Sau mỗi kỳ Đại hội Nhà văn kết thúc, công việc tổng kết, nhìn lại bằng nhiều cách luôn là tâm thế của những ai quan tâm đến văn học nước nhà. Bằng việc điểm lại một vài sự kiện, hoạt động đã diễn ra trong 5 năm qua, báo Tổ Quốc đưa ra một cách nhìn.
Một số công trình văn học được hoàn thành
Các công trình văn học được hoàn thành bao gồm: Bảo tàng Văn học Việt Nam và cuốn Biên niên Hoạt động văn học Hội Nhà văn Việt Nam.
Bảo tàng Văn học Việt Nam là một công trình được triển khai từ khá lâu, vào năm 2002 nằm trong khuôn khổ Trung tâm Văn hoá Hội Nhà văn Việt Nam. Mặc dù Bảo tàng Văn học Việt Nam chưa chính thức khai trương, nhưng thực tế, đã có nhiều hoạt động liên quan đến văn chương đã được tổ chức tại đây. Có thể kể đến như tổ chức lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du, trao giải, kết nạp Hội viên và tổng kết văn học hàng năm… Theo nhà thơ Hữu Thỉnh thì Bảo tàng văn học Việt Nam dự tính sẽ chính thức mở cửa trước thềm Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX năm 2015.
Công trình Biên niên hoạt động văn học Hội Nhà văn Việt Nam được coi là sản phẩm “phục dựng bức tranh văn học trong quá khứ” từ khi Hội Nhà văn Việt Nam ra đời 1957. Cuốn Biên niên tập 1, giai đoạn 1957 - 1975 dày gần 1200 trang ghi lại khá chi tiết, cụ thể hoạt động của Hội Nhà văn, các tác phẩm của nhà văn Hội viên được công bố trên báo, tạp chí văn học…
Cũng theo dự kiến, trước thềm Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX Hội Nhà văn Việt Nam sẽ hoàn thành Bộ chính sử 50 năm hoạt động và trưởng thành của Hội Nhà văn Việt Nam.
Các hoạt động văn học chính được duy trì đều đặn
Phần lớn các hoạt động văn học chính được duy trì đều đặn. Mở đầu năm có Ngày thơ Việt Nam được diễn ra khá trong sự chờ đợi, háo hức của công chúng yêu thơ. Ngoại trừ một năm Ngày thơ diễn ra sớm hơn một ngày so với mọi năm, còn lại Ngày thơ đã diễn ra vào đúng ngày Nguyên Tiêu. Không những thế, Ngày thơ còn kết hợp với một số hoạt động văn học khác nên đã kéo dài số ngày diễn ra so với thông thường và lan toả ra nhiều tỉnh thành trên cả nước. Sau hơn chục năm tổ chức Ngày thơ Việt Nam đã thực sự được nhớ đến, trở thành một ngày hội, giao lưu, gặp gỡ của giới văn chương.
Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8 đã được tổ chức tại Tuyên Quang theo chu kỳ 5 năm - mỗi nhiệm kỳ một lần. Tại Hội nghị, các cây bút trẻ mọi miền đất nước đã được quy tụ, gặp gỡ, trao đổi học hỏi và chia sẻ công việc viết lách. Điều đáng mừng là trở về sau Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc, nhiều cây bút đã trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đoạt được thêm giải thưởng văn chương và ra được các đầu sách mới, trở thành những tên tuổi “quen mặt” trong giới văn chương..
Công tác kết nạp Hội viên, giải thưởng thường niên và cuộc thi tiểu thuyết vẫn được duy trì và tiến hành. Mặc dù, không tránh được những “lời ra tiếng vào” cả khen, chê của người trong và ngoài giới. Nhưng xét về cơ bản thì công tác xét kết nạp Hội viên có phần chặt chẽ hơn, số lượng cũng ở mức vừa phải. Tuy nhiên, kết thúc nhiệm kỳ, số hồ sơ xin kết nạp vẫn còn quá nhiều. Để giải quyết tồn đọng này rất khó thực hiện trong thời gian nhắn mà có khi phải kéo dài tới vài nhiệm kỳ sau nữa.
Còn giải thưởng thường niên và giải tiểu thuyết, ngoài tôn vinh tác phẩm đã phát hiện ra một số nhân tố mới cho văn chương. Giải thưởng dù không phải là cáo đích cuối cùng của người cầm bút. Nhưng giải thưởng đã mở ra nhiều cơ hội cũng như một sự ghi nhận với người cầm bút khiến họ có thêm động lực, niềm say mê hơn với văn chương.
Tài trợ sáng tác, hỗ trợ đầu tư, mở trại sáng tác và các chuyến tham quan thực tế tiếp tục được thực hiện trong nhiệm kỳ qua.
Thu hẹp báo chí văn chương
Đáng chú ý nhất trong 5 năm vừa qua là việc thu hẹp hệ thống báo chí của Hội Nhà văn. Tạp chí Nhà văn và Tạp chí Văn học nước ngoài đã chính thức chấm dứt vai trò của mình và sáp nhập thành Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm. Số đầu tiên ra mắt vào tháng 9/2013 và định kỳ phát hành hai tháng một số. Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm là tạp chí đăng tải những sáng tác, lý luận phê bình và dịch văn học. Tuy nhiên, cho đến nay, sau một thời gian đi vào hoạt động tạp chí chưa thực sự nổi bật hoặc để lại dấu ấn đậm nét so với các tạp chí văn chương và trong đời sống văn học đương đại.
Sau việc sáp nhập “hai thành một” của tạp chí thì hệ thống báo chí cũng có sự thay đổi đáng kể. Tờ báo dành cho sáng tác trẻ, phụ trương của báo Văn nghệ - Văn nghệ Trẻ cũng chấm dứt vai trò báo giấy để chuyển sang báo điện tử. Việc chuyển Văn nghệ trẻ giấy sang ấn bản điện tử đã để lại nhiều tiếc nuối cho những cây bút trẻ và những cây bút đã thành danh từ Văn nghệ Trẻ. Việc Văn nghệ Trẻ điện tử liệu có thành công, đáp ứng được độc giả cũng như các cây bút trẻ hay không còn phải chờ đợi và phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Như vậy hiện nay Hội Nhà văn Việt Nam có bốn ấn phẩm báo chí giấy là: Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm, Báo Văn nghệ, Tạp chí Thơ và Tạp chí Hồn Việt.
Mở rộng “những cánh tay” hỗ trợ hoạt động văn chương trong và ngoài nước
Bên cạnh thu hẹp báo chí, trong nhiệm kỳ qua Hội Nhà văn Việt Nam đã có thêm Trung tâm dịch văn học và Câu lạc bộ văn chương.
Trung tâm dịch văn học được kỳ vọng sẽ là đầu mối quan trọng để đưa văn học Việt Nam ra thế giới bằng con đường chính ngạch, bài bản. Đồng thời độc giả trong nước cũng có cơ hội được biết đến nhiều hơn văn học thế giới thông qua các bản dịch từ Trung tâm.
Song song với đó, hoạt động đối ngoại của Hội Nhà văn Việt Nam cũng khởi sắc hơn so với vài năm trước. Các hoạt động mang tính đối ngoại được triển khai như Liên hoan thơ Châu Á - Thái Bình Dương quy tụ được nhà thơ của gần 30 quốc gia đến Việt Nam tham dự đã để lại ấn tượng tốt đẹp.
Việc tái thành lập Hội Nhà văn Á - Phi và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều làm phó tổng thư ký của Hội đã khiến cho các nước chú ý đến Việt Nam. Từ đây, một số những văn bản hợp tác được ký kết giữa văn học Việt Nam với văn học một số quốc gia của hai châu lục Á - Phi. Hoạt động của Hội Nhà văn Á - Phi với việc ra mắt tạp chí và giải thưởng cũng hứa hẹn là một hoạt động hữu ích, hai chiều giới thiệu văn học Việt Nam với các nước bạn, cũng như văn học của Á - Phi đến Việt Nam. Tuy nhiên, những hoạt động này chỉ là bề nổi, còn thực tế và hiệu quả như thế nào cần phải được nhìn nhận và đánh giá sau một thời gian đi vào hoạt động.
Một “cánh tay” nữa được Hội Nhà văn mở thêm là thành lập Câu lạc bộ văn chương. Câu lạc bộ văn chương sẽ là mô hình tổ chức, giới thiệu những cuốn sách hay, đáng đọc của Hội Nhà văn, là cầu nối giữa bạn đọc, tác giả và Hội Nhà văn. Song song với các hội thảo, toạ đàm, các ngày kỷ niệm do các ban chuyên trách đảm nhiệm thì Câu lạc bộ văn chương cũng là một “kênh” chọn sách đầy hứa hẹn. Tuy nhiên ngay cả việc một số tác phẩm được giải thưởng thường niên, giải thưởng tiểu thuyết còn vấp phải những tranh cãi của dư luận, rất cần được đưa ra “mổ xẻ” thì lại… chưa thấy. Thành ra hàng loạt tác phẩm được giải thưởng của Hội Nhà văn gần như kết thúc vai trò của mình sau khi được… vinh danh!.
44 Nhà văn được giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật
Mặc dù đây không phải là hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam, nói cách khác, giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật là lao động thầm lặng, bề bỉ của cá nhân nhà văn. Nhưng các nhà văn được vinh danh giải thưởng lớn trong nhiệm kỳ vừa qua cũng phần nào khẳng định những đóng góp của Hội nghề nghiệp là Hội Nhà văn Việt Nam.
Về giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật trong vòng 5 năm qua có thêm 6 nhà văn. Còn giải thưởng Nhà nước có thêm 38 nhà văn.
HIỀN NGUYỄN (tổng hợp)
________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét