Hồi đó, tháng 8-2005, báo Văn Nghệ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam đã đăng liền bốn kỳ truyện này. Rồi sau đó in sách đọc rồi sách nói, rồi thành kịch, thành phim.
Sách thì đã được tái bản 24 lần với hơn 100.000 bản, đã được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Văn học ASEAN. Phim thì doanh thu gần 10 tỉ đồng sau hơn ba tuần chiếu ở một số rạp tại vài thành phố lớn. Cơn sốt phim chưa lắng xuống, Nhà xuất bản Trẻ lại cho ra đời tập truyện thứ 14 của chị, "Khói trời lặng lẽ", mà chỉ sau một tuần phát hành, sách đã được tái bản. Lúc đó, Nguyễn Ngọc Tư lại ngồi xe đò về Sài Gòn dự ra mắt sách, giao lưu, trả lời phỏng vấn...
Thường thì người ta dễ «vui tưng bừng» trong những sự kiện ấy, nhưng với nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, dường như chị ngại lắm. Chị nói: «Đi giao lưu thì ngại thật. Thấy người ta đông tôi kinh hãi lắm, nói chẳng ra ngô ra khoai, nhất là phải nói về những chuyện mà mình không quan tâm mấy, như thể chưa từng có trong đầu mình vậy». Trước nhiều lời chúc mừng phim "Cánh đồng bất tận" thành công là nhờ truyện phim hay, chị nói: «Cho tới bây giờ tôi vẫn thấy mình được chúc mừng nhầm, tôi không vơ lấy doanh thu rực rỡ của phim làm vinh dự của mình được. Từ khi đứa con tinh thần đó ra đời, người ta đã mặc cho nó một cái áo khác, sống với một tinh thần khác».
"Cánh đồng bất tận" kể chuyện nông thôn, nhưng cả sách, kịch và phim thì chưa được nhiều nông dân thưởng thức. Tôi băn khoăn hỏi chị về chuyện này thì chị nói rõ ràng: «Tôi không nghĩ viết về nông dân là để giới hạn cho người nông dân đọc. Cách nghĩ đó giống như tôi soi gương mỗi ngày và nhìn mặt mình hiện lên trên đó mỗi ngày. Người khác ngắm tôi, nhìn nhận tôi bằng cái nhìn của họ thì thú vị hơn chứ. Một vài cuốn sách mà để anh hiểu người nông dân hơn, để những giới khác quan tâm đến họ hơn, yêu thương họ hơn, với tôi đã là một tham vọng lớn rồi. Cho đến giờ phút này, sao tôi vẫn nghĩ, một cuốn sách với nông dân là xa xỉ».
«Một cuốn sách với nông dân là xa xỉ», chị không nói gì thêm, tôi thấy dường như có cái gì đó xót xa trong lời ấy. Nhưng mà nhân vật của chị trong "Khói trời lộng lẫy" giờ đây, chủ yếu vẫn là nông dân. Nông dân và nông thôn 5 năm trước trong "Cánh đồng bất tận" có khác nhiều so với nông dân và nông thôn 5 năm sau trong Khói trời lộng lẫy hay không? Đọc thì tôi thấy có khác, có những nỗi buồn trần thế hơn, có những nỗi đau thiên nhiên hơn. Còn nhà văn Nguyễn Ngọc Tư thì hỏi lại tôi: «Anh muốn hỏi thời gian tồn tại trong tác phẩm hay ngoài đời? Họ là nhân vật của tôi hay họ đang ở ngoài kia? Nếu là họ ngoài kia, thì dĩ nhiên có khác, nhưng chỉ 5 năm thôi, thì cái khác đó không dễ nhận biết đâu».
5 năm ở thời buổi này mà cái khác của nông thôn không dễ nhận biết thì cũng buồn. Dừng câu chuyện nông dân, hỏi chuyện viết blog, chuyện chị chỉ thu nhập từ nhuận bút để nuôi con thì làm sao cho đủ, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư từ tốn nói: «Tôi không chơi blog, không chủ ý viết riêng cho nó cái gì. Chỉ là một nơi cất giữ những bài đã đăng báo, và lâu lâu khoe ảnh của con mình. Tôi cũng ít hỏi mình làm sao cho đủ, câu hỏi của tôi là "vầy đã đủ chưa ta?".
«Vầy đã đủ chưa ta?», nó giống như một lời mình tự dặn mình, trong cõi người ta. Và chị làm thơ. Cuối năm, thỉnh thoảng chị gởi bạn những bài thơ mới viết. Bạn xúi, gửi đăng báo Tết đi Tư. Thơ của chị cũng buồn như văn của chị. Trong bài "Nuối tóc", có đoạn buồn này:
"Rụng hồi Giêng,
Giêng thêm Giêng vẫn rụng
Tóc rời đi như những cuộc tình đi
những người đi
những mùa đi
Bén ngót trên tay tóc nhặt cuối ngày
Cứa xót vào vai từng từng sợi lẻ
Em nối làm dây đã đủ thả diều
Em bện làm mành đủ che thềm gió
Người vẫn còn đâu đó,
phía sau em..."
Kể chuyện Nguyễn Ngọc Tư bây giờ, chợt nhớ chuyện giáo sư kinh tế Trần Hữu Dũng sống ở Mỹ, người đã lập hẳn một trang web về truyện của Nguyễn Ngọc Tư từ nhiều năm trước. Hồi đó, sau khi truyện "Cánh đồng bất tận" ra đời, ông về Cà Mau thăm Nguyễn Ngọc Tư rồi về viết một bài báo, có đoạn như vầy: "Đến Cà Mau, tôi mới thấy sự gắn kết của Nguyễn Ngọc Tư với con người, với đời sống, với đất nước quanh cô. Bối cảnh gia đình cho Nguyễn Ngọc Tư một cái nhìn mà tôi ít thấy ở ai khác. Đó là cái nhìn thật trưởng thành nhưng của một người rất trẻ. Đó là cái nhìn của kẻ đã sống qua máu lửa, chứng kiến lắm đau thương, nhưng với con mắt vô tư của một người sinh ra sau chiến tranh. Đó là cái nhìn của một người chân chất và trầm lặng, hãnh diện đã làm tròn nhiệm vụ đấu tranh cho đất nước, không chút nghi ngờ tương lai của dân tộc, nhưng chẳng có ảo tưởng nào về những mặt bất toàn của hiện tại".
Tết năm đó, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư 29 tuổi...
HUỲNH KIM (tác giả giữ bản quyền)
_______________________________
MỜI ĐỌC BÔNG TRÀM CHUYÊN ĐỀ ĐẶC BIỆT
>> Vui lòng nhấp vào hình ảnh phía dưới để về trang chuyên đề <<
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét