Tên
của ông ta là Năm.
Người ta hỏi lý do bị què. Ông hát: tôi là Năm xi cà que, vì chiến tranh nên
tôi bị què. Ông ta từ miền đồng bằng duyên hải miền Trung trôi dạt về xứ cửa biển này.
Lúc đầu là để vượt biên, sau vì sinh kế cuộc sống nên đành ở lại. Di biển, làm
ghe, thợ câu mực.
Ông Năm vốn là một người có trình độ của thời trước. Ông chơi
giỏi về cầm, kì, thi, họa. Nổi bật là môn cờ tướng, nghe người ta nói: ông ta
từng là kiện tướng của mấy tỉnh miền Trung. Một lần tình cờ tôi đến nhà ông. Đó là một căn nhà
lụp xụp, ven mép biển. Những vuông cá đối san sát chạy dài. Tiếng đò máy chạy
tành tạch dọc kinh. Người đàn ông trên năm mươi tuổi da ngăm nói chuyện mềm
mỏng. Người cao ráo, mặt mũi thanh tú, chỉ có điều chân phải quá nhỏ vì vết
thương chiến tranh. Tôi nhìn quanh quất dọc ngôi nhà.
-
Anh tìm bàn cờ
-
Nhà tôi không có bàn cờ
Thỉnh thoảng ở đây có tổ chức giải. Tôi không tham
gia. Nhậu nhiều rồi nước cờ lụt đi.
Ông nói vậy tôi nghe. Nhưng với một
người lăn lóc ở các bàn cờ , thì tôi biết đấy là sự kín đáo của nghề nghiệp. Bên
cuộc trà, chén rượu, người đàn ông - tên Năm bật mí
một chút với tôi.
MẨU CHUYỆN SỐ 1
Tôi học hành chính quốc gia xong.
Sau đó tôi tham gia quân đội (dĩ nhiên của chế độ cũ) với cấp bậc thiếu úy. Đơn
vị tôi đóng quân ở vùng 4 chiến thuật (Tây Nam bộ bây giờ) chủ yếu là ở Kiên Giang Rạch Giá. Tôi thư sinh lắm. Bây giờ lính
hay gọi sĩ quan cơm. Tôi căn dặn binh lính: chiến đấu đối với việt cộng ở mặt
trận, cấm đốt nhà dân, hãm hiếp phụ nữ, thằng nào loe ngoeo tao bắn !
chúng tôi đóng quân ở một làng gần rạch giá. Buồn thúi ruột, ếch nhái kêu lia
mỗi khi trời mưa. Mỗi lần thấy tôi buồn buồn, mấy cậu lính già tâm lý: nhậu !
chớ thiếu úy. Khi chúng tôi đóng quân ở đó. Có một số du kích bị quốc gia xử lý
(dĩ nhiên không phải chúng tôi). Chúng tôi cho người nhà mang xác về chôn. Mặc
dù đối với phía tôi đây là lệnh cấm. Những người dân nhìn tôi cảm ơn. Vợ của
một số du kích mời tôi tới nhà dự đám tang. Tôi không từ chối. đêm đó tôi và
một số binh lính đi đốt hương. Chúng tôi ở lại ăn nhậu với bà con. Có những
người, chúng tôi biết là du kích, cán bộ cấp cao. Nhưng họ thấy chúng tôi không
đến nỗi nào, nên qua bàn làm quen.
- Uống thoải mái đi anh năm, đừng
ngại người nhà không?
- Cảm ơn các anh
Nói vậy mặc dù uống rất đã, nhưng
trong thâm tâm chúng tôi vẫn dè chừng. Trong một trận đánh tôi bị đạn phía bên
kia bắn trọng thương. Sau đó tôi giải ngủ. Về quê, tôi có dạy học bổ túc một
thời gian ở Nha Trang. Thỉnh thoảng, đi theo coi công trình phụ ông già. Ba tôi là chủ
thầu xây dựng có tiếng. Rảnh rỗi tôi mới đi xem đánh cờ. Cờ tôi lúc đó “cơm” dữ
lắm. Tình cờ, tôi gặp chú mín: anh hai còn nhớ em không? Tôi ngớ ra. Em là
trung sĩ mín – hậu cần. Đấy là một người hoa, ở chú lớn, lớn hơn tôi mười tuổi.
Trong một lần ở đơn vị tôi. Anh ta xin phép về thăm nhà. Tôi đồng ý. Sau đó gia
đình anh ta lo lót đưa anh ta khỏi đơn vị của tôi. Bặt hẳn đi bây giờ mới gặp
lại.
- Bây giờ anh đang làm gì ? chưa có
công việc gì cả
- Anh cần gì không? Nghĩ mình đang
yếu về cờ nên tôi buột miệng: hay mày mua cho tao mấy cuốn sách cờ.
Một tháng sau tôi nhận được cuốn
sách qua đường bưu điện. Cuốn sách trị giá mấy chỉ vàng. Cuốn pháo mã toàn cuộc
từ Hồng Kông gửi sang. Tôi thầm cảm ơn người em lớn tuổi. Đó là văn hóa tri ân
của người hoa. Sau đó tôi về vườn tập luyện nhuần nhuyễn các thế trong sách.
Vừa trồng rau ban ngày, tối luyện tập cờ tướng, thời gian sau ở nội thành nha
trang tôi không có đối thủ.
MẨU CHUYỆN SỐ 2
Hết chiến tranh, tôi về Tuy Hòa. Mấy anh công
an phường và quản lý thị trường chợ đều biết tôi. Tôi sắp cờ thế. Mỗi ngày tôi
ngồi bến xe kiếm đủ tiền cà phê ăn sáng thì nghỉ. Lâu lâu lại rủ mấy anh quản
lý chợ vào cửa hàng ăn uống lai chơi. Có ông tám – phường đội trưởng phường 4
chỉ vào tôi nói với các anh công an:
- Cháu tao đó, để nó kiếm tí cơm coi
Nhưng tôi không vì vậy, mà sa đà vào
chuyện móc tiền người khác, văn nghệ là chính. Lúc này tôi có biệt danh “sát
thủ áo đen”. Vì tôi đi đâu cũng mặc một bộ đồ màu đen. ở núi Nhạn có một kỳ thủ đánh cờ có tiếng. Sách báo cờ tướng
chồng ngập đầu. Tôi đánh phế quân hết với ông ta, lần nào cũng vậy. Tôi chỉ
thắng ông ta bằng con chốt, và hơn ông ta chỉ nước tiên mà thôi. Ông ta giàu có,
nên đánh độ là đánh độ lớn. Chúng tôi đánh suốt cả tuần liền. Tôi đi với hai
đứa em, vừa vững gà vừa giữ tiền cá độ. Người xem coi hì hì như sơn đông mãi
võ. Sau trận tỉ thí đó, ông ta tuyên bố giải nghệ và đốt sách cờ. Tôi nghĩ: đối
với bộ môn này phải có khiếu, đam mê, trí nhớ tốt, trí tưởng tượng một chút xíu
nữa. Không học theo sách thì không cao, nhưng học theo sách mà không pha chế
chỉ tiến có mức độ mà thôi. Giai đoạn này, tôi chỉ đi đánh cờ, ăn nhậu, ca hát.
Chuyện làm kinh tế một mình bà xã tui đảm đương. Nếu có tôi tôi phụ giúp chắc
bả làm ăn khá hơn bây giờ.
MẨU CHUYỆN SỐ 3
Sau đó người ta biết tiếng tôi. Tôi
ít có độ đánh. Lúc này có chú tư - ham mê cờ. Hay đi theo tôi, tôi để chú đánh
tôi đứng ở ngoài. Dĩ nhiên là chúng tôi có mật ước với nhau. Hễ tôi vuốt tóc
chú đi con gì. Vuốt mũi đi con gì, nhìn bên phải nhìn bên trái đi con gì, chú
quan sát và đánh nếu lộ thiên. Có lần đánh trong nhà, chú tư ngồi đối diện với
gương. Tôi ngoài ở xa. Chú nhìn vào gương mà đánh. Tôi rờ nút áo. Rờ nút nào
chú biết nên đi con gì, mật ước rồi. Đối thủ của chú, hết vò đầu, bứt tai, hút
thuốc liên tục, lại đi ra ngoài rữa mặt toa lét. Vợ tôi thấy cảnh khổ sở của
đối phương.
- Sao mà mấy ông ác
vậy?
Đánh cờ cũng có lắm mẹo. La hét làm
đối phương phân tâm. Ca hát để khích tướng. Mỗi khi ăn cầm cờ gõ cóc cóc
lên cờ đối phương. Cho nên, dân đánh độ
thần kinh phải vững. Hôm nào mất ngủ phải ngủ bù , tỉnh táo sáng suốt mới đánh,
thấy lơ mơ, khù khờ ai rủ cũng phải từ chối.
Cái gì đến cũng phải đến, cơm áo,
đàn con, bà vợ tôi kham không nỗi. Đành bán nhà, ly hương, gửi mẹ già cho chị
ruột nuôi. Trong khi tôi là con trai một - cũng khổ tâm lắm. Nhưng bả không
chịu ở với tôi, sông nước, muỗi mòng quá.
Ông bà nói cờ cao trí cao. Tôi đam
mê vào những nước cờ, thời gian đâu tính toán đến chuyện làm ăn. Tôi có làm
ghe. Làm kinh tế nhưng thất bại, đang làm đó thỉnh thoảng có ai rủ đánh cờ là
bỏ ngay
- Chắc anh phải lên
thành phố quá chú mày! Đi theo vợ con chừng tuổi này anh chẳng muốn đi đâu xa,
điều kiện kinh tế thôi.
Những bụi ô rô, những bụi cóc kèn
ngoài sân xanh ngắt. Nắng chiếu qua những chỗ trống của vách dừa vào nhà. Vậy
mà trong mắt người đàn ông này lại đỏ hoe. Tôi im lặng. thôi mình nghĩ uống đi
anh năm. Vì chỉ vài cốc nữa thôi, người đàn ông này sẽ bật khóc.
THẠCH ĐÀ (tác giả giữ bản quyền)
_________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét