Có những lúc mỏi mệt trước
hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc sống, tôi gói lại bộn bề, lo toan, gối tâm hồn
mình lên những vần thơ giản dị để những ngôn từ mềm mại, nhẹ nhàng ru mình vào
miên man miền ký ức. Ở đó, tôi gặp Đào Mạnh Long, một cây bút trẻ đầy triển
vọng với "Lục bát chiều".
Thơ anh gần gũi, chân thành, đằm thắm nhưng
cũng đầy những suy tư, khám phá thể hiện những nỗ lực cách tân làm mới thêm cho
thể lục bát truyền thống. Tác phẩm mở đầu bằng những câu thơ đầy ấn tượng:
"Heo may ăn vụng
nắng vàng
Vãi tung tóe để chiều
loang lổ chiều"
Những làn gió heo may
ngỗ nghịch, se lạnh rong ruổi du êm cuộn tròn những khoảng trời chiều ngập nắng
được tác giả nhân hóa gọi tên bằng hai tiếng "ăn vụng" rất hóm hỉnh,
vui tươi và cũng rất chính xác. Heo may hồn nhiên như một em bé ham quà, vụng
về đánh rơi những miền nắng sót cuối chân trời lấm lem nắng hoàng hôn nên mới
'vãi tung tóe để chiều loang lổ chiều." Chiều quyện vào chiều loang lổ như
những nét vẽ tượng hình đầy bí ẩn. Điệp từ "chiều" hài thanh với nhau
gợi một không gian đã sắp trở mình sang bóng tối nhá nhem, khó định nghĩa nổi.
Chính cái lúc nhập nhoạng này, tâm hồn tinh tế Đào Mạnh Long lại lắng nghe rõ
nét những âm thanh quen thuộc chốn đồng quê yêu dấu:
"Rỗng mùa lạc
tiếng sáo diều
Thu quẫy gió, đổ liêu
xiêu điệu hò"
Mua đã "rỗng',
tức là khi đã khép lại mùa thu hoạch bận rộn và sắp mở ra những ngày lam lũ mùa
kế tiếp. Thế mà mùa không hề hiu quạnh, im vắng, ngược lại còn rộn ràng tiếng
sáo diều du dương trên nền trời xa thẳm. Tiếng diều bao dung đổ đầy vào mùa
'rỗng' khiến cho mùa trở nên thật đẹp, thật tha thiết. Câu thơ chỉ gợi chứ
không tả. Chất nhạc ngấm đầy trong từng vần điệu hài hòa. Đọc đến đây, tôi liên
tưởng đến những đứa trẻ mục đồng dễ thương đầu trần, chân đi đất chạy ngược
triền đê ngập hương cỏ lạ thả lên mây trời những cánh diều mơ ước. Chợt nhớ câu
thơ mình viết ngày xa cũ:
"Tuổi thơ chạy
đuổi hoàng hôn
Vấp lên những khát
khao dang dở"
Phải chăng những cánh
diều chở mùa thu về với thôn quê, để "thu quẫy gió, đổ liêu xiêu điệu
hò." Mùa thu quẫy gánh gió trên vai gói lại những giọt mồ hôi lam lũ, nhọc
nhằn để bên cánh đồng chiều muộn điệu hò đổ lại liêu xiêu. Có lẽ đó là điệu hò
của mẹ, của những người nông dân cần cù, chăm chỉ, lạc quan còn cố gắng níu giữ
chút ít thời gian cuối cùng của một ngày để làm nốt công việc còn dang dở.
Trong vất vả, họ vẫn luôn cất cao điệu hò khải hoàn mộc mạc ngọt ngào,giản dị,
yêu đời...
Từ cánh đồng quê chiều
gió êm đềm, Đào Mạnh Long tiếp tục thôi miên độc giả bước vào một miền thơ lãng
mạn đắm say:
"Vảy thời gian
rụng miền thơ
Neo vào nỗi nhớ, con
đò ngủ quên"
Thời gian được tác giả
hữu hình hóa bằng từ "vảy" rất trần trụi nhưng lột tả rõ nét được sự
trôi đi không trở lại của thời gian. "Vảy" được đặt cạnh "miền
thơ" tạo nên sự đối lập giúp làm nổi bật ý nghĩa của câu thơ. Nếu biêt
trân trọng thời gian thì dù có trôi qua cuộc đời, nó vẫn sẽ rụng lại, sẽ bước
vào những miền thơ đẹp đẽ lưu giữ những khoảnh khắc ấm êm, quý giá. Câu thơ
tưởng chừng như khô khan nhưng ngầm mở ra một triết lý rất sâu sắc. Đó là điều
tôi rất khâm phục cây bút trẻ tài hoa này. Từ miền thơ, tác giả trở lại với nỗi
nhớ sâu đằm, da diết nơi con đò sau những tháng ngày thầm lặng đưa khách qua
sông, mỏi mệt ngủ quên bên bến nhớ. Hay con đò đang chờ đợi ai đó ra đi chưa
trở lại? Con đò tìm về với chiêm bao bằng giấc ngủ chợp chờn chốc lát. Rồi nó
sẽ neo vào nỗi nhớ để đi tiếp những hành trình xuôi ngược...
Từ chạng vạng chiều, ở
hai câu thơ kết bài, mạch vận động của thời gian đã chuyển sang sâm sẫm tối.
Tháng Tám in dấu đầy ảo huyền, nhung mị:
"Nghiêng vành
tháng tám tràn đêm
Ngọn tre miết khói tím
lên đỉnh trời"
Câu thơ "nghiêng
vành tháng tám tràn đêm" không nhắc đến trăng nhưng tôi vẫn liên tưởng đến
một vành trăng non dậy thì nghiêng mình bẽn lẽn bên chân đê xa thẳm. Tháng tám
là lúc trăng đẹp nhất, thanh tân nhất, nên khuôn trăng huyền hoặc, lấp lánh lúc
vừa nhú mới đủ sức làm cho không gian "tràn" đầy ánh ngọc diều kỳ,lai
láng... Cảnh vật tháng tám nhuốm đầy sắc màu hư ảo như cõi thiền. Vì vậy
tác giả mới thấy được "ngọn tre miết khói tím lên đỉnh trời". Khói
chiều hoàng hôn đã gặp nhiều trong thơ nhưng vẫn có quen quen mà lạ lạ. Ngọn
tre đầu làng như lưu luyến bịn rịn làn khói lam mờ chiều muộn để rồi sắc tím
nhớ thương chùng chình bay lên nền trời ảo mờ, tê tái. Nét quê hiện lên đầy đắm
say, mê hoặc. Chính lúc này đây, trời đất như được kết duyên hài hòa bởi nét
khói mong manh, mại mềm, bảng lãng..
Tám câu thơ lục bát cô
đọng, súc tích, ngắn gọn nhưng cũng đã đủ sức làm mở ra trong lòng độc gỉa
những miền hoài niệm đầy bay bổng, phong phú. Đọc Đào Mạnh Long, thấy tâm hồn
như được trở về với "mảnh hồn làng" thuần mộc, yên bình mà đôi lúc ta
đã lãng quên giữa cuộc sống xô bồ nhiều lối rẽ...
PHAN ĐỨC LỘC
__________________
Thích nhất là hai câu đầu:
Trả lờiXóa"Heo may ăn vụng nắng vàng
Vãi tung tóe để chiều loang lổ chiều"
Tác giả thơ trẻ, người bình thơ trẻ. Chúc mừng hai bạn !
Cảm ơn Vĩnh Thông nhé!
Trả lờiXóaĐúng là nhà văn, nhà thơ trẻ. Dùng những từ ngữ sắc, luôi cuốn người đọc. Đọc mà cảm thấy ghiền không buông được.
Trả lờiXóaCảm ơn Trí Thức!
XóaThơ hay, người cảm nhận cũng góp thêm gia vị vào tác phẩm. TUYỆT KHÔNG GÌ BẰNG :D
Trả lờiXóaCảm ơn Phan Nam nhé!
Xóa