Chợ quê ẩn hiện trong
tâm thức tôi từ những điều rất mỏng manh mà rất sâu sắc. Từ thuở vi hàn chợ quê
gắn liền với mẹ tôi từ con cá, mớ rau để nuôi sống những đứa con đang tuổi ăn
tuổi lớn. Bây giờ đây tôi đã đủ lông đủ cánh bay đến những phương trời xa lạ nhưng
hình ảnh giản dị quê nhà khó lòng mà xoá mờ được. Bước đường quê hương trong
thâm tâm đong đầy từng kỉ niệm đơn sơ cơ cực một đời của mẹ.
Thưở ấy, từ bốn giờ
sáng mẹ tôi đã phải lọ mọ thức dậy chuẩn bị gánh hàng ra chợ bán. Bánh trái rau
quả quê nhà được sắp xếp rất cẩn thận vào quang gánh của mẹ. Đứa con nhỏ cũng vội
vàng bật dậy mơ mơ màng màng cứ nằng nặc đòi đi theo mẹ ra chợ. Rồi hai mẹ con
dắt nhau đi qua từng con đường làng khi trời còn tờ mờ sáng, hơi sương đặc
quánh còn đọng trên cành dưới lá.
Quãng đường quê dặt dìu
tấm lòng của mẹ che chở cho những đứa con, quãng đường dẫu không xa lắm cũng đã
đong tròn khổ cực tảo tần của mẹ suốt một đời cho những đứa con thơ dại. Món
quà quê được trao đổi tại chợ rất phong phú quen thuộc được thể hiện rất rõ
trên từng nét mặt, từng cử chỉ của kẻ bán người mua. Trái mít non lấm lem đất
cát, qua đu đủ hồng hào da thịt, mớ rau lang chai sần trên đôi tay mẹ, rồi cọng
rau ngót, con cua con ốc chảy nước ướt sũng trên đôi lưng gầy chân chất. Nhớ hồi
đó mẹ mới bán được vài bó rau lang được mấy đồng lẻ đã bị đứa con nhỏ đòi cái
này cái khác làm lòng mẹ chua xót, không khỏi xuyến xao. Thương con mẹ mua ổ
bánh mỳ nhưng thịt, bịch sữa cho con còn mình uống có một ngàn sữa lạt…
Những món hàng được bày bán tại chợ quê sớm đã
gắn chặt vào tâm thức hương vị của người dân đất Quảng quê tôi. Đứa bé ngày xưa
cứ thích ghé lại gian hàng của người bà đã đến tuổi thất thập nhưng hằng ngày vẫn
thầm lặng mưu sinh tại góc nhỏ trong lòng chợ. Mấy nải chuối chín, vài bọc cau
khô, bịch tiêu nhỏ đã được xay xát được đặt bên cạnh củ hành nén tỏi chính là
những mặt hàng mà bà trưng bày trên chiếc bàn nhỏ.
Tôi đặc biệt thích nhất
chính là tán đường đen được gói ghém rất cẩn thận được đặt chính giữa đã làm
nên đặc trưng của những gian hàng chợ xưa. Rất nhiều người tìm đến mua đường để
thẩm thấu vị ngọt đất quê hương và cũng để tìm chốn tĩnh lặng hàn huyên với biết
bao câu chuyện của đời người chợ quê trên mảnh đất làng xưa. Đứa bé vẫn ngồi
đó, vừa nhấm nguộm nước chè xanh vừa luyên thuyên hỏi người bà rất nhiều điều,
những câu hỏi không dứt của đứa bé làm bà cũng phải bật cười. Hầu như ngày nào
đi chợ mà không ghé quán bà làm nũng thì chắc không chịu được, dẫu ngày sau
quay lại rất khó kiếm tìm.
Chắc cũng phải đến mười
giờ mẹ mới bán hết hàng, mấy bó rau lang cuối cùng quay quắt héo hon. Mẹ mời miết
không ai mua nên cũng phải nhắm mắt bán rẻ để còn mua đồ về lo cơm nước cho đứa
con thơ, cha già cồn cào ruột gan đang chờ ở nhà. Biết ý con, ngày nào đi chợ mẹ
cũng dẫn vào khi hàng đậu hũ nóng hổi ăn cho ấm bụng, khi thì hàng chè thập cẩm
mà có lẽ đứa trẻ nào cũng phải mê tít đắm say. Chợ quê nhỏ bé chứa đựng trong
nó biết bao điều đặc biệt khiến những bước chân phải say mê khám phá. Dẫu đôi lúc
chỉ là một hương vị đơn sơ nào đó mà không nơi nào có được.
Chợ quê ngày xưa bây giờ phần nào cũng hiện đại
nhiều, những gian hàng củ kỷ nằm bẹp dưới đất dưới nền cũng dần bị xoá xỏ thay
thế các hàng quán hiện đại nhưng sao trong lòng thấy nhớ quá. Đi lanh quanh mãi
với những phận người gắn cả cuộc đời gìn giữ nét đẹp hồn xưa của chợ quê mà sao
con tim không khỏi bâng khuâng, trân trọng đến thế. Bánh trái quê hương chính
là nét đặc biệt mà đôi chân nhỏ lạc bước quay về. Một ngày thấy biết bao dáng
người ôm trái mít chín thơm nứt, tay cầm trái dứa mà ngỡ hương hồn đồng quê
văng vẳng đâu đây. Đâu đó bên góc chợ xưa còn dáng mẹ gầy hao bên dãy hàng rau
lang đang cố bán hết những bó cuối cùng dưới cái nắng bỏng rát của trưa hạ. Đã
không còn…
PHAN NAM
____________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét