“Trời đất qủy thần thiên đia
ơi ngó xuống mà coi. Người ta làm ăn cái kiểu gì mà sống nhăn vậy cà. Nuôi heo
từa lưa hột dưa kiểu nầy hổng chịu dội chuồng, hốt phân thúi thấy mụ nội. Người
ta chớ có phải là chó, là mèo mà chịu đựng hoài chớ. Hứ… thiệt là hổng biết
điều. Sống cái kiểu “mọi rợ” như Miên thì ra ngoài đảo hoang mà sống. Hứ…”
Tiếng ông Hai Ớt nói lớn sa sả sang nhà hàng xóm mỗi lúc một lớn.
- Kìa ba, dù gì bác ba bên đó
cũng là hàng xóm với mình, tối lữa tắt đèn có
nhau. Lại sắp làm sui với mình. Ba la lối om xòm vậy kỳ cục
lắm. Tiếng Thu năn nỉ.
- Ai mà thèm hàng xóm, háng
xáo, làm sui, làm hên với “y” nữa chớ. Thấy cái mặt nghinh nghinh là tao trào máu “Lương Sơn Bá” lên rồi. Ạ…
Ạ… tao biết rồi. Tại bây quá
thường thằng Thanh, con trai của “ chả” nên mầy “binh” cha con nó chớ gì. Còn
khuya. Tao mà làm sui với “chả”, tao thề… tao thề…
- Thôi mà ba. Chuyện đâu còn
có đó. Để chiều mát mát, con qua nói chuyện phải quấy với bác ba. Chắc được mà.
Con thấy bác ấy cũng biết chuyện lắm. Hổm rày chắc anh Thanh chưa ở không để
tính toán chuyện ô nhiễm đó thôi.
- Ủa. Chuyện gia đình người ta
sao bây rành quá trớn vậy. Y như là chuyện của nhà nầy. Giỏi quá hén. Vừa nói ông
Hai Ớt te te đi vào phía nhà sau với
cái mặt "hầm" trông rất dễ sợ.
Nhìn theo bóng ông, Thu thở dài
thườn thượt. Cái người gì nóng như Trương Phi, hễ giận lên là bất chấp phải
trái, ai cản cũng không nghe rồi cứ sa sả mắng nhiếc người khác cho đã giận rồi
tới đâu thì tới. Được cái hổng có để bụng, để dạ, nói đó, giận đó rồi bỏ qua
tức thì.
Nghĩ đến Thanh, con trai ông ba
Né, Thu chợt nghe lòng lâng lâng khó tả. Cái người gì đâu mà bẽn lẽn như con
gái. Bị chọc quê một chút là mặt mày đỏ hừng hừng như người say rượu, nói năng
lắp bắp đâu chẳng ra đâu, không đầu không đuôi gì hết. Kỹ sư nông nghiệp gì mà
nhát hít vậy trời. Cuối tuần thì lại thấy Thanh lẽo đẽo trên chiếc xe hon đa về
nhà, rồi vô chuồng chăm sóc, nghiên cứu, ghi ghi chép chép về mấy chục con heo
trong chuồng; lúc thì ở cả buổi dưới mấy gốc cây bưởi da xanh, quýt «Tiều »
hay bên mấy ao cá rồi lại chép chép, ghi ghi.
Có lần đang cho cá ăn cạnh ao,
Thu hốt hoảng khi nghe bên tai một giọng nói của một người đàn ông rất ấm, nhỏ
và rất xa lạ.
- Thu khỏe hôn? Lúc nầy Thu đang
làm gì? Giọng của Thanh.
- Em đi dạy trường mầm non ngay
đầu vàm xóm mình nè. Còn anh?
- Tui công tác ở thành phố. Làm
nghành thú y. Mà lâu lắm rồi tui mới…
- Mới là sao?
- Mới nói chuyện với Thu. Hai nhà
kế nhau mà có dịp gì để nói chuyện. mà có nói thì cũng chẳng biết nói gì. Thanh
cười khanh khách.
- Ừa, Em cũng vậy. Thôi em vô.
Mai mốt có «dìa» qua nhà em chơi.
- Qua thì dễ nhưng tui ngán cái
nết bác hai bên «bển» quá. Lỡ qua chơi bác «phang» cho một tràng thì «lạy ông
Tám dìa sớm». Thanh lại cười.
Riết rồi thành quen. Cứ mỗi khi
gở đến tờ lịch ngày thứ Bảy, Thu lại nghe lòng rộn ràng chờ đợi rất khó tả. Khi
chiều về Thu lại trông đứng, trông ngồi cái dáng thư sinh trên chiếc xe hon đa
về phía đầu vàm. Và cứ y như rằng chiều
thứ bảy là Thư cho cá ăn rất sớm hơn mọi ngày và bên kia hàng rào trồng mồng
tơi là bóng dáng của Thanh với biết bao câu chuyện trên đời. Chuyện quê có.
Chuyện nông thộn có. Có nhiều lúc trời chạng vạng tối mà cả hai vẫn chưa muốn
rời nhau. Và chỉ có khi nghe giọng ông Hai ớt vang lên «Thu à. Tối rồi sao bây
chưa vô vậy cà?» hay có lúc là tiếng ông ba Né sang sãng «Thanh à. Bây làm cái gì mà tới giờ hổng vô
ăn cơm, ăn nước hết ráo vậy» thì cả hai mới bước vào nhà với nụ cười hạnh phúc.
Tất cả đều không thể qua mắt hai ông già Nam bộ cạnh nhà nhau.
Mới đó đã ba năm. Cái điệp khúc
hạnh phúc «miệt vườn» cứ tái đi, tái lại mỗi tuần. Tháng rồi Thanh đã đem chuyện cưới hỏi thưa lại với ba mình
với thái độ dè dặt có, lo âu có.
- Bây thương nó. Nó thương bây
thiệt bụng, thiệt dạ thì tao qua «bển» nói chuyện với người ta. Họ chịu thì
mình coi ngày qua cưới hỏi đàng hoàng. Má bây mất lâu rồi. Nhà đơn chiếc quá. Có thêm con dâu để vui nhà,
vui cửa. Vã lại hai nhà kế nhau tiện đủ chuyện hết. Con nhỏ vừa làm dâu, vừa
làm con gái hai bên. Được quá đi chớ. Nhưng mà tao ngán cái mặt hầm hầm của cha
nội bên đó quá, Cũng là gà trống nuôi con như tao mà «chả» khó khăn thấy bà
nội.
- Dạ để con qua «bển» dọ ý trước
rồi báo lại cho ba.
Mọi chuyện tưởng đã xuôi chèo mát
máy khi ông hai Ớt gật đầu cái rụp với nụ cười «hai lúa». Gái lớn lên thì
phải có chồng chớ. Chuyện nầy quá đỗi bình thường. Mà ngẫm ra thằng rễ tương
lai là kỹ sư đàng hoàng chớ phải vừa đâu. Hổng khoái, hổng ưng mới là lạ. Vậy
mà… Hôm nay mọi chuyện trở nên khó xử bởi mùi hôi thúi của chuồng heo nhà «anh
sui hụt».
Bên kia nhà ông ba Né, Thanh cùng
với ba người thanh niên đang hì hục lắp đặt hệ thống sử dụng khí bi o ga từ mấy
cái chuồng heo to tướng. Ngồi dưới gốc cây bưởi da xanh, Thu ngồi khóc tấm tức,
thỉnh thoảng lại nhìn chăm chăm vào nét mặt khắc khổ của ông ba Né. Thu nghĩ:
chắc ông cũng khổ tâm vì cái chuồng heo bốc mùi nầy. Nguyên nhân cũng tại thằng
Thanh đi công tác tuốt luốt ngoài Hà Nội mấy tuần liền. Dù đã cố gắng nhưng với
đôi chân đầy thương tật chiến tranh, ông đã không quét dọn kịp thời mấy cái
chuồng heo nồng nặc mùi hôi. Nghĩ đến đó Thu thấy thương ông nhiều quá.
Mới hôm qua đây, đợi Thanh về đến
đầu vàm, Thu đã chặn xe nhét vội vào túi Thanh một lá thư đầy nước mắt «Anh đi
đâu mất tiêu vậy. Ba tui đổi ý hổng gả tui cho anh nữa. Chung qui chỉ tại cái
chuồng heo. Anh liệu mà tính. Tui. Thu»
Đêm đó Thu không ngủ được vì dỗi
hờn, vì buồn tủi lẫn lo âu. Bên kia hàng rào, Thanh cũng không ngủ chắp tay sau
lưng đi ra, đi vào rồi dòm lom lom vào mấy cái chuồng heo đắn đo tính toán.
Sáng nay, nghe tiếng í ới bên nhà
ông ba Né, ông hai Ớt ngó lia lịa qua nhà hàng xóm với suy nghĩ: Ủa? bên «bển»
mần gì vậy ta? Sao thấy đồ đạc và người ta lu xu bu vậy cà. Nửa tiếng đồng hồ trôi qua, ông chợt hiểu ra, nhà hàng xóm
lặp đặt mấy cái túi khí «phân heo». Càng nghĩ ông càng thấy mình hơi quá đáng.
Phải chi ông qua tìm hiểu nói chuyện phải quấy với «anh sui»; phải chi
ông đừng «ăn đàng sóng, nói đàng gió» thì đâu đến nỗi nầy. Cũng tại cái tánh nết
trời cho nóng như lữa đốt khiến ông nhột nhạt phút giây nầy. Hổng lẽ qua đó xin lỗi người ta. Không. Nếu
vậy thì người ta sẽ cười ông ra mặt. Còn không thì… Ngặt một chuyện là đám hỏi
xấp nhỏ tuần sau là tới. Tới đúng dịp tết Nguyên Đán mới khổ chớ. Quả là tiến,
thoái lưỡng nan.
- Bác hai ơi! Bác coi mùi hôi
thúi có còn hôn bác? Tiếng thằng Thanh vang lên từ phía hàng rào mồng tơi.
- Chưa biết nữa. Mà thôi con.
Thúi hay không cũng không sao. Tao thấy… thấy…
- Thấy lãng xẹt như ao nước đìa
phải hôn ba? Tiếng Thu xen vào
châm chọc.
- Lãng
ông nội mầy chớ lãng.
- Có gì đâu bác. Mấy tuần rồi, con đi công tác đột
xuất nên chậm làm mấy cái túi bioga, bác đừng giận ba con.
- Giận hờn gì. Tao mới là người có lỗi. Ảnh là thương
binh đi lại khó khăn, đáng lẽ tao phải qua “bển” tiếp ảnh, đã vậy còn nóng lên
ăn nói lung tung. Chút nữa tao nói còn Thu “mần” con gà mái đẻ để qua bễn xin
lỗi “anh sui”, sẳn dịp coi bây làm mấy cái túi khí “phân heo” ra làm sao.
- Trời đất. Thời buổi hiện đại, người ta kêu là túi
khí “bi ô ga”, ai lại kêu là túi phân heo. Người ta nghe cười chết ba ơi.
- Cười
cái thằng cha bây. Tao là nông dân, thấy sao kêu vậy, bày đặt sửa lưng hoài.
Ông cười kha khả.
- Chưa
đâu. Ngày mai, anh Thanh chuẩn bị bắt ống khí đốt qua nhà mình xài luôn, vừa
sạch, vừa tiện, vừa không tốn tiền.
- Vậy hả? Vụ
nầy ngon nghe. Hoan hô mấy chục con heo nhà “anh sui”. Hoan hô. Nhờ có mấy cái
chuồng heo mà tui với anh mới làm sui ngọt xớt. Tụi nhỏ nên duyên lành nhanh
chóng cũng từ mấy chục con heo. Hoan hô chuồng heo. Hoan hô bầy heo.
Đứng sau hiên nhà, ông Ba Né đã thấy, đã nghe tất cả.
Càng nghĩ ông càng thương cái người hàng xóm “thẳng ruột như ngựa”; miệng nói,
tay làm, tánh nóng nhưng hiền lành rất mực. Ổng đang mường tượng cái ngày đám
cưới của xấp nhỏ sắp tới, ông sẽ sánh vai cũng “anh sui” Trương Phi nhấp chén
rượu mừng trong niềm hạnh phúc vô biên.
Trương Thanh Liêm
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét