Mỗi độ xuân qua, hạ về, vạn vật cùng hòa theo khúc nhạc du
dương của tạo hóa và sự thay đổi của thiên thiên. Âý là khi tiết trời ấm hẳn
lên, không còn cái lành lạnh vào buổi sáng của tiết xuân nhiệt đới, và khi những
chú ve sầu bắt đầu râm ran đâu đó báo hiệu một mùa thi sắp đến. Bỗng kìa, trong
sân trường, trên đường về nhà, từng chùm phượng vĩ hé mở những cánh hoa đỏ rực
như những nàng bướm chuẩn bị tung cánh bay đi.
Chắc hẳn vì những nàng bướm
còn e ấp ấy mà hoc trò chúng tôi ngày ấy cứ nhốn nha nhốn nháo hơn thường ngày.
Từng chùm phượng vĩ đỏ rực cả đất trời, mang đến hương sắc mới giữa chốn nhân
gian hữu tình đã làm vương vấn những vòng xe thoăn thoắt, khiến chúng bỗng trở
thành những chuyển động chậm dần đều. Bỗng đâu đó nhao nhao lên tiếng hẹn nhau
hái hoa phượng để xếp thành hoa bướm. Phải chăng thiên nhiên cũng ưu ái đến những
cô cậu học trò ngây thơ với những cảm xúc mộc mạc nên đã tạo ra loài hoa này để
tạo ra cảm xúc khác lạ giữa những trang vở nơi lớp học.
Phượng vĩ mang một màu đỏ đặc
trưng, nhưng có lẽ vì nó gắn liền với tuổi học trò, lứa tuổi của những ước mơ hồng
ấp ủ, nên có ai đó đã gọi là “phượng hồng” để làm tăng ý nghĩa của những chùm
hoa phượng vĩ. Phượng thường nở vào tháng tư, như một dấu hiệu của mùa thi và bắt
đầu tàn khoảng tháng sáu. Mỗi hoa có bốn cánh màu đỏ, và một cánh có lốm đốm
màu trắng bên trong. Những cánh hoa này qua bàn tay khéo léo của những cô nàng
“nghệ nhân” lành nghề đã trở thành những nàng bướm tuyệt đẹp. Hai cánh hoa được
ghép vào nhau, cắt một phần đoạn nhỏ chỗ cuối cánh hoa để bướm nhỏ nhắn xinh xắn
hơn. Sau đó, nhẹ dàng dùng tay lấy từng khía trên hạt màu xanh ra, mỗi khía gồm
năm thân bướm. Dùng tay tách từng khía ra và đặt hai cánh bướm vào hai bên
thân, nhụy hoa được dùng làm râu bướm. Phải chỉnh sửa lắm để cho ra được một sản
phẩm hoàn chỉnh. Hai tay nâng nhẹ nàng bướm, dịu dàng ép vào từng trang vở, in
lên từng nét chữ thân thương vương vấn một thời học trò thơ mộng. Có ai đó mượn
vở viết lại bài còn dang dở trên lớp, rồi âm thầm đặt từng hoa bướm vào những
trang vở, đặt những cảm xúc còn e ấp trên những nét bút chưa khô, hay đặt những
tâm tư chưa kịp ngỏ lời qua từng cánh bướm đỏ rực.
Không chỉ có thế, một số hoa
phượng được thụ phấn và kết tinh thành từng quả dài dài có hạt ăn rất ngon và
bùi bùi bên trong cũng được những chàng “dũng sĩ” len lén trèo lên cây rồi hái
vội. Các chàng thường hái những quả xanh hơi sẫm màu vì lúc đó, hạt bên trong
ăn ngon nhất. Trong khi các nữ “nghệ nhân say sưa với những nàng bướm còn dang
dở, thì những chàng “dũng sĩ” vẫn đang dùng dao tách những quả phượng ra rồi
chia nhau từng hạt trong quả phượng thấm đẫm chân tình ấy. Cũng lạ, hoa phượng
từng cánh mỏng manh như cánh bướm, ấy thế mà lại kết ra một loại quả dài dài,
chứ không như những chùm ổi xanh rờn, những quả mận đỏ hình hồ lô. Có ai biết
được khi nhũng quả phượng ấy già cỗi, thay áo từ màu xanh sang màu đen xẫm mà vẫn
còn có ích cho đời. Đám con nít ở xóm thấy quả phượng già trông như những cây
kiếm nên thi nhau lượm về rồi bày ra trò đánh trận giả làm rộn ràng cả xóm những
chiều tà.
Rồi những ngày đầu hạ, từng
cánh hoa rơi rải rác khắp sân trường, có cánh hoa nào vương nhẹ trên tóc, gỡ
cánh hoa ra khỏi tóc ai mà lòng nghe xao xuyến, bâng khuâng. Một cảm xúc lạ kỳ
như thổn thức. Hoa phượng nở, hạ về, thế là sắp chia xa. Những người bạn nhìn
nhau không nói, thế mà trong khóe mắt lại rưng rưng và nhịp thở bỗng nặng nề
hơn. Những ngày ấy, thầy cô sao thân thương quá, tựa chừng như có thể ví như những
người cha, người mẹ. Những ngày ấy, những lời nói trìu mến, thân thương lại muốn
phát ra nhưng lại bị sự nghẹn ngào trong tim ngăn lại. Chỉ có những dòng lưu
bút trao tay là còn mãi, những dòng lưu bút ấy giờ đây lại thay những lời tâm
tình sâu kín nhất dành cho thầy cô, bạn bè thân thương. Để rồi khi nhìn lại, chắc
hẳn ai ai sẽ ấm lòng bên dòng lưu bút ngày nào.
Tạo hóa rất công bằng, chỉ bằng
những chùm phượng vĩ nhỏ nhắn mà mang niềm vui đến rất nhiều lứa tuổi khác
nhau, trong đó có những đáng sinh thành, những bác thợ mộc khéo léo, lành nghề.
Sau khi phượng được trồng lâu năm, khi từng vân màu tuổi trên cây đã rõ ràng để
thể hiện rằng cây đã trưởng thành, gỗ đã chắc, nó sẽ được chuyển đổi thành vòng
đời khác, những sản phảm thủ công đồ mộc. Đâu đó lại vẳng lên câu hát: “Sự sống
không mất nhưng chỉ đổi thay”. Đúng vậy, gỗ phượng giờ đây không còn là nơi
sinh ra và nuôi dường những chùm hoa đỏ rực nữa, những lại được cừa, bào, đục,
đẽo để trở nên những dụng cụ đồ mộc cần thiết trong gia đình. Tuy không phải là
lựa chọn đầu tiên như gỗ cây núi, cây tràm, gỗ lim nhưng gỗ phượng vẫn được ưa
chuộng ở vùng nông thôn nơi tôi sống. Những sản phẩm bàn, ghế, hay những thanh
giường được phủ những màu sơn mới bỗng sắc sảo bội phần, tô thêm vẻ thanh xuân
cho loài cây huyền thoại. Mặc dù hiện nay xuất hiện thêm những sản phẩm gỗ
không qua giai đoạn đục, đẽo, cưa, bào, và những chất liệu gỗ quý được sử dụng
rộng rãi nhưng gỗ phượng vẫn được ưu ái lựa chọn trong số rất nhiều loại gỗ.
Và, sứ mệnh quan trọng nhất
của những chùm phượng là nhắc nhở những cô cậu học trò nhiệm vụ quan trọng nhất,
quay về với những trang vở thân thương. Kỳ thi đã gần kề. Những kế hoạch tạm
hoãn lại, những nỗi niễm tạm đặt vào một góc riêng, và tất cả lại dồn vào những
tiết học trên lớp, những trang vở quen thuộc và những buổi ôn bài trong đêm thanh
vắng. Rồi mùa thi qua đi, từng cánh bướm lại dang rộng đôi cánh nơi những trang
vở, những điểm tốt đỏ như màu hoa phượng, và những tâm tư còn vương vấn đâu đây
để rồi khi mùa hoa phượng qua đi, trong không gian vẫn lưu lại sắc đỏ một thời
học trò còn mãi. Và hơn thế nữa, dòng lưu bút tri âm ấy vẫn đi cùng muôn cánh
bướm nhỏ đỏ thắm cả một mùa hoa.
TRẦN
THỊ TUYẾT ANH
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét