Khi mỗi người chúng ta dâng
trọn tấm lòng mình để cảm thụ một tác phẩm nghệ thuật, ắt hẳn, ai cũng có một
quan điểm, tư tưởng, tâm tư, tình cảm, cảm xúc riêng. Riêng với người nghệ sĩ
thì một “đứa con tinh thần ra đời” để cho chúng ta cảm thụ nó trong chốc lát mà
âm ba đến vô cùng là một chuyện không phải dễ. Đó là địa vực của tài năng, của
tâm hồn mà mỗi tác giả sẽ sở hữu cho mình một khoảng đất màu mỡ riêng biệt.
Trong cái se sắt của cuối
đông, những giai điệu rộn rã, nhịp nhàng của các bài hát về xuân hay khiến lòng
ta háo hức vì “một ngày hội lớn của dân tộc” sắp về. Nhưng viết về xuân thì mỗi
nhạc sĩ mỗi khác, đó là “thổ nhưỡng” của tâm hồn nuôi dưỡng những hoa trái khác
nhau. Người nhạc sĩ bây giờ hạnh phúc lắm, bởi họ được thoả thích viết về những
mùa xuân mà tự do hạnh phúc đã có lâu rồi. Nhưng ai đâu hay mùa xuân của đất
trời cứ hay chu chuyển lại có lúc về đúng khi đất nước trút bỏ cái khắc nghiệt
của chiến tranh mà ôm trọn mùa xuân đất nước vào lòng – một “Mùa xuân đầu
tiên”.
Nhạc sĩ Văn Cao là một nhạc
sĩ gạo cội, gạo cội không phải chỉ vì ông là tác giả Quốc ca Việt Nam, mà hơn
hết là tài năng, tâm hồn ông bao năm rồi cứ cuồn cuộn trong từng nốt nhạc, từng
lời ca. Mùa xuân đầu tiên cũng thế, ông viết tác phẩm này vào những năm tháng
mà đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh (Bính Thìn – 1976). Khác với cái rộn
ràng của những bài hát khác, sự nền nã, nhẹ nhàng của Mùa xuân đầu tiên lại có
sức lay động đến vô cùng.
Bài hát viết bằng điệu
Valse nhịp nhàng ấy thoặt đầu cũng mở ra một khung trời tràn ngập sắc xuân như
bao bài hát khác. Nghe loáng thoáng
đâu đó trong không gian cao rộng, chúa Xuân đang về với “mùa xuân theo én về”.
Lời hát đơn giản, tinh tế nhưng không kém phần sang trọng ấy làm tâm trí người
nghe lại như chùn xuống khi tác giả mô tả bước đi của chúa Xuân “dặt dìu”. Tại
sao không phải là rộn rã, tươi tắn như những mùa xuân khác mà lại là “dặt
dìu”? Có phải là người nặng lòng với
những cặn kẽ, sâu lắng lắm ta mới thắm thía được cái hạnh phúc trong lời ca lúc
này, bởi mùa xuân ngay lúc này trở về không như những mùa xuân khác. Qua bao
năm tháng “máu nhuộm đất bùn”, nay cỏ cây mới có đủ dịp tươi tắn, đất trời mới
có đủ trong trẻo để đón xuân về. Không còn phải sống trong nơm nớp âu lo, không
còn cảnh máy bay đầy trên cao, cảm giác đó chồng chất, pha lẫn đến mức cả tác
giả và thính giả phải vừa mừng vừa tủi cho một mùa xuân đầu tiên.
Đó
là một “mùa bình thường” như bao mùa xuân khác nhưng cái khác biệt lớn nhất của
nó là “mùa vui” vì nó là “mùa xuân mơ ước… đang đến đầu tiên” bởi đây là lúc
nước nhà độc lập, giang san thu về một mối. Lúc này, hạnh phúc nhất không phải
là cái vui rộn rã của một mùa lễ hội mà là sự đoàn tụ, sự tự do, sự yên ấm… bao
điều bình dị khác. Tiếng gà gáy trưa bị thay thế bởi tiếng bom đạn chiến tranh
giờ đã trở trở lại như xưa trong nhịp thanh bình, trong khung cảnh ấy “người mẹ
nhìn” thấy “đàn con nay đã về” với giọt nước mắt ấm nồng. Và tác giả đã diễn tả
niềm hạnh phúc nhỏ nhắn, xinh tươi đến vô cùng “như đang long lanh” làm ta nhớ
lại bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải, cũng trong tâm trạng ấy:
“Từng giọt long lanh rơi,
Tôi đưa tay tôi hứng”
Thống
nhất là điều kiện thuận lợi, cho phép chúng ta mơ ước, khát vọng như bao mùa
xuân trên bao khoảng trời thanh bình khác. Song Văn Cao đã nghiệm ra rằng, đất
nước, con người Việt Nam vừa trải qua đau thương, ly loạn, nhiều con người vì
lợi lộc đã đánh mất nhiều giá trị truyền thống, nhân bản. Còn biết bao con
người vì phải trải qua dâu bể, tang thương, nghiệt ngã vì đất nước phải hy sinh
một phần máu thịt đã quên đi cái lãng mạn của trời xuân, cái hạnh phúc đơn giản
đến khó ngờ của tự do vì chiến tranh trong suốt cả trăm năm hay rộng hơn là cả
ngàn năm đã ảnh hưởng sâu rộng đến từng gia đình, từng thân phận. Vết thương
đất nước còn đó bao giọt máu tươi hồng đang nhỏ xuống, lòng người chưa hết nỗi
đau thương thì có đâu tâm trạng mà hưởng mùa xuân rộn ràng hay tươi tắn. Nên
“trong xuân vui đầu tiên” đang dần có những “người biết thương người”, “người
biết yêu người”, “một trưa nắng vui cho bao tâm hồn”… thật bình dị nhưng cần
thiết như cơm ăn, nước uống, khí trời… cho lẽ sống Việt Nam. Nếu mọi người ý
thức được như thế là một khởi đầu tốt đẹp, đã là một “mùa Xuân mơ ước!".
Tác giả đã bảo rằng “Mùa
xuân mơ ước ấy xưa có về đâu” bởi một nỗi buồn lớn ở thế kỷ 20 ở Việt Nam chỉ
mới vừa trôi qua. Còn đó bao nỗi buồn. Nỗi buồn chiến tranh hay nỗi buồn thân
phận? Lúc trước, những con người cùng khổ luôn có cảm giác như đau đớn đã làm
trái tim khốn đốn đến nỗi nước mắt không thể chảy ra ngoài được thì bây giờ
trong mùa xuân này nó đã ùa ra một cách bình thường như chưa từng được khóc vừa
bởi nỗi buồn mới trôi qua, vừa vì niềm vui đang dần đến. Tuy vậy, mùa xuân mơ
ước ấy đã về, và đó cũng là ý nghĩa của từ “đầu tiên”, mùa xuân đầu tiên hoàn
toàn độc lập.
Khi vừa ra đời, ca khúc đã
được dịch lời và in ở Nga song còn khá dè dặt với thính giả Việt Nam. Nhưng
rồi, cùng với thời gian, Mùa xuân
đầu tiên ngày càng đi vào đời sống. Có lẽ không hề là quá đáng khi
ta khẳng định rằng: Đây là bài hát luôn réo rắt trong tâm hồn chúng ta mỗi độ Tết
đến Xuân về. Kèm theo đó là những bâng khuâng, day dứt về một thái độ sống sao
cho thật xứng đáng với những gì mà cả dân tộc đã phải mất bao nước mắt, máu
xương mới giành lại được. Nếu những bài hát khác viết về mùa xuân độc lập khác
thường tác động tới lý trí người nghe bằng những nốt cao với kỹ thuật thanh
nhạc điêu luyện thì ca khúc này và Văn Cao lại là “Một nốt trầm xao xuyến” réo
rắt, ngân vang mãi trong lòng người yêu nhạc.
THANH DUY
_____________
BÔNG
TRÀM CHUYÊN ĐỀ ĐẶC BIỆT
XUÂN
ĐINH DẬU & NGÀY THƠ VIỆT NAM 2017
>>
Vui lòng nhấp chuột vào hình ảnh bên dưới để vào chuyên đề đặc biệt <<

Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét