Không hẹn, dấu phết, rách: Chữ “ rách” khác chi một tai nạn ập
xuống đầu, một biến cố đến trong giây phút mà con người không đóan trước. Tất
nhiên chiếc áo không hẹn mà rách là việc bình thường, nhưng ở đây còn có ngụ ý
nói về một đổ vở xảy ra trong cuộc đời luôn biến động. Rồi thì tác giả làm gì với chiếc áo rách của mình đây?
"Vụng về
sợi chỉ mấy đường may"
Áo rách thì bỏ đi và may áo mới. Áo rách mà đem vá lại cho ta một hình
ảnh rất buồn về sự gượng ép hàn gắn vết thương, về cuộc sống nghèo nàn của chủ
nó. Đã thế áo được vá lại một cách vụng về. Điều đó nói lên chủ áo là người
phong lưu chưa từng biết vá áo, nay phải gượng gạo vá lại chiếc áo của mình nên
đường may mới phải vụng về. Không nữa, thì cũng nói lên người chủ áo cô đơn
chẳng có một người nữ nào sống bên mình.
Hai câu thơ đầu chỉ là phát họa một bức tranh. Hai câu thơ sau mới là hòan thiện bức tranh buồn vô hạn:
"Cây kim
sứt mũi đâm vào vải
Những tiếng buồn thiu giữa ngón tay"
Không ai vá áo bằng cây kim sứt mũi, chỉ có nhà thơ Nguyệt Lãng của
chúng ta mới vá áo một cách tài tử như vậy mà thôi, Kiểu vá áo nầy nếu không
phải của anh chàng lè phè thì là của anh chàng đang sa cơ lỡ vận, và hình ảnh
vá áo kiểu nầy nếu không làm cho người ta cười thì làm cho người ta khóc. Trong
bài thơ nầy hình ảnh vá áo là hình ảnh làm cho người ta khóc vì:
"Những
tiếng buồn thiu giữa ngón tay"
Tiếng của cây kim cụt đầu đâm vào vải là tiếng kêu rất nhỏ. Những tiếng
kêu rất nhỏ nhưng vào thơ Nguyệt Lãng thành tiếng dội u buồn, Điều kỳ lạ là
những tiếng buồn ấy chỉ ở giữa những ngón tay nhưng người đọc lại thấy rằng cả
tác giả khi viết thơ và cả mình khi đọc thơ đều có nỗi đau âm ỉ, kéo dài của
những vết thương trong lòng do cây kim cụt đầu, do đường may thô thiển của sợi
chỉ gây nên.
Bốn câu thơ ở vế đầu là phần mở của bài thơ, Phần mở chỉ giới thiệu cái
hình ảnh còn lẻ loi trong góc tối, phát họa niềm đau còn ẩn chứa trong lòng.
Bài thơ không có vế thân bài, chỉ có phần kết luận, và ở phần kết luận tác giả
mở toang cánh cửa để nỗi đau trong lòng mình tràn ra trùm lên cảnh vật trong
tiếng gù ấm ức của con chim bìm bịp ở cuối vườn:
"Con
chim bìm bịp gù trong lá
Ai giấu
niềm đau ở cuối vườn"
Không mấy ai từng nghe tiếng chim bìm bịp, nhưng đã nghe được thì
không mấy ai cảm thấy hài lòng, Chim bìm bịp không hót, chim bìm bịp gù, và
tiếng gù như nỗi đau ẩn chứa trong lòng, và nỗi đau ấy dầu ẩn chứa trong lòng
nhưng âm thanh lại loan ra như sóng, trùm niềm đau lên cây lá, trăng sao, xói
niềm đau vào lòng người nghe sao mà da diết quá. Tác giả tưởng rằng “ai dấu
niềm đau ở cuối vườn” nhưng niềm đau ở cuối vườn không ai dấu, đó là niềm đau ở
trong lòng tác giả, nó đã thành ma nhập vào hồn tiếng gù của con chim bìm bịp.
Hãy tưởng tượng tiếng buồn đi trong đường chỉ và tiếng buồn vọng lên từ con
chim gù trong lá. Tiếng buồn nào lớn hơn? Tiếng buồn nào đau hơn? Và tiếng buồn
nào sẽ làm ta rơi lệ? Với tôi cả hai tiếng buồn đều như nhau, vì cả hai đều một
thể, là nỗi khắc khỏi của tâm hồn, là sự quặn thắt của con tim, là tâm tư sầu
thảm của con người vừa nghèo túng vừa cô đơn đang ngồi vá lại chiếc áo rách với
cây kim đã bị gảy đầu,với sợi chỉ chắc lượm được từ đâu đó.
Hai câu thơ cuối của bài thơ như sau:
"Ta giấu
niềm đau nơi mảnh vá
Mảnh vá
quàng như một vết thương"
Niềm đau làm sao giấu nơi mảnh vá được?
Bởi vì mảnh vá thể hiện niềm đau của tác giả: vá một đường chỉ
thì niềm đau còn ít, vá hai đường chỉ thì niềm đau tăng lên, mà vá ba đường chỉ
trở lên thì niềm đau vở òa đến lạnh cả không gian, làm se thắt đến cả tiếng
chim gù trong lá. Dưới con mắt tác giả mảnh vá được hình dung như một vết
thương, và một nghịch lý đã xảy ra giữa vết thương trên áo và vết thương trong
lòng tác giả. Vết thương trên áo thì được vá liền nhưng vết thương trong lòng
thì lại xé tọat thêm ra. Bởi vậy tác giả nói “ta giấu niềm đau trong mảnh vá”
không phải là muốn nói niềm đau được vá lại mà là để ám chỉ đến vết thường
trong lòng giống như mảnh vá hằn lên trên vải, nó sẽ tồn tại và nó chỉ rụi tàn
khi nào thân xác như chiếc áo trở thành tro bụi.
Bài thơ “Một mình vá áo” là một bài thơ cô đọng và hàm xúc. Đó là một
bài thơ ẩn dụ, dùng cây kim, mảnh vá để nói đến niềm đau, sự ấm ức, nỗi khắc
khỏi và tiếng kêu thương sâu kín trong tâm hồn ấy đã làm cọng hưởng cả tiếng
chim trời, cả cây lá ở cuối vườn kia. Đọc “Một mình vá áo” để ta cảm thấy cô
đơn, để ta cảm thấy âm thầm đau đớn, và để ta cảm thấy cả cõi lòng chùng xuống
chịu đựng nỗi buồn ẩn chưa trong sợi chỉ, giữa ngón tay và thóat xác thành
tiếng gù của con chim bìm bịp, để ta và tác giả hòa nhập cùng nhau mang nỗi
buồn dài năm tháng .
CHÂU THẠCH (tác giả giữ bản quyền)
________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét