin được những gì mình đang nghe, đang
thấy. Ông chạy tới nhìn trân trân. Đúng thật là cái neo rồi, nó đang lù lù ngay
trước mắt. Kế bên là sợi dây neo đang nằm im re, hiền khô, yếu đuối, cứ như khác
hẳn so với sợi dây trình trịch ngày hôm qua. Chín Nhạn run hai môi, bắt đầu cảm
thấy nỗi sợ đang lần lần mơn trớn và áp đảo đầu óc mình. Chẳng lẽ ông thần làng
Năng linh thiêng thật như vậy sao?
Trong bụng ông mở cờ.
Ông đang nghĩ đến một dự định khác.
Sáng sớm hôm sau, Chín Nhạn lại bưng một
cái mâm lớn đến đình. Trong mâm lần nầy không chỉ đơn thuần là trái cây như hôm
trước nữa, mà là cả một con heo sữa quay, mỡ tươm ra bóng lộn. Chín hồ hởi đặt
lễ vật lên bàn thờ rồi ung dung thắp nhang đứng khấn. Trong đình hôm nay, ông
cảm thấy đủ tự tin hơn để đứng một mình, dẫu có con mắt vô hình nào đó đang ngó
mình, ông cũng không sợ. Dường như ông nắm bắt được điều gì đó từ vị thần mà
ông đang cầu khẩn. Ông cố tình khấn lớn:
“Con đây người trần mắt thịt không biết
oai linh của thần nên đã từng có ý khinh khi. Nhờ thần tỏ linh ứng để cho con
được sáng tỏ, nay con xin đem lễ vật đến thành tâm dâng thần. Trước mong thần
tha thứ tội. Sau nhờ thần che chở và phù hộ cho con trong việc làm ăn. Xin thần
giúp đỡ con tránh được đám dân làng phá rối, qua mắt được chánh quyền. Nếu con
khai thác cát ở làng Năng lần nầy được lợi nhuận nhiều, con sẽ trả lễ thần thật
hậu hỷ”.
Khấn xong, Chín Nhạn cười đầy đắc ý. Trước
khi về, ông thong thả nhìn quanh một lượt, như đang muốn tìm một sự thỏa hiệp
từ ánh mắt nào đó đang dòm ngó mình. Lúc không thể nhờ người khác được nữa,
người ta đành cậy nhờ thế lực vô hình. Chín Nhạn hối lộ, mua chuộc cả thần
linh! Khi lòng tham lên đến một mức độ không còn nhỏ nữa, người ta bắt đầu bất
chấp mọi chuyện, bất chấp lẽ phải. Và lần nầy, cao hơn, Chín Nhạn bất chấp cả
luật trời, cả thần thánh.
* * *
Mấy ngày sau, cả làng Năng xôn xao tin ông
chủ xà lang khai thác cát bị té sông. Tuy trong làng không phải ai cũng biết
mặt Chín Nhạn, nhưng nói đến ông chủ xà lang khai thác cát thì hầu như mọi
người cũng đã đôi lần nghe qua. Khi hay tin ông gặp nạn, ai cũng cảm thấy bất
ngờ. Sao mới đó mà gặp nạn rồi? Sao dân sống trên sông nước mà bị té như vậy?
Sao còn trẻ mà ra nông nỗi nầy?
Nghe nói khi bơi từ trong bờ ra gần tới xà
lang, xuồng của Chín Nhạn bị lật, làm ông té xuống nước. Không hiểu lúc đó
người ngợm ông bị gì mà lại không chịu bơi? Cứ chấp chới rồi chìm dần. Đám nhân
công trên xà lang nhìn thấy liền nhảy xuống sông cứu ông chủ của mình. Họ lặn giỏi,
nên không lâu sau đó đã cứu được Chín Nhạn. Sau khi
hô hấp nhân tạo, ông từ từ tỉnh dậy, nhưng mắt vô hồn, miệng cứ ú ớ không thành tiếng, có lúc
lại cười một mình.
Hình như thần kinh ông gặp vấn đề, không
còn nhận thức rõ ràng nữa. Gia đình Chín Nhạn đã nhanh chóng đưa ông đi điều
trị, chiếc xà lang khai thác cát cũng đã rời khỏi khúc sông bên cạnh làng Năng,
không biết có còn trở lại nữa không?
Dân làng kháo nhau rằng đó là báo ứng dành
cho người làm hại làng Năng. Họ nói những người muốn lấy đất đai của làng Năng
để làm giàu cho bản thân mình thì phải chịu trừng phạt như thế. Và quả quyết
rằng tai nạn của Chín Nhạn chính là do thần làng Năng trừng phạt chứ không phải
vì lý do nào khác. Cái gì không phải của mình thì đừng chiếm đoạt, đất đai của
làng Năng thì phải trả lại cho làng Năng.
Người ta nói rằng thần làng Năng linh
thiêng lắm!
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét