1. Má Hai ngồi ở
mũi ghe, nhìn hút qua bên kia sông, nơi có mấy cụm lục bình hiếm hoi sót lại
sau mùa nước ròng. Vài bông tím lơ thơ, nhạt sắc dưới nắng chiều vàng vọt hắt
xuống mặt nước. Má cứ ngồi như thế. Lặng im như chiếc bóng.
Tôi lui cui thổi
lửa ở cái lò than tổ ong. Than ẩm, khói mù mịt. Gió bốn phía cứ thổi lung tung, không
biết xoay xở thế nào. Cặp mắt cay xè, khó chịu.
Má Hai quay lại,
chắc má nghe tiếng thổi phù phù liên tục của tôi, bảo:
- Huyền cứ để đấy,
lát rồi than cũng bén, ra đây tí đã!
Tôi với lấy chiếc
khăn vắt ở cây sào lau mồ hôi rồi chui ra, ngồi bên má Hai chân thỏng xuống, bàn
chân chạm nước, mát lạnh. Liếc nhìn gương mặt má Hai như đón từng ngọn gió chiều
hào phóng thổi tới, tôi thấy đẹp lạ lùng. Má Hai trẻ so với tuổi, chỉ hơn tôi
chừng mười tuổi là cùng.
2. Má Hai về với
cha con tôi từ dịp Tết năm nảo năm nao, khi tôi còn là cô bé thắt bím, ngực phẳng
lỳ, chưa mặc áo lót. Cứ mỗi buổi trưa còn lén cha nhảy ùm xuống nước, lặn hụp
như con rái cá. Quê má xa lắm, má Hai chỉ nói thế khi tôi hỏi. Tôi không gọi má
Hai là dì như mọi người thường gọi người vợ sau của cha mình. Với tôi, tiếng dì
không hay, không tình cảm được. Bữa nằm bên má Hai, tôi nói vậy, má vuốt tóc
tôi rồi siết chặt tôi vào lòng, ấm áp lắm.
Má tôi bỏ đi.
Tôi chỉ biết thế, khi cha tôi say và hét vào mặt tôi. Tôi cảm thấy hụt hẫng và
mất mát. Vì sao má bỏ đi? Cha nốc cạn ly rượu, dằn mạnh cái ly xuống sàn rồi trừng
trừng cặp mắt đỏ hoe, vằn những tia máu nhìn tôi như con mèo ướt, thu lu ở
trong góc. Cha không nói thêm gì nữa, cứ nốc ực từng ly đến say mèm rồi cha
khóc. Tiếng khóc của cha không thoát ra ngoài mà nghẹn tức trong cổ. Tôi sợ lắm,
càng thu thật nhỏ mình lại. Đêm ấy, cha không ngủ. Cứ ngồi đốt thuốc và nhìn những
giề lục bình trôi lạc, lênh đênh trên dòng nước.
Tôi cũng nói với
má Hai như thế. Thực ra, tôi cũng chưa thể hình dung ra má tôi là người như thế
nào? Má bỏ đi từ bao giờ? Trong kí ức khi còn nhỏ dại của tôi dường như chỉ có
mỗi hình ảnh cha mà thôi. Cha pha sữa bằng cái ca nhưa hay múc nước uống. Cha
vào chợ xin mấy miếng vải màu con con, kết lại treo ở nóc khoang. Cha vụng về
thắt hai bím tóc loe hoe cháy nắng của tôi. Cha cõng tôi qua vũng bùn đầy cỏ xước
để vào cồn hái bông điên điển.
Má Hai ngậm ngùi, cầm tay tôi bóp nhẹ. Má Hai
bảo sẽ yêu thương tôi, chăm sóc cho tôi được khôn lớn. Tôi tin lời má Hai bởi
bên má tôi được sưởi ấm bằng thứ tình cảm thiêng liêng, ấm áp chứ không phải sự
vờ vịt của mối quan hệ mẹ ghẻ con chồng như dân gian từng nhắc.
3. Má Hai mất
gia đình trong một trận bão. Chiếc ghe bị sóng dập, đứt dây neo, chìm ở cửa
sông. Đứa con gái nhỏ chừng hai tuổi bị dòng sông đục ngầu, nổi sóng nuốt chửng.
Chồng của má, lúc ấy đang bệnh thì làm sao chống chọi được với dòng nước hung
hãn đang rướn mình về biển như thế. Má thì may mắn vớ được khúc cây mục lênh
đênh trên dòng nước gần một ngày.
Má Hai khóc nấc.
Tôi không hỏi nữa mà ôm lấy má, hít lấy hít để vị mồ hôi mặn mòi quen thuộc
trên lưng áo mà má mang về sau buổi chợ.
4. Những cụm lục
bình dần lan kín mặt nước, ở khúc ngoặt của dòng sông. Hoa cũng bắt đầu khoe sắc.
Má Hai bị cảm nên không lên chợ mà ngồi bó gối nhìn ra ngoài. Cha tôi đứng dạng
chân ở đầu mũi ghe hút thuốc. Trông cha hiền lành, gần gũi. Cha quay lại, nói vọng
vào khoang:
- Coi bộ khỏe được,
má Hai dắt con Huyền lên chợ sắm sửa cho tươm tất, đặng mà ăn Tết!
Má Hai gật đầu,
nhìn tôi. Tôi đáp lại bằng nụ cười nhẹ. Rồi nhìn cha:
- Cha cần gì thì
nói, má Hai mua luôn?
- Không cần lắm
đâu, mua cây ba số là được rồi!
Cha tôi vẫn hay
hút thuốc, mà là ba số, loại thuốc ngày trước má hay từ xóm chợ, trốn ra gốc bần
ở bến sông chờ cha chạy ghe qua, nói vài ba câu rồi đưa cho cha bao thuốc và một
tờ thư. Cha bảo với tôi vậy, riết rồi không quen hút thứ khác. Nhắc tới người
đàn bà, mà tôi lờ mờ nghĩ là má tôi đấy, cha thường tư lự. Mỗi chiều, nhìn bóng
cha đổ dài trên mặt nước, khói bay vờn quanh mái tóc lơ thơ bạc, tôi cảm tưởng
mọi điều xảy ra xung quanh không hề vang động đến tâm hồn cha. Má Hai biết tính
cha nên cũng lắm lúc e dè ngồi cạnh để mong
được chia sẻ cùng cha nhưng đều vô hiệu. Cha nhìn má Hai bằng ánh mắt dịu
dàng, nồng ấm. Cha nhẹ nhàng nói với má Hai bằng giọng điệu thân tình, ngọt
ngào khác hẳn với ngôn ngữ chao chát, cộc cằn thường thấy khi cha bon chen mua
bán.
5. Tôi thường ngủ
với má Hai, trong khoang. Còn cha thì ở mũi ghe, che sương bằng tấm nilon được
căng chằng ở bốn đầu. Mưa thì cha vào khoang, nằm mép ở góc, co lại như một con
tôm, khắc khổ.
Tôi quyết định sẽ
nói với cha là tôi muốn đi học nghề, nghề gì cũng được, miễn sao được bước ra
khỏi chiếc ghe xuôi ngược con sông này. Cha nhìn tôi rồi nhìn má Hai. Má Hai im
lặng,vì má đã biết ý định này của tôi, chỉ chờ cha lên tiếng.
Rời khỏi chiếc
ghe đó là điều tôi đắn đo ghê gớm. Nhưng tôi đã biết mình không còn con nít,
không thể ở mãi một chỗ, quẩn quanh và tầm mắt không vượt ra ngoài mấy khóm lục
bình. Thêm nữa, tôi muốn dành không gian của chiếc ghe chở hàng chật chội cho
cha và má Hai.
- Con muốn học lấy
cái nghề, đặng nuôi sống bản thân!
Tôi phân trần.
Cha ném mẩu thuốc còn lại xuống nước rồi tiến lại gần tôi. Cha kéo tay tôi ngồi
xuống. Cử chỉ này, đối với tôi rất lạ. Cha chưa bao giờ ân cần với con gái như
thế cả. Cha nhẹ nhàng, không nhìn tôi:
- Con đã tính kỷ
chưa, lên đấy liệu sống được không?
Tôi biết mình có
thích nghi được hay không nhưng cũng phải đi. Tôi từng chứng kiến má Hai xoay
trở liên tục trong những đêm trời trở bấc. Cơn bấc ngoài kia xao xác trong khóm
dừa nước, lập lòe ánh lân tinh và tiếng bìm bịp từng hồi thê thiết. Cha tôi
cũng không ngủ được thì phải. Tiếng ho khan dội vào lòng tôi bao nỗi niềm. Sáng
ra, đầu tóc má Hai rồi mù. Vạt áo trễ tràng, xộc xệch. Má tránh ánh nhìn của
tôi bằng cách đưa tay vớt cánh lục bình rồi khe khẽ hát “Về phương Nam ngắm
sông ngậm ngùi,thương những đời như lục bình trôi”.
Giọng má Hai buồn
trĩu, vô tình vang đến mấy chiếc ghe neo phía trong bờ, vướng phải ánh mắt của
mấy kẻ thương hồ. Họ ngẩng mặt lên, lắc đầu. Tôi nhẩm lại lời bài hát, nghe xốn
xang lòng.
- Huyền đi, tôi
cũng đi!
Tôi bất ngờ nhìn
sững má Hai.Còn cha không nói gì,chui vào khoang để qua mũi ghe bên kia. Cha
nhìn về phía có những đám mây màu mỡ gà loang khắp bầu trời bởi những tia nắng
chiều rọi chiếu.
Má Hai cũng muốn rời xa chiếc ghe thương hồ
này sao? Hay má Hai có điều gì ẩn ức giấu tôi? Tôi muốn má Hai và cha sớm tối
có nhau, được gần gũi, yêu thương. Mỗi sáng ghe cập bến, cha vác hàng đi trước,
má Hai xách túi theo sau. Chặp trưa,ghé hàng cơm ăn vội rồi lại khuân hàng xuống
ghe, cởi dây neo, nổ máy. Những tối trăng thanh gió mát, má Hai và cha ngồi ở
mui ghe nói chuyện, những câu chuyện không đầu đuôi, rời rạc,chắp vá sau một
ngày rong ruổi. Tôi muốn hai người có cử chỉ thân mật chứ suốt quãng thời gian
má Hai về sống với cha con tôi, tôi chưa bao giờ nghe cha nói một câu tình tứ với
má cả. Khi nào cần gì, cứ gọi trống không dù giọng của cha luôn ân cần, điềm đạm.
Có lần tôi thắc mắc, má Hai chỉ cười. Má vừa thắt bím tóc cho tôi vừa bảo:
- Cha Huyền là một
người đàn ông tốt!
- Má Hai thương
cha Huyền nhiều không? Tôi ghé sát mắt vào mặt má Hai, giọng tinh nghịch. Má Hai
không trả lời, chỉ áp cái mặt xương xẩu vào tóc tôi, lảng tránh:
- Tóc Huyền thơm
nắng quá đi!
Tôi cười thành tiếng vì cảm giác nhồn nhột, thế là
quên ngay, không cần biết câu trả lời của má Hai là gì.
6. Tôi trở về nhằm
mùa con nước nhảy bờ. Khắp nơi lục bình giăng kín, hoa nở biêng biếc một màu đầy
ám ảnh. Dưới tán cây bần chiếc ghe quen thuộc không còn nữa. Có lẽ cha và má
Hai đã ngược sông thu mua nông sản để bán dịp Tết. Nhìn dòng nước miên man,
nhìn những giề lục bình nối nhau trôi mải miết, lòng tôi chợt xốn xang.
7. Vĩ thanh
Người dân ở xóm
chợ, mỗi lần con nước lên, nhìn từng giề lục bình tím biếc thường hay nhắc về một
người đàn ông vì nghèo mà bị người yêu phụ bạc, đành chấp nhận cuộc đời thương
hồ trôi nổi. Người đàn ông ấy đã cưu mang đứa trẻ bị bỏ rơi và người đàn bà mất
chồng con trong một trận lũ.
Trông họ như một
gia đình, nhưng thực ra ba con người ấy chỉ là những cánh lục bình lạc loài
trên dòng sông số phận, vô tình gặp nhau tạo thành giề, thành cụm. Cứ thể họ dắt
díu nhau trên suốt hành trình cuộc đời đầy sóng gió!
Sơn Trần
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét