Sông Mê Kông, một trong mười dòng sông lớn nhất thế giới được người Việt gọi bằng cái tên quen thuộc, sông Cửu Long (chín rồng) bởi có chín nhánh sông uốn lượn hùng vĩ như rồng trước khi đổ vào biển Đông. Chín dòng sông ấy lần lượt xuôi từ Bắc xuống Nam là, Cửa Tiểu, Cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu, Định An, Ba Thắc và Trần Đề. Vậy nhưng, theo những biến đổi không ngừng của địa chất, thời gian, một nhánh sông rồng đã mất đi, mãi mãi. Hôm nay, hòa trong ánh nắng ấm áp của mùa xuân mới, chúng tôi làm một cuộc hành trình đi tìm dòng sông huyền thoại ấy.
Dòng sông huyền thoại đã mất mà chúng tôi nhắc tới chính là sông Ba Thắc (huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng). Xung quanh sự mất tích của dòng sông này, thực hư còn nhiều chuyện mà nhiều người chưa rõ. Vả lại, ngay cả những người dân địa phương nay đang sống trên chính vùng ‘đất rồng’ ngày xưa cũng không biết nhiều về nơi mình sinh sống. Bắt đầu cuộc hành trình, chúng tôi xuất phát từ phía nam cầu Rạch Miễu, thuộc địa phận thành phố Bến Tre, men theo quốc lộ 57, chạy dọc sông Hàm Luông, tiến về phía biển Thạnh Phong. Trước đây, do công việc, tôi đã từng tới Thạnh Phong nhiều lần. Có thể nói, quốc lộ 57 là một trong những quốc lộ mà giao thông kém phát triển nhất ở nước ta hiện nay. Nó chẳng khác một tỉnh lộ hay hương lộ ở các địa phương khác là bao. Tuy mặt đường xấu nhưng hai bên, những hàng dừa, xoài, bưởi, nhãn um tùm khoe sắc xanh màu ngọc bích lại vô cùng nên thơ, tươi đẹp trong ánh nắng ban mai. Mùa này, nhiều cây trái ở vùng Nam bộ đang bước vào giai đoạn đậu quả như mận, saphôchê (hồng xiêm), vú sữa, sơ ri, nhãn, mãng cầu… Khắp các nhà vườn, những đàn ong bướm dập dìu như dự đoán một mùa màng bội thu sắp tới. Thêm vào đó, những em học sinh cũng vừa nô đùa, vừa bàn tán xôn xao đạp xe đến trường. Khác với học sinh ở miền Bắc và Trung, học sinh nữ nơi đây có thói quen mặc áo dài khá sớm, từ cấp 2. Thông thường, các em nhỏ từ lớp 6 đến lớp 9 thì mặc trang phục áo dài trắng, quần đen. Các em học sinh cấp 3 đa phần mặc áo dài màu trắng toàn bộ. Giữa những cánh đồng lúa xanh nõn, những bóng áo trắng như những bông hoa làm đẹp đẽ thêm vùng quê vốn yên bình này.
Bãi biển Thạnh Phong, nơi được coi là mỏ nghêu lớn nhất vùng đất Cửu Long này, đập vào mắt chúng tôi là ngút ngàn những rừng đước, trang, bần và mắm đặc trưng. Tìm đến nhà ông Năm Nghi, một người quen cũ, là nông dân sinh sống ngay cửa sông Cổ Chiên - cũng là một trong 9 nhánh rồng đổ ra biển của dòng sông mẹ Mê Kông. Thú thực, tôi đã đi rất nhiều nơi, những cửa sông lớn từ Bắc tới Nam nhưng không nơi đâu có được vẻ yên bình và êm ả như những cửa sông rồng vùng châu thổ này. Xung quanh cái ‘đầu rồng’ ấy, những hàng cây nước lợ mọc xanh um tùm, chìm nửa thân trong nước. Có lẽ, sức sống bền bỉ của những con người chân chất nơi đây cũng như những thân cây đó chăng?
Trong cái ghe cũ kỹ có mái lợp ở trên, vừa buông chèo, tắt máy, ông Năm Nghi chầm chậm ôn lại những kỷ niệm về dòng sông Ba Thắc khi chúng tôi hỏi chuyện. “Hồi nhỏ, tôi vẫn thường theo nội chạy ghe qua bên cửa Ba Thắc và Tranh Đề buôn bán vì bên đó thuyền ghe nhiều, đi Cần Thơ, Cà Mau… thuận lợi hơn ở đây. Với lại, từ đây qua bển cũng chẳng xa xôi lắm, đi ghe vài tiếng là tới. Cù Lao Dung là vùng đất phì nhiêu màu mỡ, có cửa Ba Thắc, cửa Định An và Tranh Đề. Nhưng càng về sau, cửa Ba Thắc càng nhỏ lại do phù sa bồi đắp, uốn dòng chảy của nó quẹo khoảng 90 độ qua bên cửa Tranh Đề chứ không đổ ra biển Đông nữa. Từ hồi cửa Ba Thắc bị bẻ cong đến nay, tôi ít đi lại vùng Cù Lao Dung nữa mà chỉ quanh quẩn bên cửa Cổ Chiên này vì dịp đó tôi lấy vợ, chỉ làm nghề cào nghêu mà thôi, không buôn bán xa. Nếu các chú muốn biết thêm thì cứ sang tận nơi bên đó”, ông bảo.
Theo lời ông, một người từng có thời gian đi và sinh sống ở ven cửa Ba Thắc kể lại thì dòng sông ấy đã dần dần bị mất đi vào khoảng hơn 30 năm trước, lúc ông mới lập gia đình. Vậy là, cái ý thức được tìm về đầu nguồn dòng sông đã mất ấy cứ thôi thúc chúng tôi. Trời đã gần trưa, mặt trời ngay trên đỉnh đầu, lấp ló phía biển xa xa, chúng tôi lại lên đường. Trên bản đồ, cửa sông Ba Thắc hiện nay đúng là không còn. Ở Cù Lao Dung bây giờ, ngoài cửa Định An, Tranh Đề thì chỉ còn một nhánh sông Cồn Tròn bị bẻ cong đổ vào cửa Tranh Đề chứ không tới được biển Đông. Hỏi người dân địa phương, không ai biết cửa sông Ba Thắc ở chỗ nào. Theo chị Dương Thị Lâm, một người dân ở xã Đại Ân 1 thì hồi chị còn bé cũng nghe ba mẹ kể nhiều về cửa sông Ba Thắc. Khi ấy, cửa sông đang bị thu hẹp và là nơi để người dân địa phương khai thác cá mùa lũ còn mùa khô thì canh tác đất trồng hoa màu.
Đi tiếp về phía biển, tới địa phận xã An Thạnh Nam, nơi mà trước kia là cửa sông Ba Thắc. Thoạt nhìn, quang cảnh cũng chẳng khác bất cứ vùng quê nào của khắp đồng bằng châu thổ. Nghĩa là, những mái nhà nhỏ bé nằm lác đác dưới lùm cây. Vườn thì đủ loại, từ những thân dừa cao lêu khêu với chùm quả trĩu trịt cho tới những mãng cầu, xoài, mít đan xen. Mùi thơm của hoa trái cộng với mùi bùn non đất mới khiến những khách phương xa không khỏi nao lòng. Hỏi các bậc cao niên địa phương về sự tồn tại của cửa sông rồng ngày xưa, các cụ bảo, đúng là mấy chục năm trước, nơi đây từng là một trong chín nhánh sông của vùng Cửu Long danh tiếng. Tuy nhiên, dòng sông này dần mất đi và nay chỉ còn trong sử sách và trí nhớ người già trong ấp mà thôi. Các cụ còn bảo, việc dòng sông mất đi, nhường chỗ cho dân cư trong vùng sinh sống, định cư âu cũng là lẽ tốt, hợp ý trời. Cũng nhờ ơn đó, đất đai hoa màu nơi đây dường như tươi tốt, năng suất hơn các vùng đất khác của cù lao rất nhiều. Thú thực, gần một ngày đường vừa thủy và bộ mới tìm về được đến cửa sông Ba Thắc, một trong chín nhánh sông rồng huyền thoại nhưng chúng tôi khá thất vọng vì không còn chút gì là dấu tích của dòng sông ấy. Người dân địa phương đã xây nhà, trồng cây ngay trên nơi xưa kia là nơi đổ ra biển.
Rồi như một câu chuyện hoài cổ, mọi người bảo dòng sông Ba Thắc tuy nhỏ nhất trong chín nhánh sông đổ vào biển Đông nhưng trước, ghe thuyền đi lại vô cùng tấp nập, người dân sinh sống hai bên bờ sông rất giàu có, nhà vườn trù phú. Vậy là, vùng Cửu Long thân thuộc với chín nhánh sông rồng huyền thoại ấy thực sự giờ chỉ còn có tám bởi dòng sông Ba Thắc mãi mãi chỉ còn là ký ức từ ấy.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét