MỘT NGÀY VỀ THÁP CỔ - thơ Nguyên Lê
Từ ngàn năm vẫn uy nghiêm THÁP CỔ
Đá xa xưa còn đó dưới chân thềm
Rêu phủ đầy... vàng xanh ghế tựa
Chợt ngâm ngùi...
Vào Tháp cổ khói hương hiu lạnh
Bầy Dơi kia nghe động bay vù
Một hình tượng cõi âm sống dậy
Như tiếng chào người thức giấc thiên thu
Ta gót mỏi khúc bôn ba chẳng dứt
Về tựa lưng nơi ghế đá đầy rêu
Nhìn bóng nắng sáng lung linh đỉnh tháp
Là hào quang với hy vọng thật nhiều
Vẫn còn đó âm vang hồi trống trận
Đưa ta về tiềm thức thuở xa xưa
Ngẩng mặt nhìn với niềm tin kiêu hãnh
Thi gan cùng tuế nguyệt mặc gió mưa
Tại làng Bình Thạnh huyện Trảng Bàng tỉnh
Tây Ninh còn tồn tại một ngôi tháp cổ có tên là Tháp Cổ Bình Thạnh. Tháp cổ
Bình Thạnh nằm phía hữu ngạn sông Vòm Cỏ Đông, có niên đại xây dựng vào khoảng
thế kỷ thứ VIII, là một trong những kiến trúc tháp cổ quý hiếm, tồn tại như
nguyên vẹn. tiêu biểu cho kiến trúc thuộc nền văn hóa Óc Eo. Châu Thạch đã từng
có hai câu thơ nhận xét về người dân nơi đây: “Tôi tưởng nơi đây cây cũng hát/
Nên cụ già, em nhỏ cũng làm thơ”. Tác giả Nguyên Lê là một người dân đang sống
ở nơi đây, đang tham gia Câu Lạc Bộ Thơ Bình Thạnh, một câu lạc bộ thơ quy tụ
nhiều cây bút không nổi danh nhưng bộc phát những bài thơ mà danh bút cũng phải
chào thua thứ hương đồng cỏ nội kia.
Đọc bài thơ “Một Ngày Về Tháp Cổ” của Hương lê ta tìm thấy ở đây “một niềm tin kiêu hãnh” cho
dân tộc và một hy vọng cho tương lại. Ta hãy nghe một vài khổ thơ nói về tháp cổ
của nhà thơ Tố Hữu:
Cây dù gượng xanh lại ngày xuân cũ
Tháp dù mong hàn lại vết phong sương
Mộng ảo tất! Gió lùa cây xiêu đổ
Tháp chênh vênh tan sập dưới chân tường
Thi sĩ hỡi! Đi tìm chi vơ vẩn
Trong hồn già đã chết những yêu mơ ?
Có lành đâu vết thương đầy oán hận
Có tan đâu khi uất tự bao giờ ?
(Tháp Đổ)
Tháp cổ trong bài thơ nầy nhà thơ Tố Hữu đã
cho đổ sập, và hơn nữa, chính nhà thơ cũng khuyên ta đạp đổ nó luôn không cho
hàn gắn lại.
Bây giờ ta hãy lần lượt đọc từng khổ thơ trong bài “Một ngày về tháp cổ”
của Nguyên Lê. Khổ thơ đầu như sau:
Từ ngàn năm vẫn uy nghiêm THÁP CỔ
Đá xa xưa còn đó dưới chân thềm
Rêu phủ đầy
...vàng xanh ghế tựa
Chợt ngâm ngùi
...
nghe chim Gõ mõ
kêu êm
Nếu ai đọc thơ nhanh quá thì sẽ chê câu thơ
“Rêu phủ đầy…vàng xanh ghế tựa” không hay, vì tưởng như không có một ý nghĩa
gì. Nhưng nếu ai đọc thơ xong, để tâm hồn suy nghiệm đôi chút, thấy cái ngàn
năm xưa liên đới với ta ngày nay thì sẽ thích thú vô cùng với câu thơ nầy. Khi
ta ngồi xuống trên bậc thềm rêu xanh phủ, không ai không thấy hồn tự nhiên êm ã,
vì bởi trong vô thức, ta biết rằng mình đang ngồi trên những chiếc ghế tựa bằng
đá của cha ông từ ngàn năm xưa mà ta thừa tự.Và nếu khi được ngồi trên những
chiếc ghế cổ, bằng gỗ quý trưng bày, ta sung sướng bao nhiêu, thì khi được ngồi
trên chiếc ghế bực thềm tháp cổ kia, hồn ta rung động còn hơn nữa. Câu thơ cũng vậy, đánh động trong vô thức của
tâm hồn ta về những chiếc ghế ngàn năm xưa làm sẳn cho ta ngồi bây giờ.
Rồi thì tác giả chợt ngậm ngùi khi nghe
chim “Gõ mõ kêu êm”. Âm thanh của tiếng chim Gõ mõ ngoài đời liên tục không
thôi, cho ta biểu tượng của một cuộc sống hối hả giữa đời. Âm thanh của tiếng
chim Gõ trong thơ cho ta biểu tương về
một sự liên tục của thời gian. Âm thanh đó cho người đọc mườn tượng một sự nối liền từ quá khứ đến
hiện tại, từ cái thời xa xưa của tháp cổ Bình Thạnh cho đến bây giờ.
Chỉ bốn câu thơ thôi. Bốn câu thơ Nguyên Lê
viết như là nói, chất chứa trong âm thầm sợi dây quyến luyến kết nối từ ngàn
xưa cho đến ngày nay. Bốn câu thơ ấy đã lật nhào cái quan niệm “Mộng ảo tất!
Gió lùa cây xiêu đổ/Tháp chênh vênh tan sập dưới chân tường” của nhà thơ lớn
nước ta.
Qua khổ thứ hai của bài thơ ta thấy linh
hồn muôn năm cũ còn ở với ta, vẫn sống với ta và giao thiệp với ta:
Vào Tháp cổ khói hương hiu lạnh
Bầy Dơi kia nghe động bay vù
Một hình tượng cõi âm sống dậy
Như tiếng chào người thức giấc thiên thu
Bầy Dơi không khiến ta sợ như sợ
ma-cà-Rồng. Bầy Dơi trong thơ thức dậy như người từ cõi thiên thu thức dậy để
chào ta. Bốn câu thơ đưa ta bước vào một cõi dĩ vãng và hiện thực lồng trong
nhau, cõi đời và cõi linh ở trong nhau
cho ta một cảm giác gì? Một cảm giác ấm áp như trở về ngôi nhà xưa, trở về với
bà con ta từ muôn kiếp trước. Bốn câu thơ nói với ta điều gì? Nó nói người thi
sĩ không đi tìm vớ vẩn như hai câu thơ
“Thi sĩ hởi! đi tìm chi vớ vẩn/Trong hồn già đã chết những yêu mơ” của nhà thơ
lớn, mà thi sĩ đã tìm về và đã gặp với hồn già ngàn năm tuổi thuở xa xưa.
Nhưng Nguyên Lê tìm về muôn năm cũ, gặp “hình
tượng cõi âm sống dậy” để làm gì?. Ta hãy nghe nhà thơ Tố Hữu bi quan:
Có lành đâu vết thương đầy oán hận
Có tan đâu khi uất tự bao giờ ?
(Tháp Đổ)
Ngược lại, nhà thơ Nguyên Lê không tìm thấy
“oán hận”, không tìm thấy “khí uất tự bao giờ”, mà thi nhân về nơi đó để tìm được
hào quang của niềm hy vọng cho đời:
Ta gót mỏi khúc bôn ba chẳng dứt
Về tựa lưng nơi ghế đá đầy rêu
Nhìn bóng nắng sáng lung linh đỉnh tháp
Là hào quang với hy vọng thật nhiều
Tác giả về tựa lưng trên chiếc ghế ngàn năm,
trút bao nhọc nhằn của kiếp sống bôn ba chẳng dứt. ngắm hào quang hiện tại lung
linh trên tháp cổ. Một khổ thơ trọn vẹn nối kết mình với quá khứ, hiện tại và
tương lai một cách tuyệt vời, tuyệt đẹp, tuyệt hảo của nghệ thuật sáng tác. Không
khen không phải là người biết đọc thơ. Khổ thơ cũng cho ta thấy tháp cổ là cái
của quá khứ còn trong hiện tai. Nơi ta yên nghĩ khi mõi gối chồn chân, nơi ta
trút bỏ nhọc nhằn và còn là nơi định hướng cho con người để đi tiếp đến một
tương lai tốt đẹp.
Và cuối cùng tháp cổ hiện thân lịch sử oai hùng, cho ta sự ngẩng
mặt kiêu hãnh để ta “thi gan cùng tuế nguyệt mặc gió mưa”:
Vẫn còn đó âm vang hồi trống trận
Đưa ta về tiềm thức thuở xa xưa
Ngẩng mặt nhìn với niềm tin kiêu hãnh
Thi gan cùng tuế nguyệt mặc gió mưa
Khổ thơ cuối cho ta nghe trong tìm thức
ta, dập dồn tiếng trống thắng trận tự
ngàn xưa, và từ tiếng trống đó, tràn ngập trong ta niềm vui hiện lại. Có lẽ
không ai còn thấy tháp cổ ở đây nữa, mà thấy tháp như mới, hồn ta như mới khi
ta ngẩng mặt nhìn lên “với niềm tin kiêu hãnh” nghĩa là nhìn thấy từ quá khứ
ngàn năm đến tương lai con cháu. Khổ thơ kết lại cho ta một niềm vui từ trong
tìm thức cho đến mọi giác quan đang tiếp xúc hiện thực, cho ta tự nhiên thấy đời thật đẹp.
Để kết luận bài thơ nầy xin bạn đọc hãy vui
lòng đọc khổ chót trong bài thơ “Tháp Đổ” của nhà thơ Tố Hữu:
Hãy cắt đứt những dây đàn ca hát
Những sắc tàn vị nhạt của ngày qua
Nâng đón lấy màu xanh hương bát ngát
Của ngày mai muôn thuở với muôn hoa.
( Tháp đổ)
Ở đây ta thấy nhà thơ lớn biểu “cắt đứt
những dây đàn ca hát” của quá khứ, khác chi biểu giết đi nền văn hóa của ông bà
vì nhà thơ cho rằng cái nền văn hóa đó đã “sắc tàn vị nhạt của ngày qua”. Khác
hẳn lại, Nguyên Lê từ cái chổ ngồi rêu phong của nền văn hóa đó, nhà thơ sống
với cái nền văn hóa đó ở ngay trong tìm thức mình, tức là con tim của mình. Nhờ
đó khi đọc “Một ngày về tháp cổ” ta không thấy lời thơ như những chiếc đao to
bảng, ta không thấy cánh tay đập phá, bàn chân dày xéo mà ta thấy một tâm hồn bình dị chất chứa một
tình yêu có từ cổ tích đến bây giờ.
Có người cho rằng tháp cổ Bình Thạnh có từ
thời Óc Eo, không phải của dân ta, hay
tháp cổ của người Chàm không phai của người kinh, cớ sao lại nhận của mình rồi
ca tụng nó. Xin hỏi, vậy thì quê hương nầy từ xa xưa có phải của ta không, cớ
sao ta gọi quê hương nầy là Mẹ. Trên quê hương còn biết bao nhiêu tên địa danh
mà ta không hiểu là gì, nhưng ta vẫn gọi tên và ta vẫn yêu thương, bảo vệ. Mẹ
Việt Nam có tự ngàn xưa, không của riêng một dân tộc nào mà của những ai từng
sinh ra và sống nơi đây. Mẹ có từ ngàn đời và cho ta thừa tự nhiều nền văn hóa
khác nhau, Tất cả những gì làm ra trên đất mẹ là của ta và ta có quyền hãnh
diện vì nó, tôn vinh, ca tụng và bảo tồn cho vạn đời sau. Tất nhiên khi nghĩ về
một dân tộc dựng nên tháp cổ đã bị tiêu vong thì vẫn có nỗi buồn, nhưng không
phải vì thế mà tách riêng tháp cổ, đạp đổ nó, cho nó suy tàn là ta tội lỗi vô
cùng.
Châu Thạch
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét