Chúng tôi gặp lại nhau sau thời
gian rất lâu đi biền biệt và không trở lại nơi nầy, dễ cũng đã mười năm rồi.
Chúng tôi không ngờ mình lại gặp nhau trong lúc nầy, tại một nơi quá thân quen.
Thị trấn đêm cuối năm, vài con gió mỏng tang nghịch ngợm phả se se vào bờ, vài
hàng quán liêu xiêu, khu chợ hoa vắng người trải vàng màu Tết.
Tất cả chỉ có
thế. Tôi phải cắm chân tại chỗ rất lâu khi thấy Nghi đứng trước mắt mình. Nghe
trong lồng ngực có cái gì đó vừa bị đá vỡ xoang xoảng, văng ra thật xa. Con
người trước mặt trở nên lạ lẫm với tôi, không phải là Nghi của mười năm trước.
Nghi khoác trên mình chiếc áo
thun màu xanh lính đầy mạnh mẽ, ngang tàng. Mái tóc đen dài ngày trước tôi từng
nhung nhớ và khát khao, giờ đây chỉ còn chấm ót, phía mái trước xéo ngang mặt,
nhuộm vàng. Thỉnh thoảng Nghi đưa bàn tay vén vài sợi tóc đang xõa xuống che
đến đuôi mắt cho nép gọn vào vành tai. Nước da Nghi mặn mòi màu nắng, nhìn có
vẻ trở nên rắn rỏi hơn. Cách nói năng nhanh lẹ, dứt khoát, không còn vẻ e ấp
thẹn thùng của cô học trò nhỏ ngày trước. Những lời nói phát ra minh chứng cho
sự từng trải, bản lãnh của một gã con trai đầy cá tính. Mà phải, Nghi giờ đây
thực sự đã trở thành một gã con trai. Tất cả đều đã thay đổi, thực sự đã thay đổi
quá nhiều. Chỉ còn lại hai bờ môi căng mọng với lớp son mỏng và hai mắt tròn
xoe tinh nghịch là thuộc về Nghi ngày trước.
Bàn tay Nghi xoay ly cà phê nâu,
khói bay bảng lảng. Bàn tay ấy vẫn trắng hồng, mềm mại, nhưng giờ đây hình như
đã cứng cỏi hơn, mạnh dạn hơn. Bàn tay đầy sức mạnh đàn ông, đủ che chở cho
người mình yêu, đủ dựng lên một mái nhà thật ấm, đủ chống chọi với mọi thứ xô
lệch ngoài kia. Cứ như rằng nếu tất cả đổ sập, bàn tay ấy vẫn đứng vững để ôm
gọn bên trong nó một gói hạnh phúc căng đầy. Nghi muốn chứng minh mình là người
đàn ông thực thụ, đủ sức mạnh để sống và đối mặt với tất cả. Ánh mắt kia cũng
vậy, cũng nói lên hết bao điều trong ấy. Trong ngần và tròn xoe thật dễ thương
với những đường cong mí mắt tinh tế, đâu thể làm tôi quên, mà chỉ làm tôi nghe
nhoi nhói thêm đâu đó bên ngực trái của mình. Đằng sau ánh mắt ấy là cả một hồ
nước rộng bát ngát, đứng bên nầy không thể nhìn thấy bờ bên kia.
Khói cà phê và khói thuốc lại bay
quẩn quanh, như đã có mặt quanh đây từ hồi nào xa lắm, che mất ánh nhìn thẩn
thờ của cả hai. Nhưng chúng cũng còn đủ mỏng để tôi nhìn thấy nụ cười của Nghi.
Đâu phải lúc nào con người ta cũng có thể buông ra một cái cười dễ dàng như
uống một ly cà phê hay thả một vệt khói thuốc. Cái cười nằm gọn trong tầm mắt
tôi, mà như xa thật xa, nó làm cuộn lên trong mình một cơn đau thật dài, thật
sâu. Trước giờ vẫn vậy, nhiều năm trôi qua nhưng nụ cười ấy chưa bao giờ phai
nhạt trong trí nhớ của tôi. Giờ đây, tôi gặp lại. Kỷ niệm ngày ấy cũng lặp lại.
Nghi cười vì cái gì? Cười vì có gã trai ngốc nghếch cứ mãi đeo bám hình ảnh mờ
nhạt của cô bé học trò ngày xưa? Cười vì sự bỡ ngỡ của tôi trong lúc nầy? Hay
cười vì những điều trớ trêu mà đã đến với hai đứa?
“Dạo nầy vẫn khỏe phải không?”.
“Vẫn khỏe. Còn Nghi?”.
Tôi cố cười và đáp lại, tự dưng
lấy từng chữ rơi vãi ra loảng xoảng, nhạt như nước mùa khô dưới đáy ao. Tôi cảm
thấy người mình cứng đơ, mí mắt hình như sắp dừng cử động.
“Nghi thì vẫn vậy thôi, như Lữ
thấy đó, không ốm cũng không mập so với ngày xưa, phải không?”.
Nói rồi, Nghi cười. Tôi biết nụ
cười ấy là thật chứ không phải gượng gạo như tôi. Có lẽ, Nghi thật sự hạnh phúc
với những gì mà mình đã chọn và làm.
“Lữ…”.
Định nói nhưng tôi lại không thể
nói được, cảm giác cổ họng mình khô khốc, chai xừ, hơi thở hắt ra nặng trịch.
Rán bình tâm lại tôi mới nói được một câu, cũng rất vô tình:
“Nghi thay đổi nhiều quá!”.
Nghi hơi sững người, đưa mắt nhẹ
hều nhìn vào tôi, vẻ mặt đầy thiết tha. Trên gương mặt ấy có một lóp phấn hồng
rất mỏng, nhưng dường như dưới lớp phấn đó lại còn thêm một lớp buồn dầy cộm.
Ba bốn nếp nhăn rũ nhau trườn ra trán Nghi, mơn trớn đến hai đầu mắt và cánh
mũi. Nghi thở dài thườn thượt, cái thở thiệt là… con trai.
“Lữ biết mà… Lữ có thể nào hiểu
cho Nghi không? Nghi… muốn tìm lại bản thể của chính mình… muốn sống thật với
mình”.
“Lữ hiểu mà”.
Tôi cố gắng khuấy thật nhẹ ly cà
phê, vậy mà sao muỗng như cứ cố tình va vào thành ly lẻng xẻng, tiếng va khô
khốc. Mọi thứ ngổn ngang hình như cũng đang va vào nhau sầm sập trong đầu. Hiểu
sao? Phải hiểu thế nào đây?
“Lữ có tha thứ cho Nghi không?”.
Tôi cười, cái cười rất nhạt, chứa
đựng nhiều chua xót:
“Nghi không có tội gì cả, Nghi
luôn được Lữ tôn trọng mà…”.
Tôi chỉ biết nói vậy. Nghi của
tôi luôn đúng, hoặc ít ra cũng đúng theo suy nghĩ của tôi. Tôi khâm phục Nghi,
dám đi tìm chính mình trong cuộc sống đầy xê dịch. “Nghi luôn được Lữ tôn trọng
mà”, lời nói đã nói ra như gió bay, câu nói ấy tôi chưa hề làm được. Tôi chưa
thật sự tôn trọng những suy nghĩ, những dự định của Nghi, chưa tôn trọng con
đường mà Nghi đã chọn. Có phải tôi là người độc đoán, không bao giờ chấp nhận
sự thật về Nghi, luôn giữ trong lòng những hình ảnh quá khứ? Tất cả chỉ xuất
phát từ hạnh phúc, hạnh phúc khi được nhớ về Nghi. Mà, hạnh phúc ấy… chông
chênh quá chừng!
Tôi nhìn Nghi mà chợt thèm được
thấy lại hình ảnh cô học trò ngày xưa, như thèm một cơn mưa thật lớn trong đêm
cuối năm oi bức. Mà sao tự dưng lại đến nhớ ngày xưa? Dường như ký ức luôn dung
chứa những điều đẹp nhưng không có thật. Cái ngày xưa ấy làm mình đau và tiếc
cho những gì đã vụt khỏi tay. Dẫu biết rằng những thứ đó chưa hề là của mình,
chưa hề thuộc về mình, nhưng chính mình lại không thể nào quên được. Mười năm
cho một cuộc chia xa không dự liệu, cho một sự đổi thay đáng sợ. Mười năm… Có
đáng chăng?
Những thứ thuộc về mười năm
trước, và xa hơn nữa, còn đeo đẳng trong tâm trí tôi trong suốt những chặng
đường dài. Hay đúng hơn là những chuyến nhớ, những chuyến đi trốn tránh chính
mình. Cứ đi và miên man suy nghĩ, lục lọi mớ hoài niệm hỗn độn thì hình ảnh tôi
và Nghi trước đây lại hiện về. Đó là những cuộc chơi thuở nhỏ bên bờ kinh xáng
Cây Dương. Đằng trước vàm[1] kinh là sông lớn, đằng sau xa thiệt xa về phía
nguồn là một ngọn núi lúc nào cũng chìm lờ mờ trong nắng. Đôi lúc tôi tự hỏi
không biết ngọn núi đó có thật hay do mình tưởng tượng thôi, hoặc đó là một sứ
xở thần tiên nào đó từ trên trời rơi xuống? Con kinh bắt nguồn từ đâu, ngọn núi
chắn ngang kinh hay nằm lệch về một phía? Tôi đã từng cùng Nghi nằm trên bãi cỏ
xanh rì bên bờ kinh để cùng suy đoán lời giải cho những câu hỏi đó.
Con kinh nhỏ xíu, đứng bên nầy có
thể nói chuyện sang với bên kia, là minh chứng cho tình bạn của tôi và Nghi.
Con kinh là “thiên đường” cho bọn trẻ trong xóm, mỗi ngày đều len lén nhìn tụi
con nít đùa giỡn với nhau. Khi thì xuống kinh chỉ đơn thuần là để tắm, nhưng
điều đó rất hiếm khi, đa phần là nghịch với nhau cả buổi bằng nhiều trò chơi
rất “độc”, chỉ có bọn trẻ chúng tôi mới nghĩ ra. Còn nhớ có lần Nghi đang giỡn
với bọn trẻ dưới kinh, tôi ngồi trên bến hỏi vọng xuống - lúc nầy hai đứa vẫn còn
xưng hô mày tao rất vô tư:
“Nước lớn quá, mày không sợ
sao?”.
“Tao biết bơi mà, sợ gì!”.
“Thiệt hông?”.
“Thiệt mà!”.
Nghi vừa nói xong, tôi nhảy cái
đùng từ trên bến xuống, bơi đến gần và kéo Nghi ra thật xa về phía đầu vàm.
Nghi gượng lại, tôi càng kéo, vừa bơi vừa cười sặc sụa. Sức gượng của người
phía sau từ từ nhẹ dần, nhẹ dần. Nghi suýt chết đuối. Tôi mải miết nắm tay Nghi
kéo đi giữa dòng nước, khi quay lại thì nước đục ngầu đã phủ mất mái tóc Nghi,
chỉ còn lại một vệt đen lờ mờ. Vội vã kéo Nghi lên khỏi mặt nước, vội vã lôi cô
bé mỏng manh lên bờ, vội vã muốn cứu Nghi… Lần ấy cũng may là Nghi không sao,
nhưng cô bé đã giận tôi suốt mấy tuần. Những chuyện nầy không biết Nghi còn
nhớ?
Từ nhỏ Nghi đã rất mạnh mẽ, có cá
tính, thích tự lập. Nghi luôn làm cho mọi người phát hoảng khi thỉnh thoảng lại
đánh nhau với thằng nầy, gây gổ với thằng khác. Dĩ nhiên là ngoại trừ tôi. Nghi
là đứa bạn thân - có thể nói là thân nhứt của tôi hồi đó (và có thể cả bây
giờ). Cho đến bây giờ vẫn chưa có ai hiểu tôi nhiều như Nghi, và cũng chỉ có
Nghi mới có thể làm cho tôi vơi đi những muộn phiền khi được cùng trò chuyện.
Đôi lúc hai đứa chỉ cần nhìn nhau thôi cũng đủ hiểu nhau rồi. Có lần Nghi nói
với tôi:
“Lữ à, hồi nhỏ không biết sao tao
ghét mày lắm!”.
“Sao ạ?”.
“Đã nói là không biết mà, tao có
biết đâu, chỉ tại nhìn mày tao thấy ghét ghét”.
“Vậy bây giờ còn ghét nữa hôn?”.
“Không, bây giờ thì hết rồi!”.
Lớn lên, không biết từ lúc nào
tôi không gọi Nghi bằng mày và xưng tao nữa, mà bắt đầu gọi tên. Nghi cũng thế,
mỗi lần nghe tiếng “Lữ” phát ra từ miệng Nghi lại làm tôi nôn nao. Nghi đến bên
cuộc đời tôi đã làm thay đổi tất cả. Đó là điều mà tôi không nghĩ đến. Không
nghĩ rằng cái miệng nhỏ xinh hay cười và ánh mắt đen tròn hồn nhiên ấy lại ám
ảnh lấy tôi. Không nghĩ rằng cô bé có gương mặt trắng đáng yêu ấy lại khiến cho
tôi cảm thấy yên bình. Không nghĩ rằng tôi lại hiểu Nghi nhiều đến thế, nhớ
Nghi nhiều đến thế.
Vậy mà tôi và Nghi lại chạy đi
rất nhanh, rất xa. Mỗi đứa đi một mình trên một ngã đường riêng, và biết chắc
rằng hai ngã đường ấy sẽ không bao giờ giao nhau. Đi xa quá rồi, ngoái nhìn
lại, thấy đằng sau tít mù, mọi thứ đã trở nên không còn quen thuộc với mình. Đó
là khi tôi nhận ra Nghi không như những cô gái khác, không có cảm tình với con
trai, chỉ thích con gái. Đó là khi Nghi lựa chọn ra đi để tìm lại chính mình.
Nghi là người đồng tính, là lesbian[2]. Sững sờ. Đỗ vỡ. Trong đầu bọn trẻ thôn
quê chúng tôi thời bấy giờ không có khái niệm tình yêu giữa con gái và con gái.
Đó là một điều quái dị, bịnh hoạn.
“Nghi có biết mình đang làm gì
không? Đó là trái với truyền thống, trái với con người, là điên rồ, là tâm
thần. Nghi tưởng mình làm gì cũng luôn luôn đúng hả? Nghi dẹp cái trò đó đi,
đừng để cả nhà mình bị mọi người chê cười”.
Nghi không trả lời, vụt chạy đi
mất.
Đó cũng là lần cuối tôi gặp Nghi.
Hôm sau không còn thấy Nghi trước
nhà như mỗi sáng nữa. Nghi không trả lời vì biết rằng tôi chưa thật sự hiểu
Nghi, nên có trả lời cũng vô ích. Vậy là Nghi lựa chọn ra đi, trốn chạy và bỏ
lại tất cả. Năm ấy Nghi vừa mười tám
tuổi. Và bây giờ, mười năm sau, Nghi đã thực sự tìm được sự ấm áp trong xứ sở
của yêu thương mình từng khao khát. Nghi tìm được những hạnh phúc muộn màng,
những cái run thật đều thật ấm từ trái tim con gái. Người ta nói tạo hóa trớ
trêu, nhưng đôi khi cũng rất công bằng, khi để cho những yêu thương tìm đến
được nhau, như Nghi. Còn đối với tôi, có lẽ chỉ cần là một người anh, để Nghi
có thể tìm về sau những bấp bênh trong cuộc sống, vậy là đủ rồi. Có lẽ, Nghi
chỉ xem tôi là một người anh lớn, người anh mà Nghi có thể tin tưởng, có thể
vịn tay để đứng lên sau mỗi lần vấp ngã.
Những ngày tháng không có Nghi,
tôi ước mình vỡ thành bọt nước, như bọt bong bóng mà ngày trước tụi con nít
chúng tôi hay thổi. Như thế thì nhẹ nhàng thôi, khỏi phải mang làm chi cho nặng
nhọc. Rất dễ để bay, và cũng rất dễ để chấp nhận sự kết thúc - vỡ toang, cả cái
kết thúc cũng nhẹ hều vậy. Đến bây giờ tôi vẫn chưa rứt ra khỏi được cái cảm
giác biến thành thứ bọt nước ấy. Nếu là bọt nước, tôi sẽ không cần phải nhớ bất
cứ điều gì nữa, kể cả Nghi. Tôi sẽ bắt đầu cuộc sống mới, không lo toan, buồn
phiền. Nhưng, bình yên là thứ xa xỉ đối với tôi. Khó có được quá! Xa vời quá!
“Nghi - Lesbian”, hai tiếng ấy cứ lặp lại một cách sóng đôi trong tâm trí tôi.
Tôi đã tự đặt ra cho mình nhiều câu hỏi. Tại sao Nghi không là một người con
gái bình thường như bao người con gái khác? Tại sao Nghi lại đến bên đời tôi?
Và… tại sao tôi lại yêu Nghi? Phải chăng tôi đã quá cố chấp, ích kỷ, muốn Nghi
mãi là cô học trò ngày nào, mãi là tình yêu của tôi, là thần tượng trong lòng
tôi.
Mười năm cho hai cuộc hành trình,
hai chặng trốn chạy, của tôi và Nghi. Chưa quá dài nhưng cũng không thể gọi là
ngắn ngủi. Đã có quá nhiều biến chuyển trong mười năm qua. Tuổi hai mươi đầy
rẫy những muộn phiền, biết bao phập phồng, lắm điều trăn trở. Bao bếp bênh, bao
dập duềnh đến rồi đi, ít khi thấy bình yêu dẫu mình vẫn chưa có nhiều lo toan
cho cuộc sống. Dẫu có đi đến cuối đường, ngoái đầu nhìn lại thì cũng vẫn chưa
có gì, những ngày của chúng tôi vẫn là những ngày trẻ chông chênh. Chúng tôi đã
làm được gì chứ? Tất cả, cũng chỉ mới là bắt đầu mà thôi. Đến bây giờ tôi chúng
tôi vẫn là những con chim tự do chưa mỏi đôi cánh. Và, vẫn rất sợ cô đơn!
“Nghi tính ở chơi chừng nào đi?”.
“Mai Nghi về Sài Gòn rồi, tính ở
chơi lâu hơn nhưng công việc không cho phép”.
“Ừ… vậy… mai đi mạnh giỏi nhe”.
Không hiểu vì sao lúc ấy tôi lại
quá hững hờ như thế. Không thể nói một câu níu kéo Nghi ở lại (dẫu biết rằng
điều đó khó thể được). Không thể nói một câu bảo Nghi thỉnh thoảng hãy về thăm
mình (dẫu biết rằng mỗi lần gặp Nghi lại làm tôi đau đớn thêm). Tôi lại chỉ nói
ngọt xớt một câu quá “vô duyên”, như muốn đuổi xua người ta đi khỏi nơi nầy.
Nhưng có lẽ Nghi hiểu, mọi lời nói cũng đều sẽ là mục ruỗng!
Ngày mai Nghi đi? Bao giờ tôi sẽ
gặp lại Nghi? Mà, gặp lại để làm gì nữa?
Khuya nay, khuya lang thang, tôi
cho đôi chân mình tự do đi rong khắp thị trấn. Im lặng đến mức tôi có thể nghe
tiếng xào xạc của gió, tiếng sóng vỗ ì oạp ngoài vàm kinh. Và, tiếng nhạc Trịnh
êm êm phát ra thật nhỏ từ một ngôi nhà nào đó cuối góc phố: “Ngày mai em đi,
thành phố mắt đêm đèn mờ, hồn lẻ nghiêng vai gọi buồn, nghe ngoài biển động
buồn hơn…”[3]. Trời mùa đông phương Nam se se lạnh, tôi lại nhớ Nghi
quay quắt. Nhớ Nghi! Tôi chẳng biết làm gì hơn là đi lang thang rồi tự ghép nối
lại những mớ kỉ niệm vụn vặt về Nghi. Nhớ Nghi! Tôi chẳng biết làm gì hơn là
nghe bài hát phát ra từ góc phố nhỏ rồi khe khẽ hát theo, hy vọng rằng có ngọn
gió nào đó mang những lời ca ấy đến cho Nghi. Chỉ đêm nay thôi, đêm dài tưởng
chừng như không bao giờ kết thúc. Chỉ hết đêm nay, ngày mai hạnh phúc mông lung
quá chừng. Còn đêm nay nữa thôi, có thể tôi sẽ không còn bao giờ gặp lại Nghi
của tôi nữa…
Ngày mai em đi !
____________________________
[1] Vàm: cửa kinh rạch hoặc sông nhỏ đổ ra sông lớn
[2] Lesbian: đồng tính nữ
[3] Lời bài hát “Biển nhớ” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
VĨNH THÔNG (tác giả giữ bản quyền)
____________________________________
ĐÓN ĐỌC BÔNG TRÀM CHUYÊN ĐỀ ĐẶC BIỆT
KỶ NIỆM 75 NĂM MẤT NHÀ THƠ TẢN ĐÀ (7/6/1939 - 7/6/2014)
>> Vui lòng nhấp chuột vào hình ảnh phía dưới để vào mục lục số đặc biệt <<
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét