Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày
312 trang, khổ 13x19 cm, giá 100.000 đ. Mời quý bạn đọc ủng hộ!
Điền
về tới hàng cây so đũa trồng nép bên lộ cái khi trời chiều ngả bóng. Ngày nó
đi, hàng cây mới cao hơn đầu người một tí, tàn lá chưa có, thân cây ốm tong
teo. Điền dừng lại, ngay ngã rẽ vào bờ kinh xáng. Đằng xa là ấp Vàm Kinh, ẩn
khuất trong những vườn cây, nhà nó ở đó.
Điền cúi mặt rồi lại nhìn quanh. Nắng dần phai, phớt vàng trên ngọn cỏ, lá cây.
Những đợt bông so đũa trắng muốt theo từng cơn gió nhẹ buông. Mặt nước trong
veo, điểm xuyết những cánh hoa li ti, chao nhẹ nhấp nhô.
Đã
hơn năm năm rồi, Điền mới dám trở về quê, mà là vào dịp Tết. Điền khẽ lắc đầu,
mím chặt môi như cố kìm lại nỗi xúc động đang dâng lên. Nó đang nhớ về cái ngày
mà nhiều người trong ấp đốt đuốc lá dừa lùng sục kiếm thằng ăn trộm bắt bầy gà
của cô Tư. Một sự trùng hợp hay là sự trêu ngươi của số phận. Người ta thấy nó
đang lóp ngóp ở bờ kinh, quần áo lấm lem bùn đất. Họ xỉ vả, đay nghiến không để
cho nó thanh minh một lời. Họ sẵn sàng cầm gậy xông vào với tất cả sự tức giận.
Nó đành bỏ lại hàng chục lưỡi câu vừa cắm mà chạy thục mạng. Những người đàn
ông vừa đuổi theo vừa la hét: Đánh chết nó đi, thằng không cha ăn trộm...
Như
vết dao đâm thủng vào lòng tự trọng. Suốt đêm ấy nằm trong đống rơm nó đã khóc
đến cạn nước mắt. Nó biết thế nào là nỗi nhục nhã. Nó rùng mình, vơ nắm rơm
nhét vào miệng nhai ngấu nghiến, điên dại. Nó là thằng ăn trộm ư? Má nó từng dạy
phải thiệt thà, trung thực, phải biết tránh xa những thói hư tật xấu. Nó phải rời
quê này thôi. Có gì đó đang âm thầm hối thúc, buộc nó phải suy nghĩ, cân nhắc
lung lắm. Trằn trọc, suy nghĩ miên man đến lúc trời gần sáng, khi bóng trăng đã
nhạt mờ, gối lên ngọn cây phía trảng bưng, nó lẻn về nhà tắm rửa. Lúc này, má
cũng đã ra chợ nổi chất hàng cho mấy ghe thương hồ kịp nổ máy ngược dòng. Nó viết
mấy dòng để lại cho má rồi xách túi ra đi. Nó biết chắc má sẽ đau khổ lắm. Nên
khi vừa ngồi lên chiếc xe liên tỉnh, nó đã nghĩ lại, vì má, muốn quay về để “đối
chứng” nhưng rồi cảm giác căm thù cái ấp nhỏ có những con người hung dữ đã đuổi
đánh nó đã khiến nó hậm hực. Nó ngậm ngùi nuốt nước mắt vào trong...
“Về
rồi hả bây? Dữ ác hôn, làm gì mà đi biệt đến giờ...”. Điền giật mình, dù chưa kịp
quay đầu lại nhưng nó vẫn biết đó là ai. Cái giọng nói vút cao, ngọt xớt dù là
câu trách móc.
-
Dạ, chào dì, con mới về tới đây ạ!
Dì
Hạnh không giấu được niềm vui, cứ ôm lấy vai Điền, giục:
-
Con lẹ bước đi, má con sốt ruột lắm rồi!
Nghe
dì Hạnh nhắc tới má, Điền cảm giác mặt mình nóng lên, những giọt nước mắt bắt đầu
ứa ra. Giọng dì Hạnh cũng nghẹn ngào:
-
Thương má sao không biết đường mà về... Mà thôi, bước lẹ lên đi con!
Điền
“dạ” rồi líu ríu theo chân dì Hạnh.
Đến
trước nhà, lúc dì Hạnh đẩy cổng sắt đã hoen gỉ, xập xệ, tự nhiên Điền như muốn lùi
lại, lòng bồn chồn, bất an. Một cảm giác đan xen nửa như muốn quay đi, bỏ chạy
nửa như muốn chạy ào vào nhà, ôm chầm lấy má đang lúi húi dưới bếp...
-
Má...
Điền
nghẹn ngào, chân như không vững khi dì Hạnh dắt tay má đi ra...
Bữa
cơm đạm bạc, chỉ mấy thức ăn dân dã bắt từ dưới sông, hái ở sau vườn. Vừa gắp
khúc cá kho nghệ bỏ vào chén cho Điền, má nhẹ nhàng gần như thủ thỉ:
-
Sao con bỏ nhà đi lâu như thế?
Miếng
ăn chực nghẹn nơi cổ họng. Nước mắt trào ra. Điền đặt chén cơm xuống mâm, nắm
chặt tay má:
-
Má tha lỗi cho con nghen. Con không về không phải con sợ mà là do con ghét...
Điền
ngập ngừng, cúi mặt. Má ngạc nhiên, dì Hạnh cũng ngạc nhiên, tròn mắt nhìn
chàng trai hai mươi tuổi đang xúc động mạnh. Má gỡ tay Điền ra, uất ức:
-
Con ghét thân phận lạc loài đúng không? Má biết mà, má có lỗi với con nhiều lắm!
Nói
xong, má khóc. Điền bối rối thật sự. Nó hốt hoảng, phân trần:
-
Con thương má không hết chứ làm sao ghét được. Con ghét là ghét mấy người xua
đuổi con, kêu con là đứa không cha...
Điền
lại xúc động, đôi vai run lên, giọng nức nở. Dì Hạnh dỗ dành:
-
Thôi, bình tĩnh đi con trai, mọi chuyện đã qua lâu rồi. Con nay đã trưởng thành
rồi cũng nên biết đâu là phải quấy! Bọn người hay trộm gà bắt vịt đã bị pháp luật
xử tội... Con về ở với má, chăm sóc và yêu thương má nhiều hơn...
Dì
Hạnh âu yếm nhìn Điền thương cảm. Rồi dì chậm rãi nhưng đôi khi riết róng, đầy
bực bõ khi kể lại chuyện những con người hồ đồ từng xua đuổi Điền. Chính họ hoặc
con cái họ đã trộm vặt gà vịt hay giở lồng cá, bắt tôm. Sau khi Điền bỏ đi một
dạo, tình hình mất trộm vẫn còn tiếp diễn, chính quyền ấp, xã phải mời cấp trên
về điều tra làm rõ. Để tóm được bọn người này, các anh công an phải giả dạng mấy
người xứ khác đến gặt mướn, cắt cỏ thuê. Đến hàng tháng mai phục, dò la, mới
tóm được cả nhóm.
Điền
nghe không sót một lời. Nó lén nhìn má. Lòng cuộn dâng nỗi niềm khôn tả. Nó định
mở lời nhưng sự xúc động khiến nó cứ vân vê tà áo đã quăn queo.
Dì
Hạnh lại tiếp tục câu chuyện. Giọng nói của dì khi tức tưởi, lúc ngậm ngùi khiến
Điền thấy thương dì lạ. Nó ngẩng lên chăm chú nhìn dì. Một người bạn của má nhưng
lại coi nhau như hai chị em ruột, yêu thương chia sẻ vui buồn trong cuộc sống.
Dì tên Hạnh nhưng cuộc đời dì lại gặp nhiều bất hạnh, chứ hạnh phúc chưa mỉm cười
với dì lần nào cả. Một thời thanh xuân đi qua, với dì toàn nước mắt. Yêu thương
nông nổi, nhận lãnh hậu quả buồn đau, người ta bỏ dì đi tìm hạnh phúc mới. Dì
âm thầm sống, lo cho cha mẹ già trong căn nhà lá bên bờ sông. Đau đớn hơn nữa,
đứa con mới chập chững bước đi, niềm hạnh phúc hiếm hoi mà dì có được đã ngã xuống
sông trong lúc dì loay hoay vớt mấy giề lục bình. Xấu hổ hay bẽ bàng mà dì đã
tránh giao tiếp với mọi người xung quanh, ngoài má.
Ngày
má mang bầu Điền, mỗi mình dì chăm sóc lo toan. Nước mắt đớn đau của hai người
phụ nữ bất hạnh có thể chảy thành sông, thành suối. Họ thủ thỉ, động viên nhau.
Ông bà ngoại khắt khe đuổi má ra khỏi nhà. Bị gia đình từ mặt nếu không phá bỏ
cái thai nhưng má bất chấp, cãi lời: “Con của con không có tội tình gì tía má
ơi!”.
Điền
từng nghe dì Hạnh kể lại mà xót xa cho má. Nó ngậm ngùi rằng suốt đời này vẫn
không thể quên ơn cứu mạng của má. Thế mà Điền đành bỏ má ra đi để má phải mòn
mỏi đợi chờ. Cứ mỗi lần thấy chiếc ghe nào xình xịch nổ máy chạy ngang nhà, má
đều ra bến dòm chừng. Trong mơ, má hay nói sảng, thấy Điền theo ghé thương hồ về
bến cây bần...
Năm
mười tuổi, Điền lờ mờ biết được ba nó là ai, nhưng nó vẫn cứ cố tình dửng dưng,
làm như thể không quan tâm gì cả. Bữa dì Hạnh hỏi dò rằng nếu ba quay về tìm
hai má con thì nó chấp nhận hay không? Điền im lặng, ném mấy trái cà na xuống
nước, lõm bõm. Biết không thể thuyết phục được thằng nhóc cứng đầu, dì Hạnh lảng
ra, cất lên điệu hò não lòng: “Sông dài cá lội biệt tăm...”.
Rồi
ba Điền cũng trở về đứng dưới bến. Má giặt quần áo ở sàn nước, cạnh gốc cây bần.
Ba dúi vào tay má gói quà cho Điền. Má hất ngược lại, kêu nó không chịu lấy
đâu... Lúc đó, Điền ngồi ở chạc ba cây ô môi rình bắt tổ chim ra ràng. Nó nhìn
thấy hết. Khi chiếc ghe nổ máy xuôi về phía biển nó mới tụt xuống đầy vẻ bực tức,
hai bên háng trầy trụa, rớm máu.
-
Con nhìn thấy cả rồi à! - Má hỏi, tay vẫn vò liên tục tấm áo cũ đã bợt hai bên
vai. Điền gật đầu rồi đi vô nhà nằm, đến bữa má kêu mấy lần cũng không chịu ra
ăn...
Má
ngồi ở hàng ba. Bóng má in một khối buồn. Cơn ho khan khi trời trở bấc khiến má
cứ rũ người xuống. Gió từ ngoài sông thắt thẻo từng cơn.
Điền
nằm ở chiếc võng treo một đầu vào cột nhà, đầu kia mắc vào nhánh bình bát. Nó
đưa qua đẩy lại, trèo trẹo. Hình như má đang nhìn nó. Điền biết khi nó thấy má
thay đổi tư thế, mặt má hướng về phía nó. Điền thương má lắm nhưng vốn tính lầm
lì, ít biểu lộ cảm xúc nên cứ nằm im nghe ngóng.
-
Con về rồi có đi nữa không?
Giọng
má thủng thẳng, nhẹ hẫng rót vào sự tịch mịch của màn đêm khiến Điền giật mình
nhổm dậy:
-
Con không đi đâu nữa má ơi!
Điền
cảm giác nghẹn ứ nơi cổ, giọng như hụt hơi nên tiếng “ơi” không tròn mà gãy bè,
vụn vỡ đầy nỗi niềm.
Má
không nói gì, lẹt quẹt lê dép vào nhà. Khi má vừa khuất sau vòm tối của khung cửa,
Điền thấy lòng chênh chao, day dứt.
-
Má khổ lắm con biết không? - Dì Hạnh đã kéo Điền ra bờ sông kể lại mọi chuyện xảy
ra khi Điền bỏ nhà. Điền ngồi im như con mèo ngoan nằm trong xó bếp, lắng nghe
không sót một lời.
Ngày
Điền rời nhà, má suy sụp, không ăn uống gì. Đêm, má cứ đi lang thang dọc con lộ
hay gục đầu vào gốc bần ngoài bến và gọi tên con. Má vào chợ, ghé hàng bán gà vịt,
mấy người buôn kéo tay má: “Khổ thân chị quá nhưng tụi tui không thể minh oan
cho chị được”. Má lắc đầu, đau khổ. Có người thương cảm, ôm vai má vỗ về: “Thôi
mà, chuyện đã xảy ra lâu rồi, về đi mà đặng mần ăn”.
Má đi đi về về lặng thầm như chiếc bóng. Má ra
ngoài vườn, nhìn lên đọt ô môi hét toáng lên rằng: “Mày xuống không thằng mắc dịch”.
Gặp bọn trẻ đi học về, má chặn đường hỏi: “Thằng Điền đâu rồi bây”, khiến bọn
chúng xô nhau chạy và hét toáng lên: “Bà điên!”.
Má
gầy nhẳng, tiều tụy, tóc xơ rối bù. Ông bà ngoại nghe tin, đón má về bên kia
sông chăm sóc nhưng chỉ được một thời gian ngắn, má lại lén về. Má hay ngồi ở
hàng ba cười hề hề. Thấy chiếc ghe máy nào chạy sát bờ là vẫy tay, hỏi dò: “Có thấy
thằng Điền của tui đâu không?”. Phải mất gần một năm má mới bình phục. Nhất là
khi bọn trộm cắp bị bắt đưa về trụ sở công an. Má tươi tỉnh, bảo với mọi người:
“Nay mai thằng Điền về thôi. Nó đang làm việc trên thành phố...”.
Điền
và má đi chợ Tết. Dọc lô, những chậu hoa xếp ngay ngắn chờ người mua. Hoa thược
dược, hoa lay ơn, hoa cúc vạn thọ... Mỗi loài hoa một sắc màu khoe dưới ánh nắng
ban mai rực rỡ. Dưới sông, hoa từ muôn ngả theo những chiếc ghe cũng đổ về.
Trên bến, dưới thuyền, người mua kẻ bán tấp nập.
Ngang
qua quán cà phê ở góc chợ, nhạc xuân vang dội, Điền bất giác nhìn vào. Có mấy
người đàn ông tụm lại đánh bài ở chiếc bàn kê sát cửa. Trông già nua và nhếch
nhác. Má biết họ là những người từng đuổi đánh Điền nên kéo tay nó đi. Điền
nhíu mày nhìn họ. Một người trong đám bỗng đứng dậy, vẫy tay Điền. Nó ngạc
nhiên, nhìn sững. Ông ta cười thân thiện. Má bất ngờ, đứng nép vào người Điền,
khó hiểu.
-
Điền mới về hả? Thiệt tình, năm xưa, chú…Người đàn ông ngập ngừng, có chút lúng
túng, nhìn vào đám người đang la hét bởi ván bài kết thúc. Người đàn ông nhẹ
nhàng cầm tay Điền nói nhanh nhưng giọng hạ rất thấp:
-
Chú xin lỗi, chú sai rồi... Cũng vì hồ đồ, không biết đâu là phải trái!
Điền
rụt tay về và gật đầu. Một người phụ nữ dáng thấp đậm, xách giỏ lác đi chợ cũng
dừng lại, ngó nghiêng. Điền nhận ra cô Tư. Cô cười với má. Má đưa tay chỉ Điền
như thể giới thiệu. Cô Tư reo lên, thú vị:
-
Mèn đéc ơi, lớn tướng như thế này rồi đấy ư? Rồi cô cúi mặt như nhận ra điều gì
không phải. Cô đặt giỏ lác xuống đất, hai tay cầm lấy tay Điền thủ thỉ:
-
Cô biết con buồn lắm vì cô chửi rằng con là... Cô Tư ngập ngừng... Từ ngày con
bỏ đi, bọn trộm cắp bị bắt, cô ân hận lắm vì đã nghĩ xấu về con... Có má con
nè, cô hay qua nhà con như để chuộc lỗi... Con bỏ quá cho cô nhé?
Điền
bóp chặt tay cô Tư, nhìn gương mặt đầm đìa nước mắt của cô mà lòng nó thấy nhẹ
nhàng. Thì ra, thực tế không nghiệt ngã như nó từng nghĩ, một khi sự thật phơi
bày, con người ta sẵn sàng nhận lỗi và thứ tha. Nó bỏ đi như một thách thức sự
hằn học, hồ đồ của người đời. Còn nếu ngày ấy, nó bất chấp ở lại có lẽ mọi chuyện
đã khác, âu cũng là số phận.
Bất giác, một cơn gió sớm thổi qua, mang theo
hương vị ngọt ngào của hương hoa, của vị mứt sênh đường, cả vị phù sa của dòng
sông quê bốn mùa nước đục khiến lòng Điền sáng khoái, mở căng lồng ngực hít lấy.
Nó sà xuống hàng hoa ven lộ, chọn chậu hoa cúc mâm xôi vừa hé nụ và một cây mai
mini dáng thấp xòe thành ô xinh xắn đầy nụ xanh nõn.
Má nhìn Điền trìu mến. Nó tươi cười, kéo tay má vào chợ. Nó sẽ mua cho má quần áo mới và sắm Tết bằng những đồng tiền chân chính kiếm được trong những năm lưu lạc ở xứ người.
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét