Kỳ 2: Nhạc hùng và nhạc đỏ Tiền Chiến
3. NHẠC HÙNG TIỀN
CHIẾN 1930 - 1945.
Thực ra, giới nghiên cứu có
nói đến thể loại hành khúc xuất hiện
trong giai đoạn nầy, mà ít đề cập đến dòng
nhạc hùng 1930-1945. Nhưng thực tế đã tồn tại một dòng nhạc hùng tiền chiến với nội dung kêu gọi lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, yêu lịch sử vẻ vang dân tộc. Giai điệu
là hành khúc với nhịp đi hùng tráng, phù hợp với nhịp đi tập thể, bài hát cộng
đồng.
Trong giai đoạn nầy, dòng
nhạc hùng gần gũi với dòng nhạc đỏ (nhạc cách mạng) và giao hòa với
nhau vào cuối giai đoạn.
Dòng nhạc hùng được đẩy lên
cao trào bởi các nhóm nhạc gồm các nhạc sĩ tài hoa có xu hướng dân tộc: Đồng Vọng, Tổng
Hội Sinh Viên, nhất là khi nhóm Hoàng
Mai Lưu được thành lập (1941).
Nhóm
Đồng Vọng được Hoàng Quý thành lập vào năm 1939, với các nhạc sĩ tên
tuổi:, Phạm Ngữ, Đỗ
Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Canh Thân, Tô Vũ, trong 3
năm: 1943-1945 đã sáng tác và phát hành hành 12 tập nhạc, mỗi tập có từ 8 đến 12 bài với khoảng 70
nhạc phẩm, trong đó có nhiều tình ca, nhưng
chủ yếu là nhạc hùng có nội dung ca ngợi đất nước, ca ngợi truyền thống anh
hùng của dân tộc. Trong đó, riêng Hoàng Quý viết một loạt ca khúc: Trên sông
Bạch Đằng, Nước non Lam
Sơn, Tiếng chim gọi đàn, Bóng cờ lau, Gọi bạn lên đường, Lời vọng ngàn xưa, Xuân
về, Đêm trong rừng …
So với Đồng Vọng
thì nhóm Tổng Hội Sinh viên và nhóm Hoàng Mai Lưu mang tính chính trị nhiều hơn. Nhóm Tổng Hội Sinh Viên được thành lập bởi nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, khởi đầu là nhóm
sinh viên có khả năng văn nghệ ở Hà Nội trong đó nhiều sinh viên miền Nam, nên
sau đó ca khúc của nhóm lan tỏa ra khắp nơi. Trong một bài viết, nhạc
sĩ Lê Thương cho rằng: "...Từ 1943 đến 1945 thì Tổng Hội Sinh Viên đã chế ngự phong trào
Tân nhạc và gây những ảnh hưởng sâu đậm chưa từng có”. Nhóm Tổng Hội Sinh Viên chú trọng đặc biệt
đến việc dùng Tân nhạc trong việc đấu tranh chính trị chống Pháp và Nhật. Lưu Hữu Phước cùng với các sinh viên trong Tổng Hội đã tung ra nhiều ca khúc giá
trị khơi dậy lòng yêu nước trong dân chúng, đặc biệt là trong giới học sinh,
sinh viên. Những ca khúc đó thường lấy đề tài lịch sử ca ngợi những chiến công,
những anh hùng dân tộc, đặc biệt phải kể đến những bản nhạc của Lưu Hữu Phước.
Nhiều ca khúc như Tiếng gọi sinh viên, Hồn tử sĩ, Hờn sông Gianh... của ông đã để lại dấu ấn
sâu đậm trong lịch sử tân nhạc Việt Nam.
Góp công lớn trong nhạc hùng tiền chiến là nhóm văn nghệ
yêu nước Hoàng Mai Lưu gồm 15 người
đủ các bộ môn nghệ thuật: thi ca, nhạc, kịch họa mà mũi nhọn và có tiếng vang
nhất là âm nhạc, nên ngày nay nhắc đến Hoàng
Mai Lưu công chúng thường nghĩ đến ca khúc của nhóm nầy. Hoàng Mai Lưu là họ của ba sáng lập viên: Huỳnh (Hoàng) Văn Tiếng, Mai
Văn Bộ và Lưu Hữu Phước, gợi lên hình tượng bông mai vàng bay tỏa hương thơm,
ra đời vào mùa hè 1941 tại Sài Gòn. Trong giai đoạn nầy, nhiều ca khúc yêu nước
và cách mạng của nhóm được sáng tác, phát hành và lưu diễn khắp nơi. Có thể kể
thêm các ca khúc của họ, ngoài những nhạc phẩm nêu trên: Bạch Đằng giang (1941), Ải Chi Lăng (1942), Bài
hát của thiếu nữ Việt Nam 1942), Việt nữ gọi đàn (Bài hát của phụ
nữ Việt Nam - 1942) của Lưu Hữu Phước với lời của Mai Văn Bộ; Bài
hát suối Lồ Ồ (1943), Bài
hát của đoàn hùng (1943-1945), Bài hát suối Lồ Ồ (1943), Bài
hát của đoàn hùng (1943-1945), Xếp bút nghiên (1944) của Lưu Hữu
Phước với ca từ của Huỳnh Văn Tiếng; và những ca khúc khác với nhạc của Lưu Hữu
Phước và lời của cả nhóm: Hội nghị Diên Hồng (1942), Âu ca Việt Nam (1944), Hờn sông Gianh (1944)… (Năm
sáng tác và tên của đồng
tác giả với Lưu Hữu Phước trong các ca khúc trên dẫn từ cuốn “Hoàng
Mai Lưu & Các ca khúc trong phong trào âm nhạc cách mạng” của Huỳnh Văn Tiếng & Bùi Đức Thịnh - NXB
Trẻ, 2002). Như vậy, Lưu Hữu Phước là thành viên chủ chốt của cả 3 nhóm nhạc yêu
nước kể trên và là sáng lập viên của 2
nhóm nhạc: Tổng Hội Sinh viên,
Hoàng Mai Lưu, là người có đóng góp lớn lao trong việc hình thành
phát triển dòng nhạc hùng Việt Nam.
Gắn bó cùng hai nhóm Tổng
hội và Hoàng Mai Lưu, ở Nam bộ có
Nguyễn Mỹ Ca, cháu nội của Nguyễn Tri Phương, người được xếp hạng thứ 953 trong Danh sách Nhạc sĩ nổi tiếng trên thế giới,
ngoài tình ca nổi tiếng Dạ khúc, đã sáng tác nhiều hùng ca yêu nước như: Đến trường, Vui đi học, Chiêu hồn nước..., trong đó thành công và có tiếng vang nhất là Chiêu
hồn nước.
Nhạc sĩ Phạm
Duy góp vào dòng nhạc hùng bài Gươm
tráng sĩ (1944),
La Hối với Gió thiêng liêng, Võ Đức Thu với Quyết tiến, Một ngày đã qua…
Đỗ Nhuận cũng đóng góp cho
dòng nhạc nầy với Trưng Vương (1939 - ca khúc đầu tay lúc tuổi
17) và liên ca khúc: Chim than, Lời cha già, Đường lên ải Bắc
của vở ca cảnh Nguyễn Trãi - Nguyễn
Phi Khanh được ông viết trong 2 năm 1940, 1941.
4. NHẠC ĐỎ TIỀN CHIẾN
1930-1945.
• NHẠC ĐỎ (NHẠC CÁCH MẠNG)
Ca
khúc cách mạng hình thành và phát triển từ khi có phong trào yêu nước do Đảng
Cộng Sản lãnh đạo. Theo nhiều tư liệu, trên văn bản “khai sinh”, ca khúc cách mạng
được hình thành từ năm 1930, với bài Cùng
nhau đi hồng binh viết theo điệu March
của tác giả Đinh Nhu, khi bị tù ở Côn Đảo. Do biểu tượng của cách mạng
trong quang phổ chính trị là màu đỏ, nên người ta gọi nhạc cách mạng là nhạc đỏ.
Các
ca khúc “nhạc đỏ” thường động viên tinh thần chiến đấu của quân dân, phục vụ
kháng chiến, khích lệ tình yêu lý tưởng dân tộc chủ nghỉa và lý tưởng xã hội
chủ nghĩa, đồng thời có những ca khúc
trữ tình cách mạng, thể hiện tình yêu quê hương đất nước hoặc cổ vũ lao
động cống hiến, tinh thần lạc quan, yêu
đời và có tính cộng đồng. Các ca khúc nhạc đỏ thường mang tính lý tưởng hóa và
lãng mạn hóa cao, nhưng khác với dòng nhạc tiền chiến có tính lãng mạn tách rời
đời sống, thường không có không gian hoặc thời gian cụ thể, nhạc đỏ đặt tính
lãng mạn, lý tưởng hóa gắn với cuộc sống xã hội, có không gian và thời gian cụ
thể, và thực tế hóa.
Từng
bước đi của ca khúc cách mạng là sự phản ánh trung thực những thành tựu của
lịch sử cách mạng Việt Nam. Nhạc
đỏ (nhạc kháng chiến, nhạc cách mạng Việt Nam) đã tồn tại và phát triển
qua 5 giai đoạn - thời đoạn của Tân nhạc VN: Tiền chiến (1930 - 1945); Kháng
chiến chống Pháp (1946 - 1954); Kháng chiến chống Mỹ (1954-1975); Hậu chiến
(1975 - 1985); Đương thời (1986 - đến nay).
• NHẠC ĐỎ TIỀN CHIẾN.
Hình tượng người chiến sĩ cách mạng
Việt Nam được phản ánh rõ nét nhất trong các ca khúc cách mạng giai đoạn này.
Họ sẵn sàng chiến đấu, hy sinh cho độc lập của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân
dân.
Qua những hình tượng ấy, có thể thấy
cách thức lựa chọn thể hành khúc của những nhạc sĩ - chiến sĩ là hoàn toàn phù hợp và đúng đắn. Bởi vì, hành khúc
là phương tiện nghệ thuật hữu hiệu nhất để tuyên truyền cổ động cho cách mạng.
Do đó, thể hành khúc chiếm vị trí chủ đạo trong dòng ca khúc cách mạng Việt Nam
giai đoạn nầy.
Sáng tác âm nhạc dạng hành khúc có xuất xứ từ châu Âu,
nhưng khi vào Việt Nam, hành khúc đã nhanh chóng hòa nhập và trở nên quen thuộc
trong hoạt động văn hóa nghệ thuật của người dân Việt Nam. Có được điều đó là
do những người cộng sản làm văn nghệ đã ý thức được bản sắc văn hóa và sức mạnh
tiềm tàng của dân tộc, vậy nên trong tác phẩm, họ biết kết hợp những âm điệu
gần gũi, quen thuộc trong âm nhạc cổ truyền với những âm điệu mới hùng tráng.
Ca
khúc cách mạng đã thể hiện đúng bản chất văn hóa hai chiều của con người Việt
Nam: một chiều tiếp thụ từ văn hóa truyền thống, một chiều tiếp nhận từ văn hóa
âm nhạc nước ngoài.
Trong giai đoạn 1930-1945, những biến cố của lịch sử - xã
hội đất nước luôn là động lực thúc đẩy các nhạc sĩ viết nên những ca khúc cách
mạng. Khi Mặt trận Việt Minh chính thức thành
lập (19.5. 1941), nhiều nhạc sĩ, nhóm nhạc đã gia nhập Mặt trận, hoặc chịu ảnh
hưởng của Mặt trận đã sáng tác nhiều ca khúc cách mạng và yêu nước như:
như: Không khuất phục, Cờ Việt Minh, Hò la, Côn Lôn (Vương
Gia Khương); Tam bình (Trần Văn Út), Phất cờ Nam tiến (Hoàng Văn Thái);
Thăng Long hành khúc ca, Tiến quân ca (1944- Văn Cao); Tiếng gọi thanh niên (Lưu Hữu
Phước, lời: Hoàng Mai Lưu); Lên đàng (Lưu Hữu Phước - Huỳnh Văn
Tiểng); Hát giang trường hận (sau đổi tên là Hồn tử sĩ) của Lưu Hữu Phước; Diệt phát xít (Nguyễn Đình Thi); Mười chín tháng tám (Xuân Oanh); Sa
trường hành khúc, Cảm tử quân (1944 - Hoàng Quý); Việt
Nam phục quốc (Thẩm Oánh)… Trong đó, có
những ca khúc trở thành quốc ca, hội ca, đoàn thể ca, nghi lễ ca. Như Tiến quân ca trở thành quốc ca của nước Việt Nam; Tiếng gọi thanh niên trở thành Thanh niên hành khúc, bài hát chính thức của tổ chức Thanh niên Tiền phong,
sau này trở thành Tiếng gọi công dân,
quốc ca của Việt
Nam Cộng hòa với lời
được sửa lại; Lên đàng trở thành bài hát
chính thức của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; Hồn tử sĩ được dùng trong các lễ tang theo nghi thức nhà
nước của Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và cũng được Quân lực Việt
Nam Cộng hòa sử
dụng trong các nghi thức lễ tang quân đội.
Trừ Cùng nhau
đi hồng binh (1930 - Đinh Nhu), các ca khúc đỏ trên đều được sáng tác sau ngày 19
tháng 5 năm 1941, ngày Mặt trận Việt Minh chính thức thành lập đến khi Cách
mạng tháng Tám thành công. Điểm chót của cao trào ở Bắc bộ là ca khúc Mười
chín tháng tám (19.8.1945) của Xuân Oanh và ở Nam bộ là Tám
mươi năm (Bài hát của nông dân - lời: Huỳnh Văn Tiếng) của Lưu Hữu Phước
do một nhóm 3 người vừa đi vừa hát đã lôi cuốn hàng ngàn người đi giành chính
quyền trong ngày 25.8.45, ngày Tổng khởi nghĩa ở Sài Gòn.
Từ năm 1943, trong gian trong bị tù ở nhà lao Hải Dương, rồi đưa lên Hỏa Lò và sau bị đày lên Sơn La, Đỗ Nhuận đã viết nhiều bài hát cách
mạng như: Chiều tù, Côn Đảo, Hận Sơn La, Tiếng gọi tù nhân, Viếng mồ tử sĩ, Du
kích ca... và sau khi được trả tự do, ông tiếp tục tiếp tục hoạt động
cách mạng và sáng tác nhiều bài hát và được phổ biến khá rộng biến khá rộng rãi
thời bấy giờ: Quảng Châu công xã, Nhớ chiến khu (1945)…
Những ca khúc đỏ nầy không những phản
ánh hiện thực xã hội lúc bấy giờ, mà còn khẳng định dấu son trên đường phát
triển của dòng ca khúc cách mạng VN.
5. PHÂN
CỰC VÀ GIAO THOA GIỮA CÁC DÒNG NHẠC TIỀN CHIẾN
Trong
quá trình hình thành, phát triển của 9 thập kỷ ca khúc tân nhạc Việt Nam, tùy
theo giai đoạn, các dòng nhạc, các xu hướng trào lưu âm nhạc có khi cùng song
song tồn tại, có khi đối lập nhau, có khi vừa phân cực vừa giao thoa với nhau,
bổ sung hỗ trợ lẫn nhau, có khi hòa nhập vào nhau, hợp lưu lại với nhau… Trước hết là sự phân cực và giao thoa giữa 3
dòng nhạc Việt trong giai đoạn tiền chiến 1930 - 1945:
Do sự khác biệt về nhân vật trữ
tình, đối tượng trữ tình, nội dung phản ánh
và cả giai điệu của ca khúc mà phân định thành ba dòng nhạc: nhạc hùng,
nhạc đỏ, nhạc tiền chiến. Nhưng ba
dòng nhạc khác nhau nầy trong quá trình hình thành, đồng hành tồn tại và phát
triển thường giao thoa với nhau. Rõ rệt nhất là sự gần gũi nhau giữa dòng nhạc
đỏ (cách mạng) và dòng nhạc hùng (yêu nước). Hai dòng nhạc nầy về giai điệu chủ
yếu là hành khúc, về nội dung ca khúc, chúng gặp nhau ở 2 điểm là dân tộc và
đấu tranh, nhất là vào cuối giai đoạn, khi Mặt trận Viêt Minh ra đời (1941),
nhiều nhạc sĩ nhạc hùng tham gia vào phong trào Việt Minh và trở thành chiến sĩ
Cách mạng hoặc chịu ảnh hưởng của Mặt trận. Khi đó, dòng nhạc hùng gần như hòa nhập vào dòng nhạc đỏ (Nên phải
xác định chính xác thời điểm bản nhạc được viết, mới xếp loại đúng dòng nhạc
của nó, mà có rất nhiều ca khúc, các nhà nghiên cứu âm nhạc không thống nhất về
năm sáng tác!). Vì lúc nầy 2 dòng nhạc hòa vào nhau nên có nhiều ca khúc xếp
vào dòng nhạc nào trong 2 dòng nhạc đó, nhạc hùng và nhạc đỏ, cũng được, như
các bản nhạc của Lưu Hữu Phước và nhóm Hoàng Mai Lưu: Tiếng gọi sinh viên, Hồn tử sĩ, Bạch Đằng giang, Ải Chi Lăng, Hội nghị Diên Hồng, Hờn Sông Gianh... Còn nhạc hùng và nhạc tiền chiến dù khác nhau về
giai điệu (một bên là trữ tình, nhẹ nhàng và một bên là hành khúc) và nhân vật
trữ tình (một bên là cái ta - công dân và một bên là cái tôi - cá nhân), nhưng
trong đối tượng trữ tình có một nội dung giống nhau là đề tài quê hương. Trước
1946, có những nhạc sĩ sáng tác cả 3 dòng nhạc: Tô Vũ (Hoàng Phủ), Văn Cao, Hoàng Quý… Còn
viết cả 2 dòng nhạc thì nhiều. Nhạc tiền chiến
và nhạc hùng có: Thẩm Oánh, Phạm
Duy, Canh Thân, Phạm Ngữ, Nguyễn
Mỹ Ca, La Hối…; nhạc hùng và nhạc đỏ là có: Lưu Hữu Phước và nhóm Hoàng Mai
Lưu… Đặc biệt là Đỗ Nhuận có “bước chuyển” sáng tác 2 dòng nhạc nầy trong hai
thời đoạn khác nhau của cuộc đời mình (trước và trong - sau khi bị tù, 1943).
Lê Thiên Minh Khoa
(Trích trong cuốn sách “9
THẬP KỶ CA KHÚC TÂN NHẠC VIỆT NAM” - nghiên cứu & nhận định của Lê Thiên
Minh Khoa - sắp xuất bản, 2018).
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét