MẸ VỀ THEO GIẤC MƠ NGHIÊNG
Mẹ về
theo giấc mơ nghiêng
Lời ru nhẹ thoảng bên triền nhớ
thương
Võ vàng bóng nguyệt đêm sương
Nhớ nhung canh cánh theo đường gió mây.
Mẹ về
nắm lấy bàn tay
Gió man
mác thổi hao gầy dáng xưa
Giọt buồn theo bóng đong đưa
Giọt thương nghèn nghẹn nhặt thưa cõi
lòng.
Mẹ về trong nỗi nhớ mong
Bàn tay gọi gió sầu chong mắt buồn
Tiếng ru lách tách cội nguồn
Biển trời tình mẹ suối tuôn dạt dào.
Mẹ về xanh những ước ao
Chập chùng nỗi nhớ ngọt ngào niềm yêu
Bước trần bóng đổ liêu xiêu
Mẹ đi con gánh quạnh hiu giữa đời.
Phan Bá Trình
Trong thơ đương đại Việt Nam có
rất nhiều bài ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng. Nhưng bài thơ “Mẹ về theo giấc
mơ nghiêng” trong tập thơ "Đọng giọt hương tình" của nhà thơ Phan Bá
Trình đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc nhất. Bài thơ chính là tiếng
lòng của nhà thơ bật ra từ những cảm xúc chân thành. Nó không chỉ ca ngợi tình
mẫu tử thiêng liêng mà còn thể hiện một
triết lý nhân văn, nhân sinh quan rất sâu
sắc.
Bài thơ gồm có bốn khổ, được diễn đạt bằng thể
thơ lục bát uyển chuyển đã thể hiện nỗi nhớ da diết và lòng biết ơn của người con đối với công sinh thành, dưỡng dục của
người mẹ kính yêu .
Mở đầu bài thơ là những câu thơ
đẹp, tràn đầy cảm xúc:
Mẹ về
theo giấc mơ nghiêng
Lời ru nhẹ thoảng bên triền nhớ
thương
Võ vàng bóng nguyệt đêm sương
Nhớ nhung canh cánh theo đường gió
mây.
Ký ức về hình ảnh người mẹ hiện
về "theo giấc mơ nghiêng" được Phan Bá
Trình khắc họa bằng những hình ảnh ẩn dụ chuyển đổi cảm giác rất tài tình. Hình
ảnh người mẹ hốc hác gầy yếu trong "bóng nguyệt đêm sương" hiện về
trong giấc mơ của anh cùng với "Lời ru nhẹ thoảng" khiến anh
lúc nào cũng nhớ mẹ, lo lắng cho mẹ ở nơi xa. "Nhớ nhung canh cánh theo
đường gió mây". Nỗi nhớ của anh cũng là nỗi nhớ chung của mọi người con
hiếu thảo. Thử hỏi trong cuộc đời này, có ai lại
không được lớn lên trong vòng tay của người mẹ, được nghe tiếng ru ầu ơ ngọt
ngào bên cánh võng, có ai lại không dược chìm vào giấc mơ trong gió mát từ bàn
tay mẹ quạt mỗi trưa hè?
Sang khổ thơ
thứ hai nỗi nhớ đó hiện về rất rõ:
Mẹ về
nắm lấy bàn tay
Gió man
mác thổi hao gầy dáng xưa
Giọt buồn theo bóng đong đưa
Giọt thương nghèn nghẹn nhặt thưa cõi
lòng.
Ở khổ thơ này, với thủ pháp
điệp cấu trúc, một lần nữa Phan Bá Trình đã khắc sâu nỗi nhớ mẹ đến não lòng của người con khi đã trưởng thành. Mặc dù bây giờ đầu
anh đã điểm sương, nhưng mẹ anh vẫn về "nắm lấy bàn tay" và
quạt cho anh ngủ khiến lòng anh nhớ đến dáng mẹ hao gầy năm xưa. Tình thương và
nỗi nhớ làm cõi lòng anh quặn thắt không nói nên lời. "Giọt buồn theo bóng
đong đưa. Giọt thương nghèn nghẹn nhặt thưa cõi lòng." Hai câu thơ rất
hay, đã diễn tả rất sát với tâm trạng của người con khi mẹ đi xa về. Phải nói
rằng Phan Bá Trình rất tài hoa trong lối diễn đạt, cũng như trong dụng ý nghệ
thuật. Đặc biệt là hình ảnh ẩn dụ chuyển đổi cảm giác. Phải có con mắt tinh
tường và lòng kính yêu mẹ, mới viết được những câu thơ như thế.
Mẹ về trong nỗi nhớ mong
Bàn tay gọi gió sầu chong mắt buồn
Tiếng ru lách tách cội nguồn
Biển trời tình mẹ suối tuôn dạt dào.
Phan Bá Trình vẫn tiếp tục sử
dụng thủ pháp điệp cấu trúc, và hình ảnh ẩn dụ trong khổ thơ này để nhấn mạnh
nỗi nhớ mong và lòng biết ơn sâu sắc của người con đối với công dưỡng dục sinh
thành của người mẹ. Trong nỗi nhớ của Phan Bá Trình, suốt đêm thâu người mẹ
ngồi quạt và ru cho anh ngủ. Tiếng ru của mẹ "lách tách" như đưa anh
về cội nguồn. Từng giấc ngủ của anh luôn thấm
đẫm những lời ru ngọt ngào cùng với tiếng gió của bàn tay mẹ quạt. Đọc đến đây
tôi lại nhớ về tuổi thơ của mình. Mà không riêng gì tôi, tất cả mọi người, ai cũng
từng ít nhất một đôi lần được đắm mình trong lời ru ngọt ngào trước khi chìm
vào giấc ngủ. Những lời ru ngọt ngào có sức sống lâu bền và mãnh liệt đó được
bắt nguồn từ sâu thẵm trong tâm hồn người mẹ đã theo ta đi suốt cả cuộc đời. Làm
sao ta có thể quên được công ơn trời bể của mẹ. Hãy nghe Phan Bá Trình tâm sự "Biển
trời tình mẹ suối tuôn dạt dào".
Đọc đến khổ thơ này tôi lại nhớ đến bài ca dao:
Công cha như núi Thái Sơn.
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn
chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo
con.
Bài ca dao đã nói hộ lòng ta về
đạo hiếu của người con đối với cha mẹ. Phan Bá Trình rất tài tình trong việc
vận dụng ca dao vào thơ. Khổ thơ này thông qua
hình ảnh ẩn dụ "Biển trời", anh nhằm ca ngợi công lao to lớn
của người mẹ như biển trời, như suối nguồn tuôn chảy dạt dào không bao giờ vơi cạn.
Mẹ anh giờ đã đi xa, anh cứ ước ao mẹ về ở bên cạnh.
Mẹ về xanh những ước ao
Chập chùng nỗi nhớ ngọt ngào niềm yêu
Bước trần bóng đổ liêu xiêu
Mẹ đi con gánh quạnh hiu giữa đời.
Gặp lại mẹ Phan Bá Trình như
thỏa mãn bao ước ao. Anh cảm thấy mình nhỏ lại như ngày nào. "Mẹ về xanh
những ước ao. Chập chùng nỗi nhớ ngọt ngào niềm yêu." Hai câu thơ rất hay,
rất nghệ thuật. Chỉ có mười bốn chữ mà diễn tả hết niềm hạnh phúc của người con
khi gặp mẹ. Đọc đến đây tôi lại nhớ đến hình ảnh của cậu bé Hồng trong
"Những ngày thơ ấu" của nhà văn Nguyên Hồng. Cậu bé Hồng sung sướng
biết nhường nào khi gặp mẹ trong những ngày xa cách, "cảm giác ấm áp đã
bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt." Nhưng người con trong bài
thơ nói chung khổ thơ này nói riêng chỉ được gặp mẹ trong giấc mơ. Nhưng dù mơ
hay thực thì cũng dều hạnh phúc như nhau. Có điều là giấc mơ sẽ trôi qua nhanh
chóng, "Bước trần bóng đổ liêu xiêu. Mẹ đi con gánh quạnh hiu giữa
đời". Niềm hạnh phúc của Phan Bá Trình bỗng chốc tan biến theo gió mây làm
cho niềm yêu nỗi nhớ cứ chập chùng khi thấy bóng mẹ giữa trần gian liêu xiêu
rồi khuất dần. Anh thấy vắng vẻ cô đơn. "Mẹ đi con gánh quạnh hiu giữa
đời." Câu thơ thật buồn nhưng thật ý nghĩa, nó đã khẳng định được vị thế
của người mẹ đối với con cái trong xã hội.
Nói tóm lại “Mẹ về theo giấc mơ nghiêng” của Phan Bá Trình là một bài thơ rất hay, mang tính
nghệ thuật cao, nó vừa ca ngợi công lao trời biển của người mẹ, vừa khái quát
được triết lý nhân văn, nhân sinh quan của tác giả. Tôi tin rằng bài thơ sẽ vang
vọng mãi trong lòng người đọc.
Phạm Văn Hoanh
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét