Sáng sớm, sương giăng bảng lảng trên đỉnh Thiên Cấm sơn, nhiều đoàn
khách nối đuôi nhau vượt dốc.
Lên đến vồ Đầu, người nào cũng lấm tấm giọt mồ
hôi. Chốc chốc, cái se lạnh dễ chịu của núi rừng ùa về xua đi phần nào mệt
nhọc.
Ở độ cao khoảng 600m, hướng Tây Bắc, cách tượng Phật Di Lặc khoảng 3km,
vồ Đầu nằm trong 5 non gồm: Vồ Bò Hong, vồ Bà, vồ Ông Bướm và vồ Thiên Tuế. Nếu
đi bộ khu vực tượng Phật Di Lặc đến vồ Đầu mất khoảng 1 giờ đồng hồ, còn đi
bằng xe gắn máy chỉ mất khoảng 25 phút. Theo dân gian truyền miệng, vồ Đầu được
xem là vồ đầu tiên của núi Cấm. Ở vồ Đầu có 2 điểm du lịch tâm linh huyền bí là
điện 13, thờ Hoa Sơn Thánh Mẫu và cửu huyền trăm họ. Khách hành hương quan niệm
rằng, đến núi Cấm phải chinh phục cho được điện 13 bằng cách đi qua các khe
núi, rồi chui vào sâu trong mê cung đá để trải lòng. Có người chui ra khỏi hang
và thốt lên, điện 13 y như hang “mẹ sanh mẹ đẻ”. Họ còn quan niệm, nếu chui qua
điện 13 thì giống như được sanh ra một lần nữa trong cõi trời đất này. Điện 13
âm u tĩnh mịt chui qua rất khó khăn, do đó phải thắp sáng bằng nến thì mới thấy
đường đi. Khi đến những nơi sâu và hẹp phải hít sâu lồng ngực mới lách qua được
các “ải” của núi đá. Bên trong hang điện 13 sâu và dài khoảng 50m, khiến nhiều
người phải “ngộp” khi lần đầu tiên chui qua.
n 13 còn được ví như “cửa trời”. Phía ngoài còn có những tảng đá to y
như có bàn tay của đấng siêu nhiên dựng lên cao vút. Khi khám phá điện 13 xong,
du khách tiếp tục cuộc hành trình leo lên vồ Đầu cách đó hơn 100m. Ngày xưa, vồ
Đầu rất khó đi. Những người đi rừng kể rằng, muốn tới vồ Đầu mất cả ngày, phải
dùng rựa, gậy vạch đường mà đi. Hồi đó, ở đây rất thâm u nên thú rừng trú ngụ
nhiều, thậm chí còn có cả cọp và rắn to...
Ngày nay, dọc theo con đường đến vồ Đầu có nhiều hàng quán, nhà trọ mọc
lên để phục vụ khách hành hương. Nhiều đoàn khách ngoài tỉnh đến khám phá núi
Cấm mất khoảng 5 - 6 ngày. Khi lên vồ Đầu, họ còn mang cả gạo và thức ăn để nấu
cơm. Để tiện cho khách hành hương, các chủ quán ở đây đảm trách công việc bếp
núc. Đây là cách để níu chân du khách đến núi Cấm ngày càng nhiều. Chị Nga, bán
bún chay dưới chân vồ Đầu, cho biết, không biết có từ khi nào mà trên đỉnh vồ
Đầu đã được các bậc tiền nhân xây dựng một ngôi miếu thờ Thánh Mẫu và thờ cửu
huyền trăm họ. Nhiều đoàn du khách đến đây, họ khấn vái trời đất, thánh thần
cầu mong gặp nhiều điều tốt lành.
Trứ danh vồ Thiên Tuế
Ngày trước, các bậc tiền nhân đến vồ Thiên Tuế khai sơn phá thạch và
tìm am cốc để tu tiên. Sở dĩ có tên gọi vồ Thiên Tuế vì nơi đây hiện hữu nhiều
cây thiên tuế cổ thụ, một địa danh nổi tiếng bậc nhất núi Cấm. Hiện nay, ấp
Thiên Tuế (xã An Hảo, Tịnh Biên) là nơi tập trung đông dân cư, với nhiều điểm
du lịch nổi tiếng như: Chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh, hồ Thủy Liêm, điện Ông Hổ,
vồ Ông Bướm, vồ Ông Voi - địa chỉ hấp dẫn đối với khách hành hương trong và
ngoài tỉnh. Không dừng lại ở đó, địa phương lấy vồ Thiên Tuế làm địa danh đặt
tên ấp Thiên Tuế trên đỉnh núi Cấm khá độc đáo.
Từ con đường chính ở lưng chừng núi Cấm, rẽ phải là đến vồ Thiên Tuế.
Dưới một tảng đá to, người dân thờ sơn thần lúc nào cũng nghi ngút khói nhang
để khách hành hương đến viếng. Nhiều giai thoại cho rằng, xưa kia ở vồ Thiên
Tuế có bãi đất trống nên Đức Phật Thầy Tây An đã chọn làm nơi tu hành thành
đạo. Theo đó, vồ Thiên Tuế có 3 điểm còn lưu dấu bậc cao nhân, gồm: Nơi thiền
của Đức Phật Thầy Tây An, nơi phát nguyện của vua Hàm Nghi và giếng nước của
vua Gia Long…
Nếu như vài năm trước, ở vồ Thiên Tuế người ta còn thấy cây thiên tuế
nhiều vô kể thì nay chỉ còn vài cây do bị triệt hạ quá mức. Trong tương lai,
những cây thiên tuế cổ thụ tại địa danh này sẽ mai một và đi vào huyền thoại.
Rảo một vòng tại vồ Thiên Tuế tìm mỏi mắt mới thấy được vài ba cây thiên tuế
còn sót lại. Thỉnh thoảng mới gặp những gốc thiên tuế cổ nằm trơ trọi giữa các
hòn đá to (có lẽ do người ta sưu tầm làm kiểng, thấy không ưng ý nên bỏ
lại). Người dân cho biết, khoảng chục năm trước, vồ Thiên Tuế hiện hữu hàng vạn
cây thiên tuế rừng. Có cây cao hơn 2m, tán sum suê, thân uốn lượn như hình
rồng, trông rất đẹp. Nhưng sau đó, phong trào chơi kiểng thiên tuế trở nên
thịnh hành, người ta kéo nhau lên rừng lùng sục, đào bới làm cho quần thể thiên
tuế bị tàn phá nhanh chóng.
Lão hai Kiên (75 tuổi), lên núi Cấm sống cách đây hơn 30 năm, nói rằng,
hồi đó quanh khu vực này mọc toàn thiên tuế và tre rừng. Ở vùng núi cao, cây
thiên tuế có sức sống mãnh liệt. Nhiều cây bị triệt hạ bỏ lăn lóc theo tảng đá,
mùa khô thiếu nước vậy mà vẫn sống. “Cũng thật lạ, trên núi Cấm duy chỉ có vồ này
là mọc nhiều thiên tuế, nhưng hiện tại, khu vực này chỉ còn sót lại hơn chục
cây thiên tuế rừng cổ thụ. Mấy năm trước, một số hộ dân đã sưu tầm được khoảng
5- 6 cây thiên tuế trên 100 năm tuổi, với hình dáng rất đẹp. Tương lai, loại
cây này sẽ biến mất theo thời gian. Rồi đây, địa danh vồ Thiên Tuế sẽ đi vào
tiềm thức” - hai Kiên nói.
Dưới vồ Thiên Tuế khoảng 100m có một cái hang sâu. Không biết cái hang
có từ bao giờ, người ta đặt tên là hang Ông Hổ và gắn với nó nhiều câu chuyện
huyền bí. Ngồi bên vồ Thiên Tuế, lão hai Kiên cười khà: “Lên đây sống mấy chục
năm trời, nghe người xưa kể nhiều câu chuyện về hổ ở vồ Thiên Tuế và núi Bà Đội
Om. Có người cho rằng, ngày trước tại vồ Thiên
Tuế “mấy ổng” (thú dữ) nhiều lắm. Những đêm trăng rằm, hổ ở khắp chốn núi rừng
quy tụ về đây. Cái hang còn tồn tại ngày nay là hang Bạch Hổ. Con hổ này là hổ
tu chứ không phải hổ dữ. Hồi trước, “mấy ổng” đấu với nhau sáng đêm để phân
tranh lãnh địa. Bạch hổ có chơn tu nên đánh bại hắc hổ ở núi Bà Đội Om chạy sâu vào rừng. Nghe những câu chuyện này, dân gian
truyền tụng và họ đặt tượng bạch hổ và hắc hổ thờ trước hang cho đến bây giờ để
ghi nhớ những tích xưa”.
Hầu hết, các đoàn khách đặt chân đến núi Cấm đều ghé qua vồ Thiên Tuế,
rồi đi bộ xuống hang Ông Hổ. Ông ba Hải (78 tuổi, quê ở Đồng Tháp) cùng bà con
trong xóm viếng núi và ghé qua hang Ông Hổ từ rất sớm. Vuốt mình bạch hổ thờ
trước hang, ba Hải cười móm mém: “Nghe địa danh này đã lâu, hôm nay mới đến tận
mắt nhìn “mấy ổng”. Thấy chiếc hang bóng nhoáng, chắc ngày trước ông Hổ sống ở
đây. Cái hang này, miệng to bằng thúng giê, tôi chui qua lọt tót, phía bên
trong, sâu khoảng 7m. Người ta kể, đây là chiếc hang lý tưởng nhất nên “mấy
ổng” đánh nhau để giành chỗ ở. Có giai thoại khác kể rằng, đây là chiếc hang
được một tu sĩ tạo nên để ở ẩn”.
Còn theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu, tại vồ Thiên Tuế, ngày trước cụ
Cử Đa dùng làm sân dạy võ nghệ cho các đồ đệ chống Pháp. Người ta còn đồn rằng,
cụ Cử Đa đã tu đắc đạo nên thu phục được hổ mun tại núi Bà Đội. Sau đó, từ vồ
Thiên Tuế cụ ngược lên núi Tà Lơn tu tiên và mất ở đó.
Tín ngưỡng dân gian
Nằm cách vồ Thiên Tuế không xa, men theo những lối mòn chạy lẫn khuất
dưới bóng râm bạt ngàn của cây rừng, chúng tôi đến điện Gia Long, điểm thờ cúng
được khá nhiều người dân lui tới. Dịp đầu năm, rất nhiều du khách đến viếng
điện Gia Long với niềm tin sẽ được ban phước lành. Gọi là điện nhưng thực tế đó
chỉ là một ngôi miếu nhỏ được cất trên tảng đá lớn, sơn màu đỏ, bên trong đặt
chân dung Đức Thế tổ Nguyễn Ánh.
Vật phẩm cúng tế khá đơn giản, chỉ là miếng bánh, nhúm trà, vài ly rượu
nhỏ và nén hương thơm nhưng tất cả đã nói lên sự thành kính của người dân. Bên
cạnh những huyền bí về sự mầu nhiệm, núi Cấm còn trở nên nổi tiếng bởi sự gắn
bó mang tính lịch sử với vị vua đầu triều Nguyễn. Trên bước đường lưu lạc, nhằm
tránh khỏi sự vây hãm của quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã đưa tùy tùng lên núi trú
ngụ, từ đây xuất hiện giai thoại về tên gọi của ngọn núi hùng vĩ này. Do binh
sĩ nhà Nguyễn sợ quân Tây Sơn phát hiện nên đã cấm người dân lên núi, từ đó nó
được mang tên núi Cấm.
Theo người dân trên núi, những đạo sĩ tu tiên ngày trước kể, những
người lên núi lập nghiệp đã dựng lên hàng loạt huyền thoại về vua Gia Long: Có
lần lên núi khát nước, Nguyễn Ánh đã cắm thanh gươm xuống đá liền phún lên dòng
nước cho binh sĩ uống; rồi chiếc ngai đá mà nhà vua hay ngự... Những câu chuyện
ấy đã nhuốm màu huyền thoại trên vùng Thất Sơn thuở trước.
Một nhân vật lịch sử như Nguyễn Ánh, người đã lập nên triều đại vàng son
kéo dài 143 năm, được thần thánh hóa trong tín ngưỡng của nhân dân là lẽ tự
nhiên. Song, những huyền thoại về ông trên Thiên Cấm Sơn đến ngày nay vẫn còn
hiện hữu qua những câu chuyện của người dân địa phương.
Nằm trên một vồ đá khá cheo leo, điện Cây Quế cũng là một địa chỉ hành
hương được người dân thường tìm đến. Vì vị trí khá đặc biệt, có thể phóng tầm
mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ hùng vĩ của núi Cấm nên nhiều du khách tỏ ra
thích thú khi đặt chân đến đây. Điện Cây Quế hiện lên trong lời kể của nhân dân
với những câu chuyện đẫm màu sắc tâm linh. Tương truyền rằng, xưa kia nơi đây
có một cây quế đại thụ và một bắp trầm hương, mùi thơm ngào ngạt khắp núi rừng.
Nhưng chỉ có những ai thật thà, thì mới có cơ duyên gặp được quế và trầm; những
kẻ động lòng tham muốn độc chiếm thì phải trả giá. Để canh giữ 2 vật quý này,
cặp rắn hổ mây khổng lồ đã đến trấn thủ tại đây khiến những ai nuôi mộng làm
giàu từ cây quế và bắp trầm hương đều phải nhận lãnh sự trừng phạt.
Tại vồ đá này, người ta dựng lên một ngôi điện thờ tam giáo, trong đó
nằm ở vị trí cao nhất là điện thờ Ngọc Hoàng, rồi đến điện thờ Diêu Trì
Kim Vương Mẫu và trăm họ. Để đến được điện Cây Quế, chúng tôi đã tháp tùng một
đoàn khách hành hương ngoài tỉnh. Mặt trời đã khuất sau lưng ngọn Thiên Cấm Sơn,
bóng núi in một mảng râm khá lớn xuống vùng đồng bằng. Cùng đoàn hành hương trở
về, áo đẫm mồ hôi, chúng tôi hì hục bước ngược dốc. Trong cái lạnh dần đến của
núi rừng về đêm, dòng người lặng lẽ bước đi trong làn sương mỏng như đang chìm
trong những huyền thoại linh thiêng.
LƯU MỸ - THANH TIẾN (tác giả giữ bản quyền)
____________________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét