- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
Nhà thơ Nguyễn Hàn Chung còn có các bút danh: Nguyễn Phong Hàn, Nguyễn Đức Mù Sương, Nguyễn Mù Sương. Quê quán của anh ở Điện Bàn, Quảng Nam. Anh dạy học ở Đà Nẵng từ 1971 – 1975, từ 1975 – 2006 ở Quảng Nam, năm 2006 đến nay định cư ở Hoa Kỳ. Tác phẩm xuất bản: Tìm tôi trong bóng (NXB Đà Nẵng, 1999). Nói hộ phù du (NXB Đà Nẵng, 2002). Nghịch lưu của tuổi (Ebook Da Màu, 2011). Dự cảm rời (NXB Bản sắc Việt, 2016). Lục bát tản thần (NXB Bản sắc Việt, 2018). “Mót chữ trong Kinh”-Tập thơ 244 bài thơ bốn câu, NXB Mở Nguồn, 2020…
Thơ của nhà thơ đồng hương xứ Quảng Nguyễn Hàn Chung tôi ấn tượng
và yêu thích bởi nhiều điều, nhưng gần đây tôi lại yêu thích thơ ông không chỉ bởi
cái khoảng trống đề tài mà thi ca nhiều năm qua (có lẽ vậy) ít được đề cập, mà đó
còn là cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề này với một tinh thần rất Nguyễn
Hàn Chung. Nội hàm chủ đề vợ.
Vẫn biết, xưa nay thi nhân vẫn dùng những vần thơ đẹp nhất dành
cho phái đẹp là mẹ, là em (có
thể là người yêu, người tình, hay một bóng hồng nào đó lướt qua đời mình). Những tác phẩm trên thi đàn nổi tiếng phải kể “thương vợ” của
cụ Tú Xương nhưng rồi về sau thì thơ ca viết về vợ ít được đề cập hơn. Phải
chăng những vần thơ dành cho vợ là thứ
rượu hiếm (cả số lượng và chất lượng) được chưng cất cả bằng niềm thương, lòng
biết ơn đôi khi cả sự hối hận và cả nỗi nợ nần không gì đền đáp…
Trong số những bài thơ hay viết cho vợ có thể đếm trên đầu ngón tay, tôi
đặc biệt bất ngờ và xem là tuyệt tác khi đọc được bài thơ “Nhớ” của cố nhà thơ
Khương Hữu Dụng.
“Em luôn miệng cằn nhằn/
Kêu mưa rồi trách nắng/
Ước gì em đi vắng/
Ðược một ngày yên thân/
Em vĩnh viễn ra đi /
Mênh mông nhà lạnh vắng
Ước gì nghe em mắng/
Vui tiếng em cằn nhằn.”
“Nội hàm” vợ, viết cho nỗi nhớ thương quả thật có những bài thơ
hay đến vậy nhưng để viết cái chỗ “hục hặc” trong cánh cửa nhà mình chắc chắn
nhiều người sẽ đồng quan điểm, chẳng dễ dàng gì thành thơ. Điều này khó nói hơn
cả những điều khó nói. Song mới đây trên một trang văn chương trong nước đăng tải
một chùm thơ của nhà thơ Nguyễn Hàn Chung tôi tình cờ đọc được và rất thích thú,
khéo khen chẳng chút bông lơn, sao nhà thơ viết tài đến vây.
“…Anh feel good còn em feel bad
trời se duyên hai đứa sống chung
sao tránh khỏi vợ chồng hục hặc
cặp đôi nào không tứ hành xung.
Em feel bad còn anh
feel good
sống cùng nhau đến cuối cuộc cùng
mà không phải tan đàn rã nghé
nhờ chúng mình khéo đậy nắp vung
Anh tạm mở nắp vung
em nhé
cho khói bay thấm tận nghìn trùng.”
(Bài Feel good & feel bad)
Rất đồng cảm với tác giả
Dương Diên Hồng với lời nhận định, thơ Nguyễn Hàn Chung là vần điệu gần gũi mà
ý tứ thăm thẳm, lắt léo. Đọc cách này lóe ra hiểu cách khác nhưng dù bằng cách
nào đi nữa thì con đường đến thơ của ông cũng rất độc đạo. Con đường đó đầy cảm
thông và yêu thương. Thơ anh trăn trở chạm đến nguồn mạch cảm xúc một cách tự
nhiên và có khi là tiếng nấc tự đáy lòng bởi lẽ thường tình của cuộc sống con
người. Với chủ đề hết sức khó nói ở trên, ta thấy ở đây tác giả không hề có sự
khen chê tiếu táo bên ngoài mà là những suy ngẫm có lẽ cũng đã được chưng cất hẳn
hoi và cả việc cân nhắc bởi khi trở thành chàng trai già nhà thơ mới “trình làng”
điều suy nghĩ ấy.
Với bài thơ “vợ mình
không lẽ…” cũng vậy. Bài thơ với sáu khổ thơ, mỗi khổ bốn câu, bắt đầu lần
lượt:
“Vợ
mình không lẽ không yêu
Mà sao yêu khó hơn nhiều lúc xưa
Lên giường còn quát búa xua
Nào chưa mua gạo nào chưa đóng tiền…
(khổ 1)
Các khổ sau mô típ
thứ tự câu đầu: “vợ mình không lẽ không khen”, “vợ mình không lẽ
không ưa”, “vợ mình không lẽ không đau”, “vợ mình không lẽ không mê”, “vợ mình
không lẽ không thương”…
tất cả là để “Giữ cho hai chữ sum vầy/Tới khi nhắm mắt xuôi tay vẫn còn”.
Cũng
là điều khó nói về vợ đó là chuyện son phấn. Câu chuyện muôn đời của phái đẹp,
nhưng nhà thơ lại gửi gắm một tâm sự rất chân thành “Anh muốn được nhìn mặt mộc/ của em dù chỉ
một lần/để biết khi quên son phấn/ có giống người anh yêu không!” (Bài
mặt mộc). Có trách cứ gì đâu, anh chỉ muốn thôi, chỉ mong thôi. Nhưng không phải
vì vậy mà anh không thương em, quên đi việc mua son phấn cho em. Nhưng cảm nhận
là quyền của anh, anh muốn được chia sẻ, muốn được nói thật “lạ là em không trang điểm/ thấy yêu em nhiều
hơn/ cái tánh của anh lạ thế/nên có nhiều cô bỏ đi/anh biết nhưng anh không thể/mách
bảo trái tim điều gì…
Và rồi kết bài thơ
tác giả rất thẳng thắn, không còn là chuyện son phấn, hình thức bên ngoài, điều
quan trọng hơn cả đó là tấm lòng dành cho nhau “hay là ta chia tay đi/yêu nhau mà lòng không mộc/thì yêu nhau để làm
gì...” (Bài mặt mộc). Ở đây nhà thơ vừa rất
thật lòng nhưng cũng đã nói hộ lòng người khác ở cách nhìn phóng khoáng hơn.
Vui vẻ hơn “lỡ làm thơ lỡ viết văn/không
bao giờ biết lăng nhắng, viết gì?” hay “Ôm em gần hết đời rồi/ em cho ta được
ôm người thứ hai/ cho ta hạ một quân bài/cho ta cảm thấu bi ai nhân tình? (Đơn
thơ gửi chuyết thê)
Trong “Bình quyền” nhà thơ đưa ra lời cam kết “Mình đi nhớ vợ của người//vợ mình thì nhớ cái thời tim sen/có quyền
nhớ không quyền ghen/hai ta giao ước công bằng rứa nghe…thế gian ai chẳng vì
tình/ ai không thường mộng u minh vì người/cuộc mình được mấy lăm hơi” và đây lời
phi lộ “yêu quá điếc yêu nhiều câm/ ta yêu vừa đủ âm thầm mấy em” (Bài yêu vừa
đủ)
Ai cũng biết, dù cuộc sống sau hôn nhân thường
phát sinh nhiều khó khăn, những thói hư tật xấu của vợ hoặc chồng lâu ngày càng
bộc lộ ra, thế nhưng họ vẫn chấp nhận và luôn dành cho nhau tình cảm yêu
thương, chân thành nhất. Điều này chẳng có gì để nói. Điều đáng nói là nói những
gì rất thật ấy không hiển nhiên như tất yếu mà để cả hai cùng có những nhìn nhận
lại chính bản thân mình hiểu hơn cái tôi “tự ngã” của mình và cũng chính nỗi
trăn trở mà thơ không thể đứng cuộc bởi thơ cũng chính là tiếng nói của cuộc đời,
nhận diện, khám phá và truyền đi những thông tin như là những mật ngữ của loài
thi sỹ.
Điều khó nói cuối cùng muốn nói ở đây “ngôn ngoại”
không ngoài việc vợ chồng nếu như muốn ở cạnh nhau lâu dài thì hãy yêu thương
nhau, nhẫn nhịn, biết chấp nhận vì nhau, có như vậy thì hạnh phúc gia đình mới
bền lâu được. Và sau thưởng thức chùm thơ có thể nói là tập hợp một chủ đề
khó nói của thơ và của nhà thơ tôi lại nhớ câu thơ của thi sỹ Nguyên Hàn Chung
trong bài “Ăn kỷ niệm”, rất tự nhiên, vô thường không cần lý giải. “Bữa về phố Hội ăn mì/ ngon như từng đãi em gì
quên tên…”
Võ Văn Trường
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét