Mà trận thế hơn nửa thế kỷ nay, trên mặt nổi chính trị dù được xem như chung cuộc, nhưng trên bình diện tinh thần, xã hội, thật sự vẫn còn trôi nổi nhiều nỗi cay đắng, đầy ưu tư cho vận mệnh dân tộc, cho những thế hệ mai sau phải gánh vác và đối phó với một tương lai mênh mông, chưa biết được đoạn kết có trải được gấm hoa?
Sau sự chia cắt hai miền Nam Bắc năm 1954, người ta kỳ vọng vào một cuộc tổng tuyển cử dự trù vào năm 1956, thật sự không bao giờ có được, vì nhiều lý do hai bên đều phản bác cho nhau. Chế độ Cộng Hòa vừa hình thành tại miền Nam đã phải đối phó với thù trong giặc ngoài, lại mang nặng nhiều cực đoan, phong kiến, và giai đoạn đầu chấm dứt trong xáo trộn năm 1963. Thể chế VNCH nối tiếp sau đó trôi nổi vô định hướng, những người cầm quyền không còn làm chủ được tình thế, và miền Nam sụp đổ năm 1975.
Riêng miền Bắc phải trải qua một trận cuồng phong tàn khốc hoạt hóa mọi phương diện, trước chủ nghĩa Mac-Lenin phong tỏa mọi ý thức riêng tư, mà đời sống con người ít nhất phải có quyền soi ngẫm lại chính bản than. Họ xóa hết tôn giáo, quyền tự thể nhân dân, chỉ còn một hướng đi tới bắt buộc với ngọn roi xà ích và hai chắn mắt.
Vì vậy, trong khoảng thời gian này, mọi biện bạch chỉ là một tai họa. Điển hình, phong trào Trăm hoa đua nở của những sĩ phu Bắc hà đã going lên hồi trống cấp bách, bày tỏ chính kiến trước hình thái chính trị trong văn nghệ chỉ huy. Hình thái nô vong đã khiến văn nghệ sĩ phẫn uất đưa ra chính kiến, phản bác hiện trạng vong thân của văn nghệ trước những tư tưởng triết học ngoại lai, xa lạ. Nhân văn giai phẩm hiện diện với nhiều máu lửa từ trái tim của người làm văn nghệ, đã lọt qua bức màn sắt, bay trong nhiều vùng đất lành của thế giới.
Ở miền Nam, dù cũng nhiễu nhương, nhưng lớp sĩ phu di cư từ phương trời Thăng Long cổ xưa đã mang dấu ấn văn nghệ bác học vào nhân gian Nam Bộ, tạo lập ra những tạp chí văn học như Sáng Tạo, Hiện Đại, Thwế Kỷ Hai Mươi, Văn Nghệ … vạch một khung trời nghệ thuật vị nghệ thuật, xa rời bản thể dung dị chân chất của Miền Nam. Mà bấy lâu nay, những câu sấm giảng, kinh kệ đã thấm sâu vào tư tưởng hiền hòa, bình dị … Mà cũng bấy lâu nay, những tác phẩm có hậu của Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Chánh Sắt, Phú Đức … như cái nôi cùng chia ngọt xẻ bùi, với những thời khắc lao động cật lực vun quén đất trời phương Nam, thì những lúc nhàn hạ dân chúng chỉ biết ngồi quanh đống lửa rơm hát hò tài tử, hoặc trí thức hơn là những nhẩn nha trên các tác phẩm Lục Vân Tiên, Bách Si Ma, Đau Đớn Phận Nghèo, … hay quay quần trên trận cười kể chuyện tiếu lâm của Bác Ba Phi.
Các tạp chí sau này được coi là kinh điển như Sáng Tạo, Nghệ Thuật … vẫn được lớp người trí thức và an hem văn nghệ miền Nam đón nhận trân trọng, xem đây là khởi đầu cho một dòng nghệ thuật tự do, sáng tạo tiếp nối trào lưu tiến bộ của văn nghệ thế giói. Các tư tưởng lớn gặp nhau không có gì lạ, vì các trí thức văn nghệ thật ra cũng đã thông thấu nhiều dòng triết học nhân loại từ cổ chí kim. Nên sự chụp bắt, tạo hình và sinh đẻ một dòng văn học Việt nam đa dạng, là một sự thật hiển nhiên, trù phú, góp phần xây dựng một nền văn học miền Nam đa dạng, đa hình. Chỉ riêng, về một sự thật để vạch trần cái thực của phong trào chính trị và văn nghệ miền Bắc, có thể dẫn chứng bằng một bản phim màn ảnh riêng làm chấn động cả ý thức trong nước và ngoài nước lúc bấy giờ, là phim Chúng Tôi Muốn Sống với các minh tinh điện ảnh tài hoa như Lê Quỳnh chẳng hạn đã lắm lúc còn khiến người ta rùng mình chiêm nghiệm. Bộ phim đã đánh động một ý thức mới về sự thật của chế độ và văn nghệ miền Bắc thời Cải cách ruộng đất.
Ngoảnh lại, kinh nghiệm từ thời Tam Quốc, Xuân Thu chiến quốc của Trung Hoa, lịch sử cũng đậm nét bạo tàn của những mưu đồ chính trị, phong kiến. Cái hiển nhiên mà lịch sử phải ghi lại đươc, phải chăng còn chờ một Tư Mã Thiên chấp bút cho chính sử. Cũng như, ở văn học, có lúc người ta cũng kinh sợ trước sự can thiệp thô bạo của cầm quyền, khi đánh giá cục bộ một tác phẩm to lớn như Truyện Kiều (Đoạn Trường Tân Thanh) như một dâm thư, loại bỏ một cách không thương tiếc, chỉ vì ở thời buổi đó Kiều không ích lợi gì cho sự lao động chỉ huy thiết thực …
SỰ XUẤT HIỆN VÀ QUAN ĐIỂM CỦA TUỔI TRẺ TRƯỚC THỜI CUỘC
Như bài Văn hóa và Chính trị của Nguyễn Văn Trung đăng trên tạp chí Bách Khoa số 244, nhận định: “Chiến tranh Việt Nam hiện nay và nội chiến Tây Ban Nha hồi 1936, tuy có nhiều quân tình nguyện của các nước tham dự vào trận chiến, nhưng tại TBN hai phe trong nước vẫn còn nắm giữ chủ quyền và tham gia tích cực vào cuộc chiến, nhưng ở VN thì khác hẳn. Khi quốc tế can thiệp vào thì người VN không còn giữ vao trò chính và cũng chán ngán những lý tưởng nhân danh nó mà người ngoại quốc can thiệp, vì người VN đã chịu đựng chiến tranh tù 20 năm rồi.” Những tình trạng hoang vu, tàn phá gây nhiều phẫn nộ trong tâm hồn quột cường của tuổi trẻ.Không thể cúi đầu len lỏi trước đám đông, không phải giữ im lặng cho một ý thức, không thể hành động tích cực, nhưng tuổi trẻ phải phản đối, sống mạnh bằng ngòi bút, sống sáng tạo bằng văn chương. Và văn nghệ lăn dần vào cuộc sống hiện tại, những hình tượng chân thật thảm thiết cho tuổi trẻ và nghệ thuật. Tùy theo sự nhiệt thành hay bản chất, những phẫn nộ diễn ra nhiều ít, kín đáo hay lộ liễu, chua chat hay êm dịu. Từ đó, có sự xuất hiện đông đủ của an hem văn nghệ trên các tạp chí vận động tự lực, như Tiếng động mùa hạ của Trần Như Liên, Phượng Lan, Sơn Đài (Sóc Trăng, 1962), Sóng (Tuy Hòa), Biểu Tượng (Vĩnh Long), Trình Diện Tuổi Đất (Châu Đốc), Biên Giới, Động Đất (Tây Ninh), Giới Tuyến (Quảng Nam), Mây Chiều (Gia Định), Ngưỡng Cửa (Đà Nẵng), Mạch Thở (Biên Hòa), Lập Trường (Chương Thiện), Quê Hương (Phan Thiết), Ý Thức, Thế Đứng (Phan Rang), Việt (Huế), Vận Động (Quy Nhơn), Trước Mặt (Quảng Ngãi), Cùng Khổ (Đà Nẵng). Ngoài các tạp chí khác rải rác như: Phát Khởi, Sáng Hóa, Nhìn Mặt … Vĩnh Long, ngoài những tâm hồn rạng đông Biểu Tượng còn có Tham Dự, Tập Thể. Cần Thơ với những tha thiết chân thành của Lên Đường, Khơi Dòng, Sóng Cửu Long, Khai Nguyên, Vượt Thoát, Thời Gian, Phía Chúng Ta. Thì Gia Định còn có thêm hiện diện hào nhoáng của Hiện Diện Mới. Ba Xuyên sau Tiếng Động Mùa Hạ được khai hoạt bằng tạp chí Người và Cung Thương Miền Nam. Long Xuyên xuất hiện tạp chí văn chương trẻ trước tương lai văn học miền Nam: Khuynh Hướng …
Cứu cánh của các tạp chí đều giống nhau trước tương lai đất nước và văn học Việt Nam, mặc dù mỗi tạp chí đều chọn riêng cho mình một hướng tới đích thực nào đó. Những phát biểu vì vậy, tùy thuộc chủ trương và ý thức trước tình thế đương thời.
Phần đông, các bằng hữu văn nghệ đều có chung một ý niệm, tạo dựng tiếng nói lớp người trẻ, bằng đơn thuần là tờ tạp chí văn học nghệ thuật, để phát huy cật lực quan điểm văn nghệ và đời sống. Dĩ nhiên, cũng có nhiều tiếng nói đa diện, nhiều khuynh hướng bảo thủ, về chiến tranh, thân phận và văn chương. Mỗi quan điểm nhận định phát huy khác nhau, giữa một khung trời đầy bom đạn, máu lửa và sự nhỏ nhoi của con người đã khiến khu vườn văn nghệ miền Nam đầy đủ các sắc thái thân thiện hoặc phản chiến. Một số tạp chí, vừa phát huy quan điểm nghệ thuật bằng tờ báo, nhưng trước sự giả dối của cuộc chiến tranh sắp đặt, cố ý làm mạnh them truyền bá, bằng cách song song ra mắt những tác phẩm xuất bản cho anh em. Việc làm này cũng tạo được những thành công nhất định, như giới thiệu được từng đứa con tinh thần rực rỡ của nhiều khuôn mặt tài hoa.
Ưu điểm của việc xuất bản tác phẩm của các tạp chí trẻ, cũng là bằng chứng tạo sinh lộ cho văn học nghệ thuật miền Nam trong thời kỳ chiến tranh này.
TẠP CHÍ KHAI PHÁ, TIẾNG NÓI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT MIỀN NAM
Tại miền Nam, đang mang danh nghĩa thế giới tự do, sự ra đời của các tạp chí Sáng Tạo, Thế Kỷ Hai Mươi, Hiện Đại … của các nhà văn nghệ từ phương Bắc di trú về đất phương Nam. Tuy hào nhoáng một sắc thái lịch lãm, sáng hóa một phương trời nghệ thuật mới, nhưng các tạp chí trên chỉ là những làn song vỡ bờ tràn ngập ở những nơi ánh sáng thành thị, đầy sắc thái Âu Tây hóa mà thôi. Riêng các tỉnh lẻ, nông thôn, những lớp người làm văn học được xem tiền phong này, chưa thể thâm nhập vào môi trường bình dị bát ngát đồng bằng này. Từ những Nguyễn Mạnh Côn, Lý Hoàng Phong, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Dương Nghiễm Mậu, Nguyên Sa càng lúc càng xa rời lơ đãng, đánh rơi những giá trị đích thực từ những dấu chân khai hoang của họ trở về trước. Một mặt, văn chương Nam Bộ một thời lừng lẫy với Phú Đức, Hồ Biểu Chánh … có một sự gần gũi dễ hiểu, dễ cảm thong với hang chục triệu dân quê Việt Nam. Ở thời kỳ mà phương tiện giao thông, liên lạc còn lạc hậu của nửa thế kỷ trước, làm gì đón đọc được mà thông thấu tư tưởng tân kỳ, đầy rẫy triết học cao siêu một cách nhanh chóng được. Huống hồ, một tạp chí kinh điển tại kinh đô ánh sang như Sài thành, chỉ in trên dưới một vài ngàn quyển, thì sẽ chỉ quanh quẩn ở những khu chợ búa, hoặc trôi nổi quanh năm ngón tay nửa ngắn nửa dài.
Năm 1960, trước sự khai sinh cái Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam thì cả một vùng quê hương xa xôi, nghèo nàn lạc hậu đã bắt đầu chìm đắm trong chiến tranh, trả thù và giất chóc. Cả một thế hệ thanh niên phải chôn vùi trong một cuộc chiến đầy mưu đồ chính trị … Cuộc chiến càng ngày càng tàn bạo, buổi sáng thức dậy mới biết mình đang sống hay đã chết. Vì vậy, tuổi trẻ bắt đầu ý thức và xuất hiện lần lượt bày tỏ, lạc quan có, bi phẫn có. Chính vấn đề ý thức sâu rộng đó, hàng loạt tiếng nói và chủ trương về nghệ thuật của tuổi trẻ đã ồ ạt dựng lên khắp phần đất tự do còn lại này. Tùy phương tiện và tài chánh, quay roneo hoặc in ấn đàng hoàng, vơớ những dấn thân vô vị lợi. Từ năm 1960 trở về sau, ngoài Ba Xuyên đã có tiếng nói của Tiếng Động Mùa Hạ, do Trần Như Liên Phương, Lan Sơn Đài chủ trương, thì Vĩnh Long cũng có tờ Biểu Tượng ấn hành bốn số, do Nguyễn Bạch Dương, Hoàng Đông Trước và Hà Nghiêu Bích chăm sóc. Phan Rang có Thế Đứng do Tô Đình Sự, Phạm Nhã Dự chủ trì. Tây Ninh xuất hiện tập san Biên Giới do Trần Thy Dã Tràng, Sa Chi Lệ, Điệp Thuyên Ly gánh vác, sau đó Sa Chi Lệ chuyển sang tiếng nói thứ hai ở tờ Động Đất cho rộng nẻo đi về. Đà Nẵng có Cùng Khổ quản lý bởi Nguyễn Phan Duy, Đoàn Minh Hải, Phương Tấn. Riêng Đồng Bằng Sông Cửu Long ngoài các tạp chí đã nhắc phía trên, Long Xuyên còn có Khuynh Hướng ra được hai số do Kim Đan và Trịnh Bửu Hoài ấn hành từ 1970-1971. Cần Thơ có Sóng Cửu Long do Chu Tấn, Trần Kiên Thảo, Trần Hoài Thư, Lê Triều Điển, Ưu Thức, nếu không kể them Đoàn Xuân Kiên, Trần Mộng Hoàng, Lê Triều Điển còn chủ trương Khai Nguyên và Vượt Thoát … điều đáng chú ý và khâm phục ở đây, sự hiện diện của hai tạp chí đáng tiêu biểu và hoạt động cật lực: Tạp chí Tham Dự và tạp chí Khơi Dòng. Tạp chí Tham Dự do nhà nghiên cứu Việt Chung Tử chủ trương cùng với nhà thơ Trần Mộng Hoàng ra mắt bạn đọc được sáu số từ 1970-1973, với sự góp mặt đông đảo của các cây bút lão thành như Nguyễn Tử Quang, Mặc Khải, Xuân Lão, Truy Phong đến các văn nghệ sĩ trẻ sung sức thời đó như Yên Bằng, Đoàn Minh Hải, Trần Mộng Hoàng, Trầm Nguyên Ý Anh, Trần Hồ, Hoàng Ngọc Luận, Kiều Phương Thu, Trần Tử Uyên, Ngọc Thùy Giang, Trường Giang, Vĩnh Liêm, Ngy Do Thái, Mai Trúc Linh, Tiết Tâm Linh, Hoàng Anh Tâm, Hoàng Thoại Châu, Huỳnh Thanh Tòng, Thanh Việt Thanh, Lan Sơn Đài, Mạc Quan Huyền, Hoài Giang Lê Bá Diệp, Kim Đan, Phan Phụng Văn, Song An Châu, Trần Hòa Nhã, Trúc Thanh Tâm, Trần Duy Cang, Lê Triều Điển, Trăng Cửu Long, Nguyễn Sinh Từ, Nguyễn Hiền Lương …
Tạp chí Khơi Dòng cũng phát sinh từ thi văn đoàn Về Nguồn, với một chương trình thi ca qua làn sóng vô tuyến của đài phát thanh Cần Thơ, do Lê Trúc Khanh, Huyền Vân Thanh phụ trách. Trong lúc Tham Dự in với khổ nhỏ như bán nguyệt san Văn, thì Khơi Dòng ấn hành với khổ lớn 20cm x 26cm xuất bản từ 1970-1975, được tổng cộng năm số, cùng với sự tin yêu và góp mặt hùng hậu của các văn nghệ sĩ trẻ vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long như: Lưu Vân, Yên Bằng, Lê Viễn Xứ, Hoàng Tuấn Phương, Lâm Hảo Dũng, Nguyễn Viết Chung, Trân Khanh, Nguyễn Bạch Dương, Vương Doãn Chi, Thương Tử Tâm, Lê Hà Uyên, Vũ Phan Trần (Ưu Thức), Hà Thúc Sinh, Vũ Ngọc Đức, Lâm Cảnh Huy, Trần Tử Lan (Lâm Hảo Khôi), Phù Sa Lộc, Lý Thị Kim Xương, Trầm Mặc Nghệ Thế (Lý Thừa Nghiệp), Trần Kiêu Bạt, Trần Vũ Cung Thy, Hà Huy Thanh, Kiều Diễm Phượng, Huyền Vân Thanh, Nguyễn Hoài Vọng, Vương Phong Lan, Huỳnh Thanh Tòng, Lê Trúc Khanh …
Mặc dù mỗi tạp chí chỉ xuất hiện từ hai đến tám số nhưng sự nở rộ khắp nẻo đường đất nước miền Nam đã mang lại một ý nghĩa quảng bá sâu rộng và thần kỳ, mà báo chí lớn tại các đô thị trung tâm đậm nét sáng tạo bác học, cũng phải suy tư, nể vì …
Tạp chí Khai Phá được hình thành như thêm một làn sóng nhỏ nối tiếp làn sóng lớn. Tuy nhiên, muốn được đứng vững vàng giữa lòng báo chí anh em thời đó, Khai Phá cũng phải trải qua bao nhiêu sự hóa than, thăng trầm và tu chỉnh. Từ tờ Hoa Xuân năm 1960 do Mặc Lan Hoài, Thương Hoài Diệp, Hàn Thanh, Mai Thanh Tuyền chủ xướng, tạp chí Khai Phá phải chuyển biến từ lớp áo văn nghệ của tập san Thế Kỷ Mới (1962), Thể Hiện (1964), Hiện Diện (1966), Trình Diện Tuổi Đất (1966), Khuynh Hướng (1970) … với sự hiện diện của Ngô Nguyên Nghiễm, Lâm Hảo Dũng, Nguyễn Bạch Dương, Hạc Thành Hoa, Nguyễn Lệ Uyên, Hà Nghiêu Bích, Nguyễn Nguyên Như (Nguyễn Thành Xuân), Hoàng Đình Huy Quan, Lưu Nhữ Thụy, Lưu Vân, Thụy Miên, Mặc Huyền Thương (Trần Phù Thế), Triều Uyên Phượng, Mai Văn Cương, Nguyễn Sinh Từ, Phạm Nhã Uyên, Nguyễn Huy Chương, Hà Thúc Sinh, Thái Văn Sơn … Tạp chí Khai Phá 1 hình thành và ra mắt trung tuần tháng 4.1970, là tiếng nói văn học nghệ thuật miền Nam, với chủ hướng dựng luồng sinh khí nghệ thuật mới. Chủ đề, Nhìn văn nghệ trong tình thế hiện đại, số 1 ấn hành 1500 quyển, khổ 15.5cm x 24.5cm trang trọng theo khổ tạp chí Bách Khoa, dày 114 trang với Ô Cửa đã được mở rộng, thiết tha bày tỏ với mọi liên quan “hãy cùng nhau xây dựng ngay trong những đổ vỡ, bằng những sự góp mặt, bằng tiếng nói bày tỏ chân tình trước bóng dáng văn học nghệ thuật. Với những phương tiện tư tưởng sắc bén nhất dù tương phản trong thế giới mỗi người, đều được tôn trọng như một giải pháp, ý kiến cho vấn đề …”
Tất cả sự đồng quy của bằng hữu cộng tác trong không gian Khai Phá được sửa soạn dự trù cả năm trời dài đằng đẵng, để đúc kết một ý chí và hoài bão của những hàn sĩ đồng nhiệt tâm chung sức. Tạp chí Khai Phá 1 ra mắt một cách chật vật, lúc đầu dự định in tại Thủ đô Sài Gòn, nhưng sau nhiều lần chuẩn bị trong suy tính, đành phải quy hồi in ngược lộ trình tại Long Xuyên. Chi phí bớt đi phần nào, nhưng sự phấn khởi cho tờ báo xuất hiện thật sự làm anh em tan đi tất cả ưu phiền, cực nhọc. Ngoài sáng tác thơ văn của Hà Nghiêu Bích, Mặc Huyền Thương (Trần Phù Thế), Nguyễn Huy Chương, Trịnh Bữu Hoài, Nguyễn Lệ Uyên, Lưu Nhữ Thụy, Kim Đan, Hoàng Đình Huy Quan, Ngô Nguyên Nghiễm … còn có phụ bản của Nguyễn Hải Chí (Chóe) chung vai đồng gánh với bằng hữu Khai Phá, “văn nghệ trong tình thế hiện đại,”chủ đề cấp bách đưa lên tư tưởng về văn nghệ trong cơn bão biển hôm nay, với bốn bài viết nhận định dầy 44 trang giấy, gồm: Vấn đề văn nghệ và chiều hướng sáng tác (Huy Thanh), Văn nghệ, sự góp mặt trong sa mù (Phan Thụy Ngọc Biển), Lên tiếng cho địa vị văn nghệ cơn động bão (Trần Nh. Hạnh), Nói về vài biến chuyển nghệ thuật trong tình thế hiện đại (Ngô Tấn Thiền). Đã nói lên vài ý nghĩ tâm huyết của người làm văn nghệ tuổi trẻ, trước những cuồng rối bi thảm của chiến tranh, đã phá đổ ranh giới về văn chương, quan niệm nghệ thuật cũng như sự rời tay của những người đi tiên phong. Sự xuất hiện liên tay của các tạp chí văn nghệ tỉnh lẻ, những giải thưởng văn học nghệ thuật ở các bộ môn Âm nhạc, Điêu khắc, Hội họa, Nhiếp Ảnh, Thơ, Văn, Biên khảo, Phim, Kịch …và giới thiệu hàng loạt những văn nghệ phẩm xuất bản, giữa lúc nghệ thuật đang bập bềnh trước cơn phong vũ ác liệt của thời cuộc
Với quan điểm là diễn đàn góp phần cho những người nỗ lực đi tìm sinh lộ cho tương lai văn học nghệ thuật Việt Nam; bày tỏ những vấn đề cấp thiết, tạo dựng hướng đi đích thực, với mục đích phát huy và gây dựng niềm tin mới: thể hiện sự kết chặt trong vai trò văn nghệ, Khai Phá 1 ra mắt trong niềm tin rạng ngời của anh em, mang đặt một sự trách nhiệm tự giác cho tha nhân, trước sự sống còn của đất nước, của gia đình và của chính bản thân. Hầu như vói sự đón nhận thật nồng nhiệt, mỗi số báo Khai Phá nhận được khoảng vài trăm lá thư và bài vở, cộng tác có, bày tỏ có. Tuy nhiên, cũng phải hơn sáu tháng sau, Khai Phá 2 mới được ấn hành, tại nhà in của nhà văn Nhật Tiến (cơ sở Ấn loát - xuất bản Huyền Trân, 137 Thiệu Trị - Phú Nhuận), cổng xe lửa số 6, thuộc tỉnh Gia Định.
Bằng những phấn khởi thật sự, dù sự cực nhọc vẫn còn dàn trải ở mọi phương diện Khai Phá 2 chân thành bày tỏ với một cảm thông sẽ hiện diện hết sức mình và cố gắng vươn lên trong tư thế nguyệt san, để tìm lối thoát cho sự bế tắt của văn nghệ trước thời cuộc. Bằng những sự xuất hiện them nhiều cây viết nhiệt tâm như Lâm Hảo Dũng, Nguyễn Bạch Dương, Tô Nhược Châu, Phạm Cao Hoàng, Thụy Miên, Tô Đình Sự, Lưu Huỳnh Truyền, Trần Văn Nam, Lâm Chương, Lưu Vân, Nguyễn Lan Viên, Phạm Nhã Dự, Ngọc Thùy Khanh, Trần Phù Thế, Nguyễn Hải Chí …
Chủ đề Khai Phá 2: “Con đường văn học nghệ thuật Việt Nam trong mười năm qua,” do Tô Đình Sự và Phạm Nhã Dự chủ trì, hoàn thành trước vài tháng Tô Đình Sự bị tai nạn giao thong trên đường xa lộ Biên Hòa (Sài Gòn) trên chuyến đi định mệnh với Lâm Chương, Yên Bằng …(ngày 9.10.1970 và mất ngày 13.10.1970 tại Tổng Y Viện Cộng Hòa). Tất nhiên bài họp mặt bàn tròn với mười khuôn mặt an hem văn nghệ vẫn được trao tận tay Khai Phá. Để tưởng niệm Tô Đình Sự, Khai Phá 2 lấy chủ đề trên do Tô Đình Sự đặt tựa, để trình bày những chính kiến của các văn nghệ sĩ trẻ trong tình huống hiện tại. “Trở lại với những người làm văn nghệ, họ làm việc âm thầm, họ có cái ý thức tự lực rất cao dù với phương diện nào. Họ đã có các ý hướng vượt thoát lên trên những người viết cũ. Họ muốn tiếp tục những mòn rĩ của văn chương bằng sức sống tinh khôi, có thể mang từ một chốn đổ nát nơi chiến tranh khủng khiếp nhất, có thể mang từ một bất mãn một sinh động cần kíp cho mọi người thở và sống. Họ và những người thương tích đầy người, hoặc chưa, thì cũng sẽ, thật sự rời bỏ chúng ta, trong ý định sẽ viết một cách bén nhạy vào một thực tại” (Phạm Nhã Dự, trang 59, Khai Phá 2).
Khai Phá 2 thật sự được đón nhận nhiều sự đồng tình, cổ vũ của bạn đọc bốn phương. Lúc này phương tiện giao thông thật khó khăn, một mặt chiến tranh càng quấy khắp nơi, an ninh thắt chặt, nên liên lạc giữa các địa phương chỉ còn chờ sự hiểu biết trách nhiệm của hệ thống bưu điện đương thời. Một lá thư chuyển giữa hai tỉnh thành khác nhau 50-100km cũng phải mất 5-10 ngày là chuyện thường. Nên lúc ban đầu, để tạp chí được ra mắt bằng hữu yêu văn nghệ, Khai Phá cố gắng gầy dựng được một số chiến hữu đại diện không công, quá yêu nghệ thuật mà không đòi hỏi lợi nhuận nào. Ở Đà Nẵng có Nguyễn Huy Chương, Đoàn Minh Hải. Tuy Hòa có Hoàng Đình Huy Quan. Quy Nhơn có được sự trợ giúp của Đặng Tấn Tới. Đà Lạt được Ngọc Thùy Khanh tiếp tay. Pleiku, Kontum có Kinh Dương Vương (Rừng), Lâm Hảo Dũng, Nguyễn Bạch Dương. Biên Hòa, Nguyễn Tất Nhiên hồn nhiên bảo trợ. Long Xuyên có Trịnh Bửu Hoài, Châu Đốc dưới điều hành của Trần Biên Thùy, Thái Văn Sơn. Ba Xuyên có Triều Uyên Phượng, Vĩnh Bình thì Tô Nhược Châu đảm đương, phát hành. Vĩnh Long được Trần Mộng Hoàng chăm chút lo toan. Cần Thơ, Chương Thiện có Ưu Thức và Trần Kiêu Bạt. Rạch Giá có Trương Quang Vinh, Long An được nhà thơ Phạm Trích Tiên gánh vác. Tây Ninh phải nhờ vả Sa Lệ Chi phụ giúp khai thông …Và gần như Khai Phá có mặt khoảng 20 tỉnh thành bằng phương tiện chuyền tay như vậy. Tuy nhiên, sự cộng tác không vụ lợi của an hem, cũng không đưa Khai Phá tạo dựng một tài chánh đáng kể nào, hòng lưu trữ vóc dáng cho những số tiếp … Sau mỗi lần phát hành, sự gầy sức càng thấy rõ hơn, chỉ niềm vui tinh thần an hem được nhân lên gấp bội, nhờ khám phá được một Chóe viết văn thật súc tích hay lạ, qua truyện ngắn Tu Hú, một Thụy Miên với 22 tuổi đời, đã nghiêng bút tạp luận cho Ô Cửa thật vững vàng và mới lạ … Riêng hội họa, ngoài Nguyễn Hải Chí nhiệt tình, tờ báo còn có được sự cộng tác sâu sắc và rộng lượng của họa sĩ Lưu Huỳnh Truyền với tác phẩm Cuối Bãi và Rừng từ rừng núi Kontum, phóng cọ cho từng phụ bản sinh động gởi về.
Chủ đề các số Khai Phá 3 và Khai Phá 4+5 là: “Thế trăm hoa của văn nghệ miền Nam, Hiện tượng vong thân của người cầm bút, Vấn đề dân tộc tính trong nghệ thuật …” đã quy tụ thêm nhiều anh em văn nghệ đa dạng, đa tài hưởng ứng như Nguyễn Lệ Tuân, Trần Văn Nam, Hà Thúc Sinh, Hạc Thành Hoa, Lưu Vân, nhiếp ảnh gia Châu Thành Thơ, họa sĩ Nguyễn Bá Khanh, Nguyễn Thành Xuân, Nguyễn Văn Viện, Trần Hoài Thư, Phạm Nhã Dự, Nguyễn Lê La Sơn …
Trần Văn Hạnh phát huy Nghệ thuật nhân bản phát hiện từ lòng nhân gian, từ ca dao, tục ngữ đến truyện hoạt kê, tiếu lâm và giá trị căn bản nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Trong khi đó, giữa thời buổi hao mòn của loạn lạc, Phạm Diệp đã báo động về Văn chương nhi đồng, con đường mòn trong khu vườn nghệ thuật. Thì Lý Kim Nga đi vào vài hiện tượng khởi sắc của âm nhạc, từ du ca đến hiện tượng tranh đấu ca, thân phận ca, tình ca của những Vũ Thành An, Trịnh Công Sơn, Tù Công Phụng, Lê Uyên Phương, Ngô Thụy Miên … và hiện tượng đa diện của Phạm Duy. Ý niệm về sự phong phú của nghệ thuật tượng hình Việt Nam, được Nguyễn Thành Xuân bắt đầu từ hiện tượng chữ Nôm, một di sản văn hóa phong phú, biểu lộ thần kỳ tinh thần tự chủ quật cường của dân tộc …, đi đến những sản phẩm cổ truyền trên đất nung, kim loại, đá, gỗ như những sản phẩm điêu khắc kỹ xảo. Phải chăng trước sự đóng góp của nền văn minh đa diện của Trung Hoa, Ấn Độ, Chiêm Thành, Phù Nam, Nam Dương, Ba Tư và các quốc gia Đông Địa Trung Hải đã giúp nền văn minh văn hóa Việt Nam có một sắc thái phong phú dị thường. Tác phẩm mộc mạc chạm khắc sà cừ, sơn mài, chiếu cói dệt tay, đồi mồi, gốm sứ đã đưa nghệ thuật tượng hình chính thống của dân tộc Việt Nam trong vòng hào quang rực rỡ. Cạnh các bài chủ đề, tạp luận Nghệ thuật sân khấu, di sản văn hóa độc đáo của dân tộc (Ngô Tấn Thiền) nối kết từ vai trò ca dao đến sơ kịch rồi chính kịch, từ những điệu ru con giữa trưa hè vắt máu của bà mẹ Việt Nam đến những điệu hát trống quân, lý con sáo, lý ngựa ô, cò là, huê tình … Từ điệu ru hời khổ cực vời vợi móc xoáy tâm can của bà mẹ miền Trung. Đến giọng ru man mác ưu sầu của bà mẹ miền Bắc. Rồi đến những câu hò diệu vợi thẳng băng hiền từ từ điệu ru con buồn não ruột của bà mẹ miền Nam. Từ chèo đến hát bộ, cải lương … có những nét hoạt hóa phổ thông đại chúng đến một sân khấu trình diễn, thi vũ nhạc kịch, với những nhạc cụ dân tộc đàn sến, đàn lục, đàn nguyệt, đàn cò, phách, trống, la … đã giúp giá trị cổ truyền là vốn quý của tinh hoa đất nước.
Tất cả những cố gắng của Khai Phá lúc bấy giờ, dù gặp nhiều chông gai cản lối khó khăn từ nhiều phía, nhưng phần đông các an hem văn nghệ lúc đương thời, dù đang ở môi trường nào cũng thường xuyên liên lạc khuyến khích, vận động và tài trợ cho tờ báo được nâng cao hơi thở vững bước đi, mà điều cốt yếu là giữ được sự sống còn. Có lúc cố gắng hiện diện bằng hết sức mình, để mong ước trở thành nguyệt san, là điểm chính mà tờ báo phải vươn lên, tập tành bước đi vững chãi trong con đường chính thống nghệ thuật đã quy định: dựng luồng sinh khí nghệ thuật mới.
Song song với quyết định ra mắt Khai Phá 4+5 (hai số chung một kỳ) dầy gấp đôi các tờ đã phát hành, vào tháng 9.1971, đã mang thầm một trọng trách xuất bản các tác phẩm văn nghệ của bằng hữu như bước tiến khẳng định cho hướng đi dấn thân mãnh liệt hơn. Một phần góp mặt đưa tiếng nói chân tình của tuổi trẻ với tình thế văn học nghệ thuật hiện đại; một phần giới thiệu sâu sắc tài hoa của các văn nghệ sĩ, mà trong cuộc chiến hiện giờ, anh em không có thời gian để tạo lập cho mình kịp lúc những đứa con tinh thần cần phải xuất hiện. Số báo đặc biệt (4+5) với chủ đề “Hiện tượng vong thân của người cầm bút” với góp mặt hùng hậu của Phạm Trích Tiên, Hà Thúc Sinh, Nguyễn Bắc Sơn, Lê Trúc Khanh, Việt Chung Tử, Trần Văn Nam, Choé, Nguyễn Phan Duy, Đoàn Minh Hải, Trịnh Bửu Hoài, Hạc Thành Hoa, Nguyễn Lê La Sơn, Phạm Nhã Dự, Trần Văn Sơn, Tô Nhược Châu, Huyền Văn Thanh, Lâm Chương, Nguyễn Phan Thịnh, Nguyễn Bạch Dương, Kinh Dương Vương, Lưu Nhữ Thụy, Lâm Hảo Dũng, Trần Kiêu Bạt, Trầm Mặc Nghệ Thế, Nguyễn Tất Nhiên …với phần trình bày thật ấn tượng do Lưu Nhữ Thụy phác họa, một dây thòng lọng treo lạnh lùng trước thời cuộc. Với ba bài viết cho chủ đề bi tráng này, bằng sự cật lực của Nguyễn Phan Duy (Văn nghệ và nỗi thống khổ), Lưu Nhữ Thụy (Ý thức nô vong của người văn nghệ trong mưu đồ chính trị), Ngô Nguyên Nghiễm (Hiện tượng trăm hoa đua nở trên đất Bắc). Còn có bài tạp luận của Trần Văn Nam, viết cho Ô Cửa (Do đâu tư tưởng trừu tượng thống trị Âu Tây) và một bản nhạc mới sáng tác của Ngô Thụy Miên (Niệm Tình Khúc SG 07.1971).
Đồng thời, tạp chí Khai Phá xuất bản song song thi phẩm Loài cây nhớ gió của nhà thơ Lâm Chương và biên luận Thơ kinh tự của Ngô Nguyên Nghiễm.
Khai Phá số đặc biệt (4+5), còn đang dàn trải trên máy in Tyno của nhà in Hồng Thái trên đường Lê Văn Duyệt, ngã ba Ông Tạ chưa kịp đóng bìa ra mắt bạn đọc, thì được lệnh đóng băng lập tức, nguyên do Sở Phối Hợp Nghệ Thuật, khi giao bản thảo đi in ấn, thì không kiểm duyệt một dòng nào, nhưng trên bản thảo lưu lại xóa bỏ nhiều bài vở. Việc làm tắc trách là của Sở PHNT dù với dự tính hay mưu đồ nào, thì Khai Phá cũng chịu vạ lây. Để cứu vãn tiếng nói của anh em văn nghệ được hiện diện, Khai Phá đành nghiêng qua công việc chính là xuất bản, theo lời khuyên của bằng hữu. Kết quả, nhiều tác phẩm đã được xuất bản dưới danh hiệu Khai Phá, vô hình chung từng khuôn mặt độc đáo văn nghệ được giới thiệu cẩn thận.
Đến năm 1975, Khai Phá xuất bản được 15 tác phẩm chính thức được độc giả đón nhận, gồm:
1. Loài cây nhớ gió (thi phẩm, 1971) – Lâm Chương.
2. Thơ kinh tự (biên luận, 1971) – Ngô Nguyên Nghiễm.
3. Nam hoa (thi phẩm, 1972) - Nguyễn Thành Xuân.
4. Điệu buồn chủa chúng ta (thi phẩm, 1972) – Hà Thúc Sinh.
5. Thiên thu ca (thi phẩm, 1972) – Ngô Nguyên Nghiễm.
6. Vườn dĩ vãng (thi phẩm, 1972) - Trần Văn Sơn.
7. Bài thơ cõi chết (tưởng niệm Thụy Miên, 1972) – Trích thơ Thụy Miên.
8. Biên thùy truyện ký (truyện ký, 1973) – Liêm Châu.
9. Ngôi nhà cho người trở về (thi phẩm, 1973) - Nguyễn Huy Chương.
10. Rượu, Người và Cảnh vật (thi phẩm, 1973) - Phạm Trích Tiên.
11. Tế Bào (tập truyện, 1974) – Lưu Nhữ Thụy.
12. Thơ tình (thi phẩm, 1974) - Trịnh Bửu Hoài.
13. Lên đồi hứng bát trăng vàng (thi phẩm, 1974) - Nguyễn Thành Xuân.
14. Người hành hương tình yêu (thi phẩm, 1974) - Trịnh Bửu Hoài.
15. Thủ ấn họa với kỹ thuật sáng tạo bằng chất liệu mới (hội họa, 1975) – Phan Tấn Nam.
Riêng năm tập thơ, văn có giấy phép xuất bản, đang in tại ba nhà in, chưa kịp ra mắt, đã hóa thân thành giấy vụn sau ngày 30.04.1975, là: Trần Kiêu Bạt (Dù người là ai xin hãy đến), Thụy Miên (Ngọn cỏ khô trên vuông đất đen), Nguyễn Thị Phiên (Có phải thung lũng buổi chiều?), Lâm Hảo Dũng (Ngày đi thương sợi khói bên nhà), Minh Nguyễn (Tình yêu sợi khói mong manh).
Trên bình diện hiện hữu, thời khắc lịch sử đã sang trang, dù rằng hố sâu của ý thức hệ vẫn còn ngăn cách xót xa dân tộc ta, tạo nên một hố thẳm ngùn ngụt những cạm bẫy, giăng mắc tận cùng tâm thức con người Việt Nam. Những sự phấn đấu vươn lên của những lớp trẻ văn nghệ thời kỳ đầy bi kịch vừa qua, cũng chứng tỏ rằng, dù đứng trước bao nhiêu rào cản của chính trị, nghệ thuật vẫn ngạo nghễ vượt thoát khỏi vòng vây của thời thế. Dù rằng, hiện tại quan điểm nghệ thuật Việt Nam đã chia ra hai trường phái đối nghịch một cách cùng cực, như một đồ thị với hai nhánh hyperbol trong một không gian hóa đá. Nhưng người ta cũng không thể chối bỏ, những hiến dâng hết mình của tuổi trẻ cho quê hương, bằng sự góp mặt và cố gắng vươn lên để chính thức vang vọng tiếng nói chính kiến vào lịch sử và nghệ thuật, ít nhất là trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam vừa qua.
NGÔ NGUYÊN NGHIỄM (tác giả giữ bản quyền)
__________________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét