Tùng là nỗi kinh hoàng của tuổi thơ tôi. Tôi biết sợ Tùng khi tôi còn rất nhỏ, đó là lúc tôi học lớp hai, đi học về chung với bạn, thì bị Tùng và mấy đứa nữa lớn hơn tôi một chút, chặn đường giật cặp. Lục lọi thấy không có gì để lấy, chúng lôi tập sách của tôi ra, xé tan tành, rồi cười khoái trá.
Tôi mếu máo về nhà méc má, má tôi thở dài:
- Chịu khó mượn tập bạn chép lại đi con. Ba nó là dân anh chị, có mắng cũng bằng thừa, có khi còn phiền phức thêm. Mai mốt có gặp nó con tránh xa ra.
Lúc ấy tôi không hiểu "dân anh chị" là thuộc giống người gì mà má có vẻ ngán ngại như vậy, nhưng cũng tự dặn mình nếu có gặp Tùng sẽ nhanh chân chạy trốn. Nhưng may, từ hôm đó tôi không gặp Tùng thêm lần nào nữa.
Tùng ở xóm chợ, gần trường học, còn tôi ở thôn quê, nên không gặp Tùng thì nắc nỏm mừng, nhưng cũng thắc mắc không biết nó đi đâu.
Má tôi thì biết. Má nói ba Tùng là thủ lĩnh một băng nhóm xã hội đen nào đó ở Sài Gòn, gây thù chuốc oán cũng nhiều, bị băng nhóm côn đồ khác truy đuổi nên trốn về đây, gặp người đàn bà gánh nước mướn ở chợ, xáp vô và sanh ra Tùng. ở quê trời yên biển lặng, nhưng khó làm ăn, nên mới có chuyện gia đình Tùng trở lên Sài Gòn sinh sống.
Nhờ vậy, tuổi thơ tôi trôi qua yên ổn, nhưng nỗi ám ảnh về Tùng vẫn không nguôi trong lòng.
Cho đến năm tôi học lớp 12 thì Tùng đột ngột xuất hiện. Nhìn tướng tá to lớn, hì hợm như dân anh chị chính hiệu Sài Gòn, tôi sợ quíu. Tùng có đôi mắt lộ, tròng trắng nhiều hơn tròng đen, đặc biệt, trên bắp tay trần vẫn còn hình xăm cái đầu lâu mà tôi đã thấy từ khi còn nhỏ, nghe nói hình xăm này tự tay ba nó xăm cho nó, vì vậy mà nhiều năm rồi và mặc dù Tùng rất khác lạ, nhưng tôi vẫn nhận ra ngay. Hay vì ấn tượng về Tùng quá mạnh mẽ? Nhớ lời má, tôi lầm lũi đi nhanh để tránh xa, vậy mà vẫn bị Tùng nhìn thấy, nó huýt sáo theo:
- Em gái, nhìn mặt ghét chưa kìa.
Tim tôi đập thậm thịch trong lồng ngực. Nghe nói Tùng trở về làm "bảo kê" cho một quán bia nào đó ở chợ.
Tốt nghiệp xong, tôi rời quê đi học. Cuộc sống mới, môi trường mới khiến tôi nhanh chóng quên Tùng, và quên nỗi ám ảnh về Tùng.
Tôi lao vào thử nghiệm cuộc sống, nếm trải cảm giác yêu đương thiêu thân. Sai lầm, vấp váp. Tôi trở về quê nhà, lấy chồng, mở quán buôn bán. Cuộc sống cơ hàn nhưng tương đối bình yên.
Tùng xuất hiện khi tôi không ngờ nhất: Tùng trốn tù, và không hiểu bằng cách nào mà hắn lẻn vào nhà tôi được.
Sáng sớm, tôi mở cửa dọn quán, từ một góc khuất trong nhà, Tùng trồi ra. Tôi khiếp đảm đến nỗi không kêu lên được.
- Đừng sợ, tôi không làm bậy đâu. Tôi vừa trốn tù ra, đói quá, bà có cơm nguội cho tôi xin miếng.
Tôi vẫn chưa trấn tĩnh, lắp bắp:
- Làm sao ông vô nhà tôi được?
- Bà tưởng nhà bà kiên cố lắm sao? Tôi mà có ý xấu, đã khiêng hết đồ trong nhà bà đi rồi.
Tôi kinh hãi bước lùi. Tùng cười ha hả:
- Làm gì sợ dữ vậy? Chuyện xấu nhất tôi đã không thèm làm, thì bà sợ cái gì? Còn cơm nguội không? - Tùng nhắc lại.
Tôi đổ trứng, rồi lấy cơm cho Tùng ăn. Nghe ai đó bảo, người dù xấu mấy, cũng rất hiền lành lúc ngủ, còn tôi thì thấy Tùng rất hiền lúc ăn.
- Ông không sợ tôi báo công an bắt ông sao?
- Làm vậy, bà được gì?
- Không cần được gì, tôi chỉ muốn làm một công dân luôn tuân thủ theo hiến pháp và pháp luật.
- Vậy thì bà đi báo đi.
Tùng cười. Không hiểu tôi có ăn nhầm thứ gì làm cho lú lẫn hay không, mà tự nhiên tôi thấy Tùng cười nhìn cũng hiền lành lắm. Ăn xong, Tùng hỏi:
- Sàn nước nhà bà ở đâu?
- Ông hỏi làm gì?
Tôi cảnh giác, Tùng lại cười:
- Tôi mà muốn làm chuyện xấu, tôi đã làm từ hồi khuya. Tôi chỉ muốn mang cái dĩa đi rửa sạch để trả bà.
- Thôi, để đó tôi rửa cho. Ông uống cà phê tôi pha cho uống?
- Không cần, cảm ơn bà. Vậy bà có đi báo công an không, để tôi biến?
Tôi chưa từng thấy tên tội phạm nào ngạo mạn như Tùng vậy. Tùng đã đi một đỗi xa, không hiểu nghĩ sao, tôi gọi giật:
- Tùng, cẩn thận.
Tùng ngoái lại, vẻ kinh ngạc hiện rõ trên mặt, rõ nhất là ở đôi mắt lộ to:
- Sao bà biết tên tôi?
Chẳng lẽ Tùng không nhớ gì cả? Tôi bần thần. Tùng cười ha hả, khoát tay, vừa đi vừa nói:
- Hổng lẽ đại ca Tùng này nổi tiếng dữ vậy ta?
Hôm sau, chồng tôi đi công tác về tôi kể lại chuyện của Tùng. Nghe xong, anh nạt:
- Bà có điên không? Lỡ lúc đó nó trở mặt, nó kề dao vô cổ bà thì bà làm sao?
- Nhưng em thấy hắn hiền lành tội nghiệp lắm.
Tôi ngẩn ngơ, chồng tôi kêu trời:
- Trời ơi, thằng Tùng mà hiền thì cả thế gian này thiên hạ thành Phật sống hết rồi. Bà biết nó bị tù vì tội gì không? Nó đã từng giết người đó.
Đến lúc này tôi mới thấy rợn người. Và nỗi sợ hãi của nhiều năm trước lại trở về, ám ảnh.
Tôi luôn tin tưởng vào trực giác của mình. Không hiểu sao trực giác của tôi luôn mách bảo tôi rằng, Tùng không hoàn toàn là người xấu, mặc dù tất cả những ấn tượng không tốt về Tùng không nguôi ám ảnh tôi. Hơn nữa, tôi hoàn toàn có quyền thanh thản nghĩ rằng mình chẳng việc gì phải dính dấp vào những thành phần bất hảo ấy, nhằm để mưu cầu một cuộc sống bình yên. Vậy mà lạ thay, không hiểu vì lẽ gì, cứ sểnh ra là tôi lại mang máng nhớ về Tùng. Tôi hay tẩn mẩn hỏi thầm, liệu rồi Tùng sẽ tiếp tục vùi đời mình vào những vũng lầy không lối thoát, hay nhờ một điều kỳ diệu nào đó mà Tùng tìm ra được cho mình một lối thẳng đường ngay?
Chợ. Chen lấn, mệt bã người.
Bỗng từ trong đám đông, một bóng người xẹt chạy, cùng lúc tôi phát hiện cái ví trên tay mình bị giật mất. Một bà đứng gần tôi hô hoán:
- Cướp giật. Nó giật ví tiền của cổ kìa.
Mọi người ngẩn ngơ dáo dác. Tôi bàng hoàng đứng lặng. Rồi người ta dồn tới hỏi tôi ngoài cái ví ra có bị giật mất gì nữa không, trong ví có những gì, có bao nhiêu tiền…
Khi tôi vẹt được đám đông để đi về, thì có tiếng bảo vệ chợ rao trên loa phóng thanh:
- Ai là người vừa bị giật ví tiền, xin mời đến phòng bảo vệ nhận lại. Nhắc lại…
- Kìa, kìa, đi nhanh đi cô. May quá.
Người ta đẩy tôi đi. Đến nơi, tôi thấy một người gầy nhom nhớp nháp, tay bị trói quặt ra sau, và thật ngạc nhiên, bên cạnh là Tùng, thay đổi nhiều so với sáu năm trước, và dĩ nhiên tôi vẫn nhận ra ngay, cả hai mặt đỏ gay. Chiếc ví của tôi nằm trên bàn. Anh bảo vệ thấy tôi, mời ngồi làm việc.
Thì ra người bắt được kẻ cắp, lấy ví lại giúp tôi là Tùng. Tôi mời Tùng đi uống nước, Tùng từ chối, chỉ xe sầu riêng ở góc chợ:
- Tôi còn phải đi bán.
- Tôi mão hết xe sầu riêng của ông, đổi lại ông đi uống nước với tôi.
- Bảnh vậy? Uống thì uống.
Tôi khai thác Tùng triệt để. Hồi đó sau khi ra khỏi nhà thì đi đâu, làm gì? Sao không làm chuyện gì khác mà đi bán sầu riêng, bán vầy đủ sống không? Bây giờ ở đâu, vợ con thế nào? Hỏi lung tung gấp gáp như lâu ngày được gặp lại bạn chí cốt.
Tùng kể thực ra không phải Tùng giết người, mà lần đó trong cuộc hỗn chiến giữa Tùng với bọn khách nhậu xong quỵt tiền còn khiêu chiến, một đứa đàn em của Tùng cầm dao thái đâm vô lưng đứa khác trong bọn khách ngang ngược khiến đứa này chết tại chỗ rồi bỏ chạy. Tùng thấy thằng này vợ con nheo nhóc, nổi máu anh hùng nên nhảy ra gánh thay. Tới khi vô khám ngồi, cầm chắc án tử hình hoặc chung thân nên Tùng đâm sợ, tìm cách trốn tù. Lần trốn về đó Tùng lủi đại vô nhà tôi, rồi đi tìm tên đàn em thiếu dũng khí. Thấy tên này không lo tu thân mà còn lao vào nghiện ngập, hút chích, nợ nần chồng chất, cũng chẳng lo gì được cho vợ con nên Tùng động viên ra đầu thú. Rồi Tùng được minh oan, tránh được tội giết người, nhưng cũng phải gỡ lịch thêm vài năm nữa về tội đánh nhau có hung khí, gây hậu quả nghiêm trọng, cộng thêm tội vượt ngục và vài tội lặt vặt khác. Ra tù, Tùng hoàn lương chớ không làm "đại ca" nữa. Tùng còn phải cáng đáng thêm một khoản nợ kha khá và bầy vợ con nheo nhóc của tên đàn em bất hảo bỏ lại nên phải làm đủ nghề, phụ hồ, lơ xe, khuân vác… rốt cuộc thấy bán trái cây là ngon ăn nhất nên nhảy vô làm, rõ ràng sống được, nên gắn bó luôn với nghề này. Nhờ nó mà Tùng đã trả bớt được nợ, lo cho đám con của đứa đàn em được tương đối đàng hoàng.
- Sao hồi đó bà tốt với tôi vậy? - Kể xong, Tùng quay sang hỏi tôi.
- Tốt gì đâu - Tôi cười, lảng qua chuyện khác - Làm đại ca sung sướng, có kẻ hầu người hạ, tự dưng nhảy phóc xuống đường bán sầu riêng, ông cam lòng sao?
- Tôi mà hoàn lương được, công lớn là của bà.
- Ghê vậy?
- Thiệt. Tôi đi giang hồ từ nhỏ cho tới lớn, đi tới đâu ai cũng ghét, cũng tránh như tránh hủi. Chỉ có bà chịu cho tôi ăn cơm, bữa cơm hôm đó là bữa cơm ngon nhứt đời tôi. Nói thiệt, bữa đó mà bà đi báo công an bắt tôi, tôi cũng không phiền bà. Vậy mà sao bà không làm vậy? Có phải bà cũng tin tôi vô tội?
- Tôi không biết. Nhưng tôi tin là nhân chi sơ tính bổn thiện, đâu có ai sinh ra đời lại muốn mình trở thành kẻ xấu, bởi vì ông không được như người ta, đời không trải thảm cho ông đi nên ông buộc phải càn lên gai góc. Tôi lúc nào cũng tin rồi ông sẽ suy nghĩ lại, sẽ hoàn lương.
Nói xong, tôi nhìn lãng ra phía góc chợ lúc này đã thưa vắng người mua bán, để tránh nhìn cái cảnh Tùng rơm rớm nước mắt. Đại ca xã hội đen mà cũng có lúc mủi lòng, vừa buồn cười nhưng lại đáng trân trọng xiết bao.
- Cảm ơn bà đã luôn nghĩ tốt về tôi. Quả thật hoàn cảnh lúc nào cũng khắc nghiệt với tôi, ông trời lại khoái chơi khăm tôi. Vốn dĩ tôi sanh ra đã là một thằng giang hồ con rồi, cái máu dao búa của ba tôi cứ chảy rần rật trong con người tôi như vậy thì thử hỏi tôi không đi giang hồ thì còn biết làm cái gì? May nhờ tôi hưởng chút gen lương thiện của bà mẹ tội nghiệp, nên trong u mê, thỉnh thoảng cũng lóe lên vài tia sáng dẫn đường. Tôi nhớ ngày ba tôi dẫn anh em tôi bỏ má mà lên Sài Gòn, má khóc hết nước mắt, ba tôi thì cương quyết phải đi, má tôi vì sợ cảnh giang hồ đâm chém nên nói có chết thì cũng phải được chết ở chốn quê nhà. Từ hồi tôi hiểu chút chuyện đời, tôi biết má hầu như không có một ngày sung sướng. Bà chết khi còn ba ngày nữa là tôi được ra tù, thành thử tôi chưa có ngày nào báo hiếu. Cho tới lúc chết má cũng đâu hay rằng thằng con trời đánh của má nay đã chịu hoàn lương.
Cặp mắt lộ của Tùng đỏ ngầu, nỗi xúc động làm cho cả tấm thân đồ sộ như một con gấu vĩ đại kia gần như đổ sụp xuống. Tôi vuốt nhẹ vai Tùng:
- Người chết thì cái gì mà chẳng biết. Má anh biết anh trở thành người tốt như vầy, ở dưới kia, chắc bà đang vui mừng lắm.
Thấy muộn, tôi tạm biệt Tùng để về, và đề nghị trả tiền cả xe sầu riêng cho Tùng như đã hứa. Tùng cười:
- Tôi bán mắc lắm, bà trả không nổi đâu.
Lúc tôi lên xe, Tùng với theo, hỏi:
- Bà còn giận tôi cái tội xé tập của bà không?
Ám ảnh tuổi thơ lại ùa về. Nhưng không còn là sợ hãi.
TRẦN MỸ HIỀN (tác giả giữ bản quyền)
___________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét