Quê ngoại tôi ở một làng tiếp giáp đường
liên xã Bình Công, thuộc huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang, có địa thế tựa vào
những con rạch bắt nguồn từ sông lớn với những rặng dừa nước xanh um dày đặc,
chen lẫn hàng bần, mắm già cỗi ven bờ. Bây giờ, sau hơn mấy mươi năm, nhưng
nhắm mắt lại tôi vẫn có thể hình dung ra từng con người, từng vị trí thân quen
cùng tôi những năm thơ ấu…
Đường đất vào làng đầy lỗ chân trâu, hai bên
gần như bị che khuất bởi bóng cây trâm bầu, loại cây sống bám rể mạnh mẻ trên
đất cằn khô. Ngang qua gò lức là đến khu vườn nhà ông Hội. Ngôi nhà cổ, tường
loang lổ rêu xanh, ấn tượng nhất là trước cổng có hai con hổ đá bệ vệ ngồi
chầu, trông chúng dữ tợn khiến tôi lúc nào cũng ngần ngại mỗi khi muốn leo lên
lưng vui đùa cùng chúng bạn. Ông Hội có ăn học cao, thuộc dòng dõi gia thế,
thời chín năm kháng Pháp ông là hương chức làng có sự liên lạc, ủng hộ phe
kháng chiến nên bị nhà cầm quyền cho điều tra, bãi chức và quản thúc. Ông chẳng
lấy làm buồn tiếc cho cái hư danh bởi dân làng vẫn quí mến, tôn trọng ông trong
các cuộc hội hè, đình đám. Nghe kể rằng cô con gái duy nhất của ông Hội hồi học
ở Sài Gòn lỡ yêu say đắm một chàng sinh viên trường thuốc và sau bị phụ bạc, cô
trở thành người thất tình, sống nửa mê nửa tỉnh. Người ta bảo cô điên theo mùa,
tôi tin như vậy. Mùa hè, cô lang thang tìm nhặt hoa phượng, tẩn mẩn xâu thành
vòng mang vào cổ. Rồi với chiếc áo dài trắng sờn cũ, hoa đỏ điểm trang, cô tung
tăng hát giữa khoảng sân rộng chói chang ánh nắng. Những bài hát lạ bằng tiếng
Việt chen tiếng Pháp, lúc trầm buồn, khi tươi vui rộn rã. Tôi nhớ hình ảnh ông
Hội gầy gò, tay chống ba-toong đứng nhìn cô trân trối, vầng trán ông đầy nếp
nhăn đau khổ. Khi lá rụng trơ cành, cô lại nép mình bên song cửa, thỉnh thoảng
bọn trẻ chúng tôi im lặng rất lâu để nghe vọng ra tiếng đàn măng-đô-lin réo rắt
trong ấy, mơ hồ, huyền hoặc…
Bà ngoại tôi có bồn người con: má tôi, cậu
Ba và hai dì đều mồ côi cha từ bé. Ông ngoại tôi theo một hội kín yêu nước, bị
bắt đày ra Côn đảo, vượt ngục rồi mất tích luôn. Một năm sau phong trào Đồng
Khởi, dượng Tư tôi từ đội viên du kích xã thoát ly lên bộ đội chủ lực tỉnh, lâu
lâu mới kết hợp công tác về thăm gia đình một đêm. Cậu Ba thì mê đờn ca, hồi
thanh niên bỏ nhà theo ghe hát cải lương lưu lạc khắp miền Hậu giang. Chừng tóc
chớm hoa râm, cậu nhớ quê trở về mở lớp học bình dân dạy đám trẻ đầu trần khét
nắng, nghịch phá như quỉ sứ. Gian nhà nhỏ khung tre trát đất nhồi rơm nép mình
dưới hai cây mù u, là chỗ bọn trẻ chúng tôi ê a đọc bài theo nhịp thước, đã bị
sập hai lần vì pháo đêm từ chi khu Hòa Đồng bắn vào lúc chiến sự lan rộng. Sự
vất vả, kham khổ khiến mọi người trong làng như héo hắt, riêng dì Út tôi vẫn
tươi tắn tựa bông hoa dại thầm nở giữa cánh đồng khô cháy. Cậu Ba lâu lâu buồn
tình lấy đờn ra khảy, nghêu ngao mấy lớp Xuân Tình, Phụng Hoàng láng lay tình
cảm rồi cười khà khà thích chí khi nghe mợ càu nhàu một câu cố hữu “già rồi mà
hổng bỏ tật!”. Đêm trăng êm ả hiếm hoi, ngoại thường nấu nồi bắp, khoai bày ra
sân để mọi người tụ họp vừa ăn vừa bàn chuyện sản xuất, đào hầm, vót chông, rào
làng chiến đấu… Thời điểm ấy, nhà nào cũng có trảng-xê đắp nổi bằng đất để
tránh đạn pháo của địch bất thần bắn vào làng. Trong trảng-xê bằng phẳng, lót
sẵn đệm, tối tối ngoại bắt mấy đứa nhỏ vô đó ngủ mới yên bụng. Các ngả đường
cách khoảng đều có đào công sự phòng khi đi làm đồng gặp trực thăng quần đảo,
sẵn chỗ trú ẩn. Tâm trạng ai cũng căng thẳng, nhất là mỗi lúc địch càn, ta bố
trí đánh trả, nhưng riết rồi quen và lạc quan, gan góc hơn. Bọn trẻ chúng tôi
ngoài giờ học hay lân la giúp các bác, các chú kẻ khẩu hiệu, cắm thêm rào tre
gai ở những nơi hiểm yếu. Tôi thích thằng Nhân con cậu Ba vì nó lanh lợi, bắn
ná thun giỏi và hơn nữa vì tôi thương nó mồ côi mẹ. Nhân lớn hơn tôi ba tuổi,
nhưng chúng tôi vẫn gọi nhau bằng mày, tao cho… tiện, mặc dù theo vai vế thì nó
xếp hạng làm em. Ngày mợ Ba thương chồng con ăn uống khô khan, tuốt mớ lá me
non rồi ra rẫy tính bắt còng về nấu canh chua. Bất ngờ máy bay xuất hiện ném
mấy quả bom xăng đặc xuống, mợ Ba chạy chưa tới hầm thì trúng thương quỵ xuống,
giỏ đựng còng bết bùn còn đeo bên hông. Mợ bị bỏng khắp người, nước mắt ròng
ròng mà không nói được, chịu hấp hối đau đớn tới chiều rồi chết. Thằng Nhân nấc
lên, chạy ra sau cây rơm ngồi khóc tức tưởi. Ngoại tìm gặp và hai bà cháu ôm
nhau hòa chung dòng nước mắt…
Tôi lại nhớ đúng vào đêm rằm tháng chạp,
ngoại nấu nồi chè khoai môn đường tán và khi cúng bàn thiên xong biểu tôi chạy
kêu thằng Nhân qua ăn. Tôi đi men bờ ruộng, chừng mười lăm phút thì cùng về với
Nhân. Chợt hai đứa sững sờ lo lắng khi thấy ngoại vừa khóc vừa lay gọi dì Tư
đang vật vã dưới nền đất:
- Má cũng đứt từng đoạn ruột… con ơi! Thôi
ráng mà chịu đựng chớ má biết làm sao…
Tin báo tử dượng Tư tôi do anh liên lạc xã
mang đến khiến cả nhà buồn rầu khôn nguôi. Trận đánh vào chi khu quận thật ác
liệt và lúc sắp chiếm được hầm chỉ huy truyền tin thì địch tăng cường quân phản
kích mạnh, dượng Tư hy sinh. Ngoại se sắt mân mê cái ống ngáy trầu gò bằng vỏ
đạn 12ly7, di vật của dượng Tư làm từ tháng trước chưa có dịp mang về tặng.
Giọng ngoại run run đứt quãng:
- Chồng con Tư nợ nước đã đền, đời trai xứng
đáng… Con đừng áo não hoài, má thêm đau lòng mà… nó chết cũng hổng an!
Tuổi còn nhỏ, nhưng tôi cảm nhận rằng ngoại
đang cố nén lòng, gom hết nỗi đau xót về mình để làm chỗ dựa chung cho con cháu
cứng cáp đứng lên.
Cuộc sống trong làng ngày càng bị khuấy động
, sôi sục lên bởi đại đội biệt kích khét tiếng hung hãn từ tỉnh về tăng cường
mật phục, đánh phá từng mảng đề kháng của ta. Nhưng các hầm bẫy, chông tre, lựu
đạn gài… ngụy trang kín đáo cũng bắt chúng phải trả giá bằng thương vong không
ít. Theo chủ trương cấp trên, cán bộ cơ sở rút vào hoạt động bí mật, phối hợp
cùng du kích đặt trái, bắn tỉa… không theo quy luật nào, biến vùng đất này
thành cảnh ngày địch đêm ta. Ngoại thấp thỏm không yên, thúc hối biểu cậu Ba
đưa tôi về chợ gấp, lúc này má tôi cũng có thư nhắn. Thắng Nhân đã vào đội du
kích, mang cây súng trường dài thậm thượt ra vẻ chững chạc lắm. Nó nhíu mày suy
nghĩ như người lớn rồi khẽ dặn tôi:
- Mày vô trong đó ráng học cho giỏi nghen! Có
khi tụi mình… không gặp lại, nhưng mày nhớ đừng bao giờ làm khổ, làm hại bà con
làng xóm… Tao đã thề sống chết cũng ở đây, nói một lời thôi!
Tôi nhìn vào mắt Nhân thắm thiết, hiểu nó
nói thật lòng và chỉ biết xiết chặt tay nhau thay lời từ biệt. Buổi chiều cuối
cùng trước khi đi, nhìn cảnh vật quê ngoại sao tôi buồn muốn khóc. Mấy cây cau
lão cạnh rào xương rồng, bụi tre đầu ngõ, mái tranh ám khói, khạp nước mẻ
miệng… Ôi… quyến luyến tâm tư. Khuya đó, ngoại chống gậy đưa một đoạn tới gò
lức rồi đứng lại trông theo. Đi với cậu Ba, chân bước vấp váp mà tôi cứ ngoái
nhìn hoài bóng ngoại gầy gò, không sao cầm được nước mắt…
Thời gian dần trôi, quê ngoại tôi giờ đồn
bót giăng giăng, nhưng bọn lính vẫn e sợ mỗi khi càn quét bởi du kích liên xã
còn hoạt động mạnh bên kia sông. Hết bốn năm trung học, tôi lên tỉnh tiếp tục
học và không có dịp về thăm ngoại, thăm bà con. Cuối năm đó, tin Nhân hy sinh
đến với tôi thật quá đột ngột, bàng hoàng. Bà Tư, người cùng làng, bùi ngùi kể:
“Đêm gần sáng, Nhân cùng hai đồng đội vượt lộ đặt mìn phá cây cầu huyết mạch
của quận nối liền mấy xã, nhằm cắt đứt đường chuyển quân, tiếp tế hậu cần của
địch và chuẩn bị cho chiến dịch lớn của quân chủ lực ta. Ba người đội cỏ ngụy
trang thả xuôi dòng nước, cài thuốc nổ, kéo dây xong thì bọn biệt kích phát
hiện. Chúng bắn đuổi ráo riết, trái sáng rực trời, tiếng súng nổ vang không
ngớt. Nhân cố đánh lạc hướng địch, thu hút hỏa lực về mình để che giấu mục tiêu
và chiến đấu bảo vệ đồng đội. Tới gần ngã ba gò lức đường vào xóm nhà ngoại,
Nhân trúng loạt đạn hy sinh ngay trên mảnh đất quê hương, cùng lúc tiếng nổ
long trời khiến chiếc cầu gục xuống dòng sông, chiến công rực sáng. Thất bại
thảm hại, bọn biệt kích điên cuồng định mang xác Nhân ra lộ lớn phơi bày, nhưng
bị ngoại, cậu Ba, cô Tư, cô Út cùng hết thảy bà con trong làng ùa ra ngăn
đường, đấu tranh dữ dội. Rốt cuộc, đến tờ mờ sáng chúng đành thất thiểu kéo
nhau về đồn, mang theo ba xác lính. Nhân được an táng nơi đất vườn nhà, người
trong làng sớm hôm thăm viếng, đó là niềm an ủi rất lớn cho ngoại cùng những
người thân…
Mười lăm năm sau ngày miền Nam
giải phóng, ngoại bệnh mất ở tuổi ngoài chín mươi, lòng thanh thản, gần gũi đủ
đầy con cháu trong thời khắc cuối đời. Làng xóm bây giờ được xây dựng, quan tâm
và phát triển mọi mặt, từ chuyện sản xuất, làm đường giao thông cho đến chuyện
học hành, chính sách… tốt hơn xưa nhiều lắm. Mỗi lần về quê ngoại, chiều chiều
sau khi thắp nhang trên mộ ngoại, mợ Ba, Nhân, tôi hay đi vẩn vơ trên con đường
đất quen thuộc để hồi tưởng những điều buồn vui với bao con người đôn hậu mà
kiên cường, mãi sống trong tâm hồn tôi…
NGUYỄN KIM
_______________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét