Cuộc thi thơ Quê hương tôi do tạp chí điện tử Ngày nay (Thuộc liên hiệp các Hội Unesco) tổ chức đã và đang cận ngày kết thúc (từ 19/7 - 19/10), dự kiến trao giải vào tháng 11, với hình thức xã hội hóa giải thưởng đã khiến một số tác giả tham dự vô cùng hoang mang, không biết nên vui hay buồn.
Theo thể lệ cuộc thi thơ “Quê hương tôi” được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng thì không có một dòng nào nhắc đến cụm từ “xã hội hóa” giải thưởng. Không những thế, giải thưởng cũng khá hấp dẫn;
“- 4 giải nhất cho 4 bộ giải, mỗi giải trị giá 12.000.000 đồng.
- 12 giải nhì cho 4 bộ giải, mỗi giải trị giá 8.000.000 đồng.
- 20 giải ba cho 4 bộ giải, mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.
- 28 giải khuyến khích cho 4 bộ giải, mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
Tổng giải thưởng cuộc thi là 54 giải. Kinh phí cho 54 giải thưởng là 328.000.000 đồng (Ba trăm hai mươi tám triệu đồng). (Trích nguyên văn thể lệ)
Theo dõi nhiều cuộc thi thơ, nhận thấy rất hiếm cuộc thi nào mà ban tổ chức hào phóng cho đến 4 giải nhất. Chưa kể, có nhiều cuộc thi thơ chỉ nói chung chung là bao gồm 1 giải nhất, 2-3 giải nhì, 5 giải khuyến khích mà đến lúc trao giải còn khó tìm ra được giải nhất xứng đáng để trao. Song, nói gì thì nói, việc ban tổ chức đưa ra số lượng giải nhất nhiều như vậy, cùng với giá trị tiền thưởng, dù chưa thật cao nhưng cũng vô cùng hấp dẫn - 12 triệu cũng là lý do để thu hút lượng người tham gia.
Và quả thật, theo thông tin từ Ban tổ chức “Sau một thời gian phát động quý tác giả gửi bài tham gia cuộc thi thơ QUÊ HƯƠNG TÔI, Ban tổ chức - TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ NGÀY NAY ONLINE đã nhận được gần 1 vạn bài dự thi của gần 1000 tác giả tham dự được gửi bằng đường bưu điện và thư điện tử. Như vậy cuộc thi đã đi được nửa chặng đường, hiện nay Ban tổ chức đã có kết quả vòng chấm sơ khảo đối với những tác giả đã gửi bài tính đến hết ngày 04 tháng 09 năm 2015( Trích nguyên văn thông tin từ Ban tổ chức).
Thế nhưng, khi tác phẩm gửi dự thi và lọt qua vòng sơ tuyển thì nhận được thư của Ban tổ chức ngầm thông báo giải thưởng cuộc thi thơ Quê hương tôi này được thực hiện bằng hình thức xã hội hóa. Thư của Ban tổ chức gửi cho tác giả có tác phẩm lọt vào vòng sơ tuyển có đoạn như sau:
“Cuộc thi thơ QUÊ HƯƠNG TÔI theo dự kiến sẽ có 64 giải thưởng (Theo thông báo này là nhiều hơn 10 giải so với thể lệ đã công bố trước đó), những tác giả có giải sẽ được vinh danh tại buổi lễ trao giải. Bộ giải thưởng gồm: Giấy chứng nhận của Tổng biên tập TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ NGÀY NAY ONLINE, tiền mặt, hoa và quà tặng… Những sáng tác được lọt qua vòng sơ tuyển được Ban tổ chức in thành sách và được bán với giá nội bộ 280.000đ/ cuốn (giá thị trường 320.000đ).
Kết thúc cuộc thi Ban tổ chức mong muốn với những tác giả có bài lọt vào vòng trong và có tác phẩm chọn chấm giải sẽ nhận phần thưởng Tôn vinh tác phẩm. Theo đó phần thưởng này được Ban tổ chức cuộc thi (Trưởng ban tổ chức - Tổng biên tập) ký xác nhận và thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Đây là món quà lưu niệm giá trị mà Hội đồng khen thưởng muốn trao tặng. Tham gia phần thưởng này, Quỹ giải thưởng kêu gọi sự đóng góp của quý vị là 620.000đ cho một bộ phần thưởng Tôn vinh tác phẩm. Bên cạnh đó chúng tôi cũng kêu gọi lòng hảo tâm của các cá nhân, tập thể có đóng góp về tài chính cho cuộc thi”.
Về phần cuốn sách 280.000đ (giá thị trường 320.000đ) không thấy ban tổ chức thông báo những người có tác phẩm được đăng sẽ được nhuận bút hay sách biếu mà chỉ nói giá tiền. Hỏi thêm Ban tổ chức thì được biết, cuốn sách này ai muốn mua thì mua, không bắt buộc. Nhưng “Ban tổ chức rất vui nhận được sự tham gia quý báu của quý vị bằng việc đăng ký mua sách và ủng hộ quỹ giải thưởng cho cuộc thi. Trường hợp tác giả không đăng ký mua sách và tham gia phần thưởng Tôn vinh tác phẩm vui lòng thông báo đến Ban tổ chức để chúng tôi có kế hoạch in ấn”.
Phần đáng nói nhất chính là bộ giải thưởng “Tôn vinh tác phẩm” mà ai tham gia phải đóng góp 620.000đ. Khi chúng tôi gọi điện hỏi lại Ban tổ chức rằng nếu không mua sách và không tham gia bộ giải thưởng Tôn vinh tác phẩm mà tác phẩm dự thi rất hay, có khi xứng đáng giải nhất, liệu có được trao giải không thì câu trả lời là… KHÔNG!. Tác phẩm được giải phải nằm trong bộ giải thưởng Tôn vinh tác phẩm. Điều này có nghĩa là, muốn tác phẩm được giải thì điều kiện ít nhất là tác phẩm phải lọt vào vòng trong - phải có giải thưởng Tôn vinh tác phẩm và phải đóng 620.000đ. Còn tác phẩm của tác giả dù hay đến mấy, có xứng đáng đoạt giải đến mấy mà không tham cái giải thưởng phải đóng góp tiền thì xin… chờ đấy!
Thực ra, trong vài năm trở lại đây, việc chúng ta nghe nói chỗ này chỗ kia muốn in sách, muốn được giải thưởng này nọ, thậm chí được huy chương… phải đóng góp tiền là điều không lạ. Nhưng những cuộc vui như thế chỉ là do cá nhân, do một nhóm người, một câu lạc bộ… tự đứng ra tổ chức và ít được công nhận về mặt xã hội. Còn ở đây, với cuộc thi thơ này, do một tờ báo đứng ra tổ chức thì ít nhiều tầm ảnh hưởng, sự công nhận cũng cao hơn rất nhiều.
Xã hội hóa văn chương không có gì đáng chê trách. Xã hội hóa giải thưởng cũng rất được hoan nghênh. Thậm chí những người yêu văn chương còn mong muốn có thật nhiều giải thưởng được xã hội hóa để kích thích người sáng tác, thiết lập uy tín cho giải thưởng văn chương. Thực tế đã có một vài giải thưởng văn chương được xã hội hóa. Nhưng cách làm của họ là gì? Là một cá nhân tự bỏ tiền túi ra tổ chức, hoặc kêu gọi sự tài trợ từ nhiều phía được một khoản kinh phí nhất định rồi tổ chức cuộc thi. Những thông tin này phải được công bố sòng phẳng ngay từ ban đầu, không mập mờ, không được để “há miệng mắc quai” hay “đâm lao thì phải theo lao”. Người có tác phẩm dự thi hoàn toàn không bị rằng buộc vào chuyện đóng góp. Tất nhiên, nếu tác giả có điều kiện đóng góp thì rất được chào đón nhưng không vì sự đóng góp ít hay nhiều, có hay không mà ảnh hưởng đến giải thưởng.
Còn ở cuộc thi thơ Quê hương tôi thì thể lệ một đằng thực tế một nẻo, không những kêu gọi tác giả đóng góp cho quỹ giải thưởng mà còn gần như bắt buộc phải chi hầu bao cho chính giải thưởng mình nhận. Liệu đây có trở thành tiền đề cho cái gọi là xã hội hóa giải thưởng văn chương không?
Một khi đã gửi tác phẩm dự thi thì ai cũng mong muốn mình được giải. Và cái giới văn chương đầy ảo tưởng thì càng thật trớ trêu, có khi càng những người kém cỏi, tầm mức câu lạc bộ, mới viết… chỉ cần vài câu phỉnh nịnh thì càng không biết mình đang ở đâu, càng nghĩ mình tài giỏi, thành đại thi hào đến nơi rồi. Vậy thì cứ vin cớ này rồi bảo họ tác phẩm đã lọt qua sơ khảo, vào vòng trong thì có 280.000 và 620.000 hay nhiều hơn thế có đáng là bao, họ sẵn sàng mở hầu bao để kiếm tí danh. Làm sao biết được trong số gần 1000 tác giả tham dự ở nửa chặng đường kia đều là những người cầm bút tỉnh táo?
HIỀN NGUYỄN
_______________
Bài viết của bạn Hiền Nguyễn rất hay, lập luận rất sắc bén. Cuộc thi thơ nầy tôi cũng biết từ lâu vì nhóm tổ chức đã đưa thông tin "rầm rộ" lên các trang mạng và việc xã hội hóa tôi cũng đã biết qua một số thông tin của các bạn lọt vào vòng trong "tự sướng" trên fb của mình, Tôi đã thấy ngờ ngợ về cuộc thi thơ nầy. Đề nghị bạn gởi bài viết cho Ban Tổ Chức để họ thấy được không phải ai cũng dễ dàng thích cái danh hảo mà bị "DỤ" đâu. Cám ơn bài viết của bạn rất nhiều. Chúc sức khỏe.
Trả lờiXóahôm nay em cũng vừa nhận được lá thư có nội dung như bên trên (được gửi từ Hà Nội, ngày 20-11-2015), và em vô cùng hoang mang khi đọc xong thư...
Trả lờiXóaVội vàng lên mạng tìm hiểu, cuối cùng đã may mắn đọc được bài viết này của tác giả Hiền Nguyễn.
Đến tận bây giờ họ mới gửi thư cho em... xem ra là vì đã gửi đi nhiều mà cũng đã bị rất nhiều người từ chối rồi...
Em xin cám ơn bài viết của tác giả !
Các bân có biết cụ thể kết quả giải thưởng không? Tg/tp nào đạt giải? Xem nguồn/link ở đâu?
Trả lờiXóamuốn biết thì tự điều tra đi, hỏi linh tinh
Trả lờiXóa