HOA BẰNG LĂNG
Nắng vừa qua ngõ cũ
Tím bừng sắc bằng lăng
Tôi vàng hanh nỗi nhớ
Em về không ghé thăm?
Gió vào nghe ngõ lạ
Ta xưa buồn xanh xao
Vở xưa hồn hoa bướm
Giờ khô khốc niềm nhau.
Em buồn tay bồng bế
Tôi buồn nợ áo cơm
Ta buồn khô lá rụng
Gió lùa ngang từng cơn!
Nắng qua rồi nắng xế
Em rồi về miền xa
Bằng lăng, bằng lăng tím
Nhuộm chiều thêm xót xa…
LÂM TẺN CUÔI
Nếu
đọc lướt qua bài thơ ngắn gọn nầy thì ta thấy nó như bao bài thơ hay khác,
nhưng nếu tưởng tượng cái đầu đề “Hoa bằng lăng” không chỉ về hoa mà chỉ về
người thì tự nhiên như có một làn cảm xúc hiu hắt mà thanh bai chảy vào tâm hồn
ta vậy:
“Nắng
vừa qua ngõ cũ
Tím bừng sắc bằng lăng
Tôi vàng hanh nỗi nhớ
Em về không ghé thăm?”
Hãy
tưởng tượng đi, “Nắng vừa qua ngõ cũ” không phải là ánh nắng mặt trời mà đó là
người con gái năm xưa vừa đi ngang qua đầu ngõ. Rồi “Tím bừng sắc bằng lăng”
không phải là hoa bằng lăng nở trong vườn mà là sắc áo của nàng thoáng hiện,
nếu không thì áo nàng cũng phản chiếu sắc tím Bằng lăng . Rõ ràng tác giả đã
nói thế bởi vì do đó mà người thơ đã “Tôi vàng hanh nỗi nhớ” và tự hỏi vì sao
“Em về không ghé thăm?”. Đọc bốn câu thơ nầy rồi hãy đặt tâm trạng của ta vào
đó: Hồi hộp biết bao và biết bao nhiêu cảm xúc đang xáo trộn trong lòng. “Nắng
vừa qua ngõ cũ / Tím bừng sắc bằng lăng” thì đẹp vô cùng. Vậy mà “Tôi vàng hanh
nỗi nhớ” thì buồn biết bao. Nhà thơ vẽ trên một bức tranh hai màu tương phản và
làm cho cái vàng hanh của nỗi nhớ càng thêm héo hắt. Thế rồi “Em về không ghé
thăm?” là một lời trách móc tự hỏi trong lòng nhưng đúng ra bày tỏ hết cả tấm
lòng ao ước, chờ mong và hụt hẫng của mình. Bây giờ người đọc đã thấy buồn
chưa?
“Gió
vào nghe ngõ lạ
Ta xưa buồn xanh xao
Vở xưa hồn hoa bướm
Giờ khô khốc niềm nhau”.
Ngõ
của nhà mình mà sao gọi ngõ lạ? Vì ngõ không có nàng nên trở thành ngõ lạ. Giá
mà nàng đi vào thì ngõ nhà mình sẽ ấm áp như xưa, người thơ sẽ không nghe tiếng
gió lạc lõng, bơ vơ như bay vào ngõ lạ của nhà ai. Tuyệt! một ý tưởng mà đọc
lên đã thấy hết được sự trống trải trong lòng. “Vở xưa hồn hoa bướm / Giờ khô
khốc niềm nhau”. Vở ngày xưa đi học cũng có hồn, hồn hoa và hồn bướm ép vào đó
rồi đem trao cho nhau. Bây giờ vở ấy còn gì? Còn khô khốc trong vở và cả trong
lòng. Hai câu thơ dùng sự tương phản, đưa quá khứ trở về thực tại, làm cho quá
khứ thêm hoa mỹ và thực tại thật đau thương.
“Em
buồn tay bồng bế
Tôi buồn nợ áo cơm
Ta buồn khô lá rụng
Gió lùa ngang từng cơn!”
Em
buồn, tôi buồn, “Ta buồn khô lá rụng / Gió lùa ngang từng cơn!” đây có phải là
mùa thu chăng? Không phải. Bài thơ viết về hoa bằng lăng, mà hoa bằng lăng thì
nở vào mùa hè. Vậy thì lá và gió ở đây để chỉ cuộc đời trắc trở gian nan.
“Nắng
qua rồi nắng xế
Em rồi về miền xa
Bằng lăng, bằng lăng tím
Nhuộm chiều thêm xót xa…”
Nắng
và em được được hoá hồn chung trong hai câu thơ “Nắng qua rồi nắng xế / Em rồi
về miền xa”. Em đến rồi em đi khác chi nắng qua rồi nắng xế. Bằng lăng tím vả
bầu trời làm cho nỗi buồn trở nên mênh mông vô hạn. Nắng ở đây mờ nhạc trong
màu tím của bằng lăng như nỗi buồn trùm lấp lên cá thể mỗi người. Hình ảnh em
và anh trở nên phôi pha vô cùng trong màu tím của bằng lăng. Bốn câu thơ làm
cho người đọc thấy linh hồn mình nhẹ như chiếc lông hồng, bay trong bầu trời
mênh mông tím và nỗi buồn như có cánh cứ là đà mãi miết lưng trời. Toàn bài thơ
cho ta hình ảnh đẹp vô cùng của hoa bằng lăng nhưng cũng buồn thấm thía trong
nỗi buồn mênh mông vô tận.
CHÂU THẠCH
______________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét