Văn tài không đợi tuổi, nên ngay từ khi mới vừa xuất hiện người viết đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc. Sau này, Nguyễn Ngọc Tư tiếp tục khẳng định mình ở vô số truyện ngắn, truyện dài, ký, tản văn, thơ… và đặc biệt là truyện vừa “Cánh đồng bất tận”, đã khiến tên tuổi Ngọc Tư thăng hoa.
Người đọc hoài cổ mỗi lần ghé tiệm sách hoặc lang thang ở đâu đó trong các hội sách, triển lãm, trưng bày nhân dịp nọ dịp kia vẫn thương mến Tư, vẫn tiếp tục mua cuốn sách nhỏ xíu, mỏng lét “Ngọn đèn không tắt” về đọc, về chưng, hay về tặng cho cháu con, bè bạn. Mà nói như thế không có nghĩa là chỉ có “Ngọn đèn không tắt” được mua dài dài, tất cả các đầu sách của Nguyễn Ngọc Tư đều “ăn khách” – hiểu theo nghĩa sang trọng nhất của từ này, tức là tất cả đều bán chạy, đều trở thành điểm nhấn ở mỗi mùa hội sách.
"Sợ" lên báo vẫn đôi lần bị "bắt cóc"
Mặc dù Nguyễn Ngọc Tư rất “sợ” lên báo, chị chẳng nhận lời phỏng vấn bao giờ, lâu lâu bị “bắt cóc” ở các sự kiện văn học, chị cũng rất kiệm lời, nói năng giản dị, nhỏ nhẹ, không bao giờ đao to búa lớn, chẳng hứa hẹn gì. Và, nếu có buộc phải phát biểu trước một đám đông độc giả, sau nhiều năm thành công trên con đường văn chương, điều lạ là Nguyễn Ngọc Tư vẫn giữ nguyên cách nói chuyện chân chất, mộc mạc, đưa thông tin kiểu “dân nông thôn”, sinh ra và lớn lên ở miền quê, có sao nói nấy, không màu mè, tô vẽ, không cố tình đánh bóng.
Và tất nhiên, đôi khi chị cũng lỡ lời, hoặc nói năng không khéo léo, nhưng cũng thật lạ là Nguyễn Ngọc Tư chẳng bao giờ bị độc giả phản ứng vì chuyện phát ngôn. Bởi chị luôn chân thành nhìn nhận “nhiệm vụ của nhà văn là viết hay chứ không phải là nói giỏi, cho nên nếu trong lúc nói, có điều gì không phải, mong độc giả thứ lỗi”.
Nguyễn Ngọc Tư cũng rất hạn chế gặp gỡ, giao lưu, chỉ thỉnh thoảng hiếm lắm mới có dịp chị ghé Sài Gòn dự một hoạt động giao lưu văn học, ra mắt sách mới nào đó, và những dịp đó, chị bao giờ cũng ngồi nép trong một góc ít người thấy, lẫn vào đám đông, bình dị và khiêm tốn, kiểu như chính nhân vật của “Biển người mênh mông” xuất hiện trong đời thực vậy.
Ngoài đời như thế nhưng văn chương của Nguyễn Ngọc Tư lại khác hẳn, nói cách khác là những tinh hoa, sáng tạo và cả… nổi loạn nữa Nguyễn Ngọc Tư đều đã gửi gắm hết trong văn chương.
Đọc tiểu thuyết “Sông” hoặc những truyện ngắn mới trong “Đảo” (Lưu lạc, Tro tàn rực rỡ, Vị của lời câm…), “Yêu người ngóng núi”, “Khói trời lộng lẫy”, “Gáy người thì lạnh”, “Nước như nước mắt”, “Trầm tích” (tập truyện mới nhất vừa ra mắt 2014)…, vẫn cái giọng văn mềm mại, đậm sệt chất Nam Bộ và những chi tiết éo le, thấm đẫm tình người, tình đất nơi vùng sông nước, xung quanh những thân phận lênh đênh, khiến người đọc rớt nước mắt, nhưng cái mạnh mẽ, kiên cường, tính quật khởi và bùng nổ thì cũng như “Cánh đồng bất tận”, luôn làm cho người đọc rùng mình vì … nể, run rẩy vì cảm nhận những nét đẹp gai góc như chạm phải bụi gai xương rồng vươn lên tìm kiếm sự sống trên cát bỏng, hay những sợi rễ đước trầm mình dưới đáy sâu bùn sình, chỉ khi thủy triều rút hết mới lộ ra, nhưng lại là trụ vững, vô cùng chắc chắn để bảo vệ đất và người sống quanh nó, được mệnh danh là “vệ sĩ vùng biển”.
Những hình ảnh của vùng đất và con người Nam Bộ mà Nguyễn Ngọc Tư phác họa trong vô số các tác phẩm của chị khiến người viết liên tưởng tới hình ảnh đặc trưng của cây đước. Trái đước nảy mầm từ lúc còn treo lơ lửng trên cây, khi rụng xuống được sóng biển đưa đi trôi dạt khắp nơi, gặp bùn lầy, trái đước trụ lại, rễ non bám vào phù sa. Sau khi bám rễ trong đất, mầm đước nảy lên một búp non màu đỏ như lửa và xòe ra hai lá xanh đầu tiên đón ánh sáng và sinh khí. Quá trình bén rễ cũng là quá trình nâng cây đước đứng thẳng lên với cuộc đời, để cuộc đời hiểu được sứ mệnh của nó.
Người viết văn cũng thế, ba phần tư cuộc sống, tích lũy vốn sống và lao động viết lách là chìm ngập dưới bùn sình của những thử thách khắc nghiệt trong cuộc sống. Chỉ khi nào “thủy triều” rút, thì những sợi rễ mới lộ ra trước ánh sáng. Nguyễn Ngọc Tư cũng như cây đước bình dị mà quý báu của làng văn Nam Bộ, khiến độc giả luôn yêu thương và chờ đón từng sáng tác.
Không thần thánh hóa văn chương
Nguyễn Ngọc Tư hiện đang sống ở Cà Mau, không làm cho cơ quan nào, hàng ngày chỉ viết văn và nấu cơm.
“Mình viết vào ban ngày, sau khi đi chợ và cơm sáng xong. Sau 16 giờ chiều thì dừng vì đón tụi nhóc và lo cơm chiều. Đêm tuyệt đối không làm việc, càng không thức khuya để viết”. Dĩ nhiên, cái gọi là thời gian viết là lúc nhà văn đã có sẵn ý tưởng sẵn trong đầu, “Không thì mình chỉ chơi, đọc sách hay đi lang thang vùng này vùng nọ” - Nguyễn Ngọc Tư tự sự.
Cô nói thêm khó mà nói văn chương với mình là gì, là chỗ dựa dẫm những khi thấy trống trải, là chỗ trút xả những suy tưởng sôi réo trong đầu, hay chỉ là một nghề sống được. Cô không hay lý tưởng hoặc thần thánh hóa nghề viết của mình, nhưng bao giờ nghĩ tới đó, cũng nghĩ tới duyên trời.
|
HÒA BÌNH
____________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét