Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày
312 trang, khổ 13x19 cm, giá 100.000 đ. Mời quý bạn đọc ủng hộ!
Nhà tôi nghèo lắm, tuy trên phố nhưng ở tít sâu trong một con hẻm nhỏ. Mỗi ngày nắng thì không đến nỗi, những tháng cuối năm mưa dầm dề không còn cái cực nào hơn. Nhà sát nhà nên nước không thoát được, hệ thống cống nước hầu như hoạt động không hiệu quả, hầu như chỉ một trận mưa nhẹ là nước đã ngập lưng lửng mắt cá chân. Còn những khi mùa mưa kéo về thì nước mênh mang, có bận ngập nửa bánh xe, có khi lại lưng chừng hơn cả đầu gối nên sinh hoạt cũng trở nên khó khăn hơn.
Ngày tôi còn bé, ở trong một căn nhà cấp bốn khiêm nhường, tuổi thơ của tôi là những hình tượng rõ nét về sự bảo vệ của ba rõ rệt trong những ngày mưa ấy. Nhà tôi khi ấy là nhà mái lợp, nên khi mưa về thì ngoài tường thấm nước thì mái nhà còn có những chỗ dột. Thi thoảng khi cơn mưa kéo về buổi đêm, tôi vẫn hay trở mình vì vài giọt nước bắn tung tóe lên mặt. Trong giấc ngủ lờ mờ tôi chợt nhận thấy bóng dáng của ba, vì ba khá to cao nên trông rất nặng nề, leo lên tủ, rồi leo lên các cột giăng ở mái nhà, giăng những chiếc áo mưa ra che những chỗ nhỏ nước. Tôi nằm nép mình ở một góc giường nghe tiếng mưa rơi lộp bộp trên chiếc áo mưa, cứ được một lúc nước mưa làm căng áo thì ba tôi lại leo lên chắt nước, và cứ thế thức cả đêm…
Có một bận con nước lên cao, năm ấy là một trận lụt lớn. Khi thức dậy lúc nửa đêm vì buồn vệ sinh, đưa chân xuống sàn nhà thấy đã ngập nước lưng lửng tôi hét toáng lên trong đêm. Ba đã vội thức dậy bế thốc tôi lên, lau thật khô chân tôi nhẹ nhàng: “Nước ngập nhà rồi, có đi đâu thì gọi ba, ba bế đi, nước ướt chân con sẽ nhiễm lạnh đấy.” Tôi vẫn nhớ như in bóng dáng to lớn của ba lội nước để khiêng đồ đạc trong nhà và kê đồ lên cao, và thi thoảng lại quay lại nhìn đứa con gái đang ngồi im ắng trên chiếc giường như sợ con nghich nước.
Những ngày mưa như thế này, được nghỉ học thì lũ chúng tôi rất vui, nhưng nếu có thể thì luôn cố gắng đến trường. Ba cũng không muốn tôi mất bài học nên dù mưa to và việc đi lại khó khăn ông vẫn luôn cố gắng chở tôi đi học. Nhà tôi khi ấy chỉ có chiếc xe đạp, đôi khi nước ngập bánh xe, đạp xe không được, ba sẽ bận cho tôi chiếc áo mưa nhỏ, đặt tôi yên vị lên xe, còn ông sẽ đi dắt bộ bên cạnh. Hai tay tôi sẽ ôm lấy cổ ba, còn ba dắt xe với tôi ngồi yên trên đó cứ thế ra khỏi hẻm, ra đường lớn thì mới đạp được chở tôi đến trường. Sau này, khi tôi lớn dần lên, vẫn là chiếc xe năm xưa, vẫn ngồi trên yên xe với lời dặn: “Ngồi yên chịu khó co hai chân lên cho khỏi ướt nha con.” Nhưng khi thời gian dần trôi qua, tôi chợt nhận ra bóng dáng tôi cao dần lên cũng là lúc những cuốc xe đạp ấy bắt đầu không còn vững chãi nữa, chỉ là sự gồng mình của ba tôi đã không chạy thoát khỏi gánh nặng thời gian đang run run dắt tôi đi…
Thời gian cứ thoi đưa, tôi năm nay đã ba mươi tuổi. Gia đình tôi cũng đã chuyển đi một con phố khác, dù nước vẫn còn ngập nhưng ít ra không đến nỗi dâng cao như con hẻm nhỏ xưa kia. Thế nhưng, năm này, khi mùa mưa kéo về, mùa nước lại lên, đường sá trở nên khó khăn hơn với sỏi đá cát làm đường vẫn đang dang dở trong một cuộc thi công. Tôi chuẩn bị đi làm nhưng tay lái vốn không cứng nên cũng tính hay đi nhờ một cuốc xe ôm thì đột nhiên thấy ba tôi, mái đầu điểm bạc, dắt cái xe máy cũ kỹ mà ông vẫn hay đi ra phía trước nhà, nhìn tôi nhỏ nhẹ:
- Ra đây ba chở đi làm. Đường bây giờ khó đi lắm. Con đi không cứng rồi lại ngã.
Tôi đã ba mươi rồi. Tôi đã lớn trong mắt mọi người lắm rồi nhưng dường như trong mắt
Ba mình tôi vẫn chỉ là một đứa bé, luôn được cần ba chở đi mỗi khi mưa về, mỗi khi đường ngập nước, và nhắc tôi thật khẽ: “Đây này, con đạp lên ụ đất này leo lên xe luôn cho khỏi ướt. Nước ướt chân con rồi lại đau…”
Lê Hứa Huyền Trân
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét