Thời vùng núi Thất Sơn còn hoang vu, người dân chưa đến khai hoang nhiều, đa số là những đạo sĩ, ẩn sĩ tìm đến để tu hành hay làm nơi luyện bùa nuôi ngải cho yên tịnh. Đến một hôm có tiếng cọp gầm thét vang động cả rừng xanh, mọi người hiểu ra con Tiểu Bạch Hổ đã quay về, nó là hậu duệ của con Bạch Hổ khi xưa do một Lục Miên đưa qua biên giới. Câu chuyện của năm năm về trước lại hiện về…
Bạch Hổ xuất hiện
Con Bạch Hổ xưa được ông Lục thuần dưỡng, biết nghe tiếng nói của người. Dọc đường chẳng may ông Lục Miên vì không thuộc đường núi nên bị té xuống một vực sâu mất xác. Riêng con Bạch Hổ cứ ở đó nhìn xuống đáy vực mà mong chờ chủ. Khi thấy vắng bóng chủ mấy ngày đêm, nó mới gầm rú lên thê thảm suốt mấy ngày đêm đến đói xỉu.
Khi đó có một đoàn đạo sĩ đi qua, thấy con cọp to lông trắng nằm lả ra, liền bảo nhau đưa thức ăn và thuốc để cứu chữa con cọp có nghĩa.
Bạch Hổ có bộ lông toát lên một màu trắng, và những sọc vằn vện quanh thân cũng gần như tiệp với màu lông. Khi nó tỉnh lại không rống nữa mà đi theo các đạo sĩ, nhưng các đạo sĩ nhất quyết đuổi nó trở lại chốn rừng sâu, nhưng con Bạch Hổ vẫn theo về đến am thất. Ban ngày nó ngồi trước cửa, ban đêm vào rừng tìm thức ăn.
Trong một đêm, con Bạch Hổ dẫn về trước am một con cọp cái cũng to lớn như nó. Cả hai cùng gầm rống làm bầu không khí tĩnh mịch của rừng đêm không còn, trái lại thêm phần náo loạn, các thú rừng mỗi khi nghe đôi cọp rống là chạy hoảng loạn.
Các đạo sĩ thức giấc mới thấy hai con cọp đang xé xác một con nai, chúng vừa ăn vừa gầm khoái trá.
Các đạo sĩ nói nhỏ với nhau :
- Con Bạch Hổ đã nhiễm thú tánh, sát sanh ngay chốn tu hành làm ô uế cửa thiền. Bây giờ chúng ta phải tính sao ?
Một đạo sĩ khác bàn :
- Chúng ta người tu hành dùng cương không được thì dùng nhu. Tức dùng bùa ngải để đánh đuổi đôi cọp này đi khỏi đây, chúng ta vừa không phạm tội sát giới mà cũng không ai phải ra mặt chống lại chúng.
- Ai có loại bùa ngải đó ?
Một người lên tiếng hỏi, vị đạo sĩ kia mới đáp :
- Tôi biết thầy Bảy Do có nuôi nhiều thứ ngải và có loai ngải dùng kiềm chế loài thú dữ. Chúng ta thử cầu cứu với thầy Bảy xem có giúp được không ?!
Dùng bùa đả hổ
Các đạo sĩ cho ý kiến này là hữu lý, nên cùng nhau đi đến điện thầy Bảy Do.
Thầy Bảy Do nghe xong chuyện đôi cọp trở thú tính hoang dã, cũng nhận ra nếu chúng còn sống trong khu rừng này hậu quả về sau do chúng gây ra sẽ thật thê thảm.
Thầy Bảy Do mới trả lời mọi người :
- Được rồi, tôi sẽ đưa chúng về bên kia Cao Miên, rất xa vùng đất này, chúng ta sẽ được sống yên lành với nếp sống đã có từ bao năm nay trên Cấm Sơn.
Nói rồi thầy đi lấy chiếc túi vải đựng các thứ ngải, khoác lên vai đi theo đám đạo sĩ đến nơi đôi cọp đang sinh sống. Đến nơi, mọi người trông thấy đôi cọp đang luyến ái bên nhau trông thật chướng tai gai mắt. Là người tu hành hay luyện bùa chú không ai muốn nhìn thấy cảnh trần tục đó, họ ngoảnh mặt đi nơi khác.
Con Bạch Hổ đang gầm rống trong sự hoan lạc cùng những tiếng rên rỉ của con cọp cái, mặc cho sự hiện diện của đám đông người đang đi đến. Cả hai đâu biết mọi người có mưu đồ dùng bùa ngải khống chế chúng, đuổi chúng ra khỏi nơi rừng sâu hoang dã.
Đợi cho hai con thú làm xong việc truyền giống theo luật tạo hóa. Thầy Bảy Do nghiêm trang ra hiệu cho các đạo sĩ hiếu kỳ, ngoắc tay bảo họ vào hết trong hang động. Rồi thầy mở túi vải lấy ra một củ ngải bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến. Mắt thầy mở to chiếu về phía hai con cọp dữ như để thôi miên chúng. Bỏ túi vải lên một cành cây, bấy giờ thầy Bảy mới vén hai vạt áo dài nâu cột gọn gàng vào nhau, đoạn kéo hai ống quần lên sát bẹn.
Sửa soạn việc tiếp cận với thú dữ vừa xong, thầy Bảy Do mới bắt đầu công việc mà các đạo sĩ giao phó. Thầy khoa tay dạng chân theo bộ tấn thật vững vàng trên nền cỏ xanh. Vừa trụ bộ xong bắt đầu khiêu khích đôi cọp chờ chúng tấn công. Con Bạch Hổ và con cọp cái cũng không vừa, chúng thấy có người đến khiêu khích liền chậm chạp tiến tới, đôi mắt chúng sáng quắc và không chớp, cũng muốn thôi miên lại đối thủ. Sáu ánh mắt người và vật cùng nhìn nhau và cùng chờ đợi.
Không để cho hai con thú dữ kịp nhe nanh múa vuốt,thầy Bảy Do liền thét to một tiếng cũng vang dội cả rừng xanh núi thẳm. Đoạn thầy nhún mình bay đến trước hai con cọp, miệng phun thật nhanh những xác củ ngải vào mặt hai con thú. Cùng lúc Bạch Hổ và cọp cái cũng phóng đến, thân hình chúng vọt lên cao, đôi chân vươn thẳng ra phía trước như định chụp địch thủ.
Ai nhìn thấy cảnh tượng ấy cũng đều hốt hoảng, lo sợ dùm cho thầy Bảy Do, sợ thầy sẽ bị phanh thây bởi những móng vuốt của đôi cọp dữ. Không ngờ thầy Bảy có võ giỏi, né tránh được đường cước của cọp rồi thầy hoành thân đá vút hai chân tới đôi cọp. Cú liên hoàn cước của thầy vào mặt cả hai con cọp. Chúng bị trúng cước như vậy, tính tình thêm hung dữ, miệng gầm vang náo động cả vùng rừng.
Trúng cú đá song phi của thầy Bảy Do, con Bạch Hổ quăng mình ngược trở lại định phản công, nhưng không thể ngờ là nó đã bị trúng ngải vào mắt nên không còn thấy gì, con cọp cái cũng không hơn gì con Bạch Hổ cũng bị ngải như chồng nó, cả hai cứ chạy vòng vòng tại chỗ.
Thầy Bảy Do nhìn thấy cảnh tượng đó liền ngưng vận công, trở lại tư thế bình thường và chỉ vào hai con thú, nói với đám đạo sĩ còn trong am động ngó mắt để xem :
- Mấy thầy ra xem đi, hai con thú đã trúng mồi ngải rồi. Bây giờ mấy thầy muốn giết, muốn trói chúng thì tùy ý. Tuy nhìn thấy chúng to lớn như vậy chứ chúng không còn sức nữa đâu, hai con cọp này không thể giết chết cả một con kiến con sâu, vậy chỉ cần một người đủ để làm việc này.
Các đạo sĩ muốn tránh tội sát sanh nên mới nhờ đến thầy Bảy ra tay bằng bùa ngải để chế ngự đôi cọp. Nhưng để nuôi như xưa thì không được, vì đôi cọp đã gá nghĩa vợ chồng, sự trần tục đó ở nơi tu hành coi không ổn.
Một người lên tiếng :
- Trước đây thầy Bảy nói, bắt được chúng sẽ đem trả về bên Cao Miên, xin thầy giúp cho các đạo hữu.
Ông Đạo Điện vuốt râu cười :
- Nói với mấy thầy vậy chứ tôi cũng tính đưa chúng về bên kia núi. Bây giờ mấy thầy đến trói hai con cọp lại, rồi dẫn chúng theo tôi qua biên giới.
Tất cả đồng tình cùng nhau áp vào nơi hai con cọp trói chúng lại. Rồi dẫn chúng đi như hai con cọp giấy, còn chúng tỏ ra hiền lành, ngoan ngoãn lạ thường, có mắt như mù. Khi đến bìa rừng sát biên giới Cao Miên, thầy Bảy Do bèn cởi trói cho chúng và xua con Bạch Hổ cùng con cọp cái chạy qua hẳn bên đất Miên, cho chúng về với quê hương ông Lục.
Bạch Hổ tái xuất
Qua một thời gian dài hơn ba bốn năm, dân dưới chân Cấm Sơn và giới tu hành trên núi, hầu như quên đi câu chuyện về vợ chồng con Bạch Hổ.
Rồi cũng như đêm nay, cả vùng Năm Non Bảy Núi còn chìm trong giấc ngủ chợt nghe thấy tiếng gầm rống như xé nát không gian. Tiếng gầm rống có vẻ đau đớn lắm pha lẫn trong sự giận dữ. Mọi người bừng tỉnh chạy đến nơi có tiếng gầm rú đó.
Thật kinh ngạc, mọi người nhìn thấy một sự việc đau lòng. Dưới hầm chông, vợ chồng Bạch Hổ năm nào đang giãy giụa gào thét đến tắt lịm trên các đầu chông sắc bén. Chúng càng cố ngoi lên thì da thịt càng bị những mũi chông ấn sâu vào vì cả hai quá to lớn nặng nề, máu cọp đang chảy ra xối xả trong hầm chông nhỏ bé.
Hầm chông này là của bọn thợ săn đào để bẫy các loại thú đến bên chân núi. Chẳng may vợ chồng Bạch Hổ đã dẫn xác đến nạp mạng.
Những người thợ săn rất đổi vui mừng, họ reo ầm ĩ với chiến công vừa đạt được. Nhưng có vài đạo sĩ đi qua nhìn thấy đôi cọp, họ phân vân không rõ hai con thú nhớ lại chốn cũ mà về thăm hay trở lại rửa mối thù xưa. Họ bèn lên núi mời ông Đạo Điện tức thầy Bảy Do khi xưa xuống núi xem sự thể về sự trở lại của vợ chồng Bạch Hổ.
Đến nơi ông nhận ra hai con cọp ngày xưa mà ông đã chế ngự được chúng, bỗng ông đột nhiên la lớn :
- Vợ chồng Bạch Hổ đã có con. Vậy con chúng đâu ?
Nghe câu hỏi bất ngờ của ông Đạo, mọi người bắt đầu tỉnh người, hết còn vẻ hân hoan của mấy phút trước, đổi lại là nỗi lo sợ. Đúng như lời ông Đạo Điện lên tiếng, một tiếng gầm của chúa sơn lâm phát ra từ trong rừng làm mọi người hướng mắt về đó.
Ông Đạo Điện ung dung đi vào rừng nơi có tiếng gầm của cọp, vào sâu ông nhận ra một con cọp đang bị bẫy kẹp hết nửa thân mình, con cọp này cũng rất to lớn, nên những chiếc răng sắc bén của cái bẫy dù bám chặt vào mình chỉ đủ giữ cho nó không chạy thoát được thôi, còn thương tích chỉ làm nó đau đớn mà gầm rú lên như thế. Ông Đạo mới từ tốn đi đến bên con cọp mắc bẫy, dang tay kéo mạnh hai mép bẫy để con thú thoát ra.
Con thú rời khỏi bẫy, đã thoát được sự đau đớn, khi ra khỏi bẫy nó quay đầu liếm các chỗ thương tích, rồi đi quanh quẩn bên ông Đạo Điện như tỏ vẻ biết ơn. Ông liền đưa tay ve vuốt con vật như ve vuốt con chó con mèo.
Ông Đạo ôm con cọp vào lòng mà nói thầm :
- Ta sẽ nuôi con.
Thế rồi từ đó ông Đạo Điện nuôi con cọp mồ côi này như nuôi một đứa trẻ. Nó được ăn chung ngủ chung với ông ngay trong hang động.
Rồi ngày tháng trôi đi nhanh chóng, con cọp càng to càng đủ lông, nhưng lông nó không trắng như lông con Bạch Hổ mà là màu vàng nghệ đậm đà, nó đã bị lai giống. Tuy vậy con Tiểu Bạch Hổ theo cái tên ông Đạo Điện đã đặt cho nó, vẫn mang dáng của Bạch Hổ cha, vẫn oai dũng như một chúa sơn lâm nơi chốn rừng sâu, với những móng vuốt sắc như dao, người đi rừng gặp Tiểu Bạch Hổ phải luôn nơm nớp sợ sệt, tuy nó không ra oai với bất cứ ai.
Rồi một ngày Tiểu Bạch Hổ cũng như cha nó, bớt ăn cơm lạt, bớt chịu nằm nghe kinh kệ như hồi mới về hang đá ở cùng ông Đạo. Nay nó hay gầm rống như loài thú rừng hoang dã, cũng đi vào rừng săn bắt hươu nai, chồn mễn xé thịt ăn. Ông Đạo Điện biết được tỏ ý ngăn cấm không cho nó ăn thịt sống, sát sanh. Con Tiểu Bạch Hổ chỉ sợ vài ba hôm không dám vào rừng săn bắt thú. Nhưng ăn quen nhịn không quen, con cọp con lại tiếp tục đi tìm mồi.
Vào một buổi tối, ông Đạo Điện chờ con thú kiếm ăn trở về định vỗ về dạy dỗ nó thêm lần cuối, nếu không được ông sẽ dùng tới ngải mà chế ngự rồi tống khứ nó ra khỏi vùng Thất Sơn, để tránh những hậu quả mà con thú có thể mang đến cho mọi người.
Quá canh ba, Bạch Hổ con mới mò về, nó đang kéo lê một phần xác một con heo rừng, vừa đi vừa gầm gừ khoái trá. Ông Đạo Điện thấy vậy vội nạt to :
- Tiểu Bạch Hổ ! Mi lại sát sanh phá giới nữa rồi, chốn thâm tu ta không chấp nhận mi nữa.
Con Tiểu Bạch Hổ giật mình buông vội con mồi ra khỏi miệng, nó ngoảnh mặt lại và chỉ trong chớp mắt phóng mình luôn về phía người từng nuôi dưỡng nó lâu nay. Con thú dữ vừa phóng mình vừa rống to.
Như mọi người biết, ông Đạo Điện là người có võ, nên ông tránh được cú vồ mồi của con cọp, ông liền hoành thân nhảy dựng lên cao đá thốc vào họng cọp, khiến thân hình to lớn của nó chao đảo bởi cú đá thần tốc ấy. Không thể chậm trễ, ông bồi tiếp cú đá thứ hai vào cổ bên trái con thú, như trời giáng.
Con Tiểu Bạch Hổ bị đòn liên tiếp nên quá đau đớn chẳng kịp phản ứng và hoảng loạn thất hồn, nó bỏ mồi và vụt chạy hút vào rừng đêm mất dạng.
Cọp tu
Cả tháng không ai thấy con Tiểu Bạch Hổ xuất hiện trên Cấm Sơn, có lẽ nó đã sợ đến thất kinh hồn vía. Nhưng ông Đạo Điện lại thấy không yên tâm, vì bản chất dã thú của nó có thể giết người ăn thịt nếu không có mồi ăn, tội lỗi ấy ông phải gánh chịu với dư luận dân chúng trong vùng Bảy Núi này rất lớn.
Vậy mà đêm nay con Tiểu Bạch Hổ đã trở lại chốn cũ, nó đang gầm rống thị oai với mọi người..
Ông Đạo Điện nghe tiếng cọp gầm vội vàng thức giấc, đi vào rừng tìm nó. Khi ông nhìn thấy nó nằm co quắp gần con suối mới hay con cọp đang bị trúng thương nặng nề. Một mũi tên độc của bọn thợ săn đã bắn trúng nó nhưng con Tiểu Bạch Hổ cũng thoát được chạy về chốn cũ tìm ông, nhưng vì sức mòn lực kiệt nó phải ngã quỵ nơi đây.
Thấy con Tiểu Bạch Hổ chưa chết nhưng nằm bất động, mũi tên độc chắc không đủ liều lượng giết chết ngay con thú hoang dã này. Lúc đó ông Đạo Điện đã dùng thuốc giải độc nhai nát cho nó uống và rịt vào vết thương.
Gần tàn một cây nhang thì con Tiểu Bạch Hổ con bắt đầu cựa quậy, nó nhận ra người chủ thân yêu, đuôi nó vội vàng ve vẩy tỏ ra mừng rỡ, mắt nó sáng ngời.
Ông Đạo Điện lúc này cũng quên đi trách nhiệm là tìm cách chế phục con cọp dữ đưa nó trở về bên Cao Miên để trừ họa cho dân; ông cảm động trước tình cảm của con vật, nên ra sức chữa trị vết thương cho nó mau lành.
Sau mấy ngày con Tiểu Bạch Hổ đã hồi phục, ông Đạo Điện khẽ khàng nói với con thú hoang dã :
- Bây giờ ta về am điện, chỉ muốn răn dạy mi một điều, mi làm ác ắt sẽ có ngày bị quả báo, như vừa qua mi nhận mũi tên độc đó.
Ông Đạo Điện không muốn đưa con Tiểu Bạch Hổ trở lại am của mình, vì ông hiểu các tu sĩ, đạo sĩ sẽ chống đối khi thấy con vật hung dữ biết ăn thịt người ở cùng với họ, rồi sẽ có một ngày họ là miếng mồi ngon của con vật.
Ông Đạo Điện rất cảm thông cho nỗi bức xúc đó của mọi người, ông nói với con Tiểu Bạch Hổ :
- Mi không thể ở đây cùng ta, vì mọi người sợ mi lắm. Còn nếu như mi đã thực tâm hối cãi chuyện sát sanh, thì từ nay phải ở trên chốn thâm sơn không được đi đâu, phải ăn chay niệm Phật thì ta mới nuôi dưỡng…
Con Tiểu Bạch Hổ nghe nói xong, nó như thấu hiểu hết lời dạy của ông Đạo Điện, nó vươn mình đứng dậy đi theo ông lên tận đỉnh Cấm Sơn. Cuối cùng ông Đạo đưa nó vào sống trong một hang động nơi thâm sơn cùng cốc.
Từ đó con vật hậu duệ của Bạch Hổ, trở thành một đệ tử hiền lành trung hậu của ông Đạo Điện.
Dân sơn thôn không còn thấy con Tiểu Bạch Hổ thì yên tâm, ngỡ rằng ông Đạo Điện đã trục xuất nó đi khỏi vùng Thất Sơn, nên không còn lo sợ như trước.
Thời gian cứ thế kéo dài, người và vật mỗi ngày một già nua, con Tiểu Bạch Hổ ngày càng thêm hiền lành không khác kẻ tu hành. Đôi lúc ông Đạo Điện muốn đưa nó trở về am điện để dễ bề chăm sóc, nhưng còn ngại ngùng vì mọi người vẫn còn khắt khe lên án.
Cho đến một ngày, có một đám cướp từ bên kia biên giới tràn đến, chúng kéo lên núi Cấm tra khảo của cải các chùa chiền, am điện, chúng cướp phá nơi sơn thôn, chặt phá vườn quế, vườn trầm.
Nhiều đạo sĩ, tu sĩ có võ nghệ ra quần thảo với bọn cướp nhưng chúng vì quá đông nên đành chịu thua để chúng tự do cướp bóc, trong đó vì tuổi già sức yếu, ông Đạo Điện cũng là một nạn nhân.
Lúc này ông Đạo Điện mới nhớ đến Tiểu Bạch Hổ còn ở trên núi cao, ông mới ra hiệu cho nó xuống núi tấn công bọn cướp hung bạo.
Con cọp tuy già nhưng vẫn là chúa sơn lâm, nó xù lông, giơ cao móng vuốt, hăng say rượt đuổi bọn cướp. Nó tha hồ cắn xé vật ngã bọn cướp tơi tả, nhưng không xé thịt ăn thịt một ai. Bọn cướp đứa bỏ mạng đứa bị thương nặng nhẹ, bỏ cả các món cướp được cố thoát về phía bên kia biên giới.
Nhờ chiến công đánh cướp hy hữu này, lại thấy con Tiểu Bạch Hổ không thèm thịt tươi nữa, mọi người ca ngợi và lại có cảm tình với con vật mà lâu ngày họ gièm pha ruồng rẫy, bằng lòng để nó ở lại với ông Đạo Điện.
Hồn ma trên núi Cấm
Thất Sơn là vùng núi linh thiêng và cũng đầy những chuyện hư ảo huyền bí.
Sau khi Tiểu Bạch Hổ thuần tánh tu hành cùng ông Đạo Điện trên Cấm Sơn. Nhưng trước đó từ đời Bạch Hổ đến đời nó, không biết bao nhiêu người đã chết oan uổng bởi móng vuốt của loài thú hoang dã này. Những oan hồn uổng tử này khi chết theo thuyết thì không được siêu thoát, nên hồn ma cứ vất vưỡng trên chốn hồng trần mà người đời thường gọi là ma xó, ma trành. Bọn ma này quấy phá được gì đều không từ, do vì chúng bị uẩn ức khi chết bất đắc kỳ tử mà linh hồn không siêu thoát được.
Tiểu Bạch Hổ đã sống hơn mười mấy năm, già nua, bạc nhược. Nếu lũ ma trành vào mượn xác nó để quấy nhiễu gây ra chuyện đẫm máu thì vô tình công tu hành của nó như dã tràng xe cát.
Biết tình thế âm thịnh dương suy, nạn âm binh sẽ bùng phát, ông Đạo Điện rất đau đầu tính kế trừ ma diệt quỷ.
Để rồi một hôm ông Đạo đang ngồi tham thiền trong am điện, có số người lạ mặt xuất hiện, người nào người đó mặt mày hầm hầm, vai mang cung tên tay cầm chà gạt (rựa lưỡi dài) bén ngọt trong ánh thép sáng lấp lánh.
Ông Đạo Điện lên tiếng hỏi :
- Các ông đi tìm ai ?
Một người trọ trẹ tiếng Việt, hẳn đó là người gốc bên Cao Miên mới sang, hắn hằn giọng nói to :
- Dớ, tụi này đi chém chết con cọp, nó giết chết bà con tui… nó đâu rồi ?
Ông Đạo Điện từ tốn đáp :
- Thôi các ông về đi, trời Phật sẽ trừng trị nó. Các ông đừng làm náo động nơi chốn tu hành này !
Nhưng bọn chúng đâu dễ dàng nghe theo, sừng sộ nói :
- Ông là chủ của nó thì ông phải chịu trách nhiệm. Nếu không giao được xác con cọp ra đây thì tụi tui sẽ giết ông để trả thù cho bà con tụi tui đã chết dưới móng vuốt cha con nó.
Ông Đạo Điện không nói thêm, đứng nhìn bọn họ với sự bình thản của một người tu hành. Bỗng ngay sau đó từ trong am điện con Tiểu Bạch Hổ vụt xuất hiện trước mắt mọi người. Ông Đạo biết chuyện chẳng lành sắp xảy đến.
Đúng như vậy, bọn người Miên vừa thấy con Tiểu Bạch Hổ chúng ào ào phóng đến, kẻ chém người buông tên độc vào mình con vật già nua. Con thú bị áp đảo nên không còn đường nào khác là phải tự vệ, nó lại trở thành con thú hung dữ của chốn rừng xanh, giơ cao móng vuốt vồ tới tấp đám người lạ mặt, có kẻ chết ngay bởi những cú tát của con Tiểu Bạch Hổ vào đầu mạnh hơn búa bổ vỡ óc mà chết, kẻ thì gãy tay kẻ bị cào sướt từng mảng da, thịt lòi đỏ hói những máu.
Thấy Tiểu Bạch Hổ say máu, ông Đạo Điện vội thét lên :
- Tiểu Bạch Hổ dừng lại ngay !
Con cọp vừa nghe xong nó liền dừng ngay hành động trả đũa và đi đến bên ông, nó cũng bị thương nặng, con thú đã yếu sức hẳn đi, lê từng bước chân nặng nề run rẩy. Còn bọn người Miên, kẻ còn lành lặn nào chịu buông tha, chúng tiếp tục nã tên độc vào con vật đáng thương. Con Tiểu Bạch Hổ vừa đến dưới chân chủ thì cũng vừa thở hơi cuối cùng. Mắt cọp vẫn mở trừng trừng vào bọn người khát máu không kém gì nó.
Ông Đạo Điện quá bất ngờ với sự việc xảy ra, người và vật đều có kẻ chết, ông lẩm bẩm :
- Bọn cô hồn uổng tử đã xúi giục hai bên đi vào biển máu, khiến con vật hoàn lương phải trở về với tội ác mà lâu ngày nó từ bỏ. Ôi nạn tai, nạn tai !
Khi bọn người Miên thấy con Tiểu Bạch Hổ đã chết, chúng mới chịu bỏ đi, vác xác đồng bọn ra về. Còn lại ông Đạo Điện và xác Tiểu Bạch Hổ, ông mới đưa tay vuốt mắt cho nó khép lại và lấy ra chiếc hộp quẹt mà bật lửa đốt trụi cả hàng ria cọp. Dù ông rất thương con Tiểu Bạch Hổ, nhưng quy luật rừng xanh buộc ông phải đốt hết hai hàng ria của nó như thế, vì nếu những sợi ria cọp này lọt vào tay bọn xấu thì nguy hại vô cùng, họ sẽ nuôi những sợi ria đó thành những con sâu đi hại người. Con sâu này khi bò đi, người vô tình đụng phải sẽ tức khắc bị trúng độc mà chết nếu không cũng bị cùi hủi lở lói.
Ông Đạo Điện biết, dù Tiểu Bạch Hổ đã chết nhưng bọn ma cỏ ma trành đâu dễ dàng buông tha cho nó, có thể bọn ma uổng tử đến mượn hồn nó để nhập vào những con thú khác mà tiếp tục quấy nhiễu mọi người. Nay ông Đạo già yếu, và không muốn vướng vào bùa ngải để diệt loài ma quỷ, cho nên ông lập ra trang thờ con Tiểu Bạch Hổ để vong linh nó đi theo Phật pháp, bọn cô hồn uổng tử phải tránh xa.
Nói xong ông Đạo Điện lập tức lập trang thờ vong con Tiểu Bạch Hổ. Bàn thờ luôn có đèn đuốc sáng choang, trầm quế tỏa mùi hương thơm ngát. Trên đó ông đặt chiếc đầu lâu con Tiểu Bạch Hổ lên chiếc mâm đồng có trái cây vây quanh, bên dưới lót vải đỏ, mặt đối diện là cặp nanh cọp dài cong rất ấn tượng.
Rồi lâu ngày dài tháng, dân vùng Thất Sơn thường lên am điện ông Đạo Điện trước lễ bái, sau tham quan cái đầu lâu cọp lâu ngày không hề thối rữa. Mọi người cho là Tiểu Bạch Hổ đã đắc đạo thành thần, nên họ luôn luôn tôn kính và đặt tên nơi am động của ông Đạo Điện là điện Ông Hổ.
Từ thời Pháp thuộc đến nay đã trên một thế kỷ, chiến tranh lan rộng khắp nơi, có những thứ mất đi không rõ ai lấy. Cái đầu lâu Tiểu Bạch Hổ cũng không còn tại điện Ông Hổ nữa nhưng dân chúng vùng Năm Non Bảy Núi rất sùng bái những sự linh thiêng của Thần Tiểu Bạch Hổ, người người khi hành hương đều không quên điện Ông Hổ cho đến tận ngày nay. Mọi người cho rằng, đến điện Ông Hổ mà cầu xin thật lòng thì được toại lòng như ý, còn đến chiêm bái cầu xin theo tính hiếu kỳ thì chẳng bao giờ được. Vì vậy ở điện Ông Hổ lúc nào nhang khói cũng nghi ngút, đông người vào ra.
VÕ LƯƠNG (tác giả giữ bản quyền)
_______________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét