Phong cách học là thứ mà người dạy môn Văn từ cấp 2 đã được làm quen. Tuy nhiên, trong tình trạng “phong cách học thế giới hiện nay không cấp cho ta một sự nhất trí về cách giải thích các khái niệm cơ bản của nó” như ông Phan Ngọc nói (1) và tình trạng giảng dạy ở ta, cũng làm cho kiến thức của nhiều người còn khá lộn xộn. Đó không chỉ là chuyện ở những người giáo viên phổ thông. Một cách hiểu chúng tôi muốn nói ở bài này là cách hiểu của ông Đỗ Lai Thúy đưa ra ở cuốn “Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy”. Xin giới thiệu đoạn ông viết ở trang 179-180:
Phong cách học, nhờ thế, mở một con đường lớn vào tòa lâu đài của nghệ thuật ngôn từ. Phong cách học cổ điển, đứa trẻ song sinh dính liền của từ chương học, từ chỗ là một bộ phận của ngữ học dạy người ta viết hay trở thành phong cách học hiện đại, một lý thuyết văn chương. Phê bình phong cách học trước hết chống lại cái nhìn qui phạm của từ chương học, vượt qua sự tìm kiếm dấu ấn cá nhân nhà văn của thời đại lãng mạn để trở thành một cái nhìn khoa học.
Cái “nhờ thế”, theo ông là “Chính ngữ học cấu trúc của Ferdinand de Saussure đã “cứu” cho phong cách học cổ điển một “bàn thua trông thấy”. Cuộc cách mạng ngữ học lần thứ nhất này đã khiến ngôn ngữ thoát khỏi thân phận “đầy tớ” để trở thành “ông chủ”: ngôn ngữ từ nay không chỉ là công cụ của tư duy, cái vỏ chứa tư tưởng mà còn sản sinh ra tư tưởng,(…) Là nhân vật của văn chương, ngôn ngữ cũng sẽ là nhân vật chính kiểu “anh hùng một thời đại”, của phê bình”.
Cách hiểu của ông tác giả này, trong những câu diễn đạt này có đúng? Xin mạo muội nêu vài ý kiến.
Xin không nói đến chuyện ngữ học cấu trúc có “khiến ngôn ngữ thoát khỏi thân phận “đầy tớ” để trở thành “ông chủ”: ngôn ngữ từ nay không chỉ là công cụ của tư duy, cái vỏ chứa tư tưởng mà còn sản sinh ra tư tưởng” hay không. Vì cuộc tranh luận của hai trường phái ngôn ngữ trong chuyện đề cao, tuyệt đối hóa vai trò của ngôn ngữ trong văn chương là chuyện lớn của lý luận văn học thế giới.
Trước hết hãy nói về sự phân biệt Phong cách học cổ điển và Phong cách học hiện đại. Có thật Phong cách học cổ điển đã “hóa thân” để “trở thành phong cách học hiện đại”? Theo chúng tôi hiểu thì không phải vậy. Cái ông gọi là Phong cách học cổ điển là một bộ phận của khoa ngôn ngữ học. Còn cái ông gọi là Phong cách học hiện đại nếu có lại là một bộ phận của lý luận phê bình. Chúng thuộc hai lĩnh vực khoa học khác nhau! Cái sau chỉ là sự vận dụng thành quả nghiên cứu của cái trước vào công việc của ngành mình! Không có chuyện cái này “trở thành” cái kia! Hình như ông cũng hiểu như thế khi viết cái này là “một bộ phận của ngữ học dạy người ta viết hay” và cái kia là “một lý thuyết văn chương”.
Gọi Phong cách học của khoa ngôn ngữ học là “Phong cách học cổ điển” để đối lập với lý thuyết văn chương “Phong cách học hiện đại” cũng không đúng. Mà bảo nó là “đứa trẻ song sinh dính liền” của từ chương học cũng không đúng!
Từ chương học là một tên dịch từ chữ Rhétorique của tiếng Pháp và các tiếng Âu châu. Đó là một môn học có từ thời cổ Hy Lạp nghiên cứu và giảng dạy về thuật hùng biện, trong đó người ta nghiên cứu cả về lôgích, cả về cấu tạo văn bản, cả về phong cách ngôn từ (2). Ở ta, môn học Rhétorique này được dạy ở phổ thông từ Ngữ pháp Nguyễn Lân (cuối những năm 50 thế kỷ trước) với tên gọi Mỹ từ pháp, trong đó có dạy vài cách làm đẹp từ ngữ và cả vài hình thức thể loại thơ. Sau đó tên môn được đổi là tu từ học, dạy về “những thuộc tính biểu cảm của các phương tiện ngôn ngữ để lời văn hay hơn, đẹp hơn” (Từ điển Hoàng Phê). Cuối cùng, từ 1974 môn học này lại được đổi tên là phong cách học nghiên cứu về các phong cách và cả về tu từ. Như vậy qua cách đổi tên môn học ta thấy sự thay đổi nhận thức về đối tượng môn học, nó đi từ việc làm đẹp từ, qua cả ngữ và câu và mở rộng cả tới cái đẹp ở văn bản. Và cái từ phong cách học cổ điển dùng để gọi nó là không thích hợp ít nhất với môn học ở nhà trường ta.
Với các lý thuyết văn học, tình trạng “mọc lên như nấm” của nó có thể thấy chủ yếu là vận dụng kết quả nghiên cứu ngôn ngữ rồi đi sâu vào một khía cạnh nhỏ. Trong việc nghiên cứu văn học với tình trạng những con ếch muốn to như con bò, nhiều người cố tạo ra những dấu ấn bằng cách “lập thuyết” càng đẻ ra nhiều lý thuyết tự phong là hiện đại. Cái bộ môn phê bình gọi là “phê bình phong cách” cũng chỉ là vận dụng nhiều kiến thức phong cách học ở ngôn ngữ. Nó ra đời chẳng có gì là chuyện to tát đến nỗi “cứu” cho phong cách học cổ điển một “bàn thua trông thấy” như ông Đỗ Lai Thúy nói. Ông Phan Ngọc khi viết Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều vẫn đứng vững trên mảnh đất ngôn ngữ, chứ có nhận mình là người làm phong cách học hiện đại. Và ông cũng không phải là người phê bình thi pháp học như mấy ông làm tuyển tập “Thi pháp học ở Việt Nam” để mừng thọ thầy Trần Đình Sử vơ vào!
Phải nói lại đôi lời về cách hiểu của ông Đỗ Lai Thúy về phong cách học như thế này tưởng cũng là cần thiết. Cuối cùng chỉ xin mạo muội trích lại một câu của Roman Jakovson để mọi người cùng suy ngẫm:
Giờ đây tất cả chúng ta đều hiểu rõ rằng một nhà ngôn ngữ học dửng dưng với chức năng thơ của ngôn ngữ cũng như nhà nghiên cứu văn học thờ ơ với những vấn đề ngôn ngữ học, xa lạ với phương pháp ngôn ngữ học là một hiện tượng lỗi thời quá mức như thế nào.
Minh Xuân
_________
(1) Phan Ngọc – Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều. NXB Thanh Niên – 2001.
(2) Xem mục từ này ở Từ điển Văn học (bộ mới) với bài viết của Đỗ Đức Hiểu. Tuy nhiên, tác giả chỉ nêu cách hiểu của Âu Tây. Môn học có tên này ở Trung Hoa xưa nghiên cứu về hình thức các thể loại văn chương.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét