Tham luận tham gia Đại hội IX Hội Nhà văn Việt Nam
của nhà văn Võ Thị Xuân Hà - Trưởng Ban Nhà văn Trẻ.
Một nhà báo đã hỏi tôi: Theo đánh giá của chị, một người gắn bó sâu sắc nhất với các hoạt động của Hội liên quan tới lực lượng nhà văn Trẻ, thì công tác phát triển Hội viên, xét kết nạp vào Hội nhà văn Việt Namnhững năm qua ở mức độ nào? Tôi đã thẳng thắn rằng: Không thể trả lời câu hỏi này theo những con số khô khan, hoặc theo cách thống kê những ước lệ tồn tại trong tiềm thức. Bởi nếu tính số lượng các cây bút trẻ được kết nạp vào Hội Nhà văn VN nhiệm kỳ qua tương đối cao, có thể nói là cao nhất trong tất cả các nhiệm kỳ.
Điều đặc biệt, sau thành công của Hội nghị Viết văn Trẻ Toàn quốc lần thứ 8 (tháng 9/2011), Chủ tịch Hội NVVN, nhà thơ Hữu Thỉnh - thay mặt Ban chấp hành - có lời hứa với các cây bút trẻ, rằng nếu các bạn có thành tựu và mạnh dạn gửi đơn xin vào Hội, thì sẽ được đặc biệt quan tâm. Và điều này đã được thực hiện tốt nhất bằng sự quan tâm tương đối công tâm chính xác của Ban Nhà văn Trẻ, trong sự ưu tiên thực sự các cây bút trẻ của Chủ tịch Hội và Ban chấp hành. Có thể tự hào khẳng định, Ban Nhà văn Trẻ nhiệm kỳ 8 đã góp phần rất lớn giúp Ban chấp hành tổ chức và điều hành Hội nghị Viết văn Trẻ toàn quốc lần thứ 8. Đây là một hội nghị được Trung ương đánh giá là một trong những Hội nghị thành công nhất trong các kỳ hội nghị. Đã tập hợp được đông đảo lực lượng viết trẻ trên toàn quốc về gặp mặt. Đã tạo nên khí thế mới khi được trở về cội nguồn, thăm các địa danh lịch sử cách mạng. Khơi gợi trong tâm hồn các cây bút trẻ ý thức hệ của người cầm bút trong thời đại hào hùng. Sau khi kết thúc thành công Hội nghị, về địa phương, các tác giả đã nhận diện được con đường mình cần phải đi, đặc biệt hiểu sâu sắc mối quan hệ cộng tác với các nhà văn nhà thơ tên tuổi, với các cán bộ Ban Nhà văn Trẻ, để có thể tự bồi dưỡng, tự vun đắp ý chí nghị lực và học vấn văn chương của mình.
Sau Hội nghị, sau hàng loạt các hoạt động của Ban Nhà văn Trẻ cùng các cây bút trẻ, đã có nhiều trường hợp được kết nạp với số phiếu đồng thuận khá cao trong Ban chấp hành. Có những trường hợp suýt nữa bị bỏ sót (do nhiều lý do), khi tôi đề nghị trực tiếp với Chủ tịch Hội, đã được kịp thời bổ sung. Cũng có những trường hợp phải tranh luận trong phiên họp xét kết nạp của Ban chấp hành, có trường hợp phải mạnh dạn bảo vệ... Và bây giờ hàng loạt các gương mặt trẻ đã làm nên diện mạo mới cho Hội NVVN như Trương Anh Quốc, Nguyễn Vũ Hưng, Tiến Đạt (TP HCM), Đỗ Doãn Phương, Bình Nguyên Trang, Nguyễn Quang Hưng, Thụy Anh, Trương Minh Hiếu, Hà Minh Thành (Hà Nội), Lê Minh Nhựt (ĐB Sông Cửu Long), Niê Thanh Mai (Đắc Lăk), Lê Hưng Tiến (Ninh Thuận), Tống Ngọc Hân, Mã Anh Lâm (Lào Cai), Mai Phương (Bắc Giang), Nguyễn Phan Quế Mai (Philippines), Lê Thị Hiệu (Pháp)…
Những trường hợp đã qua độ tuổi thuộc diện trẻ, nhưng vẫn được chúng tôi bảo vệ như Lê Thanh My, Lê Hồng Nguyên, Kiều Bích Hậu, Vũ Minh Nguyệt, Nguyễn Thu Hằng, Đào Bá Đoàn, Nguyễn Việt Nga, Trần Mai Hường…
Với lợi thế trong những công việc được phân công là Trưởng Ban Nhà văn Trẻ kiêm Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn; tôi đã phối hợp được các nhiệm vụ, đẩy mạnh được từng mũi công tác, mà đặc biệt là công tác phát hiện bồi dưỡng các cây bút trẻ.
Những hoạt động của Ban Nhà văn Trẻ có tác động ra sao đến công việc sáng tác của các nhà văn trẻ?
Sự tồn tại và các hoạt động của Ban Nhà văn Trẻ ít nhiều làm một điểm tựa cho nhiều cây bút trẻ toàn quốc. Tôi nói “nhiều cây bút trẻ” vì cũng có những cây bút tồn tại độc lập, không quan tâm đến sự có mặt của Hội NVVN, hay các tổ chức khác. Những hoạt động của Ban NVT đã quy tụ được khá nhiều giọng điệu, thúc đẩy sự thăng hoa, đón nhận những thử nghiệm, khẳng định vị thế. Và như một kết nối một cách chính thống những dòng chảy mới hòa chung vào dòng chảy của nền văn học nước nhà.
Công tác Nhà văn Trẻ đã hoàn thành tốt nhất có thể. Ban Nhà văn Trẻ đã có uy tín, là niềm tin cậy trong giới cầm bút trẻ. Trở thành một địa chỉ cần thiết cho những người viết trẻ khi họ cần giúp đỡ về nghề nghiệp.
Các hoạt động có thể kể đến như:
+ Ngoài việc cùng Ban chấp hành tổ chức thành công rực rỡ Hội nghị Những người viết văn Trẻ lần 8, đã tham gia tổ chức hoạt động thành công Hội nghị Giao lưu quảng bá văn học VN ra nước ngoài
+ Tổ chức được 4 kỳ Sân thơ Trẻ, 3 kỳ Ngày hội Sách và Văn hóa Đọc.
+ Đi thực tế được các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Ninh Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Nam Định, Hà Nam, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Tiền Giang...
+ Tham gia giảng bài, chấm, giao lưu và giúp tổ chức các Trại sáng tác cho các cây bút tỉnh tại Phú Thọ, Hà Nam, Hà Giang, Điện Biên, Nam Định, Hà Nội
+ Tổ chức và tham gia các cuộc Tọa đàm văn học cho các tác giả trẻ và tác phẩm của họ: Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Xuân Thủy, Phong Điệp, Đỗ Bích Thúy, Miên Di, Đặng Thiều Quang,…
Chúng tôi đã kết hợp công tác trẻ với việc truyền thông bồi dưỡng các cây bút trưởng thành. Cuối tháng 4 năm 2014, tôi được phân công Trưởng đoàn công tác mà nhân sự chủ yếu là các nhà văn trẻ tại Trường Sa. Chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Được Bộ Tư lệnh Hải quân rất khen ngợi chuyến công tác của Trưởng đoàn và cả đoàn nhà văn, đặc biệt các nhà văn hội viên Trẻ. Các thành viên trong đoàn công tác đã tham gia viết cho các báo về vấn đề Nhà văn và Biển Đông, đăng tải ở nhiều báo; xuất bản cuốn ghi chép về Trường Sa, giúp được cho Bộ TL Hải quân ra sách kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Hải quân Nhân dân VN.
Các hoạt động của Ban Nhà văn Trẻ như tổ chức và tham gia Sân thơ Trẻ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám vào rằm nguyên tiêu hàng năm, Ngày hội Sách 21 tháng 4 hàng năm, các cuộc Tọa đàm giới thiệu các gương mặt trẻ và tác phẩm của họ, các cuộc đi thực tế sáng tác, tham gia các Trại sáng tác khá sôi nổi do Ban NV Trẻ tổ chức… qua các hoạt động đó đã phát hiện và bồi dưỡng được khá nhiều các cây bút trẻ tại các địa phương được đứng trong hàng ngũ Hội Nhà văn VN. Hẳn những ai tham gia các hoạt động đó đều không bao giờ quên trong cuộc đời cầm bút. Họ cũng đã có những tác phẩm để lại những dấu ấn riêng. Những ai chưa được tham gia, thì bằng các phương tiện truyền thông, chúng tôi cũng tập hợp được nhiều cây bút để giúp đỡ chia sẻ cùng họ qua thư từ điện thoại, thậm chí cả mạng xã hội như facebook…
Về đội ngũ các nhà văn trẻ hiện nay, cả số lượng người cầm bút và chất lượng sáng tác
Theo tôi, các nhà văn trẻ hiện nay về số lượng khá đông đảo. Có vẻ để trở thành một cây bút khá là dễ dàng so với thời kỳ trước. Nhờ có rất nhiều điều kiện và phương tiện chuyển tải tác phẩm. Mà cứ đăng được tác phẩm lên báo, kể cả báo mạng, là người ta đã gọi là nhà văn nhà thơ rồi. Để được in báo giấy thì khó, còn in báo mạng rất dễ. Khi được in lên báo mạng, lại được nhiều người biết nhanh hơn báo giấy. Nhiều cây bút ảo tưởng, ngỡ rằng mình đã thành “nhà”. Và đây là một vế câu trả lời của tôi về chất lượng sáng tác của các cây bút trẻ. Đa phần lỗi của họ là câu chữ không kỹ, đánh mất sự trong sáng của tiếng Việt truyền thống. Lỗi thứ hai là không có linh hồn ẩn sau câu chữ. Lỗi thứ ba, ít trăn trở khi gõ bàn phím (ngày xưa các cụ hạ bút kỹ lắm)…
Vế kia, vẫn là niềm tin chắc chắn của tôi, rằng trẻ ngày nay có nhiều đột phá. Họ viết nhanh, viết nhiều đề tài, khám phá và phô bày, không lo khép nép như các nhà văn một thời. Và họ là thế hệ nối tiếp với sức mạnh của sự tiến bộ, đổi mới! Hãy tin ở họ.
Ban NVT không phải là nơi mà các cây bút trẻ sẽ được hướng dẫn sáng tác một cách cụ thể. Cũng không phải là nơi có tiền để giúp đỡ vật chất cho họ. Chúng tôi được phân công trách nhiệm công tác trẻ, nhưng không có kinh phí cụ thể. Toàn bộ hoạt động từng kỳ cuộc đều phải có trình dự án, kế hoạch và được duyệt thì mới hoạt động được. Cán bộ trong Ban mỗi người lại công tác một nơi. Trưởng ban là tôi, may mắn lại là cán bộ hưởng lương nhà nước tại Văn phòng Hội. Nếu nhiệm kỳ sau người phụ trách trẻ không phải cán bộ hưởng lương ở Hội thì sẽ hoạt động ra sao? Sẽ quan tâm ra sao tới hàng trăm cây bút trẻ khắp mọi miền?
Nhưng có một điều chắc chắn cần phải thực sự thay đổi ở tất cả các hội viên, đó là cách nhìn nhận đánh giá đội ngũ trẻ của các nhà văn lớp trước, của chính các cán bộ của Hội vẫn thiên về việc coi nhẹ sự có mặt của hội viên trẻ trong các Hội đồng chuyên môn, trong các tổ chức thượng tầng như Ban chấp hành.
Tuy vậy, các cụ ta có câu: “thầy già, con hát trẻ”. Với giới văn chương, những nhà văn đi trước luôn là những người thầy tinh thần nên tình trạng già thắng thế trẻ trong đời sống văn học cũng là một thực tế dễ hiểu. Và thế hệ đi trước luôn dành cho lớp hậu sinh góc nhìn khắt khe, đòi hỏi cũng là chuyện rất đỗi bình thường. Về cơ bản, những người viết trẻ luôn phải nỗ lực vượt lên, phấn đấu để đạt được những thành công kế tiếp. Chưa có thành tựu nổi bật, những thử nghiệm cách tân chưa thật sự thuyết phục mà yêu cầu lớp nhà văn đi trước phải công nhận, phải ủng hộ tuyệt đối thì rất khó. Trong đời sống văn chương luôn tồn tại cuộc đấu tranh giữa già và trẻ. Được thế hệ đi trước công nhận hay không công nhận luôn là mâu thuẫn nội tại mà người trẻ phải đối mặt và nỗ lực vượt qua.
Ban nhà văn Trẻ, ngoài tôi là Ủy viên BCH làm Trưởng ban thì 8 thành viên còn lại đều là những cây bút đang độ sung sức, trẻ trung, giàu nội lực sáng tạo như Hữu Việt, Phong Điệp, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Danh Lam, Phan Huyền Thư, Trần Huyền Sâm. Chúng tôi luôn xác định là giúp được những gì cho các cây bút trẻ là làm hết mình.
Tôi từng viết trên trang facebook cá nhân, một lời nhắn nhủ của chính kiến cá nhân tôi (sau gần 10 năm làm công tác Trẻ của Hội NVVN) cho các cây bút trẻ, cho cả những ai còn chưa tin vào lớp trẻ:
“Cho dù các em sau này không thành cây bút hay nhân vật tên tuổi, cho dù các em chỉ là một người lao động bình thường, thì chúng tôi vẫn luôn nghiêng mình trước tương lai!”
Vâng. Hãy biết nghiêng mình trước TƯƠNG LAI và cái ĐẸP!
GHI CHÚ:
Ban Nhà văn Trẻ Hội Nhà văn VN nhiệm kỳ 8 gồm có các thành viên:
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà, Ủy viên Ban chấp hành, Trưởng Ban
Nhà văn Phong Điệp: Phó trưởng ban
Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Phó trưởng ban
Nhà thơ Hữu Việt: Phụ trách Thơ
Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Phụ trách Truyền thông
Nhà thơ Phan Huyền Thư: Phụ trách Tổ chức Sự kiện
Nhà LLPB Trần Huyền Sâm: Phụ trách khu vực miền Trung Tây Nguyên
Nhà văn Nguyễn Danh Lam: Phụ trách khu vực TP Hồ Chí Minh và miền Đông Nam Bộ
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Phụ trách khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long
Các cộng tác viên đặc biệt:
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy (Văn nghệ Quân Đội), nhà thơ Nguyễn Quang Hưng (Báo Thời nay), nhà thơ Bình Nguyên Trang (báo Công an nhân dân); nhà thơ dịch giả Nguyễn Thụy Anh, nhà văn Kiều Bích Hậu, Lê Minh Đạt, Nguyễn Anh Vũ, Mai Anh Tuấn, Lữ Thị Mai, Đoàn Văn Mật (Hà Nội); Nguyễn Minh Cường (Quân Đội); Huyền Minh, Chu Thị Minh Huệ (Hà Giang); Miên Di (Gia Lai); nhà văn Trương Anh Quốc (TP HCM); Hoàng A Sáng (báo Tuổi trẻ & Cuộc sống)…
Ban Nhà văn Trẻ nhiệm kỳ 7, với những thành tựu mà Ban Nhà văn Trẻ nhiệm kỳ 8 đã tiếp tục phát huy và sáng tạo, với những nhà văn nhà thơ vẫn luôn bên cạnh phong trào trẻ:
Nhà văn Phan Thị Vàng Anh, Ủy viên BCH 7, Trưởng Ban; nhà văn Võ Thị Xuân Hà, Phó trưởng ban thường trực; nhà văn Nguyễn Đình Tú, Phó trưởng ban; nhà văn Trần Quang Quý, Phó trưởng ban; nhà văn Phạm Ngọc Tiến; nhà thơ Nguyễn Bảo Chân; nhà thơ Trần Thị Huyền Trang - Bình Định; nhà thơ Phạm Sĩ Sáu - TP HCM; nhà văn Nguyễn Ngọc Tư - Cà Mau.
VÕ THỊ XUÂN HÀ
__________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét