1. Gió chướng rướn
nhẹ từng cơn lên những ngọn sóng rồi va vào mạn ghe nghe sao quen thuộc. Không
biết ai rủ rê mà năm nay gió chướng lại về sớm hơn mọi năm. Cái lạnh se se cứ
phất phới luồn qua mấy cụm lục bình đang lang bạt trên sông. Mặt nước nhấp nhô
để những luồng gió cứ rót vào lòng người tứ xứ. Chiếc ghe của Tư Thiệt vẫn dập
dềnh theo từng gợn sóng lăn tăn. Đâu có ai hẹn hò gì đâu, mà Tư cứ đợi gió
chướng rồi xuôi ghe về đây. Khi nghe gió lao xao mang cái chớm lạnh tạt qua thì
chiếc ghe chở bông từ miệt trên của Tư lại mượn xóm chợ này tá túc. Nào cúc,
vạn thọ, lan, mai cứ chen chúc đầy cả ghe. Có những loài bông nở dành cho mùa
gió chướng nhưng năm nào cũng có thêm một vài ba thứ lạ trốn mùa, nên ghe của Tư
cũng xuất hiện thêm những đợt nở ké. Ghe Tư Thiệt xuôi về đây cũng là lúc gió
chướng đã chín muồi đầu con tháng Chạp. Tiếng máy, tiếng chèo bắt đầu nhộn lên
khi bóng sao mai trồi lần về phía cuối góc trời.
“Năm nay dìa đây
sớm hả Tư?”.
“Bác Bảy, con cứ nhắm
chướng mà xuôi thôi. Độ rầy Bác ra sao?”.
“Tao hả, vẫn còn
ngon lành. Chắc qua thêm được vài mùa bông của mày nữa”.
Cái tếu của ông Bảy
hàng nước cứ rề rà.
“Bác cho con một
phích trà đường đi. Khi trời bửng rồi bác còn, dìa ngang cho con thêm phích nữa
nghen”.
Bác Bảy cập xuồng
vào sát ghe của Tư. Sớm nào cũng vậy. Riết rồi thành thói quen. Năm nào bác Bảy
thấy mùi gió chướng về đều ngó qua bờ sông xem có chiếc ghe người bạn lang bạt
về chưa. Ngót bảy mươi, tuổi đời của bác như gánh hết bao trôi dạt bềnh bồng ở
cái chợ nổi này. Không vợ không con, ngoài việc cưu mang Út Hường hồi năm nẵm
thì chỉ có chiếc xuồng con làm bạn sông hồ. Tính tình phóng khoáng, hiền lành,
chịu nói chơi lắm. Bác Bảy cứ vậy thành thân thiết với Tư Thiệt.
“Thôi, tao đi đây.
Chiều tao ghé lai rai tâm sự nghe mậy?”
“Chiều con đợi bác”.
Chợ nổi thì lênh
đênh, nhất là miệt Cái Răng này. Dậy từ sớm bửng mới kịp. Tư nhổ sào cho ghe
tiến ra sông rồi luồn lách trong sự đông nghịt ghe xuồng đang quây quần ở đó.
Tiếng người bán kẻ mua cứ xôn xao mặt nước. Vậy đó, kiếp thương hồ chóng vánh y
hệt chợ nhóm trên sông. Anh cũng có khác gì đâu một khách thương hồ xuôi ngược.
Đến khi mặt trời nằm tròng treo trên lưng ngọn sào thì chợ vãn. Tư đảo mắt nhìn
quanh như muốn tìm ai đó. Bất ngờ, người quen năm ấy quay lại nở nụ cười e
thẹn. Không biết gió chướng vô tình hay hữu ý mà thổi mạnh vào lòng anh. Kệ cứ
thổi đi, cho con nước tháng Chạp trôi mau. Cái nụ cười ấy đủ làm lòng Tư ấm lại
y hệt nắng Tết đang hơ đầy lên mặt nước. Chạm vách ba mươi, anh mới nhận ra đôi
mắt của Út Hường cứ làm mình quấn quýt như không muốn rời. Ghe của Tư xuôi theo
con chướng hay vì bịn rịn nụ cười hiền trên miệt sông nước này. “Thôi, em dìa
nghen, anh Tư” làm Tư Thiệt mải miết ngóng trông theo.
2. “Thằng quỷ, vô đi
mậy. Đang nhậu mà cứ lơ ngơ ra vậy”. Bác Bảy tằng hắng giọng.
“Tới con rồi sao hả
bác Bảy”.
Hai xị đế với con
khô lóc trọng trọng cùng một dĩa bộn xoài chua. Hai người bạn vong niên cứ
sương sương mà tâm sự. Trái cây xứ này ngọt lắm vậy mà bác Bảy cứ khoái nhậu
với xoài chua. Tư Thiệt vô thêm ly nữa rồi hỏi nhỏ.
“Bác Bảy, con hỏi
bác điều này. Bác để bụng chớ có nói rùm kẻo thiên hạ biết hết là con dìa quê
cắm câu luôn đó”.
“Vụ con Út Hường,
phải hông?”
Bác Bảy tinh mắt
đến nỗi chỉ liếc sơ thôi đã biết mồi của Tư Thiệt muốn gì. Bởi vậy, nhiều lần
nghe anh nói “tháng Chạp sang năm con lại dìa thăm bác rồi buông neo”.
“Hổng dám đâu, có
trời mới tin mầy dìa thăm tao không đó. Cái cốt là ngó con Út Hường, mầy thiệt
đúng là Tư Thiệt”.
“Bác hay thiệt.”
“Bỏ gần cả đời lênh
đênh chốn này, không lẽ ngó mầy mà tao hổng đoán được. Con nhỏ thiệt tội
nghiệp, hình như mầy cũng mới vừa gặp nó đâu hồi năm kia gì thôi mà”.
Trời đất, hồi năm
kia gì thôi mà. Bác Bảy nói tỉnh như sáo. Từ đó đến giờ cũng mất hai con Chạp rồi
còn gì. Hai năm dài muốn mục xương vậy mà bác nói sao nói lẹ như ly rượu đưa
tay qua lại. Bác không biết Tư mần xong miếng ruộng rồi tranh thủ mua hạt giống
về gieo và trông ngày trông đêm để bông nó nở kịp lứa tháng Chạp mà dong ghe về
miệt dưới này. Loay hoay cũng gặp nhau được chừng một tháng chứ là mấy. Tiếng
khề khà ngụm rượu vừa uống, Tư nghe cơn gió chướng từ mặt sông ùa lên mâm rượu.
Chiều vịn đọt sào rồi sót lại dăm ba tia nắng nhỏ, hắt lên từng nếp nhăn trên
gương mặt bác Bảy. Mé sông Cái Răng vừa nhập nhoạng ánh đèn. Gió chướng đã bắt
đầu nêm lạnh lên chiếc ghe bông của Tư Thiệt.
“Mầy có tính thì
tính lẹ lẹ. Để ăn Tết nữa nghe mậy”.
“Nhưng biết cổ có
chịu không bác Bảy?”
Bác Bảy giựt mình
thiếu điều muốn té xuống sông.
“Cái này mầy phải
đi hỏi con Út, chứ mầy hỏi tao. Sao biết đường trả lời mậy”.
“Hay là con mở lời,
bác Bảy mần ông mai dùm con. Con dìa trển con mua đầu heo xuống tạ ơn bác”.
“Mất công lắm mầy
ơi. Với lại tao với nó giờ coi như chung một nhà mà mai mối gì. Nếu được tao
hỏi dùm, chỉ cần nhậu sương sương như vầy là cũng đã rồi”.
Gió dường như lạnh
thêm. Bác Bảy uống thêm ly nữa rồi leo xuống xuồng để ra về. Sáng mai còn phải
nhóm chợ sớm. Tết nhứt tới, tranh thủ bán thêm chút đỉnh xài Tết. Trên ghe, Tư
vẫn dặn dò với theo.
“Bác Bảy dìa, vụ đó
ráng giúp con nghen”.
“Ừ. Nghe mầy dặn
tới dặn lui làm tao muốn tỉnh rượu. Tao dìa, mai gặp nghe mậy?”
Gác máy lên, bác
Bảy chèo từ từ về phía khu nhà lưa thưa ánh điện. Tư quay lại dọn mâm rượu
xong. Gió cứ tạt vào lòng điều gì không biết nhưng anh chỉ nghe lòng mình ấm
lại. Nằm trên mui ghe, bắt chéo ngoảy chân, ngó con trăng mười chín đang rọi
xuống lòng sông lấp lánh. “Hò ơ… Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền. Anh
có thương em thì cho bạc cho tiền, đừng cho lúa gạo… Hò ơ... Đừng cho lúa gạo
mà láng giềng cười chê...”. Tư lầm bầm: “Ông nội nào tào lao hết biết. Khi
không viết câu đó vô chi dị trời. Kiểu này hổng khéo chắc tui nhổ sào luôn
quá.”
3. Đêm tàn. Cái
la-dô (radio) chết tiệc trên ghe của ai quên tắt cứ dậy lên. “Tết, tết, tết đến
rồi...” như giục dân thương hồ chuẩn bị nhóm chợ sớm. Ai biết không biết Tết
đến giáp be xuồng rồi mà cứ ong óng lên. Không khí ồn ào bắt đầu rộ dần. Chợ
nổi bao giờ cũng thế, cứ sớm bửng là đã nhộn nhịp rồi. Ngày thường đã vậy,
huống gì những ngày sắp Tết. Bác Bảy ghé đưa phích trà đường như mọi khi rồi
cùng hòa vào dòng ghe xuồng tấp nập ấy. Tư cũng lăng xăng mời chào hàng cùng bà
con. Ghe của Tư bán bông mà anh có đành lòng bẹo bông lên đâu. Cây bẹo nằm im
re trong khoang. Kệ đi, chịu khó tí. Cũng bồn bộn chậu, bông bắt đầu trổ những
cánh tươi tắn đón ngày.
Sáng đã lò dò đi
dọc theo sông Cái Răng rồi nắng hửng lên. Chợ cũng tan từ từ. Tư đang loay hoay
dọn dẹp lại mấy chậu bông cho gọn gàng, tươm tất thì nghe tiếng người quen.
“Anh Tư ơi, còn trên
ghe hông anh Tư?”
“Vẫn còn đây nè,
đợi tui xíu Út ơi”.
Tư Thiệt ngoảnh ra
với một nụ cười tươi rói.
“Tui tặng cho bác
Bảy và Út hai chậu mai vàng chưng Tết. Dọn chúng từ hồi ở trên nhà lận, mấy rày
quên đưa cho bác, Út mang dìa dùm tui nghe”.
“Cám ơn anh Tư. Em
thấy ngại quá. Sáng nay bán được khắm khá hông anh? Em có chừa riêng cho anh ít
dâu, ăn lấy thảo cùng em. Ngờ đâu, anh lại...”
“Có gì mà ơn nghĩa
chứ Út. Sắp dâu này chắc ngon lắm”.
Mớ dâu Út đưa cho
Tư Thiệt cứ tươi ngon làm sao. Mấy hôm trước Út có mối lái vào tận vườn mang về
đây bán cho khách dịp Tết. Giống dâu thơm thảo của miền quê đất lành trái ngọt
làm lòng người cứ bịn rịn. Du khách bịn rịn, khách mua bịn rịn đã đành. Đằng
này, anh Tư cũng nghe mình bịn rịn luôn cái hương vị ngọt ngào đang thấm lên
môi dù chưa nếm thử. Út Hường sửa lại hai chậu mai cho ngay ngắn, chợt nhìn anh
một cách bối rối liền kéo lại chiếc nón che nghiêng rồi lui xuồng.
Bác Bảy nói Út là
đứa được người được nết, tía má mất hết cả. Lui cui kiếm sống bằng nghề buôn
bán trên sông này đâu hồi mười sáu mười bảy tuổi tới giờ. Cũng bảy tám năm rồi.
Cuộc sống thương hồ làm bạn mưa nắng mà, nói cực thì không cực mà sướng thì
cũng có sướng gì. Hồi năm kia, Tư xuôi ghe về đây rồi tình cờ gặp Út, lân la
chuyện trò cũng được đâu mươi lần. Vậy mà, hai người chẳng ai dám nói với ai
câu nào cho ra cái tình cái ý gì hết. Bác Bảy cười thầm trong bụng mầy lo cái
đầu heo cho tao được rồi Tư Thiệt ơi.
4. Sông Cái Răng cứ
miên man hết chiều này đến chiều khác mà nó có hữu ý se duyên cho người với
người tìm đến với nhau không. Chợ nổi thì vẫn cứ nhóm từ hừng đông đến sáng
quạu rồi tan, còn cái tình cái nghĩa cũng xin nhóm cho cả một đời một kiếp với
nhau đi.
Chiều nay, bác Bảy
ngẫu hứng. “Trai thương hồ gặp em chiều ngơ ngẩn, Tết về chưa mà khách miệt
đồng bưng phải lòng em dâu ngọt Phong... Điền”. Mới có mấy ly mà bác Bảy xuống
vọng cổ nó mùi còn hơn cơn gió chướng ngoài sông đang rước Tết. Ca chơi chơi
vậy mà sao đúng hết chỗ nói.
“Mầy nghe Tư Thiệt,
nhát như thỏ đế. Có nói mà cũng hông dám nói. Nhấp thêm ngụm rượu bác Bảy mở
lời”.
“Tao có hỏi bụng dạ
con Út rồi, dìa trển mà lo liệu đi. Chứ đợi mầy nói với con nhỏ, chắc tao ngủm
luôn quá. Tao muốn ăn Tết ta chứ hông phải muốn ăn Tết Công-gô nghe mậy”.
“Trời, thiệt vậy hả
bác Bảy. Con mang ơn bác nhiều lắm”.
“Ơi, mầy cứ khách
sáo. “Dô” một ly đi. Có điều là mầy phải thương yêu chăm sóc rồi phụ con Út một
tay. Nó cơ cực nhiều rồi, tội lắm. Hổng chừng tới bữa đó tao chủ hôn cho tụi
bây luôn đó. Coi nó như con gái tao, mầy tử tế để ông già vợ hông mất mặt nghe
Tư Thiệt”.
“Con hứa với tía luôn”.
“Cái thằng này có
lý, bây”.
Bác Bảy về rồi, Tư
lại một mình hóng gió chướng, trăng lại nhô lên trên sông Cái Răng một màu bàng
bạc. Nghĩ bâng quơ về những ngày tới. Tết năm nay có gì mới không mà anh thấy
lòng mình phơi phới. Con sóng vỗ bên hông ghe nghe cũng dễ thương làm sao. “Hò…ơ…
Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền. Em thương anh vì nghĩa vì tình. Hò… ơ…
Miễn anh đầy tình khẳm nghĩa dù hổng có lúa gạo, hổng bạc tiền em vẫn ưng.”
Tiếng hò trong veo trong chiếc la-dô lan ra, hổng biết của ai mà giờ sao thấy
dễ thương hết có biết. Cây sào thẳng đuột máng vầng trăng lững lờ trên sóng
nước.
PHAN DUY
–––––––––––
BÔNG
TRÀM CHUYÊN ĐỀ 21
>>
Vui lòng nhấp chuột vào hình ảnh bên dưới để vào mục lục <<
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét