Đón được chiếc tắc xi tôi lên xe và nói với cậu lái xe
cho tôi về Gò Vấp. Tôi lấy làm lạ, tôi đã đi Sài Gòn nhiều lần rồi nên biết thế
nào là những con đường đông đặc người và xe, vậy mà giờ tôi thấy con đường Điện
Biên Phủ rộng rinh, lác đác vài chiếc xe thong dong đang chạy. Như đọc được ý
nghĩ của tôi, người lái tắc xi nói: “Chắc là cả nửa thành phố đi chơi lễ, lái
xe mấy ngày này thật dễ chịu.”
Không biết anh nói với tôi hay nói với chính mình,
nhưng câu nói của anh khiến tôi sực nhớ hôm nay là ngày 30 tháng 4. Hèn nào, tôi
nghĩ. Thiên hạ đi chơi hết nên thành phố trông rộng ra, giống như lần đầu tiên
mình đến Sài Gòn. Ý nghĩ đó dẫn tôi trở lại tuổi thơ tôi, lúc đó là những năm sáu
mấy, tôi chỉ là một chú nhỏ nhà quê đang học lớp nhì lần đầu tiên theo chị lên
một thành phố lớn. Sài Gòn lúc ấy xe cộ còn thưa thớt nhưng với tôi Sài Gòn đã
là một sự ngưỡng mộ. Tôi nhớ nhà chị tôi mướn nằm trong một con hẻm gần chợ Vườn
Chuối. Đối diện nhà chị tôi là một căn nhà gỗ khá rộng, trước sân trồng một cây
mận lúc lỉu trái hồng cả một khoảng trời. Tôi chỉ dám nhìn thôi, phần vì lạ nước
lạ cái, cái tính hoang đàng dù sao cũng bị cưỡng chế, phần vì nhà bên có hai cô
con gái nên tôi không dám đụng vào. Hai cô chắc là cỡ tuổi tôi hoặc ít hơn gì đó,
nhưng là người thành phố nên lanh lợi và nắm thóp một thằng nhỏ nhà quê như tôi.
Nếu ở nhà, cái cây mận kia không thể nào thoát khỏi tay tôi, nhất định tôi sẽ hái
cho bằng hết cho dù bị lỡ có bị đòn. Một buổi chiều tôi ngồi bên cửa sổ nhìn qua
nhà hàng xóm, thấy tôi nhìn hơi lâu cây mận một chút, đứa chị trợn mắt: “Ê, không
được hái trộm nghe chưa?”. Chẳng biết cô bé nói với ai, tôi cứ nhìn lom lom vào
cây mận. Thấy vậy, con bé càng tức: “Ê, cái đồ nhà quê nghe không hả?”. Nói
xong nó lấy một trái mận ném về phía tôi, trái mận bay vụt qua tôi rớt xuống nền
nhà vang lên một tiếng bịch. “Nếu là ở nhà tao mày sẽ biết tay!”, tôi nghĩ nhưng
lập tức tôi biết mình là người lạ nên cố ghìm cơn tức đang nhen nhóm trong lòng.
Thấy mặt tôi chắc căng thẳng, đứa em cầm một chùm mận chạy qua nhà tôi. Nó đến
trước cửa sổ, nơi tôi đang ngồi trong nhà nhìn ra, bàn tay nho nhỏ của nó đẹp lạ
lùng, nó đưa tôi chùm mận: “Anh ơi, em cho anh chùm mận nè, đừng chơi với chỉ,
chỉ bị má la hoài vì tội hỗn hào đó anh”. Cô nhỏ méc tội của chị nó như thể tôi
là một người lớn, là anh nó chẳng hạn. Nghe câu nói của cô nhỏ, mặt tôi lúc đó
chắc dãn ra, tôi nói anh cám ơn em nghe, em dễ thương quá! Cô nhỏ cười hồn nhiên
chạy về nhà, không biết một cặp mắt của tôi nhìn theo cái áo đầm màu hồng của nó.
Cái áo đầm tuổi thơ theo tôi nhiều năm và chắc là sẽ đi theo suốt cuộc đời bởi
tôi thích màu hồng từ ngày ấy. Bây giờ không biết “cô nhỏ ngày xưa” còn hay đã
mất, nếu còn chắc đã lên bà, gặp lại tôi cũng sẽ không nhìn ra đâu….
Người tài xế tắc
xi hỏi “rẽ đường nào chú ơi, đã qua siêu thị rồi?”. Tôi chỉ đường cho anh ta, câu
hỏi vô tình của tay tài xế khiến tôi nhớ đến lần hỏi đường cô nhỏ. Đó là một
chuyến phiêu lưu khám phá Sài Gòn của tôi. Và tôi đã đi lạc. Không lạc mới lạ trong
mê tận hẻm với những con hẻm na ná như nhau, những ngôi nhà, những loại cây trồng
trên ban công làm tăng độ mát cho ngôi nhà trông không khác gì nhau. Tôi lạc
trong mê trận hẻm đó, thứ mà ở quê tôi không có và không biết làm sao về nhà chị
dù biết chắc rằng đối diện nhà chị tôi có một cây mận và hai đứa con gái một thấy
mặt là ghét và một thấy mặt dễ thương. Đang lúc cố cùng tôi thấy một cô nhỏ từ
một căn nhà bước ra, “đứa em”, tôi mừng quýnh nói em ơi, chỉ dùm anh đường về
nhà với? Cô nhỏ nhìn tôi lom lom: “Anh đi đâu mà qua tận xóm này?”. Tôi ngắc ngứ,
nói thiệt thì sợ bị chê là “cù lần”, thấy vậy cô nhỏ nhoẻn miệng cười: “Vậy
theo em về nhà héng!”. Bữa đó tôi được đi bên cô nhỏ, nghe em kể chuyện học,
chuyện nhà, chuyện bạn em…mỗi thứ một chút mà sao tôi cứ tưởng đang sống trên mây.
Mấy chục năm rồi. Sài Gòn đổi thay từng giờ lận, tôi
không thể nào nhận ra con hẻm ngày xưa là cái chắc. Cư xá Đô thành mà ngày xưa
tôi đi lạc không biết bây giờ còn xôn xao tiếng chim hót như ngày trước? Không
biết mấy ngày tới tôi có dịp để ngang qua chốn kỷ niệm xưa?
Nhà bà chị tôi đây rồi, con hẻm đã biến thành một con đường
thảm nhựa, có tên hẳn hoi: đường số 4. Mấy năm trước chỉ là con đường đất, chỗ
lồi chỗ lõm, không biết ai đã phóng con đường này để phân lô bán nền? Tôi chỉ
biết tên vùng này là Làng Hoa, bây giờ không thấy hoa đâu cả, chỉ thấy ồn ào phố
xá, người ta đang trôi trong cái không gian náo nhiệt của một vùng đô thị!
Tắm xong tôi dạo chơi một vòng trong khi chờ mấy đứa
cháu về ăn cơm. Tôi đi theo con đường số 4, quẹo qua số 3 và ra đến một con
đường lớn hơn, có tên đàng hoàng: đường Lê Văn Thọ. Vẫn dòng xe cộ thưa thớt,
trên lề đường vài người xe ôm dáng mệt mõi chờ khách. Cái kiểu ngồi của một người
xe ôm khiến tôi chú ý, anh ta ngồi hẳn lên chiếc yên xe, hai bàn chân thô ráp
đặt trên cái yên chắc đã lâu lắm chưa thay bọc, còn hai tay thì vòng qua ôm đầu
gối vào lòng. Thấy tôi nhìn, người xe ôm hỏi liền: “Đi đâu chú ơi, tui chở cho?”.
Tôi đang đi dạo một vòng ngắn rồi về nhưng khi nhìn vào đôi mắt háo hức chờ đợi
của cậu xe ôm tôi thấy tồi tội, chắc đang ế khách đây. Tôi nói chở giùm tôi ra
một nhà sách, cậu biết nhà sách nào lớn lớn chút không? Người xe ôm cười: “Dưới
ngã sáu có nhà sách Văn Lang lớn lắm, chú lên xe đi!”.
Tôi bắt chuyện với cậu xe ôm: sáng giờ chạy xe khá
không? Như động đến nỗi niềm cậu xe ôm nói “khá gì chú ơi, ế òm à”. Tôi hỏi sao
vậy? “Lễ mà chú người ta đi chơi xa hết cả rồi, chú coi nếu bữa qua xe cộ chạy
ngợp trời chớ đâu vắng ngơ vắng ngắt như bây giờ?”. Tôi nói vậy sao dù trong
bụng đã biết chuyện này. Tôi tiếp cậu người đâu ta? Cậu xe ôm vừa tránh một
chiếc xe vừa nói “cháu ở ngoài Trung, Bình Định!”. Tôi hỏi tiếp vậy cậu vô đây
lâu chưa? Người chạy xe ôm nói “cháu vô cũng lâu rồi, lúc trước thì vô có một
mình giờ thì đưa cả gia đình vô luôn năm rồi…”. Mới nói đến đó xe đã chạy đến
nhà sách Văn Lang. Đúng như cậu xe ôm nói, đây là một nhà sách lớn lại có vị trí
khá đắc địa nên giờ này mà bãi xe gần kín chỗ. Xe dừng lại tôi nói thôi cậu chở
tôi ra quán cà phê nào đó mình ngồi nói chuyện chơi, còn nhà sách mai mốt tôi
vô cũng được?
Thấy vẻ ngần ngừ của cậu xe ôm, tôi hỏi bộ cậu mắc
công chuyện sao? Cậu ta cười “công chuyện thì cháu lúc nào cũng phải làm chỉ sợ
chú khi không mà tốn tiền mời cháu uống cà phê thôi!”. Tôi nói cậu ngại chi cái
chuyện nhỏ đó, không phải khi không tui mời cậu uống với tui một ly cà phê đâu,
tui cũng quê Bình Định, nghe giọng xứ Nẫu của cậu khiến tui nhớ quê quá nên mời
cậu uống cà phê để nghe giọng nói xứ mình mà!
Quán ven đường cái nào cũng giống nhau. Mấy bộ bàn ghế
có dựa được đặt quay ra đường, nhạc vang vang trong quán vắng. Hai ly đen đá
được một cô nhỏ bưng ra kèm theo hai ly nước trà đá, dưới có đặt cái miếng lót
dường như làm bằng sợi lục bình. Cậu xe ôm lấy máy gọi ai đó với một giọng gia
trưởng rồi tắc máy liền. Cậu hỏi tôi “hồi nãy chú nói người Bình Định vậy quê
chú huyện nào?”. Tôi cười nói thiệt với cậu má tôi người xứ Nẫu, bà xa quê lâu
rồi nhưng mà bà vẫn nói rặt thứ tiếng nhà quê. Tôi nghe nói má tôi ở thôn
Trường Định, huyện Bình Khê chớ tui chưa về quê ngoại lần nào! Cậu xe ôm cười “tậu chết đi chú, quê ngoại mà sao không dìa, bây giờ huyện Bình Khê được đổi tên
là huyện Tây Sơn”. Tôi cũng cười nói tiếp cậu đừng cười, má tôi xa quê cũng lâu
rồi, hồi bà còn sống bà cũng về thăm quê mấy lần, sau này bà con không còn ai
nên đâu có về làm gì? Cậu xe ôm ra vẻ quan tâm “Dẫy na!”. Nói tới đó không hiểu sao cậu chợt im lặng. Tôi nghĩ thầm
trong bụng chắc là thằng này nhớ quê rồi. Tôi nhìn vào cặp mắt cậu xe ôm, cậu
đang nghĩ gì mà mắt nhìn xa vắng? Bỗng nhiên tôi nhận ra tôi…cũng nhớ quê như
cậu xe ôm bởi tôi vừa nhận ra tôi đồng cảm với cậu này. Tôi hỏi nãy giờ nói
chuyện mà không biết tên nhau, tôi tên Hiếu còn cậu tên gì? Cậu xe ôm như sực
tỉnh: “Tụi bạn kêu cháu là Ốm, Hai Ốm”.
Tôi quan sát Hai Ốm. Đúng người sao thì tên vậy, Hai
ốm thiệt chừng năm chục ký lô là cùng, được cái là khá cao dễ tới một mét bảy
mươi nên coi bộ càng cao hơn với cái mông lép xẹp tay chưn dài thòng. Tôi hỏi
tiếp vậy cậu vợ con ra sao rồi? Hai nói “cháu hai đứa, năm rồi đưa cả nhà vô đây
làm dân nhập cư KT3”. Rồi Hai kể bằng chất giọng thiệt của mình chớ không ráng
pha tiếng cho giống dân trong này. Thì cũng giống như vô vàn những câu chuyện
tôi đọc được và nghe được trong mấy năm nay. Ở nhà quê ruộng ít làm không đủ ăn
phải bươn chải kiếm sống. Đầu tiên Hai vô nhà ông cậu. Ông cậu này vô Sài Gòn
từ hồi Sài Gòn còn có tên là Sài Gòn. Ở nhờ nhà ông cậu kiếm đủ thứ việc để
làm, tháng tháng gởi về quê vài ba triệu bạc để “mẹ con nó sống”. Rồi thằng con
thi đậu trường Bách Khoa. Tôi nghĩ thầm trong bụng: ờ, sao mấy đứa học giỏi đều
là con nhà nghèo cả ta? Thằng con của Hai chắc là học giỏi, thi đậu trường Bách
Khoa chớ có phải chuyện chơi đâu. Tôi ngắt lời Hai vậy chớ thằng nhỏ chọn ngành
gì? Hai ngớ người: “Cái dụ này cháu
cũng không biết, để coi cái gì như là…như là tin tức gì đó?”.
Tôi ngạc nhiên thật sự, chắc là Hai lộn rồi, thằng nhỏ
thi đậu trường Báo chí mới liên quan đến tin tức chớ? Hai khẳng định “cháu
không lộn đâu, chắc chắc là có chữ tin mà!”. Tôi nghĩ một hồi thì mới nhận ra.
Ý Hai muốn nói là thằng nhỏ đậu khoa Công nghệ thông tin, tôi hỏi và Hai gãi
đầu “đúng đó chú, mà sao chú biết hay vậy, thông tin với tin tức gì thì cũng
như nhau mà?”. Tôi cười một trận đã đời. Nhờ đó giữa tôi và Hai gần nhau hơn.
Hai kể tiếp “vậy là kéo cả nhà vô đây luôn, con Ba đang học lớp mười cũng vô
đây đi học, lúc rảnh giúp má nó làm việc”. Tôi hỏi vậy vợ cậu làm chuyện gì?
“Thì đi dọn dẹp lau quét nhà theo giờ cho người ta đó chú, mà bả đắc khách lắm
nghe, ngày nào cũng có chỗ làm, sáng sáng bả đi làm như người ta đi làm…công
chức vậy”. Hai cũng có óc hài hước chớ, tôi cười và nghĩ, ừ nhiều khi Hai nói
đúng, công chức là công bộc của dân mà? Nghĩ tới đó cái cục tự ái trong một tên
cựu công chức như tôi thấy cục cựa. Mà thôi, chánh văn phòng Sở V. của tôi đã
như nước chảy bèo trôi qua rồi, tự ái nỗi gì?
Hai tiếp “còn cháu trước thì làm lung tung,
hễ có việc là làm, giờ thì cháu ổn định rồi”. Tôi hỏi có chút tò mò vậy tôi
mừng cho cậu, mà nè cậu chạy xe ôm chắc khá? Hai cười, “xe ôm mà khá nỗi gì,
chạy xe ôm chỉ là một nửa công việc của cháu thôi, cháu chỉ chạy xe từ trưa tới
tối, kiếm được đồng nào hay đồng đó, từ tám giờ tối cháu làm việc khác, lãnh
lương đàng hoàng”. Thấy Hai có vẻ tự hào về
chuyện này tôi nhướng mày ngạc nhiên. Hai nói tiếp liền “mà công chuyện
của cháu ban đêm cũng dính tới chiếc xe này”. Hai đưa mắt nhìn chiếc Future
dựng trước cửa quán, nhìn ánh mắt của Hai tôi thấy Hai nhìn chiếc xe y như
người mẹ nhìn đứa con của mình: âu yếm và say đắm! Tôi chờ Hai giải thích với
mớ ý nghĩ không trong sáng trong đầu. Quả là lạ, người ta mà làm cái chuyện gì
trong đêm tối cũng bị thiên hạ nghĩ là công việc không đàng hoàng bởi đêm thì
đen, mà cái đen thì che giấu hành vi tội lỗi. Còn Hai, không lẽ Hai cũng làm
một việc không đàng hoàng tỷ như…dắt gái? Chắc Hai không biết tôi nghĩ xấu về
Hai, mắt Hai vẫn chưa hết cơn say đắm khi nhìn về chiếc xe thân yêu. Đó là
trong một tích tắc tôi nghĩ ra điều đó chớ Hai thì giải đáp thắc mắc của tôi
liền: “Cháu giao hàng cho một tiệm cơm tấm!”.
Tôi hỏi không lẽ đêm còn có người ăn
cơm sao? Hai cười cho sự ngây thơ của tôi: “Xời ơi chú, người ta còn ăn nhiều
là đằng khác, đang đêm đói bụng mà có một hộp cơm với miếng thịt nướng, miếng
trứng chiên với chút bì chan thứ nước mắm chua ngọt thì còn gì bằng?”. Tôi lại
biết thêm một nghề ở thành phố năng động này. Qua chuyện kể của Hai tôi cố hình
dung cảnh thằng sinh viên cày games
thâu đêm suốt sáng hay những khuôn mặt hốc hác mất ngủ của mấy người làm tăng
ca nhưng tôi chịu, đó chỉ là những khuôn mặt nhạt nhòa không đường nét. Hai vẫn
thao thao kể về những vụ đi tìm địa chỉ, dù vùng này Hai rõ như lòng bàn tay.
Rồi những lần khách không chịu nhận hàng bởi Hai đem quá trễ Hai phải chở về
nhà ăn thay cơm hay có tay khách còn bo cho mấy chục khi Hai đem cơm tới còn
nóng hổi….Rồi Hai bắt qua chuyện thằng con. “Nói chú mừng, thằng Hai học giỏi
lại có hiếu nữa, nhiều đêm nó nằn nì xin cháu cho nó chạy giùm, ba về nhà ngủ
chớ thức khuya lõ con mắt chịu sao đặng? Nhiều bữa cháu cũng cho nó chạy thử để
nó dạn với đời, nhưng cháu mượn xe của Tám Tàng chạy sau để coi chừng thằng
nhỏ. Mà thằng nhỏ chạy ngon quá chú, nó cũng thuộc địa bàn….” Hai ngừng một
chút rồi nói tiếp “có bữa bà chủ quán mua cho thằng con cái máy di tính mới, dư cái cũ bả bán, cháu định
mua trả góp cho thằng Hai có cái học. Tội nghiệp học cái ngành đó mà nó không
có cái máy thì sao được, con bà chủ quán nói. Cháu về hỏi nó, nếu thằng Hai
chịu thì cháu mua cho, ráng góp một năm là được thôi. Mới nhìn cái máy cháu
mang về cho thằng Hai coi, mắt nó sáng lên. Nó ngần ngừ như suy tính chuyện gì
một hồi rồi mới coi máy. Cháu thấy cái máy hiện lên cái hình một cô đẹp quá
chừng chừng. Còn thằng Hai thì cau mặt lại, nó đóng cái máy cái cộp rồi nói ba
đem trả cho người ta, máy này mua làm gì chạy chậm rì rì, mà nhà mình đâu có dư
dã gì, để con học ké với máy của tụi bạn là được rồi. Nói thiệt với chú cháu
thấy cái máy để một chỗ chớ có phải cái xe máy đâu mà cần nhanh với chậm?”.
Chia tay Hai tôi gởi biếu Hai chút
tiền gọi là tiền câu chuyện cà phê, ngồi với tôi nếu có người kêu chạy xe thì
mất thu nhập, tôi nghĩ vậy. Nhưng Hai không nhận, Hai nói “một nửa đồng hương
cũng là đồng hương, ai lại lấy tiến uống cà phê bao giờ, tậu!”. Đêm đó tôi đi gặp anh
Bốn. Cha, cái chuyện anh Bốn này tôi cứ cười hoài. Anh Bốn hơn tôi mấy tuổi,
tôi đoán thế. Chẳng là tôi quen anh Bốn trên mạng, anh Bốn hay viết bài trên
một trang mạng của những người nhớ quê miền Trung. Trang văn nghệ của tình bằng hữu đó tiếng là một trang địa phương
do những người xa quê lập ra nhưng lại quy tụ nhiều người trên cả nước viết
bài. Anh Bốn Xóm Đình với giọng văn diễu cợt rất thân tình đã khiến rất nhiều
người thích. Anh Bốn dường như đem chuyện của mình ra kể. Kể từ thuở còn đi bộ
đội, đến sau này làm nhà báo viết bài kiếm tiền mua sữa cho con, giờ anh Bốn già
rồi tham gia trang mạng với niềm vui của người từng trãi. Tôi lại lan man nghĩ
về cái tên anh Bốn Xóm Đình. Ừ làng xóm dường như bao giờ cũng có trong tâm
thức của người Việt Nam.
Xóm luôn luôn chỉ một nhóm nhà gần nhau và tên gọi bao giờ cũng dựa vào địa
hình, địa vật để lấy làm tên. Xóm Chùa, Xóm Giếng, Xóm Đình…xóm nhà tôi ở cũng
có tên nhưng không hay lắm: đó là Xóm Ba Nhà. Ba cái nhà ở lẫn trong một khu
rừng thông nằm ngoài rìa của Viện Sinh học Tây nguyên ít người biết tới. Xóm cô
đơn đó vậy mà có chuyện, cô Thu hàng xóm tôi có đứa con mười lăm tuổi bỏ nhà đi
bụi, cô nhờ tôi vô Sài Gòn tìm giùm đem nó về học tiếp bởi có người thấy nó leo
lên xe Thành Bưởi. Sài Gòn rộng bao la bát ngát làm sao tôi tìm cho được thằng
Trung? Nhưng khi nhìn vào cặp mắt hoe đỏ của cô Thu tôi thấy tồi tội, ừ đang
rảnh sao mình không đi một chuyến Sài Gòn? Tôi từ chối món tiền của cô Thu, làm
sao tôi có thể lấy tiền của một người mẹ chuyên đi làm cỏ mướn nuôi hai con ăn
học? Chồng Thu bỏ đi khi đứa con thứ hai ra đời chừng một tháng….
Thằng cháu ngừng xe ở một quán cà phê,
nơi tôi offline gặp anh Bốn. Đó là Country House, một quán cà phê đình đám
ở Gò Vấp. Nói là quán vì thói quen chớ cái House
này tòa ngang dãy dọc, lầu các, suối nhân tạo, núi đá cây cỏ…mênh mông. Anh Bốn
đưa tôi ra một bàn dưới gốc một cây Ngọc Lan cạnh một cái cầu bên dưới nước róc
rách chảy. Anh em lần đầu mới gặp nhưng dường như đã thân quen, chuyện nổ ra
như pháo. Anh kể chuyện có đứa con kêu bằng bố khiến anh bị nghi có con rơi khi
nằm viện nó tới chăm sóc. Anh cười khà khà nói nếu được vậy thì quá đã bởi
thằng đó giỏi giang, tui chỉ là bố tinh thần của nó thôi bởi tui chỉ chở giùm
mẹ nó đi bệnh viện khi đau đẻ nó, còn bố ruột nó là đồng đội tui thì đi công
tác…. Tôi kể chuyện cô Thu hàng xóm ở Xóm cô đơn có thằng con đi bụi….Anh Bốn
nói chà bây giờ chuyện như vậy nhiều lắm, nhiều đứa đi như vậy lại thành công,
còn có đứa thì thân tàn ma dại, anh chỉ tôi đi dò hỏi ở mấy lò may gia công hay
thu nhận mấy đứa loại này. Tôi trình bày Sài Gòn thì rộng, tôi thì không
rành….Anh Bốn cắt ngang: yên tâm đi để mai tui kêu thằng cháu chạy xe ôm tới
chở anh đi, nó làm nghề này nên ngóc ngách nào nó cũng biết, biết đâu tìm ra
thằng nhỏ cho anh. Rồi anh chuyển qua chuyện đứa cháu chạy xe ôm. Tôi ngồi yên
lắng nghe tiếng anh Bốn lẫn trong tiếng nhạc và tiếng róc rách của dòng nước
dưới cầu càng làm cho khung cảnh thêm thi vị. Thì chuyện tình yêu nào mà không
thi vị? Huờn yêu Thu đã làm đám hỏi. Rồi hai người hiểu lầm nhau khi Thu thấy
Huờn chở một người con gái khác. Thu đem trả lễ, đòi lại mấy cái khăn tay thêu
hình cặp bồ câu cô tặng Huờn rồi đùng đùng bỏ đi lấy chồng ở tận Gia Lai. Bốn
năm sau Thu bồng hai đứa con nhỏ về quê, chồng Thu chết vì tai nạn….Tình cũ
không rủ cũng tới mà, Huờn qua nhà Thu ngày một. Một hôm Huờn tuyên bố xanh
dờn: Huờn sẽ lấy Thu, nuôi con Thu như con ruột mình. Mặc cho mọi người can
ngăn, Huờn vẫn làm theo ý mình. Ai nói gì thì nói, coi bộ Huờn và Thu nối lại
tình xưa hạnh phúc dữ. Lấy nhau đã mấy năm trời mà Huờn không có con, trước khi
chết bà chị anh Bốn cứ cằn nhằn hoài vì cái chuyện này. Hóa ra Huờn khi lớn mới
bị bệnh xưng má chàm bàm thì làm sao có con được? Huờn vô Sài Gòn này làm thuê
đủ kiểu, rồi Huờn mang vợ con vào, vợ Huờn đi dọn dẹp nhà cửa thuê theo giờ…Tôi
ngắt lời anh Bốn kể cái chuyện Huờn có hai đứa con, thằng lớn đang học Bách
Khoa, khoa Công nghệ thông tin, con nhỏ thì đang học lớp mười….Anh Bốn trố mắt
ngạc nhiên hỏi sao tôi biết? Tôi cười kể chuyện tám hồi chiều với Hai Ốm rồi tả dáng người của Hai. Anh Bốn suy
nghĩ một hồi rồi nói “chắc người giống người, thằng cháu tui tên là Huờn, tui
chưa nghe ai kêu nó là Hai Ốm bao giờ, mà nó thứ ba mà…”.
Lúc Hai Ốm chở tôi đi rà khắp các nơi
nghi ngờ sử dụng lao động trẻ em mà đâu có gặp Trung, tôi hỏi Hai Ốm có phải
tên Huờn? Hai cười cười:
- Cậu Bốn không biết tên Hai Ốm đâu, bởi
cái tính cháu hay giúp người nên anh em xe ôm đặt tên cho cháu là anh hai Sài
Gòn mà cháu ốm nhách nên kêu là Hai Ốm cho tiện.
Tôi nói Hai Ốm hay Hườn gì cũng được,
cậu sống như vậy là được. Cậu ráng chở tôi đi tìm thằng cháu. Hai Ốm hứa “chú
yên chí, cháu rành mấy dụ này quá
mà”. Vậy mà tôi đành thất vọng trở về Đà Lạt, thằng Trung lạc trong một biển
người của Sài Gòn thử hỏi làm sao tìm ra cho được?
Mấy tháng sau thằng Trung về khỏi cần
tôi phải đi tìm. Nó trốn ra từ một lò may gia công phải làm quần quật ngày mười
mấy tiếng đồng hồ một ngày. Khỏi phải nói mẹ nó mừng cỡ nào. Tôi nhìn hai mẹ
con cô Thu ngày hội ngộ mà trong bụng thì nghĩ chắc mình phải đi Sài Gòn chuyến
nữa để báo cho Hai Ốm thằng Trung đã về. Hôm chở tôi ra bến xe Thành Bưởi, Hai
cứ nói hoài cái sự “áy náy” trong lòng:
- Tiếc quá, con không tìm ra thằng
cháu cho chú, chú đừng giận thằng Hai này nghe chú!
VÕ ANH CƯƠNG
________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét