Chẳng biết mối duyên nào của núi sông đã đưa Hàn Mặc Tử cùng Bích Khê, Chế Lan Viên đến với mảnh đất Quy Nhơn - Bình Định để cùng Quách Tấn, Yến Lan... tạo nên ánh hào quang rạng rỡ của trường thơ Bình Định. Giờ đây, những đôi cánh “phi cầm” ấy đã giã từ những tháp đồng, tháp bạc bay vút vào cõi thiên thu, tiêu dao nơi xứ sở của mùa “Xuân như ý”.
Bầu trời Đồ Bàn đón những cánh chim, trái tim người Bình Định vui buồn với những câu thơ, và lòng đất Qui Nhơn ấp ủ một nấm mồ. Một con chiêm mang tên thánh Phêrô Phanxicô, chắc có nhiều người không biết. Một chàng trai có tên Trần Trọng Trí, cũng không ít kẻ lãng quên. Nhưng cái tên Hàn Mặc Tử thì đã từ lâu gắn với Ghềnh Ráng, Qui Nhơn, Bình Định, gắn với bão táp của một thời Thơ mới ...
Hai mươi tám tuổi đời, những ngày tháng vất vả với chứng bệnh nan y, những giấc mơ, những cuộc tình ... và một “tài năng lạ kỳ” (chữ dùng của nhà thơ Tế Hanh). Hàn Mặc Tử là đấy! Xin đừng đến bên ông khi trái tim mình lạnh lẽo, cũng đừng ngợi ca ông vì những phút bốc đồng. Ở con người nầy, thơ là tiếng kêu trung thực vọng tự đáy lòng, trong cơn đau, giữa niềm hoan lạc. Và bởi vậy, từng lời thơ, từng câu thơ tự nó đã thay ông tha thiết gọi mối đồng cảm của đồng loại, của thế nhân.
Đời có định mệnh hay thơ mang trong mình duyên phận? Cái gì đã khiến Hàn Mặc Tử thốt lên: “Người thơ phong vận như thơ ấy”. Lệ Thanh thi tập, từ trong khuôn khổ của những bài thơ đường luật, đã bật ra cái “tạng” của một người thơ nặng tình cùng mây nước và xa xót nỗi niềm riêng.
Trường Xuyên ơi! Trường Xuyên ơi!
Viết chẳng nên câu, nói nghẹn lời
Mây nước bao la tình lẳng lặng
Gió sương mờ mịt nhớ chơi vơi
(Nhớ Trường Xuyên)
Nhưng Lệ Thanh thi tập và cả “nhịp cầu” Gái quê vẫn chưa phải là Hàn Mặc Tử, hay nói đúng hơn đó mới chỉ là phần đời dẫu sao cũng còn bình dị, yên lành, tuy đâu đấy vụt lên ánh chớp từ đáy sâu của vùng ánh sáng mà sau này sẽ “phát tiết” chói ngời, rạng rỡ cùng những cơn vật vã triền miên giữa bệnh tật, cái chết, nỗi thất vọng tình yêu và lòng ham sống, niềm tin, giấc mơ hạnh phúc. Lê Thanh thi tập vương mang nỗi sầu đời nhưng vẫn là cái sầu của một đấng trượng phu “Nam nhi chi chí”, dẫu không còn ngông ngênh ngang tàng kiểu thi nhân – lãng tử như Nguyễn Công Trứ, Tú Xương, Tản Đà ... Gái quê đã nếm mùi chua chát của “tình si”, nhưng đó chỉ là nỗi chua chát, thất tình của một tình nhân như bao nhiêu tình nhân đa tình và lãng mạn thuở ấy; thậm chí, chưa có cái buồn thương bi thiết của Huy Cận, cái chán nản cùng cực của Chế Lan Viên và cả lòng ham sống vội vã, cuống cuồng của Xuân Diệu. Đến Thơ Điên, rồi Xuân như ý, Thượng thanh khí... câu thơ sẽ “hộc” ra từ miệng thi nhân cùng máu tươi, ánh trăng, người đẹp, linh hồn; còn lúc này, ở Gái quê, những thứ ấy mới chỉ được “nuốt” vào thôi:
Uống đi cho đỡ khô hầu
Uống đi cho bớt cái sầu miên man
Có ai nuốt ánh trăng ngàn
Có ai nuốt cả bóng nàng tiên nga
(Uống trăng)
Từ khi Hàn Mặc Tử biết mình lâm bệnh, thấy ngày giã từ cõi thế đã sừng sững hiện ra trước mắt, thì cái ngọt ngào mà bình dị, rạo rực mà mơ màng của nhịp sống “bình yên” ở Gái quê lại trở thành niềm khát khao cháy bỏng. Và, chính niềm khát khao ấy, sức chống trả để vượt qua “cơn lâm lụy” ấy, đã giúp nhà thơ dắt hồn mình đến xứ sở của ánh trăng Phượng trì, ngọn suối Quần tiên, ánh sáng Phương phi nơi nước Chúa. Đôi khi “cái ngày xưa ấy” cũng hiện về, thấp thoáng nhưng đó chỉ là những phút giây ngắn ngủi, nhanh chóng biến tan trước thực tại phủ phàng:
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?...
(Đây thôn Vĩ Dạ)
Vị ác thần có bộ xương khủng khiếp và lưỡi hái oan nghiệt trên tay, chờ chực chính trong thân thể, từng ngày, từng giờ cố làm tiêu hao nhựa sống, cố kéo nhà thơ đi khỏi cuộc đời; nhưng ông không chịu xuôi tay chấp nhận, ông “hổn hển” sống trọn vẹn những ngày còn lại, hơn thế nữa, đã tạo ra nhiều nguồn sống khác, trong huyễn tưởng, trong niềm tin tôn giáo, trong mơ, trong tiếng gọi tình yêu từ xa vọng lại. Mặc cho ai đó gọi là “cười hão khóc vờ”; còn ông, ông tin đó là sự thực, vì ông đang sống với nó kia mà:
... Gió rít tầng cao trăng ngã ngửa
Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô
Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy
Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra ...
(Say trăng)
Trong đời và trong thơ Hàn Mặc Tử, một thứ thời-gian-sống-chồng-chất đã hiện ra như thế!
Chế Lan Viên có lý khi cho rằng Hàn Mặc Tử không phải là nhà thơ siêu thực: Cái khác của ông với nhiều nhà thơ Việt Nam lãng mạn đương thời và những nhà thơ siêu thực phương Tây là bằng chính trái tim, bằng chính nỗi lòng, ông đã đẩy cái “tràn bờ” kia vào miền đất của tượng trưng, siêu thực và cả thần bí nữa:
Phượng trì! Phượng trì! Phượng trì!
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu
Trên triều thiên ngời chói rạng hào quang?
(Thánh nữ Đồng trinh Maria)
V. Vangogh (danh họa thiên tài người Hà Lan) giật lấy khoảng thời gian ít ỏi giữa hai cơn điên để vẽ, để đem màu sắc, đường nét, ánh sáng, khối hình hòa vào cái thống thiết, dữ dội, cuồng nộ của lòng mình. Còn với Hàn Mặc Tử, câu thơ, bài thơ hình như được viết cả trong giấc mơ, trong cơn đau, trong lúc “dắt hồn đi ròng rã một đêm nay”. Ông làm thơ để giành giật sự sống và ông sống đầy lên trong những câu thơ. Chính cái thời-gian-sống-chồng-chất kia đã chuyên chở cái không-gian-sống-chồng-chất giàu có, tràn đầy nầy:
Khói nhạt nhạt xen vô màu xanh biếc
Tiếng huyền địch gò theo tia yến nguyệt
Đẩy đưa dài hơi ngào ngạt trầm mơ
Thinh không tan như bào ảnh hư vô
Giải Ngân hà biến theo cầu Ô thước
Và ước ao và nhớ nhung lần lượt
Đắm im lìm trong mường tượng buồn thiu!
(Đừng cho lòng bay xa)
Và còn bao nhiêu câu thơ, bao nhiêu bài thơ như thế trong Thơ Điên, Xuân như ý, Thượng thanh khí, Cẩm châu duyên, Quần tiên hội? Chính cái chồng chất ấy của nguồn sống, cái tràn đầy ấy của linh hồn đã khiến trong thơ Hàn Mặc Tử có được sự gặp gỡ, dung hợp (một sự gặp gỡ dung hợp làm khá nhiều người rối trí) giữa sự trần tục, thân xác kiểu Wittmall, Bích Khê với cái siêu thoát, tiêu diêu của Thánh thi, Lạc âm thiều giữa sự kinh dị ma quái kiểu Bồ Tùng Linh, Edgard Poes và cái gần gủi, ngọt ngào của ca dao, của hát vè chàng Lía ...
Chủ nghĩa hiện sinh nhìn nhận cái tôi tồn tại như một hữu thể hiện sinh – phi lý và chấp nhận hành động như là sự dấn thân, một sự dấn thân không đòi ý nghĩa xã hội mà chỉ để “khai phóng hiện sinh”. Hàn Mặc Tử, khác hẳn, ông lăn cả thân xác và tâm hồn vào “hiện sinh” là để cướp thời gian, giành giật sự sống, chiến đấu với định mệnh nghiệt ngã, chống lại bệnh tật, chống lại cô đơn. Ông hiểu sâu sắc và yêu tha thiết cuộc sống trần thế này. Bởi vậy, dù có dẫn hồn mình đi vào trăng sao, “Trong mây kinh, trong gió nguyện cầu” ông vẫn quay về, vẫn giữ lấy, gắn bó với “nhục thể” cho đến giọt sống cuối cùng, vì ông biết rằng, một khi giọt sống cuối cùng kia không còn nữa như vào cái ngày 11 tháng 11 của 72 năm trước, thì cái còn lại chỉ là sự chết, im lặng, hoang vu, không có “vẻ phấn hương nào kề cận với tài hoa”, cũng chẳng có “nàng tiên mô đến khóc”:
Một mai kia ở bên khe nước ngọc
Với sao sương anh nằm chết như trăng
Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc
Đến hôn anh và rửa vết thương tâm.
(Duyên kỳ ngộ)
LÊ HỒNG KHÁNH (tác giả giữ bản quyền)
_____________________________________
ĐÓN ĐỌC BÔNG TRÀM CHUYÊN ĐỀ ĐẶC BIỆT
KỈ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH NHÀ THƠ HÀN MẠC TỬ (22.9.1912 - 22.92012)
>> Vui lòng nhấp chuột vào hình ảnh phía dưới để vào mục lục số đặc biệt <<
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét