Thành phố hôm nay thật lạ, bầu trời phủ lên một làn
sương khói mờ mờ cứ chực sà xuống bất cứ lúc nào. Giọt mưa như giọt mồ hôi thấm
đẫm vị mặn đắng của mỗi người lặng lẽ rơi lã chã, thấm đượm hồn đất. Bất chợt
thả đôi mắt bay qua một miền biên viễn nào đó, thấy hàng hàng cỏ xanh hoa lá cứ
như trải rộng ra, tỏa hương ngan ngát. Mặt hồ gợn sóng lặng lẽ, kéo điệu nhạc
không lời càng lúc càng da diết, rơi vào tận sâu cùng. Mùa này, mùi hương mùi đất
mùi khói mùi lửa cứ giăng mắc khắp nơi, nhắc ta hướng về cội nguồn trong cái “đêm trong suốt áp ngực vào phương ấy/ gặp lại
mùi cỏ cháy suốt thời trai”, thấy cõi lòng dậy lên nỗi niềm tri ân những
công ơn to lớn của cha ông mang lại ấm no, hạnh phúc cho con cháu mai sau. Tôi
cũng như bao đứa trẻ khác, sinh ra và lớn lên trong thời bình, nào có thấy chiến
tranh có hình hài như thế nào đâu, nhưng sao, đi giữa chiều mưa tháng bảy mà nhịp
đập dường như ngừng lại, khắc khoải và mơ hồ. Để đến hôm nay, chúng ta trân trọng
giữ gìn từng tấc đất, hạt bụi thiêng liêng của Tổ quốc. Có thể chưa một lần đến,
nhưng không hiểu sao mỗi khi lời bài hát cất lên, lòng người như dòng sông cứ
trôi, trôi mãi... chẳng biết khi nào dừng lại: “Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai
mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm...” (thơ Lê Bá Dương). Tôi tin, không chỉ Thạch Hãn, mà ở bất
cứ nơi đâu trên mọi miền Tổ quốc, mỗi người chúng ta đều bước nhẹ khi mỗi tất đất
hôm nay là thành quả của biết bao anh hùng “vô danh và hữu danh”, hi sinh máu
xương và linh hồn kiến tạo nên dáng hình đất nước. Thuở nhỏ, tôi hay qua nhà
ông chơi, một căn nhà nhỏ bong tróc từng mảng sơn trong sương gió của thời
gian. Mỗi lần như vậy, ông đều mang ra chiếc áo bộ đội bạc màu nâng niu, âu yếm.
Bao huy chương, giấy khen được ông trưng bày cẩn thận trong tủ kính, mỗi khi
trái gió trở trời, vết thương đau nhức, ông lau chùi những kỷ vật thiêng liêng ấy
trước cái nhìn đầy lạ lẫm của đứa bé, không hiểu sao nỗi đau ông dường như
không còn nữa, đôi mắt đau đáu nhìn vào cõi xa xăm.
Ông là một thương binh trở về giữa đời thường, dẫu sức
khỏe đã hao mòn trong khói lửa chiến tranh và sự già yếu của tuổi già, ông vẫn
chăm chút khu vườn nhỏ, bóng mát quê nhà như tỏa mát tâm hồn. Ông coi mảnh vườn
là cuộc sống của ông, lúc nào cũng chăm sóc như chính người thân của mình, và rồi
cây trái ngát hương, ông bảo chọn những quả to nhất, thơm nhất đặt lên bàn thờ,
nghiêng mình trước làn khói hư vô. Còn tôi nghịch ngợm, leo tót lên cành cây,
đánh chén thỏa thích, cảm tưởng như là khu vườn nhà mình. Ông lúc nào cũng tĩnh
lặng, nhẹ nhàng, chiều chiều nhớ về tuổi trẻ chiến đấu trong mưa bom bão đạn,
ông tự hào lắm, nhấm chén rượu cay đắng mà ánh mắt không khỏi tự hào. Thời gian
thấm thoát thoi đưa, tôi lớn lên và bay đến một miền xa lạ gây dựng cuộc sống mới,
tôi đã quên mất ông và khu vườn quê nhà. Bất chợt, một ngày kia tôi trở về, trước
mộ bia cỏ đã lên xanh, ông đã vĩnh viễn giã biệt cõi đời, tôi buồn không nói
nên lời, thắp nén hương và nhìn làn khói lẩn khuất vào cõi hư vô. Mẹ tôi bảo nhớ
ông, nhớ khu vườn năm nào bây giờ dường như không còn như trước, cây cối héo
úa, ủ rũ ngày ông ra đi. Con đường dẫn vào nhà lá vàng rụng nhiều hơn, âm thanh
đuổi chó lùa gà của ông làm rộn vang ngôi nhà cũng không còn nữa. Tôi và mẹ buồn
quá, ngồi giữa cánh đồng, thả hồn trong từng ngóc ngách khu vườn, mà nghe tiếng
ông hỏi thăm mỗi lúc tôi theo mẹ làm đồng còn vang vọng đâu đây... Bầu trời đổ
mưa, cơn mưa chiều tháng bảy như lạnh lẽo hơn, u buồn hơn nhưng tôi biết ở nơi ấy,
ông đang rất ấm áp trong vòng tay đồng đội, vòng tay đất nước.
Bài hát ngân vang mãi, soi rọi tâm hồn mỗi người cần
phải biết trân trọng từng khoảnh khắc hiện tại, khi ta đang sống trong hòa bình
và hạnh phúc. Mỗi khi cát bụi vương vương khóe mắt, nhớ về ông, chứng nhân của
chiến tranh, xin một giây phút cúi đầu tri ân. Tôi biết suối nguồn còn chảy
mãi, khi sóng nước còn “vỗ yên bờ, mãi
mãi ngàn năm”...
Phan Nam
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét