Hai mươi tám năm đuợc sống ở trần gian mà bốn năm cuối đời đau thương vì tật bệnh, Hàn Mạc Tử vẫn đủ dựng một sự nghiêp thơ độc đáo, tạo riêng một truờng phái trong cả nền thơ Việt Nam.
Người ta gọi thơ ông là thơ điên. Thật ra cái giọng điên chỉ có ở giai đoạn sau, giai đoạn đầu thơ ông trong trẻo lám. Những bài được nhiều người biết chính là những bài trong trẻo ấy: Mùa xuân chín, Đây thôn Vỹ Giạ, Tình quê...
Trong trẻo đến mức tạo thành đằc điểm của thơ ông giai đoạn đầu: trời đất tinh khôi, không khí chưa hề bụi bặm: “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc hoặc Nắng thơm trong và tiếng nhạc thần bay”. Con người thì đang ở mùa xuân thứ nhất: “Có người trai mới in như nguyệt / Gió căng hơi và nhạc lên ngàn”. Đôi khi, như một phép màu, hình ảnh giản dị thân quen mà có sức gợi nhớ rất xa, đầy kỳ ảo: “Chị ấy năm nay còn gánh thóc / Dọc bờ sông tráng náng chang chang”. Cái nhìn sáng tạo làm giật mình cả trời đất: “Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tám / Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe”.
Buổi đầu làm thơ Hàn Mặc Tử còn viết những bài thơ theo luật Đường, niêm luật tề chỉnh, đối ứng già giặn nhưng hồn thơ mới, bạo, lãng mạn. Năm 19 tuổi được ông già Bến Ngự Phan Bội Châu hoạ thơ và biểu dương.
Hàn Mặc Tử, ngay ở tập “Gái Quê”, tập thơ đầu viết theo bút pháp Thơ Mới, xuất bản năm 1936, đã bộc lộ một cảm xúc lãng mạn vào bậc nhất trong phong trào Thơ Mới. Mà lãng mạn đến cùng thì thành siêu thực. Một thứ siêu thực trực tiếp tự ngấm vào giác quan mà thành hiện thực: “Vừa mới lên trăng đã thẹn thò / Thơm như tình ái của ni cô”.
Hàn Mặc Tử lại giàu cảm giác, giàu đến mức lấn sang cả ảo giác: Từ “Da thịt trời ơi tráng rợn mình” đến “Áo em trắng quá nhìn không ra” là một bước biến hoá trong cảm nhận giác quan. Màu trắng từ trực giác sang ảo giác.
Hàn Mặc Tử có cách giao lưu với hư vô ít ai có. Ông nghe trong không gian, cũng bằng ảo giác: “Có thứ gì rơi giữa khoảng im / Rơi tự thượng tầng không khí xuống / Tiếng vang nhè nhẹ dội vào tim”. Và nghe trong thời gian: “Còn đâu tráng lệ những thời xanh / Mùi vị thơm tho một ái tình”. Chính cái phẩm chất lãng mạn đến cùng và những giác quan kỳ ảo trời cho ấy đã giúp Hàn Mạc Tử tạo những câu thơ ảo chồng lên ảo, người đời chưa quen mới gọi nó là thơ điên. Đúng ra, chỉ lời điên mà ý tỉnh.
Đấy là nỗi đau thưong tồn tại trong dạng thức điên dại của ngôn từ vì chỉ ngôn từ điên dại mới nói được đủ cường độ của nỗi đau thương trong cõi giam cầm tật bệnh,cùng đường, tuyệt vọng của một hồn thơ đang tràn đầy niềm ham sống. Nhà thơ khạc hồn ra khỏi xác, xác bất động nên phải cho riêng hồn đuợc phiêu diêu tìm đến xa vời kỳ ảo, nơi có người giặt lụa bên sông Ngân. Lụa là trăng, nước là trăng và người cũng là trăng: “Người trăng ăn vận toàn trăng cả / Gò má riêng thôi lại đỏ hườm”. Thơ Hàn Mạc Tử hay nói tới màu đỏ của má, của môi, của hoa: đỏ tươi, đỏ hườm, đỏ máu như những điểm ấm nóng mang vị trần gian trong cảnh sắc lạnh âm u ma quái. Hình ảnh lạ, động từ bạo, làm bật dậy những cảm giác sâu, mạnh, ấn tượng không phai nhạt. Trong bài “Những giọt lệ” 12 câu, mà có tới: “Bao giờ mặt nhật tan thành máu / Và khối lòng tôi cứng tựa si”. Lại “Người đi một nửa hồn tôi mất / Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ”. Lại nữa “Ai đem tôi bỏ duới trời sâu / Sao bông phượng nở trong màu huyết / Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu”. Hàn Mặc Tử có những ý thơ quái đản, giọng thơ hoảng loạn mà tình thơ rất xót thưong, một nỗi xót thương trong trẻo, thấm thía, sâu vời vợi. Lời như mê sảng, như nói nhăng nhưng đọc xong thì ứa nước mắt. Bút pháp ấy, ngoài Hàn Mặc Tử ra không thấy ở đâu. Làm thơ mà như bưng hồn mình ròng ròng máu chảy đặt lên trang giấy.
VŨ QUẦN PHƯƠNG (tác giả giữ bản quyền)
______________________________________
ĐÓN ĐỌC BÔNG TRÀM CHUYÊN ĐỀ ĐẶC BIỆT
KỈ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH NHÀ THƠ HÀN MẠC TỬ (22.9.1912 - 22.92012)
>> Vui lòng nhấp chuột vào hình ảnh phía dưới để vào mục lục số đặc biệt <<
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét