Chúng tôi thường thay nhau đi chiến trường, ăn tết theo bộ đội. Năm ấy cơ duyên kì ngộ tôi và anh Tấn - Nguyễn Thi - cùng ăn tết ở nhà. Ăn tết ở nhà thật là bận rộn. Bận rộn làm tạp chí tết, lại còn bận rộn ăn tết mới là rộn chuyện. Bận rộn mà vui từ trong lòng vui ra. Ngoài lo ăn liên hoan, còn lo vui liên hoan. Nào trang hoàng nhà cửa (dù nhà không có cửa), nào làm báo tường, nào tập tiết mục tự biên, tự diễn... Anh em vệ binh còn kiếm ở ngoài sóc cái thúng rách, bồi giấy, tô màu tự tạo cái đầu lân mới thiệt là giỏi!
Lúc đi vác gộc củi chuẩn bị cho đêm sưởi, tôi bẻ về theo một cành mai rừng nở sớm rụng hết bông chỉ còn lá non mượt mà. Bấy giờ anh Tấn đang ngồi cặm cụi với tờ bích báo. Tôi lặng lẽ cắt những bông mai bằng giấy nhuộm kí-nin vàng, gắn lên cành mai sớm tàn. Phút giây "bông" lại nở đầy cành; chưng tết trong bình hoa bằng vỏ đạn pháo 105 ly. Viết bích báo xong, anh Tấn cùng tôi giăng dây xúc xích bằng giấy tô màu (tự tạo bằng các loại vỏ cây và hoa rừng), từ bốn gốc nhà tụ vào giữa với cái lồng đèn trái bí đỏ do anh xếp rất khéo. Vẻ mặt gầy, đôi mắt trầm tư, trang nghiêm của anh bỗng rạng rỡ với nụ cười khẽ nhếch đôi môi đầy đặn, anh nói:
- Thủ trưởng phòng sẽ đi kiểm tra. Nhà nào trang hoàng đẹp sẽ được thưởng. Chúng mình dân tứ phương, lập làng không dân, không quán chợ. Tết dễ gợi buồn. Tự làm vui cho mình. Nỗi buồn cũng không phải vơi tan, song đượm màu sắc nhân văn, sá gì thưởng! - Rồi ngắm nghía cành mai tự tạo của tôi, anh khen - Cành mai nửa thật, nửa giả vậy mà có khả năng bồi bổ mỹ cảm tâm hồn. Còn làm tôn vẻ đẹp của thiên nhiên. Như tết đượm không khí tết ở đây, nhờ ở lòng người, nhờ tài hoa sáng tạo của con người.
Khi cùng nhau lên trang trí hội trường, anh Tấn dán tờ bích báo lên khung báo tường mang tên Hương Rừng. Đó là bức ký họa con heo gần hai tạ mập ú của cơ quan nuôi vài năm nay. Ước lượng bằng con voi bởi tương phản bên cạnh hai anh bộ đội thấp bé chỉ trỏ hỏi nhau: "Con heo lợn nhà ai mà to lớn bự thế?" Dưới bức họa có đề câu thơ:
Dễ thương chi lắm heo ơi!
Con cheo thế mạng! Ai người đoái thương?!
Chuyện thời sự nóng hổi, mọi người xúm vào xem và tán tụng con heo của cơ quan nuôi chỉ cho ăn cơm thừa canh cặn, còn tự nó biết ra rừng kiếm ăn: như côn trùng, cắn hạt cầy (kơ-nia), ủi rễ cây non... Có bom nó biết xuống hầm; có càn nó biết chạy lóc thóc theo chị nuôi di tản. Đặc biệt nó còn biết trửng giỡn. Nó làm điệu bộ dễ sợ, vừa hộc, vừa đâm sầm chạy lại như muốn cắn mà rồi tới bên người nó lăn ình ra, rên ịt - ịt đòi gãi. Có con heo hay đến chơi với từng nhà cũng vui, cho hoài cảm như quê nhà. Vắng nó người ta đi tìm. Bởi vậy bao lần giặc càn khan thực phẩm, hoặc như tết này, không ai chịu cho mổ thịt con heo. Mọi khi thì anh Hai Hùng, anh Bảy Thưởng-Phó phòng đi săn thú rừng. Nhưng vừa có lệnh cấm săn để bảo vệ khu căn cứ. Chỉ được săn bằng đạn thể thao. Vậy là số phận con heo tết nầy lên thớt là cầm chắc! Thời may, anh Bảy Thưởng lục bồng còn mấy viên đạn thể thao, kêu tôi cùng đi săn. Loại đạn này rất hiếm, chỉ phát cho cán bộ coi như "sâm bồi dưỡng". Viên đạn nhỏ cỡ đầu đũa, chỉ bắn chồn, cheo. Bắn cheo dù hụt mà nó cũng lăn đùng ra chết giấc. Hèn gì dân gian đưa vào thành ngữ: "Nhát như cheo". Sau mỗi phát nổ như pháo chuột là tôi nhào vô chụp liền, mỗi phát một con cheo. Quảy nặng, tôi chặt cây làm đòn gánh. Đi một hồi cái gánh run lên dữ dội; coi lại là mấy chú cheo sống dậy!
Thế là tết ấy với thịt cheo làm nhiều món... Thịt cheo ngon sánh bằng thịt gà. Chiều ba mươi tết, tiệc liên hoan rôm rả. Con heo ụt ịt na tấm thân bồ ệt gậm xương cheo, cọ quẹt vào chân người. Nhờ dễ thương mà con heo nhà được sống.
Sau tiệc liên hoan tới màn múa lân. Đầu lân sáng tạo từ cái thúng rách coi cũng ra "lân" lắm. Trống bằng cái xoong quân dụng nấu cơm, chập choã bằng hai cái nắp vung xoong con. Chị nuôi nhăn mặt nhưng phải đành cho mượn. Anh em vệ binh múa mệt. Bảy Thưởng thủ trưởng xông vào thay; Bảy Tấn nhào vô giữ đuôi. Hai con người hình vóc cao to, múa nghều ngoào, song thật xứng đôi, vui mắt. Thường ngày thủ trưởng nghiêm trang, nhà văn trầm lặng, giờ cùng vui hết mình, người coi thêm ưu ái cổ võ ầm vang. Hai anh múa càng hăng. Trống "xoong" đánh càng lớn; chị nuôi nóng ruột la om sòm: "Trống lân nhẹ tay dùm! Lủng xoong mai nhịn đói ráng chịu à!".
Tan cuộc múa lân tới màn văn nghệ "cây nhà lá vườn". Các tiết mục tự biên tự diễn, đồng điệu tâm hồn nên hấp dẫn mọi người. Hạ màn "sân khấu", thủ trưởng tập hợp đại diện các ban, đến thăm từng nhà; bình điểm nhà nào trang hoàng đẹp nhất. Đoàn người cầm đèn "chai alcol" đi thành dây ngoằn ngoèo, như "đêm hoa đăng" lấp loáng trong rừng cây tầng thấp xanh màu xanh non mướt. Xong nhà nầy sang nhà khác, đoàn người đi trên cây cầu độc mộc to bự hai ba người ôm do bom B.52 đào trốc gốc ngã bắc ngang lòng suối. Ánh đèn dạ quang kéo hàng dài qua lòng suối lưu lại ấn tượng nên thơ.
Rồi ai về nhà nấy, thức đón giao thừa. Anh Tấn và tôi sưởi lửa, vừa đàn hát. Anh chơi ghita khá hay. Chẳng là hồi kháng chiến chống Pháp, anh từng viết ca khúc cho bộ đội hát, như bài: Tiểu đoàn 302, bài hát truyền thống của tiểu đoàn. Một kỉ niệm êm đềm, cùng nghệ sĩ Bình Trang - vợ hiền (hồi ấy đang tuần trăng mật), đệm phong cầm cho anh dạy đơn vị hát...Hoài niệm trỗi dậy với mối tình biệt ly, anh đàn hát những bài "muồi" như Tình ca của Hoàng Việt, Câu hò bên bờ Hiền Lương của Hoàng Hiệp...rồi những bài dân ca Nga mượt mà du dương. Đặc biệt anh hát với nỗi xúc động ngậm ngùi bài Tình lúa, một sáng tác của Bình Trang ngọt ngào giai điệu như suối Tha La êm đềm reo tuần trăng mật, tưởng như vợ hiền cùng kề vai bên nhau... Về cuối, anh hát mãi ca khúc: Đôi bờ Bài hát du dương ca từ hầu như dành cho người mang tâm trạng trắc ẩn, éo le: "Đời em riêng biết có yêu anh, với tình yêu thiết tha..." Và câu: "Đôi bờ xa cách xa..." anh hát đi hát lại với giọng buồn thâm trầm...
Gần tới giao thừa, chúng tôi tất cả tập trung lên nhà thủ trưởng, ngồi quanh chiếc radio. Ôi! Cái giây phút thật là thiêng liêng, khi giọng Bác Hồ ấm áp ngân lên đọc thơ chúc tết đồng bào, chiến sĩ:
Xuân về xin có một bài ca
Gửi chúc đồng bào cả nước ta
Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi
Tin mừng thắng trận nở như hoa.
Dư âm giọng Bác Hồ đọc thơ mừng xuân năm ấy ngưng đọng vào cõi tâm linh chúng tôi giữa đại ngàn chiến khu nuôi bền dũng khí. Đó cũng là nguồn cơn xui nên nỗi hoài niệm ngọt ngào một cái tết ở rừng. Tuy gian khổ thiếu thốn mà giàu tình người hội tụ, tự túc, tự tạo làm vui chung cho cộng đồng; chan hoà thâm tình đồng đội, ấm cúng như một đại gia đình.
Năm sau, tôi hướng Bắc, anh hướng Tây-Nam, lao vào trận tập kích chiến lược Tết Mậu Thân - Sài Gòn...Anh bám theo Đoàn 10, đột sâu vào quận 6 đường Minh Phụng kịch chiến từ ngày 5/5 đến 9/5, đêm ấy lùi ra đến ngã ba Tham Lương thì trời sáng. Một đại đội chỉ còn mười tay súng, trụ lại trong một vuông tre, chống phản kích, nhà văn Nguyễn Thi chiến đấu và hy sinh anh dũng!
Một cái Tết với anh năm ấy đi vào hoài niệm ngọt ngào làm tổ trong tâm hồn tôi niềm thương nhớ khôn nguôi. Giờ đây, mỗi độ xuân về, Tết hoà bình tưng bừng, lòng tôi càng ngậm ngùi dậy lên nỗi nhớ Tết ở rừng mặn mà tình đồng đội thiêng liêng!
THANH GIANG (tác giả giữ bản quyền)
__________________________________
MỜI ĐỌC BÔNG TRÀM CHUYÊN ĐỀ ĐẶC BIỆT
>> Vui lòng nhấp vào hình ảnh phía dưới để về trang chuyên đề <<
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét