Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày
312 trang, khổ 13x19 cm, giá 100.000 đ. Mời quý bạn đọc ủng hộ!
Văn học Việt Nam vào những năm đầu thế kỷ XX bị chi phối khá sâu sắc từ văn học phương Tây nên đã có khá nhiều tác giả mạnh dạn tách biệt khỏi lối mòn sáng tác cũ nhằm xây dựng thế giới nhân vật vượt ra khỏi tư tưởng Nho gia gò bó để hướng đến người lao động. Và trong đó có nhà văn ở miền Nam là Hồ Biểu Chánh. Con người trong tác phẩm Hồ Biểu Chánh là con người của bổn phận, luôn ý thức được trách nhiệm của bản thân trong tất cả các mối quan hệ trong cuộc sống đời thường. Hồ Biểu Chánh đã khai thác tối đa đề tài gia đình, đặc biệt là tình cha con vì theo ông quan niệm thì gia đình là một trong những tế bào để hình thành nên xã hội.
Hồ Biểu Chánh cho ra đời nhiều cuốn tiểu thuyết lôi cuốn người đọc nhưng Cha con nghĩa nặng là tiểu thuyết thành công nhất của ông. Nội dung cốt yếu của tác phẩm được xoáy sâu ở một số phương diện chính:
Tác phẩm mở đầu là cách giới thiệu trực tiếp về nhân vật chính là Trần Văn Sửu đi thăm ruộng từ lúc trưa đến nửa chiều mới trở về nhà. Trần Văn Sửu ở Giồng Ké, làm ruộng cho bà Hương Quản Tồn dưới Phú Tiên.
Trần Văn Sửu là người nông dân nghèo, chất phác. Bên ngoài mặc chiếc áo đen với cái quần vắt lại đứt tả tơi. Bữa nay chàng đi bắt cá cạn được vài con nên gương mặt Sửu hớn hở, trong lòng dâng lên một niềm vui phơi phới.
Trần Văn Sửu về tới nhà nhìn thấy hai đứa con lớn là thằng Tý và con Quyên đang ngồi nhồi đất nặn con trâu chơi ngoài sân. Thằng Tý ở trần trùi trụi, hai tay bùn đất còn dính cục. Nó vội chạy ra xách nhanh xâu cá vào nhà. Còn Trần Văn Sửu: “nắm tay con Quyên dắt lại khạp nước dựa hè, rồi cởi áo con nhỏ ra, múc nước xối mà tắm cho nó. Anh ta kỳ tay, kỳ chơn và gội đầu xong rồi mới thay quần áo cho nó.”
Người vợ của Trần Văn Sửu là Thị Lựu trên người mặc quần lãnh đen cùng áo vải đen vẫn còn mới, đầu tóc chải mượt, tay bồng đứa con nhỏ trong nhà. Khi thấy chồng về chỉ đứng dựa cửa, không lấy làm mừng mà còn quýt một cái nữa. Khi nghe Trần Văn Sửu Sửu hỏi vợ ở nhà sao không để ý hai con mà để chúng chơi bẩn như thế thì Thị Lựu ngay lập tức lên giọng nói: “Chơi giống gì mà dơ dáy thứ con nít thì nó chơi, giỏi sao không ở nhà đó mà giữ nó”.
Thị Lựu vốn là người được chồng cưng chiều nên đâm ra có tính nết không tốt, lại thích dựa dẫm, lúc nào cũng thích làm đẹp để đi dạo đầu trên xóm dưới còn chuyện nội trợ, con cái thì một tay Trần Văn Sửu lo liệu.
Thuở nhỏ, Trần Văn Sửu đã mồ côi cả cha và mẹ từ sớm, trong làng lại không có phương kế làm ăn nên đành bán ccăn nhà rách rồi đi ra ấp Phú Tiên để làm mướn. Chàng lấy vợ rồi Thị Lựu mang bầu thằng Tý nhưng chẳng có tiền trả nợ mà phải xin trả tiền lời để vốn năm sau. Làm lụng vất vả chẳng nghỉ tay kết cuộc cũng dứt được nợ thì cũng vừa lúc Thị Lựu mang thai con Quyên. Thế nhưng, Vợ không biết lo nghĩ cho tương lai để tiết kiệm mà còn đòi ra ở riêng tư. Chàng lại tiếp tục vay mượn tiền dọn về nhà lá nhỏ nhằm muốn hài lòng theo ý của vợ: “Hương Thị Tào thương con rể, muốn chúng nó ở chung hủ hỉ cho vui mà Thị Lựu không biết nghĩ đành bỏ cha mà ra tư ra riêng”.
Trần Văn Sửu là người có bụng dạ thật thà, luôn lo nghĩ, bươn chải để tìm kế sinh nhai và cũng không tranh hơn thua với mọi người. Song Thị Lựu lại có tính tình hay hỗn hào, kiêu căng, không chịu lo việc cơm nước gia đình. Nhà tuy nghèo mà nàng lúc nào cũng se sua, sắm sửa đồ mới.
Mọi người ở trong làng thấy cảnh gia đạo của Trần Văn Sửu như thế nên bàn tán xôn xao, bảo rằng chàng vô phước nhưng trái lại Trần Văn Sửu vẫn để tai bên ngoài, vẫn an ổn siêng năng làm ăn như thường lệ, không suy nghĩ nhiều chuyện vợ con mà cũng không hề than thở một điều gì về sự cực nhọc.
Thông qua nhân vật Trần Văn Sửu được xây dựng, Hồ Biểu Chánh đã thành công khi khắc họa nên bản chất của người nông dân ở nơi có những cánh đồng trù phú mênh mông của một góc miền Tây. Đó là sự cần cù chăm chỉ. Họ luôn nở nụ cười hiền với công việc dù gian nan, thử thách: “mới đầu canh tư, tiếng còi túc nghe đều tứ hướng, ấy là còi của chủ điền kêu công gặt dậy sớm nấu cơm. Lối nửa giờ theo mấy bờ mẫu, thấy người ta đi có hàng, ấy là công gặt đi về, đàn bà chen lội với đàn ông, người nào cũng vui cười hớn hở”
Nhân vật Trần Văn Sửu là hình ảnh của hững con người chân phương, mộc mạc từ lời nói đến cách ăn mặc cũng rất tự nhiên và giản dị mang dấu ấn văn hóa ruộng vườn. Hạnh phúc đơn sơ của họ là được cơm no, áo mặc, gia đình yên ấm nên trọn cuộc đời luôn chăm chút làm lụng.
Qua tết, nơi thôn quê bắt đầu nảy sinh những vui vẻ lạ thường. Đường đi trở nên khô ráo, ra và sạch sẽ, gió thổi hiu hiu mát mẻ vô cùng. Lúa ngoài đồng nơi thì đang gặt hái, chỗ thì đã chín tới rồi nên nhìn từ xa thấy một vùng đỏ đỏ vàng vàng thật đẹp mắt: “Ấy là mồ hôi nước mắt của nông phu c hân rướt trót mấy tháng trường, mà ấy cũng là cơm gạo áo quần của nông phu trông cậy về năm sẽ tới”.
Vì mùa lúa được bội thu nên Trần Văn Sửu ra đường từ rất sớm, Mặt trời chưa mọc thì chàng đã hai vai mang vòng hái, tay xách gói cơm, mở cửa nhè nhẹ bước ra sân mà đi. Nửa đường thì gặp thằng Xuyên với Hương Tuần Tam hỏi chuyện vợ mình làm anh không hiểu lắm. Đến trưa về hỏi lại thì mới biết được là Thị Lựu dan díu với Hương Hảo Hội.
Cho đến mấy ngày sau đang giữa lúc trời tối đau bụng nên chàng vội vả trở về nhà thì tận mắt chứng kiến Hương Hảo Hội có mặt trong nhà mình. Thế là vợ chồng Trần Văn Sửu cãi nhau, thằng Tý với con Quyên sợ quá núp sau cái cối xay lúa. Giữa lúc đó, Thị Lựu lấy con dao bầu trên ghế nghỉ nhắm vào mặt chồng mà chém nhưng may mắn Trần Văn Sửu tránh được, chàng đưa chân đạp vợ mạnh quá làm nàng ngã đập đầu vào cạnh ván nghe cái bốp: “Thị Lựu nằm dài dưới đất, không cục cựa mà cũng không nói chi hết.”. Bi kịch đã xảy ra, Thị Lựu nằm bất động, trơ trơ như khúc cây, mắt mở không có thần, trong miệng trào ra ít giọt máu đỏ. Thế là Thị Lựu đã chết. Cũng từ dạo ấy, chàng bỏ đi biệt tích, không về nhà nữa, để ba đứa con ở lại với ông ngoại bọn chúng. Rõ rang, từ một gia đình đang sống yên gió lặng bỗng dưng nổi trận ba đào khiến cả nhà chàng phài chịu cảnh ly tan, buồn thảm. Đó là một biến cố đầy bất ngờ trong cuộc đời Trần Văn Sửu.
Hương Thị Tào, cha vợ của Trần Văn Sửu, năm nay đã năm mươi tuổi, tóc bạc hoa râm, răng thì rụng hết vài cái. Hoàn cảnh nhà ông lại nghèo túng, từ khi Trần Văn Sửu bỏ đi xa thì thằng Tý đã phải đi làm ruộng. Thời gian lặng lẽ trôi qua, rồi đến một hôm, Trần Văn Sửu, người mà ai cũng nghĩ rằng sau cái chết của vợ đã nhảy sông tự tử bỗng quay trở về: “Trăng tỏ rạng như ban ngày, ông thấy người Thổ hồi chiều đó đương xâm xâm đi vô cửa.”. Về tới nhà nhưng chàng vẫn không vào gặp con, chỉ đứng khóc rồi nói với cha vợ vài lời liền cắp thúng đi ra lộ. Mới đó đã mười một năm, chàng sợ, lại không dám đối diện với con nữa. Rồi chàng nghĩ đến chuyện bấy lâu nay bôn ba chịu khổ mà sống cũng là vì tấm lòng thương con, sợ con không hiểu việc xưa mà đâm ra oán trách cha, sợ con bơ vơ đói rách: “Bây giờ mình biết nó thương mình, nó còn kính trọng mà nó lại gần được giàu có sung sướng hết thảy nữa, vậy thì mình nên chết cho rồi, chết mới quên được việc cũ được, chết đặng hết buồn rầu cực khổ.”. Còn đang phân vân thì thằng Tý đã chạy nhanh đến nắm lấy tay của cha mình, Sau những lần khuyên nhủ thì chàng cũng chịu đoàn tụ cùng gia đình.
Nhà văn Hồ Biểu Chánh là một người có cái nhìn tinh tế sâu sắc với cuộc đời, ông đã để cho nhân vật của mình trải qua đau khổ, mất mát. Từ đó đúc kết được bài học và bình tâm nhận ra đâu là hạnh phúc thật sự. Trần Văn Sửu là sự minh chứng cho những đổi mới về quan niệm cá nhân của nhà văn. Chàng là hiện thân cho tầng lớp nhân dân mà ông muốn hướng đến để làm rõ phẩm chất bình dị, nhân hậu, chất phác và siêng năng, nhẫn nại của người lao động.
Song song đó, Hồ Biểu Chánh đã bộc lộ trực tiếp thái độ yêu ghét của bản thân đối với nhân vật Thị Lựu. Sơ lược qua trong hầu hết các sáng tác, ông đều đề cao chữ hiếu, chữ nghĩa và chữ tiết hạnh nên cái chết của Thị Lựu được coi như là hệ quả tất yếu của luật nhân quả. Mặc dù quan niệm về người phụ nữ tốt đẹp phải là người tiết hạnh vẫn còn phần nào đó ảnh hưởng một mặt của Nho gia nhưng Hồ Biểu Chánh lại không quá khắt khe, bảo thủ hay áp đặt như vậy.
Cha con nghĩa nặng đã làm nổi bật lên tình phụ tử cao đẹp. Nhân vật của Hồ Biểu Chánh phần lớn đều thể hiện được tính cách dám đối mặt với thử thách ngiệt ngã của cuộc đời để được trưởng thành thật sự như Trần Văn Sửu hay thằng Tý. Họ dám sống và khao khát cho những hoài vọng lớn lao, không ngừng vươn lên để khám phá những điều mới mẻ. Đây chính là nét mới trong tính cách con người hiện đại.
Có thể thấy, Hồ Biểu Chánh là nhà văn nặng nghĩa với cuộc đời, Phần lớn những sáng tác của ông mang nhiều giá trị về đạo đức . Và Cha con ngĩa nặng là tác phẩm đã ghi lại dấu ấn trên chặng đường sáng tác của ông. Nó phản ánh được không khí gia đình, hơi thở của người bình dân Tây Nam Bộ bằng một lối viết văn chân phương, trong sáng, giàu tính nhân văn của tác giả. Hồ Biểu Chánh ít nhiều đã thể hiện được một luồng sáng tác theo lối mới, khơi nguồn cho nền văn học Việt Nam chuyển mình sang một giai đoạn mới, giai đoạn văn học Việt Nam hiện đại.
Trần Thanh Xem
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét