Mấy chục năm qua đất nước chúng ta sống chủ yếu bằng đời sống chính trị. Cách mạng, chiến tranh, các sự kiện chính trị, sinh hoạt chính trị đi vào cuộc sống hàng ngày. Mọi thứ đều được đo bằng chính trị. Từ đánh giá con người đến xem xét tác phẩm, tất cả chủ yếu đều quy về lập trường, quan điểm, đôi khi cả những thứ rất xa như ăn mặc, cách sử dụng các hình thức miêu tả nghệ thuật.
Người ta cũng tự nhiên biến thành con người chính trị lúc nào không biết. Trong không khí đó vấn đề văn nghệ và chính trị, hay nói đúng hơn, chính trị và văn nghệ, trở thành vấn đề cơ bản nhất của lý luận, thành nội dung chủ yếu của sáng tác nghệ thuật.
Do tầm quan trọng của nó, vấn đề chính trị và văn nghệ trở nên một đề tài có cái gì như là hơi "thiêng", và vì vậy ít người dám bàn hoặc giả có bàn thì cũng chỉ nói một cách kính cẩn. Mà trong khoa học đã cung kính như thế thì khó có thể có ý kiến gì cho mới mẻ, sáng tạo. Tất cả chuyện đó dĩ nhiên có cái lý lịch sử của nó, mặc dù lịch sử là do chính con người làm ra.
Bây giờ lịch sử nước nhà hình như đang chuyển sang một trang khác. Tình hình không phải chỉ cho phép mà còn có nhu cầu bắt phải "đổi mới tư duy", tức là nghĩ lại, nghĩ khác đi. Vì lẽ đó bây giờ bàn lại chuyện này chuyện kia cũng là điều bình thường, chẳng có gì là ghê gớm. Và nói lại cũng chẳng phải để tính sổ hay sám hối, mà để tìm tòi, tự nhận thức cho đúng hơn thôi.
Vấn đề văn nghệ và chính trị cũng vậy. Lâu nay ở ta, một trong những nguyên nhân làm cho văn nghệ nghèo nàn đi là cách hiểu, nhận thức của lãnh đạo và của ngay chính giới sáng tác, lý luận phê bình về mối quan hệ giữa văn học và chính trị.
Chúng ta vẫn thường nói văn nghệ phục vụ chính trị. Nhưng nên hiểu vấn đề này thế nào cho đúng? Thật ra mệnh đề "văn nghệ phục vụ chính trị" là nhập cục hai vấn đề khác nhau: a) quan hệ của văn nghệ với một chế độ chính trị, và b) quan hệ của văn học với chính trị như hình thái ý thức xã hội.
Trong mối quan hệ thứ nhất, nói văn nghệ phục vụ chính trị (tức một chế độ chính trị) là đúng. Văn nghệ chính thống của một xã hội bao giờ cũng phục tùng, phục vụ những nền tảng, những yêu cầu của việc xây dựng và củng cố chế độ ấy. Đó là quy luật.
Trong mối quan hệ thứ hai, nói văn nghệ phục vụ chính trị là không chính xác. Ở đây chính trị và văn nghệ là hai hình thái ý thức xã hội có nội dung riêng, có quan hệ chặt chẽ với nhau, nhưng tồn tại độc lập. Ý thức nghệ thuật không phải là sản phẩm hay nội dung đặc biệt của ý thức chính trị mà là một hình thái ý thức xã hội đặc thù, phát triển song song với ý thức chính trị và các kiểu ý thức khác.
Nhu cầu cần có ý thức chính trị và ý thức nghệ thuật là những nhu cầu cơ bản, không thể thiếu của xã hội con người. Ý thức chính trị thể hiện nhận thức của con người về cái tất yếu của lịch sử, thể hiện quyền lợi chung của giai cấp, tập đoàn xã hội hay quốc gia, dân tộc, thể hiện quan điểm và thái độ đối với các vấn đề kinh tế, quyền lãnh đạo xã hội, vấn đề tự do.
Ý thức văn nghệ, tuy không tách khỏi những mối quan tâm có tính chất chính trị, vẫn có những nội dung riêng. Nghệ thuật là tiếng nói về số phận con người, là câu chuyện về đời người. Đó là tiếng nói về cái gì rất riêng đôi khi như ngẫu nhiên, vô cớ. Trong mối quan hệ với những vấn đề chính trị thì chuyện cái đẹp, tình yêu, niềm vui, nỗi khổ của cá nhân con người dường như chỉ là những cái gì vớ vẩn, yếu đuối, lãng mạn. Nhưng trong mối quan hệ với cuộc đời thì đó lại là những gì hết sức máu thịt; không thể hình dung cuộc đời nếu thiếu những thứ tưởng như không đâu ấy. Chính trị là cái cốt yếu quan trọng của xã hội, nhưng cuộc đời rộng hơn chính trị.
Chất văn khác chất chính trị. Nhà văn không phải là chính khách. Nghệ sĩ mà đi hoạch định đường lối kinh tế - xã hội thì phải coi chừng. Không phải ngẫu nhiên mà các cương lĩnh chính trị của Balzac, Dostoevski, Turgheniev, L. Tolstoi đều thường hoang tưởng hoặc sai lầm. Lênin đã từng cho rằng Gorki không nên can dự vào công việc chính trị cũng vì vậy, Lênin viết: "Gorki là tài năng nghệ thuật có tầm cỡ lớn, đã và sẽ đóng góp cho phong trào vô sản toàn thế giới rất nhiều. Nhưng tại sao Gorki lại phải đi làm chính trị để làm gì kia chứ?" (Toàn tập, T.31, t. Nga, tr.49). Gorki nhớ lại có lần trong khi trò chuyện, Lênin nói: "Dù sao thì công việc của anh cũng khác tôi. Tôi không có quyền hình dung mình là thằng ngốc, còn anh thì lại phải như vậy, nếu không anh làm sao tả được thằng ngốc là thế nào. Khác nhau ở chỗ đó" (Lênin - Về văn học và nghệ thuật, Moskva, 1967, tr.647).
Tư duy chính trị cũng không phải là tư duy văn nghệ. Xã hội vận động chủ yếu theo những quy luật của kinh tế - chính trị, chứ không phải theo tình cảm, mong ước của con người. Quản lý xã hội chỉ bằng những tư tưởng giàu chất văn, bằng lẽ phải và tình thương thì tuy hấp dẫn đấy, nhưng lại không tưởng, huyễn hoặc, chỉ có thể có trong thời Nghiêu Thuấn mà ai cũng chỉ mới nghe nói, chứ chưa biết hư thực ra sao. Nghệ thuật là khát vọng về lý tưởng. Xã hội sống bằng kinh tế, pháp luật. Kinh tế, chính trị có những quy luật nghiệt ngã mà văn nghệ buộc phải theo nhưng không phải bao giờ cũng đồng cảm hết. Chính trị là lợi ích của số đông, văn nghệ là tiếng nói chia sẻ, an ủi, động viên đến với riêng từng người. Fidel Castro có lần tâm sự với G. Garcia Marquez: "Nếu được hóa kiếp lại tôi sẽ làm nhà văn". Câu nói của nhà chính trị nổi tiếng ấy, nghĩ kỹ, thấy thật sâu sắc.
Nhà chính trị thường chú ý đến cái tất yếu, đến logic, cái cần phải làm, còn nghệ sĩ lại quan tâm đến những gì xảy ra đằng sau cái logic ấy. Đối với nhà văn, quan trọng không phải chỉ "mặt trước của tấm huân chương" mà còn cả mặt sau của nó, quan trọng không phải chỉ là chiến thắng mà còn cả cái giá của những mất mát hy sinh để giành được nó. Nghệ sĩ thực sự thường không phải chỉ hồ hởi, kiêu hãnh nhìn những đội quân rầm rập diễu hành qua quảng trường mà còn nhìn thấy cả giọt nước mắt của người mẹ mất con, người thương binh trong giờ phút vui chung ấy.
Đó là nỗi khổ của nghệ sĩ. Nhưng đó cũng là nghĩa vụ xã hội, là món nợ đời của nghệ thuật. Cuộc sống lúc nào cũng như vui vẻ, ồ ạt lao về phía trước, còn nghệ thuật lại là phút dừng. Dừng không phải để kéo lại, mà để ngẫm nghĩ. Nhà văn lớn thường là những tấm lòng đau đời lớn cũng vì vậy. Thơ văn hay nhắc đến quá khứ cũng vì vậy. "Trăm năm trong cõi người ta" cái ý thức về "Thời gian của người" ấy là một cách cảm nhận cuộc đời rất riêng của nghệ thuật, nhưng đồng thời cũng phải đến một lúc nào đó người viết mới chiêm nghiệm được, thấm thía sâu sắc.
Trong ý nghĩ ấy, ý thức chính trị và ý thức văn học là những người bạn đồng hành trên con đường nhân loại đi tìm hạnh phúc. Tiếng nói chính trị và tiếng nói nghệ thuật bổ sung cho nhau, làm thăng bằng đời sống tinh thần của xã hội. Trong những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt như chiến tranh, cách mạng, ý thức chính trị trở thành nội dung cơ bản của ý thức xã hội bao trùm lên các ý thức khác. Lúc đó tiếng nói văn nghệ trùng với tiếng nói chính trị. Nhưng còn trong những ngày bình thường, chính trị và văn học không hát cùng một bè trong bản đồng ca một giọng mà mỗi thứ đảm nhận một bè khác nhau trong bản giao hưởng phức điệu thống nhất và đa dạng của cuộc sống.
Đó là lẽ bình thường của mọi sự tồn tại hiện thực, khác đi sẽ không phải là cuộc sống. Đó cũng là biện chứng của sự phát triển lịch sử, bởi vì mỗi bước đi lên bao giờ cũng kèm theo bao nhiêu đau đớn, mỗi tiến bộ xã hội bao giờ cũng kèm theo sự đánh mất một cái gì đó vĩnh viễn không bao giờ lấy lại được. Cái logic nghiệt ngã ấy của lịch sử, phép màu nhiệm khủng khiếp ấy của "miếng da lừa" ngày nay đang hiện ra trước mắt chúng ta với rất nhiều vẻ, nhiều dạng khác nhau. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật làm cho xã hội giàu có lên nhưng đồng thời cũng đẻ ra biết bao nhiêu hậu quả khôn lường, trong đó có cả nguy cơ về sự hủy diệt của nền văn minh nhân loại. Công cuộc khai thác thiên nhiên đem lại những nguồn lợi khổng lồ nhưng cũng lại cướp đi của con người một trong những điều kiện sống quan trọng nhất - môi trường tự nhiên. Sự phát triển của văn hóa làm cho con người phong phú hơn, song đôi khi cũng vì nó mà con người trở nên tàn nhẫn hơn, cô độc và ích kỷ hơn. Riêng ở ta hiện nay, sự bung ra cần thiết về kinh tế, việc phá tung một cơ chế lỗi thời đang mở ra những triển vọng một cách tốt đẹp để đất nước phát triển, nhưng đồng thời trong quá trình này chúng ta đang chứng kiến bao nhiêu hiện tượng đau lòng.
Văn học không thể đứng ngoài sự tiến bộ xã hội. Nhà văn phải ủng hộ cái mới, cái hợp lý, cái đang mở ra phía trước. Nhưng nếu chỉ viết về các quá trình đó, chỉ say sưa với các khẩu hiệu, các chủ trương thì trong tình hình hiện nay, văn học chưa làm đầy đủ chức năng xã hội của mình. Nếu không phải nhà văn thì ai sẽ là người nói lên được một cách sâu sắc những day dứt có thực của mỗi người trên con đường đi tới, những tổn thất không gì bù đắp được về số phận, về nhân phẩm, về tinh thần mà lịch sử, vì phải tuân theo logic khách quan, buộc lòng phải hy sinh? Logic thì bao giờ cũng nghiệt ngã. Nhưng cuộc đời không chỉ sống bằng logic. Vì thế mà mới sinh ra văn học nghệ thuật là sự bù đắp cho logic, làm cân bằng cuộc sống, làm cho đời ra đời, đa dạng, nhuần nhị.
Viết về sự phức tạp của quá trình đi lên, về cả cái được và cái mất của nó không có nghĩa là chống lại quá trình đó. Nó chỉ làm cho mỗi bước đi tới trở nên cân nhắc hơn, được tính toán bình tĩnh hơn, bởi vì không phải bao giờ cũng chỉ có một con đường duy nhất đúng để đạt tới chân lý. Đồng thời tiếng nói của nghệ thuật cho dù trong suốt hàng ngàn năm qua chưa có khi nào - và có lẽ mãi mãi như vậy - cản được bước đi lầm lạc của lịch sử, nhưng biết đâu vì có nó mà tổn thất bớt đi, con người được an ủi phần nào và được chuẩn bị, được vũ trang để sẵn sàng đón nhận và hạn chế những tai họa mới.
Có một thời ở ta một số người cho rằng thời đại hiện nay không còn cái bi và văn học xã hội chủ nghĩa không có vấn đề bi kịch. Đó chẳng qua chỉ là sự cao hứng chính trị và sự nông nổi về lý luận. Lịch sử đẫm máu của cuộc phản cách mạng ở Chile, Grenada, nạn diệt chủng ở Campuchia dưới thời Pônpốt v.v... lẽ nào không phải là những tấn bi kịch của thời đại? Ở nước ta, từ Cách mạng Tháng Tám, không có bi kịch trên phạm vi toàn dân tộc, nhưng từng lúc, từng nơi, trong từng gia đình, trong cuộc đời mỗi cá nhân lẽ nào lại không có những mất mát, oan trái, những khi lẽ phải bị chà đạp. Viết về cái bi là một cách nhận thức đời sống trong sự trọn vẹn, trong vẻ nhiều mặt, phức tạp của nó. Đó là một cách nghiền ngẫm về cuộc đời, một hình thức tư duy hiện thực hết sức sâu sắc, nhân đạo và rất riêng của nghệ thuật.
Về một phương diện nào đó, văn học gần với đạo đức hơn chính trị nhưng văn học cũng không phải là đạo đức. Đồng nhất văn học với đạo đức sẽ biến văn học thành minh họa cho luân lý cũng giống như coi văn học là tuyên truyền cho chính trị. Những hiện tượng như vậy đều đã có trong lịch sử. Nghệ thuật không phải là đạo đức mà là sự ăn năn về đạo đức. Hiểu theo nghĩa ấy, văn học chính là một hành động xưng tội của con người. Lịch sử nhân loại đã biết đến hai hình thức xưng tội chủ yếu là tôn giáo và nghệ thuật. Ở nhà thờ con người sám hối trước Chúa, Phật, trong văn học con người xưng tội trước chính mình. Văn học là lương tâm của xã hội. Lương tâm xã hội bị cắn rứt trong văn học, không yên, nghệ thuật như tấm gương lớn xã hội đặt ra trước mặt, mỗi người đến tự soi mình, nhận diện, đối thoại với chính bản thân mình, tự phán xử, kiêu hãnh với những gì tốt đẹp có ở mình, ở cuộc đời, đồng thời cũng hổ thẹn vì những gì trái với lương tâm, đau đớn với tội lỗi, bất công trong xã hội
Bởi vậy khác với chính trị và đạo đức, sức tác động mạnh mẽ của văn nghệ thể hiện chủ yếu không phải ở chỗ nó tuyên truyền và răn dạy, mà ở khả năng khêu gợi, đánh thức lương tri của mỗi người, kích thích quá trình tự giáo dục ở họ. Đó là sự tác động hết sức sâu sắc, tế nhị và cũng rất kỳ diệu mà không phải tác phẩm nghệ thuật nào cũng có thể đạt tới.
Làm được điều này văn nghệ sẽ thực hiện một phần chức năng rất quan trọng của mình là kích thích và bảo toàn tính tích cực xã hội của con người. Tính tích cực này là chất men của mọi sự sáng tạo, mọi hành động cải tạo, cách mạng, nhưng trong một hoàn cảnh nào đó nó có thể bị hao mòn, con người trở nên đui điếc về phương diện xã hội. Lúc đó người ta không còn coi điều gì là thiêng liêng nữa, không tin vào tương lai, không thiết đến cả lòng tin, không muốn nói, vì nghĩ là nói cũng chẳng đi đến đâu, chẳng để làm gì. Không khí xã hội ngưng trệ, và thường trong những điều kiện như vậy, sự thui chột về mặt tinh thần đẩy người ta vào lối sống tầm thường, chỉ còn biết lo kiếm tiền, làm giàu, bàng quan với tất cả. Trong những hoàn cảnh ấy nghệ thuật phải trở thành nơi gìn giữ ngọn lửa tính tích cực xã hội, thức tỉnh lương tâm và ý thức về công lý trong mỗi người, và bằng cách đó tác động đến chính trị, góp phần chuẩn bị cho xã hội đi dần tới cách mạng, như " perextroika", cải tổ.
Hiểu rõ mối quan hệ giữa ý thức chính trị và ý thức nghệ thuật, nội dung đặc trưng của mỗi loại sẽ giúp chúng ta nhận thức đầy đủ hơn mặt khác của mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị - đó là vấn đề văn nghệ phục vụ một chế độ chính trị, chế độ xã hội như thế nào.
Có nhiều cách văn nghệ phục vụ chế độ. Thông thường người ta hay nói tới việc dùng tác phẩm nghệ thuật để tuyên truyền cho những chủ trương, chính sách của nhà nước, phổ biến rộng rãi đường lối của Đảng. Nghệ thuật rõ ràng không thể từ chối nhiệm vụ ấy, nhất là trong những điều kiện đặc biệt, trong chiến tranh, cách mạng, khi tất cả nhằm vào mục đích quan trọng nhất là sống và chiến thắng. Song từ đây cũng sẽ không đúng nếu cho rằng nhiệm vụ của văn nghệ chủ yếu chỉ là tuyên truyền cổ động, động viên và hễ cứ tuyên truyền hay là thành nghệ thuật.
Tác phẩm nghệ thuật là cầu nối giữa tâm hồn này với tâm hồn khác, là hình thức giao tiếp độc đáo của con người. Nó không xa lạ với sự truyền bá tư tưởng nhưng đồng thời cũng không phải là thông tin và chính luận. Coi thường đặc thù về nội dung của nghệ thuật sẽ dẫn đến đồng nhất nó với tuyên truyền.
Ngoài ra cũng phải nói rằng quan niệm về văn học minh họa này còn có một chỗ dựa khác trong lý luận. Ở ta cho đến nay vẫn tồn tại dai dẳng cách hiểu đặc trưng nghệ thuật rất cũ, xem dấu hiệu cơ bản nhất để phân biệt nghệ thuật với khoa học là tính hình tượng. Hóa ra chính trị, khoa học, nghệ thuật cùng nói một điều, một nội dung, khác nhau chỉ ở cách nói, ở hình thức. Nhưng nếu như vậy thì nghệ thuật sinh ra làm gì, chẳng lẽ chỉ để nói cho hùng hồn điều mà người ta có thể nói một cách đơn giản? Một lối hiểu như vậy tất yếu sẽ dẫn đến chỗ biến nghệ thuật thành sự minh họa cho các tư tưởng chính trị hay các chân lý đạo đức.
Văn nghệ phục vụ chính trị (chế độ chính trị-xã hội) chủ yếu thông qua khuynh hướng tư tưởng của tác phẩm nghệ thuật. Cái chính là nhà văn đứng về phía nào, yêu và bênh vực cái gì, ghét và chống lại cái gì. Tiêu chuẩn cơ bản để đánh giá thái độ yêu ghét ấy - tức tiêu chuẩn đánh giá khuynh hướng tư tưởng tác phẩm - là tính chân lý (hay sai lầm) lịch sử khách quan của chúng. Nghĩa là nhà văn chỉ được đề cao cái đáng được đề cao hoặc lên án cái thực sự đáng bị lên án, xét từ góc độ khách quan lịch sử, trên cơ sở lợi ích toàn dân tộc, trên cơ sở tiến bộ xã hội và tiêu chuẩn của chủ nghĩa nhân đạo. Lối ca ngợi hay phủ nhận một chiều, cơ hội, xu thời là nguyên nhân làm cho nhiều tác phẩm chết yểu, nhanh chóng mất tác dụng hoặc trở nên phản tác dụng, nhanh chóng bị lãng quên khi lịch sử sang trang hay tình hình biến đổi.
Một trong những nhược điểm của văn nghệ ta thời gian qua là quá tập trung vào các chủ đề chính trị theo nghĩa hẹp, tức là thiên về khai thác các vấn đề trực tiếp liên quan đến những nhiệm vụ trước mắt, đến các công cuộc vận động, các chủ trương chính sách của Đảng, của Nhà nước, thậm chí của từng ngành. Nhiều cuốn tiểu thuyết, vở kịch, bộ phim hưởng ứng kịp thời các phong trào đó, rơi đúng vào những thời điểm cần thiết nên đã góp phần kích thích không khí xã hội và có tiếng vang. Điều đó là đúng, và cần.
Song trong văn học hình như vẫn thiếu một cái gì đó, người đọc vẫn chờ đợi một cái gì đó, cảm giác ấy là có thật và nghĩ kỹ thì cũng không phải là không có lý. Nhiều tác phẩm thuộc loại trên đây tuy không phải là công thức và minh họa, nhưng thiên về khẳng định một chiều, thiếu chiều sâu của sự ngẫm nghĩ và tư tưởng cá nhân của nhà văn, mà đó lại chính là những yêu cầu cơ bản nhất của sáng tác. Nghệ thuật đâu phải đơn thuần là phản ánh hiện thực; nó là sự nghiền ngẫm về hiện thực, về đời sống con người. Nghiền ngẫm là xem xét, đánh giá các sự kiện, hành động trong nhiều chiều khác nhau, trong mối liên hệ với quá khứ và tương lai, không chỉ từ góc độ của trước mắt mà còn của lâu dài, không phải về phương diện chính trị mà còn về phương diện nhân sinh, đạo đức, thẩm mỹ. Nghiền ngẫm như vậy tất yếu sẽ dẫn tới dự báo.
Thông thường nói đến khả năng dự báo của văn học người ta hay nhắc ngay đến Bài ca chim báo bão của Gorki, đến việc phát hiện và cổ vũ những mầm non của cái mới, của tương lai. Song đó mới chỉ là một mặt. Bởi vì tương lai không phải là độc quyền của hạnh phúc. Tương lai là mái nhà chung của cả niềm vui và bất hạnh, là hy vọng của cả cái thiện và cái ác. Trong cuộc chạy đua ồ ạt của nhân loại về tương lai nhà văn không được quyền chỉ vỗ tay hoan hô mà còn phải cảnh tỉnh, không có quyền chỉ chào đón những người anh hùng đang có đầy triển vọng mà còn phải nhìn thấy trước và báo động về nguy cơ của cái xấu đang về đích trước hay cùng một lúc với cái đẹp. Đó là nghĩa vụ xã hội độc đáo của văn học. Khả năng cảm nhận cuộc sống theo cách đó, khả năng dự cảm dấu hiệu của hạnh phúc và tai họa là phẩm chất của thiên tài. Pie Bezukhov của L. Tolstoi, Nilovna của M. Gorki, Oneghin của Puskin, Rastignac của Balzac, Rasconicov của Dostoevski tuy rất khác nhau nhưng đều là những nhân vật dự báo rất điển hình.
Do quá tập trung vào các chủ đề chính trị theo nghĩa hẹp, từ nhiều năm nay văn nghệ chúng ta hình như mất thói quen tư duy những chủ đề chính trị theo nghĩa rộng ở một tầm cỡ rộng lớn và sâu xa hơn. Đó là các vấn đề như chiến tranh và hòa bình, lịch sử dân tộc, bước đi đã qua và con đường sắp tới của xã hội ta, quan hệ con người trong thời kỳ quá độ, trong thế kỷ của khoa học kỹ thuật, của tiêu dùng, vấn đề bảo vệ thiên nhiên v.v... Các vấn đề này có ý nghĩa chính trị hết sức rộng lớn, vì vậy nếu viết được một cách sâu sắc, tác phẩm nghệ thuật sẽ có chất chính trị thực sự. Cái khó là ở đây đòi hỏi nhà văn phải có được hệ thống tư tưởng lý luận đúng đắn và triệt để, có cách nghĩ độc lập và dám xả thân vì tư tưởng. Đó sẽ là những nhà văn kiêm nhà tư tưởng, cần cho cả văn học nghệ thuật và cho chính trị. Không biết bao giờ chúng ta mới có được những nhà văn như vậy.
Cảm giác về một cái gì đó thiếu hụt trong văn học hiện đại của chúng ta sẽ trở nên hết sức rõ rệt nếu chúng ta lưu ý đến vị trí của chủ đề đạo đức và vấn đề mô tả số phận con người. Chúng ta quên mất rằng văn nghệ phục vụ tốt nhất chế độ (chính trị) không phải chỉ (và có lẽ cũng chủ yếu không phải chỉ) ở chỗ truyền bá tư tưởng chính trị của nó mà quan trọng hơn là xây dựng con người, hình thành thế giới tinh thần và đạo đức của con người. Chúng ta cũng thường nói đến con người và đạo đức, nhưng lại chỉ chú ý trước hết đến phần lập trường quan điểm, đến khía cạnh chính trị của đạo đức, ít quan tâm đến mặt nhân bản của nó.
Song kinh nghiệm của thời kỳ xây dựng xã hội mới ở Liên Xô cũng như ở ta đều cho thấy rằng người cộng sản trước hết phải là người tử tế lương thiện. Trong xã hội ta, có chính kiến, có chỗ đứng trong tổ chức, đoàn thể không khó bằng có nhân cách. Điều đó ai cũng thấy rõ và càng ngày càng rõ. Người cộng sản mà không tử tế thì chính anh ta sẽ phá hoại ngay tập thể, tổ chức và chế độ của mình trước khi anh ta có thể tiêu diệt được giai cấp tư sản và chế độ bóc lột. Bởi vậy việc xây dựng đạo đức nhân bản, đạo đức văn hóa là hết sức cấp bách, hết sức cần thiết. Trẻ em của chúng ta được dạy quá nhiều về lòng yêu nước, yêu nhân dân, nhưng lại ít được giáo dục tình yêu thiên nhiên, cây cỏ, súc vật, yêu cha mẹ, người thân. Các em hát quá nhiều những bài ca với nội dung chính trị, đoàn kết quốc tế trừu tượng nhưng lại ít được dạy cho thương yêu anh em, bạn bè xung quanh, một cách cụ thể hơn, nhân ái hơn.
Văn nghệ phải trở thành lương tâm của xã hội. Giáo dục lương tâm là mảnh đất riêng của văn học nghệ thuật, là sở trường của nó, là đóng góp độc đáo của nó đối với xã hội. Một xã hội nhân đạo và cởi mở sẽ đẻ ra những tư tưởng chính trị lành mạnh, hiện thực.
Nói tóm lại, chất chính trị cao nhất của văn nghệ nằm ngay trong bản thân nó. Làm thật tốt nghĩa là làm chính trị. Nói như Puskin. "Mục đích của thơ ca - đó là chính thơ ca...".
LÊ NGỌC TRÀ (tác giả giữ bản quyền)
_________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét