Năm nào cũng
vậy, do thức dậy sớm đi chợ sớm, nên má là người đầu tiên mở ngày ba mươi Tết
ra. Không biết có phải số má cực, vía má cực không mà hôm đó cả nhà đều phải
làm công chuyện tối mắt tối mũi. Đến nỗi, nhắc tới Tết là thấy chữ “Ba Mươi”
chình ình, choán chật cả ký ức.
Đó là cái
ngày duy nhất trong năm cả nhà sum họp mà không sum họp. Ai nấy túi bụi với
chuyện của mình. Cánh đàn ông con trai (nói cánh cho ham vậy, chỉ hai người
thôi, chứ mấy), cánh này quan trọng, lãnh phần dọn dẹp, lau chùi, làm đẹp nhà.
Nào là quét mạng nhện trên trần, lau cửa kính, tủ bàn, kỳ cọ mấy cái lư đồng,
đem phơi nắng. Mệt phờ. Lúc dọn dẹp, bày biện bàn thờ thì mùi chiên xào dưới
bếp bay lên, trời, lại phải bỏ ngang công việc đang làm dở, chuẩn bị mâm bàn
cúng rước ông bà. Xế chiều rồi, chớ giỡn…
Cúng kiếng
xong, cánh đàn ông tiếp tục chuyển sang đánh trận… ngoài sân, còn má vẫn hì hụi
trong bếp, vừa trông chừng nồi thịt kho, vừa làm thịt nguội, sau lưng má, củ
cải với dưa leo đang chờ tới phiên mình trở thành món… dưa chua. Tết của má dài
thăm thẳm, phải kể từ hôm tát đìa bắt cá làm mắm, xẻ khô. Cá còn phơi trên mấy
hàng bông bụp má bắt tay vào làm củ kiệu. Hồi chị còn nhỏ, má lãnh luôn phần
làm mứt, nướng bánh kẹp, bánh bông lan. Chị lớn, chị giành lấy, nói để chị làm,
nên cả ngày ba mươi tụi nhỏ không thấy chị liếc, chị rầy, bởi chị cũng cắm đầu
làm mứt, nào là mứt chùm ruột, mứt gừng, không biết ai ăn cho hết mà ôm đồm,
vừa ngào chảo mứt dừa vừa chạy ra coi mớ mứt tắc (quất) phơi ngoài sân không
biết có kiến bò lên không. Cái dáng chị khum khum, tay đấm lia lịa vào lưng,
than mỏi quá nhưng vẻ mặt thì tươi rói, ngây ngất. Giống hệt cả nhà, miệng kêu
cực mà hớn hở, như thể ngày cuối năm này không có việc gì làm mới là niềm đau
khổ lớn.
Tụi con nít
cũng bận lắm, chạy đi chạy lại, “lấy dùm ba cây bàn chải”, “chặt dùm má mấy
trái dừa”, “ê, coi chừng mấy con chó chạy giỡn làm đổ mớ mứt đang phơi…”, “chạy
đi mua cho má mấy bịt muối, cho đầy hũ, nhỏ ơi”. Trên đường chạy đầu này đầu
nọ, tụi con nít không quên thò đầu vô tủ vuốt ve mấy bộ đồ mới, ứa nước miếng,
trông mau tới chiều để mặc, nên có khi má kêu hai ba lần mới chịu đi làm, bịu
xịu càu nhàu trong bụng, không biết ông trời sinh ra ba mươi Tết làm chi, công
chuyện quá trời.
Mà, việc nào cũng
quan trọng, quan trọng khủng khiếp, không thể để đến ngày mai. Tuyệt nhiên,
chẳng ai chần chừ, “để làm sau..”. Cứ như là không còn ngày mai nữa, cả nhà làm
cho bằng hết việc, đến xanh mặt, mướt mồ hôi, như ai đó đuổi đằng sau, như làm
bây giờ để mai mốt không động tay vào bất cứ việc gì nữa.
Tụi con nít
buồn cười, vì cữ kiêng lắm thì chỉ thảnh thơi được ngày mùng Một, bữa sau ba má
cũng ra vườn tưới rau, chị nhất định phải rửa chén, giặt đồ, anh đến cơ quan,
mọi người trở lại với công việc thường ngày của mình, Ba Mươi cũng đâu có thay
đổi được gì mà làm muốn nín thở?
Tụi nhỏ không
biết, thật sự của Tết là bữa ba mươi này. Khi tụi nhỏ mặc bộ đồ mới đi khoe dài
dài xóm, khi ba và anh tắm táp xong ra hàng ba ngơ ngẩn ngắm hoa sao nhái đốt
lửa vàng run rẫy trước sân, khi má nhốt than trong những bếp lửa tàn, khi chị
đứng chải tóc trước gương, thì Tết đã chớm hết, Mùng Một, Mùng Hai là Tết phai;
Mùng Ba Mùng Bốn Tết tàn.
Tụi nhỏ không
biết, mãi về sau, khi lớn lên, trong ký ức Tết ấu thơ, những ngày mùng rất
nhạt, đơn điệu, chỉ chơi và chơi. Nhưng bữa ba mươi luôn sống động, lung linh
những mồ hôi, những nụ cười, những khoan khoái, những ngọt ngào…
NGUYỄN NGỌC TƯ (tác giả giữ bản quyền)
________________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét