Những bia đá ở An Giang là chứng tích lưu truyền công khó nhọc của tiền
nhân trong mở mang bờ cõi, để lại cho đời sau thụ hưởng. Ca dao có câu: “Nước sông Vĩnh Tế lờ đờ/ nhớ ông Bảo hộ cầm cờ chiêu
an”. Ông Bảo hộ tức Nguyễn Văn Thoại được triều Nguyễn phong tước Thoại Ngọc
Hầu, năm 1817, ông nhận trấn thủ thành Châu Đốc. Tại đây, ngoài việc giữ yên bờ
cõi, ông còn thực hiện nhiều công trình để lại tên tuổi muôn đời lưu danh cho
hậu thế, như: đào kinh Thoại Hà, kinh Vĩnh Tế, đắp lộ từ Châu Đốc đến núi Sam.
Các sự kiện này đều được tạc trên bia ký.
Theo Địa chí An Giang, bia Thoại Sơn do Thoại Ngọc Hầu dựng năm 1822 và
là một trong hai công trình di tích lịch sử và bia ký nổi tiếng ở VN dưới chế
độ phong kiến, còn lưu lại đến ngày nay. Bia đá có chiều cao 3 m, ngang 1,2 m,
dày 0,2 m. Mặt bia chạm 629 chữ, mô tả công trình đào kênh Thoại Hà và nói lên
tình cảm của Thoại Ngọc Hầu với triều đình, với nhân dân. Bia Vĩnh Tế Sơn to
cao ngang đầu người, dựng tại núi Sam tháng 9 năm Minh Mạng thứ 9 (năm 1828),
gồm 730 chữ, do Lê triều cựu thần trúng thí Tam Hà Võ Thị Thừa soạn. Bia chép
việc lập làng mở ruộng, chiêu tập dân cư, ghi rõ tấm lòng tri ân sâu xa
của một bề tôi Nguyễn Văn Thoại được vua xét tới công khó.
Còn bia Châu Đốc Tân lộ kiều lương ký dựng tại núi Sam năm 1828, thuật
lại (việc ông Nguyễn Văn Thoại đề xuất) quan viên xuất tiền bổng góp lại đài
thọ cho 3.400 nhân công thi công đắp đường, bắc cầu từ chân núi phóng ngang qua
đầm nước, đi thẳng tới dinh đồn. Lộ này làm xong, người dân có đường đi không
sợ ngập lụt.
Theo tiến sĩ Ngô Quang Láng, Phó chủ tịch Hội Lịch sử An Giang, trong
các văn bia trên, văn bia Thoại Sơn còn bảo quản tốt do lúc ấy văn bia đặt trên
vùng đất cao nên không bị lũ lụt, mưa gió tàn phá. Riêng bia Vĩnh Tế Sơn do ảnh
hưởng bởi nước lũ, chiến tranh bom đạn tàn phá đã làm nét chữ văn bia mờ phai.
Rất may lúc ấy còn bản diễn dịch nội dung văn bia sang chữ quốc ngữ của tú tài
Trần Thới Hanh ở Tân Châu, được ông Nguyễn Văn Hầu, nhà nghiên cứu văn hóa dân
gian Nam bộ tìm được, lưu giữ cẩn trọng.
Còn bia đá Tân lộ kiều lương đã biến mất, cả bản dịch chính thức cũng
không có, chỉ còn bản lược dịch. Ngoài ra, theo ông Láng, còn một bia nữa cũng
mất tích là bia Vĩnh An Hà dựng ở ven sông Tiền, tại Tân Châu vào năm 1845. Đây
là tấm bia bằng chữ nho, nay không rõ thất lạc ở đâu.
Thoại Ngọc Hầu mất vào ngày 6.6.1829, được an táng tại lăng ông ở chân
núi Sam, phường Núi Sam, TP.Châu Đốc. Đến viếng lăng ông Thoại mới cảm thấy cái
đức trí dũng của người xưa, trong lăng mộ có nhiều ngôi mộ vô danh là những
quân lính, người dân đào kinh đã chết được chôn chung bên chủ soái, ấm lạnh
cùng nhang khói.
Bây giờ đi dọc theo kinh Vĩnh Tế, dài hơn 90 km, từ Châu Đốc đến Hà
Tiên (Kiên Giang), người dân đông đúc, ruộng đồng bao la. Con kinh đã mang dòng
nước ngọt, dẫn phù sa về cho đồng bằng, kéo theo người dân đến sinh sống. Buổi
chiều, từ núi cao nhìn xuống dòng kinh thơ mộng nhưng nào ai biết bao nhiêu
người đã vong mạng, vùi thây để có được con kinh này.
Nguyễn Văn Hầu khi viết sách về “Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá
miền Hậu Giang” đã miêu tả đào kinh Thoại Sơn trong một tháng là xong, còn kinh
Vĩnh Tế phải gián đoạn nhiều lần do công việc quá cực khổ, nhân công kêu
than... Ông Nguyễn Văn Hầu thuật lại chuyện người xưa đào kinh, như sau: “Để
đào kinh cho thẳng, người ta đợi lúc ban đêm, rẽ sậy rạch hoang, đốt đuốc trên
đầu những cây sào cao rồi nhắm theo đường thẳng mà cặm”. Đoạn khác ông viết cái
khó nhọc đào kinh: “Đất ở gần chân núi, lắm chỗ đá sỏi dày đặc, cho nên sưu dân
phải đem xuổng sắt lưỡi dày rồi dùng chày vồ mà đóng mạnh cho đất sỏi văng lên.
Công việc lâu ngày mòn mỏi, lại buồn ngủ vì thức đêm, nên nhiều khi ngủ gục,
người ta đập lầm chày vồ vào đầu nhau đến vỡ sọ mà chết. Lại còn bị nạn thú dữ
làm hại. Trong rừng thâm u, ban đêm cọp rình bắt người xé xác; rắn độc núp ẩn
trong lau sậy cắn chết tươi. Thêm vào đó chết vì bệnh. Dưới chân đất khô cằn,
chai cóng, trên đầu thì nắng thiêu nóng bức...”.
Khi kinh đào hoàn thành, ông Thoại Ngọc Hầu cho nhiều toán người đi dọc
theo hai bờ kinh từ Châu Đốc đến Hà Tiên tìm hài cốt dân quân tử nạn trong khi
đào kinh mang về cải táng ở hai bên của lăng của ông. Trong ngày dựng bia tưởng
niệm, đích thân ông đứng ra chủ lễ và đọc bài “Nghĩa Tế Trũng Văn”, tế cô hồn
tử sĩ, dân quân đã bỏ mình trong công tác đào kinh.
Cánh đồng mùa len trâu
Ở An Giang có một nơi vào mùa lũ, nước của trời đất gom về thành biển
nước. Một cánh đồng ngập nước qua phim Mùa len trâu đã thành cánh đồng nổi
tiếng.
Vùng Láng Linh thuộc 2 huyện Châu Phú, Châu Thành xuất hiện nhiều trong
thơ văn, tạp chí nghiên cứu với lời giải thích: Đây là cánh đồng thấp trũng,
ngập nước lênh láng hay là cái láng có nhiều cá linh, nên gọi là Láng Linh. Nhà
văn Sơn Nam trong truyện ngắn Vùng Láng Linh miêu tả láng này rộng lắm,
linh hiển lắm, vì vậy gọi là Láng Linh; bao nhiêu nước của trời của đất gom về
đây rồi đổ ra biển.
Thời nhà Nguyễn, Láng Linh thuộc huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An
Giang. Bây giờ, Láng Linh thuộc các xã Thạnh Mỹ Tây, Đào Hữu Cảnh (H.Châu Phú)
và xã Vĩnh An (H.Châu Thành). Lão nông Lê Văn Lùng (80 tuổi, ngụ xã Thạnh Mỹ
Tây), sinh trưởng vùng Láng Linh, vuốt chòm râu kể: Vào mùa lũ, Láng Linh ngập
nước lênh láng, nhìn như biển cả nên ông bà ngày xưa gọi nó là biển giả, còn
vào mùa khô nó là đồng thấp, sình lầy đầy muỗi, vắt và lau sậy. Theo lão nông
Tư Lùng, gọi là Láng Linh vì ngày xưa láng này có nhiều cá linh hay láng này
nước ngập mênh mông hoặc chiến tranh tàn phá linh láng, nhà cửa bị giặc đốt
cháy sạch... nên cách gọi nào cũng đúng.
Lão nông kể, do láng nằm sau dãy Thất Sơn, phía đông lại tiếp giáp với
sông Hậu nên vào mùa mưa, mùa lũ, nước từ sông Hậu tràn vào cộng với lượng nước
từ Thất Sơn đổ xuống nên Láng Linh như cái túi hứng nước. Vậy nên cứ cách 2 - 3
năm là vùng này gặp thiên tai ngập lụt, người ta phải tìm lên gò cao ở.
Bây giờ, biển giả Láng Linh chỉ còn là ký ức trong lớp người cao tuổi
như lão nông Tư Lùng. Ngày xưa, do chiến tranh tàn phá nên dân chúng nơi đây
không dám cất nhà lớn, chỉ dựng nhà lụp xụp, có bị giặc đốt cũng không tiếc.
Nay nhà tường, nhà lầu phơi phới mọc lên. Khoảng hơn 18 năm trước, về Láng Linh
không cách nào đi đường bộ được bởi tất cả lộ làng chìm trong biển nước. Còn
bây giờ, đê bao, đường lộ nâng cao đã che chắn nên Láng Linh không còn là cánh
đồng trũng hứng lượng nước khổng lồ từ sông Hậu hay từ rặng Thất Sơn.
Từ Láng Linh nhìn về dãy Thất Sơn, thấy thấp thoáng núi đồi lờ mờ hùng
vĩ. Những ngọn núi nằm xa mờ mờ như ảo ảnh, và núi Ba Thê là nơi mà Sơn Nam miêu tả, đó
là nơi vào mùa nước lụt, người ta len trâu cả bầy trăm con từ các nơi về, lên
đền vua chúa xưa tìm cỏ ăn, do đất núi cao ít bị ngập.
Hai truyện ngắn liên quan đến mùa nước lụt của Sơn Nam, gồm Mùa len
trâu và Một cuộc bể dâu đã được đạo diễn Việt kiều Nguyễn Võ Nghiêm Minh biên
soạn, phóng tác thành bộ phim Mùa len trâu. Phim khởi quay tháng 9.2003, đưa
tham dự đại hội điện ảnh các nước trên thế giới, trình chiếu tại 40 quốc gia,
đoạt bốn giải thưởng quốc tế...
Cảnh trong phim là cánh đồng ngập nước với núi đồi xa xa mờ ảo, bộ phim
đã chuyển tải phần nào được hình ảnh mùa nước lũ; người xem bị choáng ngợp giữa
khung cảnh nước nổi mênh mông trong phim. Cánh đồng trong phim không đâu xa lạ,
nó nằm gần đồi Tà Pạ, một cảnh tuyệt đẹp của xã núi Tô, H.Tri Tôn, An Giang.
Cảnh trong phim quay con nước quá hoành tráng, ấy là do lúc đó cánh
đồng gần đồi Tà Pạ là vùng đất thấp, nên vào mùa mưa trở thành điểm hứng nước
từ các đồng cao đổ về, thành vùng ngập lụt. Điều thú vị là đạo diễn đã chọn
được đúng điểm để quay phim, sau đó do mở lộ nên cánh đồng trong phim không còn
là vùng đất thấp, nước mưa cũng không còn dồn lại.
Người dân nơi đây vẫn kể, hồi đó đoàn làm phim đã thuê 350 con trâu để
đóng cảnh đi len nên chiều về hay sáng ra, tiếng trâu rống vang động cả vùng.
Có một chuyện thú vị trong phim Mùa len trâu, đó là một diễn viên chỉ
đóng vai phụ nhưng sau phim đó lại “ghiền” điện ảnh. Từ vùng quê cù lao An
Giang, anh lên Sài Gòn, theo các đoàn phim đi đóng các vai phụ để thỏa mãn đam
mê. Sau thời gian bôn ba các phim trường, diễn viên này lại về quê sống thú
điền viên. Ai có nhắc lại chuyện xưa, anh cười: “Cái ông đóng vai phụ trong
phim Mùa len trâu không phải tôi đâu, người giống người thôi!”.
Nghề võ ở Thất Sơn
Núi Dài huyền bí chốn rừng rú đã khép dần, cũng như băng đảng khét
tiếng Cánh buồm đen nay đã thành dĩ vãng.
Từ nhỏ, Sáu Bộ theo bạn vào vùng Thất Sơn, An Giang học đạo. Hết đạo
Ớt, đạo Đất đến đạo Nằm, nhưng không đạo nào quyến rũ được Sáu Bộ lâu dài. Sáu
Bộ bỏ vào núi Dài, như có duyên kỳ ngộ chốn thâm u, được cao nhân truyền dạy võ
công. Năm năm sau, Sáu Bộ hạ sơn, mang theo cây roi và đường quyền Lưu Thủy,
lập đảng Cánh buồm đen. Sáu Bộ được tôn là chúa đảng, xưng hùng xưng bá trên
vùng biển từ mũi Cà Mau đến tận Hà Tiên, chuyên cướp của người giàu, giúp người
cô thế (Hương rừng Cà Mau - Sơn Nam).
Lời mào tập truyện có ghi: Truyện xảy ra năm 1939 - 1940, các nhân vật
đều hư cấu, tưởng tượng mà ra, nếu trùng với những người có thật ngoài đời thì
ngoài dụng ý của tác giả. Sơn Nam
lo xa vậy mà vẫn “đụng” hai băng cướp cỡ bự có thật ngoài đời. Anh nào cũng
mang tên Cánh buồm đen, đều dữ dằn. Tuy trùng tên nhưng một hoạt động ở quần
đảo Hải Tặc, Kiên Giang; một hoạt động ở Tân Châu, Châu Đốc.
Quần đảo hải tặc thuộc Hà Tiên, Kiên Giang đến nay vẫn còn lưu truyền
băng cướp Cánh buồm đen với cột buồm treo cây chổi, như có ý quét sạch tàu qua
lại, hoạt động trên một vùng biển rộng lớn của vịnh Thái Lan, gây nhiều vụ
cướp. Ít ồn ào hơn nhưng Cánh buồm đen ở Tân Châu do tên Cáo làm xếp sòng cũng
gây mất ăn, mất ngủ những người giàu có. Cáo mở các trường gà, sòng bạc, bắt
cóc người có của, đòi tiền chuộc.
Do mua chuộc, bắt tay với nhà cầm quyền nên Cáo mang súng, đi lại
nghênh ngang giữa Châu Đốc, Sa Đéc như vào chốn không người. Sau đó, do trúng
kế nên Cáo bị bắt ở Châu Đốc, đàn em Cáo hay tin đã ém sẵn trên các tuyến đường
dẫn về Sài Gòn, chờ dịp xông ra cứu trùm. Lúc này, vây cánh Cáo còn mạnh nên
cảnh sát phải đưa máy bay xuống Châu Đốc áp giải Cáo, vì ngại chuyển bằng xe dễ
bị phục kích. Người bắt Cáo sau đó từ Châu Đốc chuyển sang tỉnh khác làm, để
tránh bị đàn em Cáo phục hận, trả thù.
Ở An Giang xưa còn có nhiều băng cướp lừng danh như Đơn Hùng Tín, Bảy
Đởm, Con Cua Vàng, Thanh Long, cướp Du Bao... Sau này, có thêm tướng cướp Bạch
Hải Đường, giỏi võ Thiếu Lâm.
Núi Dài cao 540 m, nay thuộc 4 xã, thị trấn của huyện Tri Tôn, An
Giang, là một trong 7 ngọn núi tiêu biểu của Thất Sơn. Xưa, núi hoang vắng, nơi
thâm sơn cùng cốc thường có cao nhân dị sĩ nên võ công vùng Bảy Núi truyền
miệng với bao huyền hoặc.
Một thời, người dân các tỉnh khác ngán ngại khi biết người trước mặt
đến từ Thất Sơn. Xảy ra chuyện gì, người ta hay khuyên nhỏ: “Nhịn nó đi, thằng
đó ở Bảy Núi xuống đó, đánh không lại đâu”. Các võ sư vẫn truyền lại rằng vùng
Thất Sơn có pho võ gọi là võ thần hay thần quyền. Cách luyện võ rất lạ, người
luyện đọc thần chú rồi đêm nằm ngủ xuất hồn luyện võ cùng núi, trăng; khi đối
địch thỉnh thần nhập vong nên lợi hại.
Khoảng năm 1972 - 1980, trên các sàn đấu võ đài tự do ở An Giang xuất hiện
một người tóc bạc, được giới mộ võ gọi là võ sư Bảy Núi. Võ sư này võ nghệ cao
cường, thượng đài đánh nhiều đối thủ hộc máu nên nhiều người e dè. Còn trước
đó, có đôi mãnh hổ Thất Sơn là ông Năm Đài và Tư Thọ ở núi Dài, nổi tiếng một
thời, là truyền nhân của môn phái võ thần. Hai ông từng ác đấu diệt beo dữ, rắn
độc vùng Thất Sơn trừ họa cho dân trong vùng.
Đấu võ đài ngày xưa là cuộc đấu chết chóc, các đấu sĩ ký tên vào tờ khế
ước để rủi quyền cước vô tình, ai tử vong thì người thân hay đồng môn không
được báo cừu đòi mạng, mà khiêng xác kẻ thua bỏ vô cái hòm đem về quê chôn. Sau
này, có võ sĩ Nguyễn Kim Tuấn (50 tuổi, ngụ H.Lai Vung, Đồng Tháp), tự xưng là
Kim Mao Sư Vương, nổi lên ở miền Tây. Tuấn bái nhiều sư, trong đó có một thầy
võ trên núi Dài. Sư phụ dạy Tuấn mỗi ngày gánh chuối lên xuống núi để luyện đôi
chân săn chắc, dẻo dai; luyện chẻ dừa khô để bàn tay cứng như thép. Khi hạ sơn,
lên đài thi đấu với cú đá quét, cú đấm mạnh như sấm, Tuấn đã làm nhiều đối thủ
gục ngã. Khi đấu võ tự do bị dẹp, Tuấn đi biểu diễn nghệ thuật dùng tay và chân
lột vỏ sầu riêng, dừa khô và được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là
người lột dừa nhanh nhất.
Một nhân vật khác, nhà thơ Huỳnh Duy Lộc, ngụ TP.Cần Thơ, có duyên nợ
với Thất Sơn, từng tự nhận: “Vào Bảy Núi học được vài ba miếng phòng thân”. Lộc
còn có biệt danh là Lộc “khỉ”, bởi tướng tá còm nhom, nhỏ người nhưng mang võ
Thất Sơn nên nhiều người nể. Trong tiệc rượu, Lộc hay để cái ly không lên đầu
mình rồi tung cú đá từ dưới quét lên trúng cái ly bể nát. Lộc còn đứng tấn, vận
khí công cho bạn nhậu lấy dao đâm vào người, lưỡi dao bật ngược ra. Có lần cánh
nghệ sĩ Hà Tiên lấy số đông ép rượu, dồn phe Cần Thơ, Lộc trổ tài đưa ly rượu
lên miệng nhai rau ráu như nhai kẹo. Phe Hà Tiên chịu thua không ép nữa. Năm
1980, Lộc tham gia cùng công an Cần Thơ bắt được đạo chích gây hàng loạt vụ
trộm, nhờ biệt tài “bích hổ du tường”, tức dùng tay bám theo mép tường leo như
thằn lằn nên tên tuổi Lộc khá nổi.
Võ sư Nguyễn Văn Tạo, nhà ở gần núi Dài, nổi tiếng với tuyệt kỹ bí
truyền “liên hoàn tứ nguyệt” và “ngũ lôi công thủ”, kể rằng xưa vùng núi còn
hoang vu, thú dữ tới phá nương rẫy, tấn công người; trộm cướp, đạo tặc cướp của
nên trai tráng thôn quê biết vài miếng võ để tự vệ... Còn bây giờ thời bình,
người luyện võ để thân thể tráng kiện, sống yên vui với nương rẫy.
Bây giờ ở núi Dài, người dân lên đó làm nương rẫy, trồng cây dó bầu lấy
trầm. Dân địa phương còn mở đường cho xe gắn máy, cơ giới chạy lên núi. Núi Dài
nay đã khép lại những huyền bí chốn thâm u cùng những ông đạo, một thời tạo nên
huyền bí Thất Sơn.
THANH DŨNG (tác giả giữ bản quyền)
_________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét