Bùi Thông quê ở xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi là hội viên
Hội VHNT Quảng Ngãi. Anh vừa trình làng tập thơ thứ tư "Quê lòng" do
Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 11 năm 2018.
Tập thơ có
nhan đề hơi lạ “Quê lòng”. Và cả tập thơ không có bài thơ nào có tên “Quê
lòng”. Cách đặt nhan đề tập thơ có lẽ là một dụng ý của tác giả khiến người đọc
phải tìm hiểu.
Tập thơ có 57 bài với 120 trang, là những rung cảm của Bùi
Thông về quê hương, về những người thân, bạn bè, về những vùng đất anh đã đi
qua…
Ngay đầu
tập thơ người đọc bắt gặp hình ảnh quê hương Quảng Ngãi có “Thiên Bút phê vân”,
“Liên Trì dục nguyệt”, “Thạch Bích tà dương”… với cảm hứng ngợi ca: “Em hãy về Quảng Ngãi cùng anh/ Sông Trà
mùa này trong xanh đến lạ/ Mây Thiên Ấn giăng ngang chiều êm ả/ Nhịp mái chèo quyện
lẫn tiếng chuông ngân/ …Cảnh đẹp quê mình em sẽ đắm say/ Ơi bát ngát hương
“Liên Trì dục nguyệt”/ Dòng Vệ Giang vẫn muôn đời thao thiết/ Nhớ vô cùng hình
ảnh chiếc lưng thon” (Về Quảng Ngãi cùng anh).
Không chỉ
vậy, người đọc còn bắt gặp hình ảnh quê hương đẹp nên thơ và anh hùng trong
“Hồn nước Việt thiêng liêng”, “Trọn tình Tổ quốc”…: “Đất nước ta rừng vàng biển bạc…/ Hơn ba ngàn hòn đảo giữa trùng khơi/
Hoàng Sa Trường Sa tồn tại bao đời/ Máu cha ông thấm trên từng đảo nhỏ/ …Dân
tộc ta không hề biết sợ/ Không chịu khuất phục không chịu đớn hèn/ Bởi trong
lòng mang hào khí Đông A/ Với khí phách Quang Trung, Hưng Đạo Vương…/ Với Bạch
Đằng, Đống Đa, Chương Dương, Hàm Tử/ Nam Quốc Sơn Hà… Vọng mãi đến ngàn sau…”
(Hồn nước Việt thiêng liêng)
Vẫn cảm hứng
ngợi ca, đi đến đâu cảnh đẹp của quê hương, đất nước cũng thu vào tầm mắt của
anh. Đến với Lý Sơn, hình ảnh “Hải đội Hoàng Sa” cắm mốc chủ quyền biên cương
đất nước không chỉ đi vào thơ mà trở thành biểu tượng đẹp trong lòng người đọc:
“Chùa Hang Thiên Khổng có tự bao giờ? Vẻ
đẹp hoang sơ mang nhiều huyền thoại/… Hải đội Hoàng Sa từ buổi Lý Sơn/ Cắm mốc
chủ quyền biên cương Đất nước/ Hoàng Sa Trường Sa đảo ta có được/ Máu cha ông
thấm mặn những nơi này” (Tản mạn Lý Sơn). Đến với Trường Sa, hình ảnh anh
lính nhà giàn đi vào thơ anh thật đẹp: “Dâng
hiến tuổi xuân không hề nuối tiếc/ Canh giữ đất trời biển đảo quê hương/ …Câu
thơ thần ngàn năm còn vang vọng/ Lính nhà giàn trước sóng gió đại dương”
(Trường Sa vào xuân).
Tình cảm
thiết tha, mến thương của tác giả dành cho đất và người còn được thể hiện qua
nhiều bài thơ như “Huế thơ”, “Người con gái Vĩnh Long” “Đà lạt mộng mơ”, “Đi
giữa Sài Gòn”, “Sài Gòn ngày trở lại”… Này đây ta bắt gặp vẻ đẹp của Huế với
dòng Hương Giang thơ mộng: “Ta lạc vào em
Huế mộng mơ/ Mặc khách tao nhân quá sững sờ/ Bao nhiêu giấy mực dường như đã/
Không tả hết thần của Huế thơ.” (Huế thơ). Hay như mảnh đất Đà Lạt ngàn hoa
cũng để lại niềm thương nỗi nhớ trong lòng tác giả: “Đà Lạt nồng nàn ru bản tình ca/ Đất trời cao nguyên mê hồn lữ khách/
Bên hồ Xuân Hương sóng chiều khơi mạnh/ Mặc khách tao nhân lời thơ tơ vương/
…Mai xa em rồi nghe lòng nuối tiếc/ Xứ sở sương mù mây khói hương hoa/Thời gian
trôi ngày tháng phôi pha/ Đà Lạt mộng mơ vào trong nỗi nhớ.” (Đà Lạt mộng
mơ).
Bên cạnh
tình yêu quê hương đất nước, còn có những bài thơ viết về tình bạn, về người
thân với những kỷ niệm khó phai mờ như” Ngày ấy anh đi”, “Tiễn anh”, “Cháu gái
nội”… Những bài thơ này mộc mạc chân thành thể hiện được tình cảm sâu đậm của
anh dành cho bạn bè, người thân… “Thương
anh nhớ mấy cho vừa/ Sóng lòng quặn thắt tiễn anh niết bàn…” (Tiễn anh).
Tập
thơ “Quê lòng” của Bùi Thông, với bút pháp truyền thống, lời thơ giản dị không
trau chuốc, nhưng chứa đựng biết bao tình cảm thân thương khiến trái tim người
đọc rung động. Hy vọng tập thơ sẽ đọng mãi trong lòng bạn đọc.
Phạm Văn Hoanh
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét