- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
Chị là con cả trong gia đình nên tôi gọi là chị Hai. Chị có vóc người nhỏ nhắn, khuôn mặt giống cha tôi, sóng mũi cao, nụ cười luôn nở trên môi, đặc biệt là tính tình của chị hiền hậu, sống không mắc lòng ai nên được bà con lối xóm yêu quí. Đúng như vậy, ngày chị mất một anh ở ấp Trung Lương đến thắp nhang viếng chị, cho tôi hay: Nhờ chị Hai đã giúp anh chống đỡ trong những ngày “sóng gió” để nuôi đàn con nheo nhóc. Mình xem chị như chị ruột vây!
Còn đối với tôi thì
hình ảnh chị không bao giờ mờ phai trong tiềm thức. Ngày chồng cưới thì tôi
không nhớ, khi lên 9 lên 10 thì tôi mới biết chị theo chồng về “xóm núi”. Đến bây
giờ tôi vẫn còn nhớ, sớm mai chị gánh rau xuống chợ Vải bán, rồi ghé thăm nhà,
bao giờ cũng quà bánh cho tôi. Hàng năm, chuẩn bị ngày tựu trường, gặp tôi bao
giờ chị cũng hỏi: Tám (vì tôi là con thứ tám trong gia đình) đầy đủ sách vở
chưa? Bởi hồi đó nhà tôi nghèo, còn hoàn cảnh của chị thì cũng không dư dật gì.
Hơn nữa, thân phận làm dâu hồi ấy thì mọi người biết rồi. Muốn giúp cho em út
cái gì thì phải chắt chiu, ngó trước, dòm sau, chứ không phải như bây giờ. Cho
nên những gì chị giúp cho tôi là cả một tấm lòng ruột rà máu mủ, vượt qua mọi
rào cản “Xuất giá tùng phu”. Tình cảm của chị đối với tôi như mạch nguồn không
vơi cạn. Khi tôi trưởng thành lập gia đình, giữa lúc “gạo châu củi quế” đồng lương
giáo viên khiêm tốn, khó nghèo rình rập. Quá bức xúc, tôi gặp chị và nói: Chi
Hai ơi, em định nghỉ nghề dạy học, xin việc làm khác để cải thiện. Chị trầm
ngâm thở dài, rồi nói: Tám nghĩ sao chứ chị thì khuyên nên ở lại nghề dạy học.
Chị giải thích: Vốn dĩ, cha mình yêu thích nghề thầy giáo, bởi một nghề trong
trắng, thanh bạch. Hơn nữa, ra ngoài đời không dễ gì đua bơi với họ, còn chuyện
đói no thì chị em mình san sẻ nhau. Nghe lời chị, tôi tiếp tục trụ bám với nghề.
Kể từ đó, khi gia đình tôi gặp khó khăn là chị sẵn sàng giúp nay mủng sắn, mai
rổ khoai, đôi ba cận gạo để chống đỡ. Nhờ đó mà tôi cầm cự đến năm 1997, mới
chuyển ngành sang công tác khác.
Trời đất ngó lại, cuộc
sống chị em tôi cũng dần bảo hòa. Thường là ngày cuối tuần, hoặc mỗi lần đi công
tác cánh Tây Điện Bàn, bao giờ tôi cũng ghé thăm, chị em trò chuyện buồn vui
trong cuộc sống.
Rồi một ngày, tai ương ập
đến, chị ngã bệnh tai biến liệt nửa người. Mỗi lần ghé thăm, nhìn tôi, chị khóc
như trẻ con ấm ớ nói không nên lời. Tôi chỉ biết an ủi chị. Rồi tôi thầm trách
ông trời, “ở hiền gặp lành” đâu chẳng thấy, chị tôi ăn ở như thế mà sao chịu cảnh
trái ngang.
Tình thương của chị đối
với tôi không dừng ở đó, một hôm, con trai của chị nói với tôi, cậu ơi, mẹ con
muốn gởi cậu món quà, cậu cố gắng nhận không thì mẹ giận hờn. Qua tìm hiểu được
biết, là nhà chị được đền bù đất đai, chị muốn giúp đỡ cho tôi. Tất nhiên là
tôi không nhận, bởi chị nằm liệt giường, mình không giúp thì thôi nỡ lòng nào
nhận món tiền ấy. Tôi lên nhà gặp chị trình bày ý nghĩ của mình. Chị giận hờn
khóc lóc và buộc tôi phải nhận món tiền ấy.
Và còn nhiều tình cảm
yêu thương của chị, góp phần sưởi ấm cho tôi trong những tháng năm sóng gió, đối
mặt với sự bạc bẽo, ghẻ lạnh của cuộc đời. Qua đó, tạo động lực cho cho tôi vững
bước trên con đường vươn đến cuộc sống ấm êm. Tình cảm của chị đối với tôi là
như thế, còn đối với cha thì chị là một người con hiểu thảo, miếng ngon vật lạ
đều dành cho Người. Vì vậy mà trước lúc lâm chung, cha tôi thường nhắc: Chị Hai
bay sao chưa thấy về…?
Khi viết bài này, chị
đã đi xa, tôi chưa kịp đáp đền. Giờ đây với tôi đối với chị chỉ còn nén tâm nhang để tưởng nhớ,
một người chị nghèo nhưng giàu lòng nhân hậu, thơm thảo và xin cầu nguyện cho
hương hồn chị tôi ở cõi vô thường phiêu diêu miền cực lạc, phúc lành!
Quảng Nam, chiều mưa 14/10/2022.
Hữu Dũng
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét