Một “viên quan” hộ tịch ở Bạc Liêu vào đầu thập niên 50 của thế kỷ trước đã thực thi chung một quy chế để đời. Từ tên chữ là Lâm Trấn Khuê, đã ghi thành Lâm Tẻn Cuôi vào giấy khai sinh cho một cậu bé bụ bẫm, khôi ngô vừa được sinh ra trong một gia đình Trung Hoa định cư khá lâu đời ở nơi đây theo đúng nguyên vẹn phát âm của người Triều Châu.
Bốn tuổi, Lâm Tẻn Cuôi không may bị sốt bại liệt làm tàn phế cùng lúc hai chân và cánh tay phải. Lớn lên, Lâm Tẻn Cuôi học chữ tại một ngôi trường ở Láng Tròn nằm giữa bốn bề ruộng vườn, sông nước, cách TP. Bạc Liêu 25 km về phía Nam.
Khi hết lớp nhất, tức lớp 5 bây giờ, do vừa hết trường, vừa tật bệnh và nhà lại nghèo nên Lâm Tẻn Cuôi không thể tiếp tục đi học xa. Đành phải lấy sách vở cũ của người anh trai từng dùng qua trước đó để học thêm tại nhà dưới sự kèm dạy hàng đêm từ một cô giáo trẻ đẹp chung xóm. Những tháng năm cận kề thân thiết đó đã làm trái tim chàng trai trẻ tật nguyền rung động một mối tình đơn phương thầm lặng. Đến đêm trăng nọ, giữa bốn bề cỏ cây nồng nàn hương nơi vùng quê heo hút, trước khi ra về, cô giáo trẻ đẹp kia chợt âm thầm trao vào tay anh học trò của mình hai sợi tóc dài bứt ra từ mái tóc thề chấm lưng nằm giữa tờ giấy trắng học trò gấp đôi để rồi không bao giờ còn có thể tới nữa bởi pháo vu quy ít tuần sau đã nổ giòn nơi cuối trời héo hắt…
Từ đó, chàng trai trẻ Lâm Tẻn Cuôi chợt biết làm thơ. Đôi sợi tóc nằm giữa trang giấy học trò kia cứ bay bay quấn quýt mãi trong hồn, theo luôn vào giấc ngủ và đã biến dần thành mái tóc thề:
Tóc thề bay lộng hồn xưa
Còn em má thắm bốn mùa hoa say
Ngẩn ngơ một thoáng hoàng mai
Chập chờn xuân thưở quắt quay hoa đào
(Chập chờn xuân)
Chẳng những vậy, còn biến thành đôi tà áo dài trắng nữ sinh lộng lẫy phất phơ hoài trong gió:
Dường như gió nhẹ hương trời
Hạ hồng sắc phượng nói lời xa xôi
Tiếng ve gợi những bồi hồi
Một thời áo trắng đầy vơi nỗi niềm
(Giọt nắng cuối ngày)
Dáng thương áo trắng nữ sinh ơi
Cứ gợi đường xưa bước bồi hồi
Áo dài em trắng ngàn hoa nắng
Tôi ngẩn… nhìn theo-mộng lứa đôi
(Lặng ngắm hoàng hôn)
Và rồi, trôi thêm theo thời gian ,đôi sợi tóc ấy tiếp tục trở thành những cánh phượng đỏ mang màu ly biệt lả tả rơi bất tận trên sân trường vừa có cơn mưa nhỏ đi qua mỗi khi hè đến ve ngân:
Bất chợt tôi thầm nhận tiếng ve
Bâng khuân trời lặng bước sang hè
Mưa rào hoa ngõ mưa vừa tạnh
Sân trường đã vắng tiếng từ ly
Bất chợt tôi nhìn bỗng thấy tôi
Tuổi thơ đánh mất đã lâu rồi
Cố tìm kỷ niệm sân trường cũ
Phượng hồng rụng trắng nỗi chia phôi
( Bất chợt)
Ngoài ra, lại còn tiếp tục thành chiếc nón lá nghiêng nghiêng trên mái đầu mượt nắng có đâu đó đôi sợi tóc xưa vẫn bay hoài giữa một miền nhớ khôn nguôi:
Mộng hoa thưở ấy đã tàn phai
Tóc thề con gái bóng mây bay
Tôi cùng hoa tím tường vi cũ
Bám chặc thềm xưa cỏ úa đầy
(Lặng ngắm Hoàng hôn)
Thậm chí, cho đến bây giờ, dù đang là chủ một doanh nghiệp giữa đủ đầy tử tôn, dâu rể, mỗi khi nhìn thấy ánh trăng vàng hay thoáng nghe lại làn hương cỏ cây ngày cũ, nhất là loại cỏ sả hay lá chanh cô giáo trẻ ngày xưa thường dùng gội tóc, Lâm Tẻn Cuôi luôn bị mơ màng chìm ngất vào trạng thái ray rứt, bùi ngùi, thương tiếc, xót xa:
Hương sả dịu dàng trên tóc em
Ru anh đẫm mộng dưới trăng huyền
Tóc bay từ độ anh vừa lớn
Đã ngát lòng say hương tóc em
(Hương sả)
Trời ơi gió cát mù tâm thức
Vật vả hồn đau ai gọi em
Mặt đất vần xoay cơn địa chấn
Dâng trào nham thạch lấp nhân duyên
(Tóc vẫn còn bay)
Môi em chúm chím phun châu ngọc
Xạ tiễn lòng tôi bao chấn thương
Vu ơi, đã bốn mươi năm lẻ
Tóc vẫn còn bay…phủ phục hồn
(Tóc vẫn còn bay)
Tới độ, gặp một cô gái non tơ có tuổi đời cách mình hơn thế hệ, ở bất cứ nơi đâu, anh cũng không sao kềm được nỗi xuyến xao pha trộn bao nhớ nhung về một bóng hình, một ánh mắt, một vành môi, một nụ cười nay đã “mộc dĩ thành chu nhân dĩ khứ”: chỉ còn có thể gặp lại trong những giấc chiêm bao đầm đìa suối tóc dài xưa cũ:
Bé thắt đuôi gà thương ngọn tóc
Khe khẽ tôi tìm sợi nhớ thương
Miên man mộng tưởng trong tiềm thức
Có phải người xưa tôi đó không?
(Nắng mông lung)
Bé ạ, chiều giăng thềm hoa lạ
Cõi hồn sỏi đá ủ bao niềm
Quán cà phê nhỏ từng đôi lúc
Từng giọt đen buồn nhỏ thót tim
(Nét cười hoa nắng)
Nên chẳng có gì khó hiểu lắm khi nhận ra vì sao thơ của Lâm Tẻn Cuôi luôn phảng phất nét u hoài. Và trong bao nỗi u hoài đó, những tàn phượng đỏ, bao mái tóc thề, đôi tà áo dài trắng nữ sinh, thậm chí là toàn bộ những gì Lâm Tẻn Cuôi hiện nay có thể nhìn thấy, nghe thấy như chỉ đi ra từ một nỗi niềm. Chúng cứ thay nhau bay bay khôn nguôi trong những bài thơ, trong những câu thơ đẫm đầy những dòng lệ yêu đương chưa cạn:
Hạ đã về chưa tán phượng xanh
Ve không van vỉ cánh hoa thềm
Mà sao ta mãi buồn da diết
Mỗi độ hoa hồng rợp phố em!
(Phố em)
Tôi hỏi lòng sao tím nắng chiều
Em rằng hoa thắm biết bao nhiêu
Tóc bay thả nối hồn thương nhớ
Áo trắng trường xa mộng chắt chiu
(Hoa Xoan tím)
Để từ đây, gom tất cả lại, bằng bao nỗi niềm kia, chúng đã làm ra hồn vía, khí cốt nơi tập thơ này. Làm ra luôn đặc điểm thi pháp của Lâm Tẻn Cuôi - một kiểu loại thi pháp nặng về giãi bày hoài niệm, yêu thương với những câu chữ, nhịp điệu mang tính hồi cố trung thực bao hình ảnh, bao nhịp nhớ nhung xa vắng đã chảy qua lòng Lâm Tẻn Cuôi hơn nửa thế kỷ, hơn nửa đời người và có lẽ vẫn sẽ còn tiếp tục chảy:
Tôi hỏi sầu đông hay sầu đâu
Em rằng Xoan tím chẳng phai màu
Tôi qua lối mộng nương theo gió
Em thắp nắng tà trong mắt nhau
( Hoa Xoan tím)
Dù là vậy, vẫn đầy ấp bao vẻ đẹp lấp lánh về mặt văn chương có năng lực cuốn hút tâm trí người đọc vào một khung trời hoài niệm đầy gió lộng giũ nhàu đến thảng thốt miên man đôi tà áo dài trắng đang chập chờn bay giữa mùa hè ký ức được dệt nên bằng những khát khao trộn lẫn với nhiều mất mát u hoài xa xăm luôn rực rỡ hiện về từ trong quá khứ:
Chợt bước đò ngang em khẽ ướm
“Hè sang biết có lại bên nhau”
Thảng thốt tôi nhìn theo hút bóng
Áo trắng ven sông gió giũ nhàu ?
( Hạ đến)
Chẳng những vậy, nơi tập thơ này, còn có thể nhận ra tư duy thơ của Lâm Tẻn Cuôi đang bắt đầu trở dạ một mô thức nghệ thuật mới mang đậm chất suy tư khái quát khá gân guốc, phảng phất chút bạo động rã rời bột phát trong cái nhìn về ngoại cảnh lẫn hoàn cảnh thể hiện qua diện mạo hình tượng nội tâm trong thơ lẫn qua sự gẫy vỡ ít nhiều nơi bao tiết điệu lẫn vần nhịp tròn trịa êm ả quen thuộc cũ vốn từng hiện diện hiền lành đều đặn đến nhẫn nhục xưa nay trong thơ anh:
Hình như ngày sinh của trăng
Lực hút làm rạn vỡ lòng đất
Lửa lòng phun trào
Đáy sâu gẫy gập
Sóng thần!
Hình như sau hàng bia mộ
Tình đời vẫn nặng
Có những tấm lòng
Đau đáu hướng về nhau
Hình như dư chấn mãi nôn nao
Một hồn lảo đảo
Ta bàng hoàng
Siêu trăng!
Siêu trăng!
(Sóng Thần)
Để từ đây, xét về mặt tiếp nhận, những dòng thơ ấy, dù theo sắc màu truyền thống hay chớm bước vào bầu khí nghệ thuật cách tân hiện đại, không thể không gây vào lòng người đọc bao xúc cảm thẩm mỹ thương đau, ngậm ngùi âm thầm ngân vọng lên trong lặng lẽ từ một trái tim vừa chung thủy thiết tha khôn nguôi với ký ức đầu đời, vừa đầy chất đa tình, đa cảm luôn rung động tràn chảy ra từ một suối hồn thi nhân đích thực ngay trong thì hiện tại:
Tôi đi tìm chút hồn thơ
Chiều xuân lạc bước tình cờ vào đây
Sân trường nắng cứ hây hây
Phất phơ tà áo tóc bay mơ màng
Chim ca ríu rít rộn ràn
Hoa tươi khoe sắc rỡ ràng tuổi thương
Giật mình tôi bỗng soi gương
Thấy người trong đó già hơn mình nhiều
(Chút nắng sân trường)
Chẳng những vậy, khi đọc tập thơ “Tóc bay miền nhớ” của Lâm Tẻn Cuôi, còn có thể thấy rằng, về mặt thời gian tâm lý hay vật lý, hiện tại yêu đương nơi Lâm Tẻn Cuôi vẫn cứ mãi là một quá khứ kéo dài:
Tôi như giọt nắng cuối ngày
Tìm trăng ấm lạnh, tìm mây lướt buồn
Hỏi trời tím ngắt mông lung
Sắc hoa hồng cũ còn không lối này
(Giọt nắng cuối ngày)
Một quá khứ đẫm đầy hương vị đáng yêu từng chìm sâu, tan biến chỉ vào đôi sợi tóc dài mênh mông huyền hoặc nhưng vẫn mãi còn bay vào thơ ca, còn bay vào miền nhớ thương với những dòng lệ âm thầm, lặng lẽ không phai:
Sao hè đến hè đi khơi nuối tiếc
Nỗi thương hoài da diết trong tim
Em xa rồi tôi biết đã xa em
Khi phượng vĩ bao mùa thay lá
(Tôi đã xa em)
Để lại tới đây,qua những điều vừa nói ,mới thấy thấm thía khôn nguôi câu ca dao quen thuộc từ bao đời xưa truyền lại: “Tóc mai sợi vắn sợi dài / Lấy nhau không đặng nhớ hoài ngàn năm”
Nên có thể nói rằng, ấn phẩm thi ca lần này của Lâm Tẻn Cuôi, như bao lần trước, về cơ bản, vẫn mãi là dòng sông tình yêu vừa trong xanh lại vừa rợn ngộp bao lớp sóng bão giông thầm lặng vỗ mãi những điệu buồn nhớ khôn nguôi nơi hố bờ khát vọng đầy bình dị đáng trân trọng nhưng tiếc thay số phận chẳng góp tay bồi đắp cho được vuông tròn.Tuy vậy,về phương diện văn chương nói chung, thi ca nói riêng, qua tất cả những điều trên, đã góp phần nhân duyên tạc dần ra được một Lâm Tẻn Cuôi nhà thơ ngay nơi vùng duyên hải Bạc Liêu. Một nhà thơ từ thưở biết yêu chưa bao giờ có thể đứng được trên đôi chân nghĩa đen của mình, liên tục trải qua hơn nửa thế kỷ nhưng lại dần đứng được trong lòng nhiều người đọc thơ anh với ước mong tìm ra, nhận ra chút mảnh hồn mình bên trong nó. Cũng để cùng thấy thêm rằng nguồn luyến ái yêu đương, tập trung ở tình đôi lứa luôn là một dòng sống bất khả cùng kiệt nơi mọi thực thể trong tư cách điều chí Mỹ giữa cuộc nhân sinh. Dù chảy qua ghềnh đá khổ đau hay bình nguyên hạnh phúc, tình yêu như một tương giao đặc biệt nơi loài người luôn mãi là nơi xuất phát lẫn cùng đích quay về và gọi về đối với mọi cánh buồm đời đang chơi vơi mỏng mảnh giữa muôn trùng sóng nước nhân gian.
Xin trân trọng đón chào tập thơ “Tóc bay miền nhớ”, tập thơ thứ 6 trong thi nghiệp của Lâm Tẻn Cuôi vừa ấn hành vào cuối năm 2011 từ giấy phép của NXB Văn hóa Văn nghệ Tp.HCM cùng trân trọng ái mộ bao tâm tình đầy hương bay tóc xõa đang mãi giăng giăng thêu dệt dịu dàng giữa màu áo dài trắng nữ sinh mà Lâm Tẻn Cuôi đã âm thầm giữ gìn, ghi tạc bên trong vừa như để dành lại cho riêng mình anh mà cũng chưa hẳn là chỉ để dành lại cho riêng mình anh nữa...
TRẦN MINH TẠO (tác giả giữ bản quyền)
_____________________________________
ĐÓN ĐỌC BÔNG TRÀM CHUYÊN ĐỀ ĐẶC BIỆT
KỈ NIỆM 1 NĂM TRANG VHNT BÔNG TRÀM (3/1/2011 - 3/1/2012)
>> Vui lòng nhấp chuột vào hình ảnh phía dưới để vào mục lục số đặc biệt <<
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét