Tôi, một đời xa quê, chỉ được
sống với gia đình ở quê mười năm tuổi thơ rồi sau đó cứ mỗi tuổi một xa quê
hơn. Đầu tiên là từ quê ra tỉnh học, rồi lên miền núi, xuống miền biển, lấy vợ
sinh con đẻ cái ở đất khách quê người. Giờ về già lại vào sống ở trong Nam,
quê hương không chỉ “khuất bóng hoàng hôn” mà bình minh cũng không
nhìn thấy bóng. Trong tôi nỗi nhớ quê nhà luôn sâu nặng và lòng khát khao được
về sống ở quê nhà ngày càng kết thành một giấc mộng lớn.
Bởi thế,
ngày 01 tháng 08/2016, có trong tay bài thơ VỀ ĐI EM
của Đặng Xuân Xuyến viết ngày 30/07/2016, tôi đọc bài thơ ấy với một niềm
hứng khởi say mê.
Bài thơ mời mọc một cô em:
Về đi em! Về ngắm trăng buông
Chỉ một lần về ngắm trăng
buông thôi, nhưng qua lời mời gọi đầy yêu thương của nhà thơ đã làm sống
dậy biết bao hình ảnh đẹp của quê nhà: mảnh trăng buông, câu mái đẩy,
dòng sông hát, đêm thanh gió mát.
Chỉ một lần về ngắm trăng
buông thôi, nhưng em sẽ cùng ta nuôi hy vọng tô sống lại những vẻ đẹp của
quê nhà đang bị dần phai nhạt:
Cổ tích trầu cau đã hết nhựa
rồi,
Và:
Dẫu nắng bên sông không còn chấp
chới,
Câu lý ngày xưa dẫu thôi diệu
vợi
Thì:
Ta tựa vai nhau nối lại câu hò.
Với những lời nhắn gọi dịu dàng
thiết tha ấy, Đặng Xuân Xuyến đã bộc lộ rất đẹp tình yêu thương, niềm trách
nhiệm đối với quê nhà và hy vọng sẽ cùng em sẽ níu giữ lại được những nét đẹp
xưa của quê hương.
Hai năm trước, năm 2014, tôi đã
nghe tiếng thơ Đặng Xuân Xuyến nhắn gọi một người bạn, bạn trai: VỀ QUÊ ĐI
MÀY:
Mày về quê chơi đi
Về với tao. Về với thời thơ dại
Về đi mày
Đừng lời nói gió bay.
Nay lại nghe anh nhắn gọi một
người bạn, bạn gái, đúng hơn là bạn tình, bởi lẽ nếu nàng về quê thì sẽ:
Dựa vai anh ngắm đời rất thực
Tôi có cảm giác như Đặng Xuân
Xuyến không phải lên tiếng gọi một người bạn trai VỀ QUÊ ĐI MÀY năm xưa và gọi
một người bạn gái VỀ ĐI EM năm nay mà là gọi cả tôi, một người già đang trên
đường tới cõi: VỀ ĐI ANH, VỀ ĐI BÁC!
Khiến nỗi nhớ quê hương trong tôi
lại ùa dậy khôn khuây.
Tôi khẽ gọi người vợ già đã cùng
nhau tình chồng nghĩa vợ trên 50 năm lại gần, đọc cho bà nghe bài thơ của
Đặng Xuân Xuyến rồi cả hai cùng thì thầm ao ước được về quê sống nốt những
tháng ngày còn lại như cảnh mấy câu thơ mà chúng tôi đã thuộc:
Đêm đêm chồng gối trên tay vợ
Khe khẽ ngâm câu biệt thị thành
Vợ dạ trở mình cho bớt lạnh
Suốt đời em chỉ biết theo anh!
Hai mái đầu bạc đang chụm nhau
trong ước mộng ấy thì bất ngờ bài thơ VỀ LÀM CHI NỮA của nhà thơ lão thành
Nguyễn Khôi viết ngày 31/07/2016 hiện lên trong hộp thư của tôi.
Bác Nguyễn Khôi đay đi đay lại
không phải hai ba lần mà tới 5 lần một câu:
Ừ, có nhớ... thôi, đừng về em
ạ
Rồi bác nói rõ vì sao
lại “đừng về em ạ” :
Vì, quê cũ có còn
đâu mái rạ bờ tre, có còn đâu ánh trăng mơ,
Trầu cau chỉ còn trong cổ
tích
Mảnh vườn xưa đã theo mẹ về
trời..
Cũng còn
đâu ai xịch xòm tát nước, còn đâu rừng rợp trắng cánh cò
bay cùng tiếng sáo diều và cầu Quan họ. Mà thay
vào đó là bê tông, là điện, là máy bơm, là:
Nhạc "chát bùm" loa
xóm váng đoài đông..
Và dòng sông, cái dòng sông mà
hôm qua nhà thơ trẻ Đặng Xuân Xuyến còn đầy mộng mơ:
Về một lần thôi nằm nghe sông
hát
Thì hôm nay, nhà thơ già Nguyễn
Khôi lại vẽ nên đầy chân thực đau xót:
Dòng sông xanh trong ký ức thầm
thì
đã thành
dòng Formosa nhiễm độc lòng quê mẹ
Trai gái làng đang bỏ xứ mà
đi...
Formosa đã từng gây
nỗi ám ảnh kinh hoàng cho cả dân tộc ta, giờ thành dòng
sông nhiễm độc lòng quê mẹ, thì VỀ LÀM CHI NỮA là một lời khuyên rất chí
tình.
Bà vợ già của tôi sầu não
hỏi:
- Vậy biết nghe ai, nghe anh nhà
thơ trẻ Đặng Xuân Xuyến VỀ ĐI hay nghe bác nhà thơ già Nguyễn Khôi VỀ
LÀM CHI NỮA?
Tự nhiên tôi mắt lệ rưng rưng:
- Nhà thơ trẻ Đặng Xuân Xuyến
cũng vì yêu quê hương mà khao khát về quê với bao hy vọng đẹp, cái tình quê ấy
rất đáng trân trọng. Nhà thơ già Nguyễn Khôi cũng vì yêu quê hương mà xót xa
trước cảnh hồn cốt của quê hương đã mất hết, trai gái quê nhà vừa đói khổ vừa
bị đầu độc phải đang bỏ xứ mà đi; tấm lòng già nguyên vẹn tình quê ấy thật ngàn
lần đáng kính và ngưỡng mộ.
Còn đôi ta, mơ được về quê sống
nốt quãng tuổi già cũng là mơ ước chung của người đời rất đáng được mơ, ai ai
cuối cùng cũng được trở về với cội nguồn sinh ra mình. Nhưng cuộc đời bãi bể
nương dâu, quê nhà mình cũng như quê bác Nguyễn Khôi:
Xóm lên phố đã bê tông tất cả
Đường lấn sân không còn nữa viả
hè...
Đất quê mình giờ mới thực tấc
đất tấc vàng, dẫu có về được mình cũng đâu có nổi một thước đất cắm dùi.
Thôi thì đành Giấc hương quan luống lần mơ canh dài, chứ sao!
Bà vợ già của tôi khẽ thở
dài:
- Vâng! Vậy mình nhớ
chiều chiều cùng dắt tay nhau ra đầu hẻm, chờ lúc vắng vẻ nhất
mà Trông về quê mẹ, mình nhé!
Sài Gòn, Ngày 01 tháng 08/ 2016
Nguyễn
Bàng
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét