Trong quá trình phát triển của ca khúc tân nhạc
Việt Nam, tùy theo giai đoạn, thời đoạn, các dòng nhạc, các xu hướng trào lưu
âm nhạc có khi cùng song song tồn tại, có khi đối lập nhau, có khi vừa phân cực
vừa giao thoa với nhau, bổ sung hỗ trợ lẫn nhau, có khi hòa nhập vào nhau, hợp
lưu lại với nhau… Sự phân cực và giao
thoa giữa các dòng nhạc Việt trong 9 thập kỷ hình thành, tồn tại, phát triển ca
khúc tân nhạc Việt sẽ được trình bày theo từng giai đoạn, thời đoạn trong không
gian âm nhạc lưu hành:
1. Trong
giai đoạn tiền chiến 1930-1945:
Do sự khác biệt về nhân vật trữ
tình, đối tượng trữ tình, nội dung phản ánh và cả giai điệu của ca khúc mà phân
định thành ba dòng nhạc: nhạc hùng, nhạc đỏ, nhạc tiền chiến.
Nhưng ba dòng nhạc khác nhau này trong
quá trình hình thành, đồng hành tồn tại và phát triển thường giao thoa với
nhau. Rõ rệt nhất là sự gần gũi nhau giữa dòng nhạc đỏ (cách mạng) và dòng nhạc
hùng (yêu nước). Hai dòng nhạc nầy về giai điệu chủ yếu là hành khúc, về nội
dung ca khúc, chúng gặp nhau ở hai điểm là dân tộc và đấu tranh, nhất là vào
cuối giai đoạn, khi Mặt trận Viêt Minh ra đời (1941), nhiều nhạc sĩ nhạc hùng
tham gia vào phong trào Việt Minh và trở thành chiến sĩ Cách mạng hoặc chịu
ảnh hưởng của Mặt trận. Khi đó, dòng nhạc
hùng gần như hòa nhập vào dòng nhạc đỏ (Nên phải xác định chính xác thời điểm
bản nhạc được viết, mới xếp loại đúng dòng nhạc của nó, mà có rất nhiều ca
khúc, các nhà nghiên cứu âm nhạc không thống nhất về năm sáng tác!). Vì lúc này
hai dòng nhạc hòa vào nhau nên có nhiều ca khúc xếp vào dòng nhạc nào trong hai
dòng nhạc đó, nhạc hùng và nhạc đỏ, cũng được, như các bản nhạc của Lưu Hữu
Phước và nhóm Hoàng Mai Lưu: Tiếng gọi sinh viên, Hồn tử sĩ, Bạch Đằng giang, Ải Chi Lăng, Hội nghị Diên Hồng, Hờn Sông Gianh... Còn nhạc hùng và nhạc tiền chiến dù khác nhau ở
giai điệu (một bên là hành khúc, nhanh mạnh và một bên là trữ tình, nhẹ nhàng)
và nhân vật trữ tình (một bên là cái ta - công dân và một bên là cái tôi - cá
nhân), nhưng trong đối tượng trữ tình có một nội dung giống nhau là đề tài quê
hương.
Trước
1946, có những nhạc sĩ sáng tác cả ba dòng nhạc: Tô Vũ (Hoàng Phủ), Văn Cao, Hoàng Quý… Còn viết cả hai
dòng nhạc thì nhiều. Nhạc tiền chiến và nhạc
hùng có: Thẩm Oánh, Phạm Duy, Canh Thân, Phạm Ngữ, Nguyễn Mỹ
Ca, La Hối…; nhạc hùng và nhạc
đỏ là có: Lưu Hữu Phước và nhóm Hoàng Mai Lưu… Đặc biệt là Đỗ Nhuận có “bước
chuyển” sáng tác hai dòng nhạc này - nhạc hùng và nhạc đỏ, trong hai thời đoạn
khác nhau của cuộc đời mình (trước và trong - sau khi bị tù, 1943).
2. Trong
giai đoạn 1946-1954:
Trong giai đoạn 1946-1954, ở vùng kháng chiến,
thời điểm phân cực nhạc vàng - nhạc đỏ là đầu thập niên 50.
Năm 1946, hưởng ứng Lời kêu
gọi Toàn quốc kháng chiến, tuyệt đại đa số trí thức, văn nghệ sĩ
(VNS) bỏ chốn phồn hoa đô hội lên chiến khu gian khổ để đánh giặc bằng
ngòi bút và trí tuệ của mình. Cho đến cuối thập niên 40, nhiều tác phẩm
văn nghệ xuất sắc ra đời. Về văn xuôi có: Dân khí miền Trung của
Hoài Thanh, Một lần đến Thủ đô, Trận Phố Ràng của Trần Đăng, Đôi
mắt, Nhật ký ở rừng của Nam Cao, Làng của Kim Lân, Thư
nhà của Hồ Phương.... Về thơ ca, có Sáng tháng năm của Tố
Hữu, Tình sông núi của Trần Mai Ninh, Bên kia sông Đuống
của Hoàng Cầm, Đôi mắt người Sơn Tây, Tây tiến, Đôi bờ của Quang
Dũng, Dọn về làng của Nông Quốc Chấn, Sáng
mát trong như sáng năm xưa, Đêm mít tinh của Nguyễn Đình
Thi, Nhà tôi
của Yên Thao, v.v… Riêng âm nhạc, đa
số các nhạc sĩ đều tham gia kháng chiến, các nhóm nhạc nổi tiếng đương thời như Myosotis (Hoa lưu ly), Tricéa,
Đồng Vọng, Tổng Hội Sinh
Viên, Hoàng Mai Lưu… cũng vào chiến khu.
Họ là những nhạc sĩ thuộc nhiều xu hướng, trào lưu, nhiều dòng nhạc khác nhau
trước đây: nhạc hùng, nhạc đỏ, tình ca… đều hợp lưu về một mối: dòng nhạc kháng
chiến. Vì vậy, nhạc cách mạng được mùa với sự nở rộ của rất nhiều ca khúc về đề tài dân tộc, kháng
chiến, khẳng định tài năng của các nhạc sĩ nổi danh trước đó, đồng thời nảy
sinh nhiều tên tuổi mới cho nền âm nhạc dân tộc. Có thể kể ra: Phạm Văn Nhượng, Trần Dư, Vũ Khánh, Văn Chung, Lê Yên, Doãn Mẫn, Hoàng Quý, Phạm Ngữ, Đỗ
Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Canh Thân, Hoàng
Phủ (tức Tô Vũ), Hoàng Vân, Nguyễn Văn Thương,
Trần Hoàn, Phan Huỳnh Điểu, Dương Minh Viên, Ngô Huỳnh, Hoàng Việt,
Nguyễn Hữu Trí, Trần Kiết Tường, Phạm Duy, Hùng Lân, Đoàn Chuẩn, Hoàng Thi Thơ, Hoàng Giác, Võ Đức Thu, Văn Phụng, Trần Văn Khê, v.v…
Sự được mùa của ca khúc kháng chiến đánh dấu sự thực sự trưởng thành của
nhạc cách mạng, hay "nhạc đỏ". Tuy vậy, ngay trong số những nhạc sĩ
kháng chiến, nhiều người vẫn tiếp tục viết các ca khúc lãng mạn và được xếp vào dòng nhạc tiền chiến
như các nhạc sĩ: Trần Hoàn, Phạm Duy, Nguyễn Văn Tý, Hoàng Giác, Tô Hải, Tô Vũ, Ngô Huỳnh, Nguyễn Đức
Toàn, Huy Du, Việt Lang, Trần Văn Khê, Tử Phác, Văn Cao, Hoàng Việt, Đoàn Chuẩn,
Nguyễn Đình Phúc,…
Trong giai đoạn này, tại Pháp trong những năm 1949 tới 1951, hãng đĩa Oria đã thu một số đĩa nhựa 78 vòng tiếng hát của các ca sĩ Hải Minh, Bích Thuận, Hoàng Lan, Văn Lý những ca
khúc Hội nghị Diên Hồng của Lưu Hữu Phước, Chiến sĩ vô danh
của Phạm Duy, Tiếng thùy dương, Hòa bình 48 của Lê
Thương, Trách người đi của Đan Trường...
Rồi mùa sáng tác “vô tư” cũng qua đi. Từ đầu thập niên 50, do ảnh
hưởng của Cách mạng Trung Quốc (thành công năm 1949) và chủ nghĩa tư tưởng
mới xuất hiện của cách mạng Trung Quốc, đường lối văn học - nghệ thuật trong vùng
kháng chiến Việt Nam có nhiều thay đổi, trong đó có cuộc kiểm thảo chống
tư tưởng lãng mạn tiểu tư sản trong sáng tác. Trong văn nghệ (văn
chương, hội họa, sân khấu, âm nhạc…), các trào lưu sáng tác cổ điển, hiện
thực, lãng mạn, siêu thực ... bị hạn chế, và chính phủ động viên,
ưu tiên văn nghệ sĩ sáng tác theo phương pháp mới- chủ nghĩa hiện thực xã
hội chủ nghĩa. Âm nhạc cũng theo xu thế văn
nghệ chung đó.
Do
đó, sự phân cực âm nhạc bắt đầu: Trong vùng
kháng chiến, từ thập niên 1950, các dòng nhạc khác (không phải nhạc đỏ) bị
nghiêm cấm sáng tác và trình diễn, khi mượn khái niệm niệm “nhạc vàng" du
nhập từ phong trào "Bài nhạc mảu vàng" (huangse yinyue: hoàng sắc âm nhạc) thời
Mao Trạch Đông ở Trung Hoa để quy chụp lên chúng. Theo đó, chúng bị
coi "là thứ âm nhạc lãng mạn bi
quan, hoặc khêu gợi tình dục và những khát vọng thấp kém của xác thịt",
"ủy mị", “thiếu tinh thần đấu tranh cách mạng".
Rồi
chuyện đau buồn đã xảy ra mà thực tình không muốn kể dài dòng ra đây. Nhiều VNS
theo chủ nghĩa dân tộc thuần túy tham gia kháng chiến đã dao động; một số
không viết nữa hoặc viết cầm chừng; có người do hoàn cảnh riêng, do bị Pháp bắt, hoặc không
chịu được gian khổ kháng chiến đã bỏ “về tề" - về vùng Pháp chiếm đóng. Về
văn học có Tô Kiều Ngân, Đinh Hùng, Chu Tử, Vũ Hoàng Chương, Sao Mai (Tần Khải Minh), Thanh Hữu (Lê Trung Hậu)… Về âm nhạc
có Hoàng Thi Thơ, Hùng Lân, Đoàn Chuẩn, Hoàng Giác, Phạm Duy (sau khi
viết Bên cầu biên giới được coi mang tư
tưởng lãng mạn tiểu tư sản của dòng “nhạc đục" không phù hợp với dòng “nhạc trong" của Kháng chiến), v.v...
Còn ở vùng đô thị, sự phân cực giữa hai dòng
nhạc sớm hơn. Từ cuối năm 1946, khi Pháp tái chiếm Việt Nam, dòng nhạc cách
mang bị xếp vào nhạc cấm. Nhưng ngoài nhạc hùng và nhạc tiền chiến 1930-1945,
chính quyền Pháp vẫn cho lưu hành các ca khúc trữ tình được sáng tác trong giai
đoạn này của các nhạc sĩ đang tham gia kháng chiến, như: Văn Cao, Tô Vũ, Trần Hoàn,
Nguyễn Văn Tý, Việt Lang,
Tử Phác, Tô Hải, Ngô
Huỳnh, Nguyễn Đức Toàn, Huy Du, Trần
Văn Khê, Hoàng Việt, Nguyễn
Đình Phúc… Ngoài ra, còn có những ca khúc trữ tình mới, viết
theo phong cách nhạc tiền chiến của các nhạc sĩ ở lại thành, không vào chiến khu ngay
từ đầu, như: Lê Thương, Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, Lâm Tuyền, Thông Đạt, Lê Hữu Mục, Cung Tiến, Lê Mộng
Nguyên, Phạm Mạnh Cương, Trần Trịnh, Y Vân,
Lam Phương, Nguyễn Hữu Ba… Hay của các nhạc sĩ đi kháng chiến hoặc tản
cư rồi “về thành” như: Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Hùng Lân, Đoàn Chuẩn,
Hoàng Thi Thơ, Hoàng Giác, Văn
Phụng…
3. Trong giai đoạn 1954-1975 ở Miền Bắc và vùng Giải phóng Miền Nam:
Do nhiều nguyên nhân có thể giải thích được, người
ta đã xếp loại tất cả những dòng nhạc không phải nhạc Cách mạng (nhạc đỏ) như tình khúc , nhạc
xanh , nhạc tiền chiến, du ca, hay nhạc "tâm lý chiến"... đang lưu hành ở vùng đô thị Miền Nam đương thời đều là nhạc vàng
cả. Nguyên nhân sâu xa là: lý luận phân cực thô sơ mà các giới chính
trị, trí thức và bình dân gặp nhau: không tốt thì xấu, không ta thì là
địch; phe ta thì phải tốt, phe địch thì phải xấu; điệp viên ta thì phải
thông minh tài trí, bọn gián điệp thì dữ dằn ngu dốt; Tấm thì phải thiện,
ngoan hiền, cuối cùng gặp sung sướng, còn Cám và bà dì ghẻ thì
phải ác, xấu xa, cuối cùng bị trừng phạt. Nên không nhạc đỏ thì phải
nhạc vàng, không có chuyện lưng chừng lôi thôi.
Giai đoạn âm nhạc này ở Miền Bắc
và vùng Giải phóng Miền Nam, nhạc
Cách mạng chiếm vị trí độc tôn (và một số
nhạc đấu tranh được sáng tác trong vùng đô thị Miền Nam), được phát trên đài,
trong sinh hoạt, trong các cuộc hội diễn, biễu diễn và các dòng nhạc khác bị
xếp loại nhạc vàng cả. Nhưng có một thực
tiễn đáng ngạc nhiên và đáng quý là nhà nước cho phép và hỗ trợ việc lưu
hành nhiều bản tình ca của Nga và Xô viết (dạng như tình khúc Việt bấy giờ đang
bị cấm đoán ở các vùng miền trên) như một dòng “nhạc xanh” tồn tại song song
với “nhạc đỏ” với sự yêu thích của công chúng Việt. Có thể kể ra một số ca khúc
nổi tiếng trong số đó: Cachiusa (thơ
Mikhail Isakovski) của Matvei Blanter; Chiều ngoại ô Matxcơva của Soloviov Sedoi; Đôi bờ (lời Grigorii Mikhailovich
Pozhenyan, nhạc phim Cơn khát) của
Andrey Yakovlevich; Thời thanh niên sôi nổi (thơ L. Oshanin,
nhạc phim Về phía đằng kia) của Aleksandra Pakhmu-tova; Cây
thùy dương (thơ Mikhain Pilipenko) của Evgenhi Podygin; Triệu bông hồng (thơ Andrey Voznesensky) của Raimond Pauls; Đàn sếu (thơ
Rasul Gamzatov) của Yan Frenkel; Tình ca du mục
(thơ Konstantin Podrevsky) của Boris Fomin; Chiều hải cảng của V.
Solovyov- Sedoi; Kalinka của Ivan
Petrovich Larionov…
Trong số các ca khúc Nga kể
trên, nhiều ca khúc do NSND Trung Kiên
viết lời Việt, trong đó có ca khúc nổi tiếng Triệu
bông hồng do nhạc sĩ Raimonds
Pauls phổ thơ của nhà thơ lớn Andrey Voznesensky. Sau này nó gắn liền với tên
tuổi của ca sĩ Ái Vân trong thập niên 1980. Theo ca sĩ Ái Vân, nhiều ca khúc nhạc Nga được đặt lời Việt đã giúp cho dòng
nhạc nhẹ vẫn tiếp tục chảy tại miền Bắc sau năm 1954. Trong hồi ký Để
gió cuốn đi, chị viết: “Sau năm
1954, các ca sĩ miền Bắc như Vũ Dậu, Thúy Hà, Mạnh Hà, Vân Khánh đã hát những
bài hát của Liên Xô như Kachiusa,
Chiều hải cảng, Cây bạch dương, Kalinka, Cuộc sống ơi, ta mến yêu người... với phong cách tươi trẻ không
khác gì nhạc nhẹ sau này. Dòng nhạc nhẹ vẫn âm thầm chảy với cái áo khoác che
chắn của nhạc đỏ”.
4. Trong giai đoạn 1954-1975 ở
đô thị Miền Nam:
Sự phân chia ca khúc ở vùng đô thị miền Nam lúc này
thành 6 dòng nhạc như trên chỉ là đễ dễ tiếp cận thôi. Thực ra, ở đây lúc đó,
sáng tác ca khúc đa dạng và phong phú hơn nhiều, còn có các dòng nhạc khác như:
hùng ca, dân ca, tình ca quê hương, nhạc tôn giáo… trong vườn hoa âm nhạc nhiều
hương sắc.
Tuy nhiên, đương thời, có sự phân cực giữa các dòng nhạc mà phổ biến nhất là sự đối lập giữa
hai loại nhạc đang hiện hữu: nhạc
sang và nhạc vàng, là phân định
theo chất lượng nhạc và giai tầng người tiếp thụ: nhạc sang (tình khúc, nhạc tiền chiến, phản chiến…) được
giới có học: sinh viên, trí thức… yêu
thích và nhạc vàng (còn gọi là nhạc trữ
tình bình dân) được giới bình dân như: nông dân, thợ thuyền, lính, người
làm thuê… mê say.
Nhưng
không chỉ thế. Chẳng hạn,
trong nhạc trữ tình bình dân có sự phân biệt giữa nhạc vàng và nhạc sến. Điểm
khác biệt chính giữa "nhạc vàng" và "nhạc sến" là
"nhạc vàng" thường theo nhiều thể điệu Slow, SlowRock, Rhumba, Ballade,
Bolero… chịu ảnh hưởng của Thánh
ca Công giáo, chậm buồn, đều đều và mang phong cách thính
phòng, hát
bằng giọng Bắc chuẩn, còn "nhạc sến" thường chỉ theo điệu
Bolero, âm hưởng dân ca, hát bằng giọng Bắc pha hay giọng địa phương (tùy theo
điệu dân ca, nhưng chủ yếu của Nam Bộ), về sau thường hay được hát bằng giọng
Nam, hợp hơn với tầng lớp bình dân ở Nam bộ. "Nhạc vàng" thường phối
nhạc phương Tây sang trọng hơn, có thể nói đến chia ly, cô đơn, nhưng cách thể
hiện không sướt mướt, sến sẩm, ủy mị, quằn
quại, khổ đau, bi lụy, sầu thương, rên rỉ…, ca từ cũng dung dị, dễ hiểu, mà
không dễ dãi, ước lệ, sáo rỗng… và nội dung
không nói về đồng quê, nghèo khó, hay kể một câu chuyện… như "nhạc sến”.
Hoặc một dòng nhạc được giới chuyên môn
tách ra thành nhánh Tình ca quê hương, do chủ đề rộng về quê hương
đất nước hoặc về làng quê, đậm chất dân ca cả ba miền, không có chất sến, hát
theo giọng địa phương, như nhạc của Hoàng Thi Thơ, Thanh Sơn…, nhưng thường
được thể hiện bởi các giọng hát “nhạc vàng”, "nhạc sến" nên được gộp chung vào nhạc vàng, có khi là nhạc
sến. Và ngay cả trong loại nhạc sang cũng
có sự phân biệt giữa nhạc phong trào
(nhạc phản chiến, du ca…) với nhạc thời thượng
bấy giờ (nhạc trẻ, tình khúc, nhạc
tiền chiến…).
Và
cũng là nhạc của giới trẻ, được giới trẻ say mê
trong thập niên 60, nhưng khác với dòng
nhạc trẻ phổ biến nói ở trên, "kích động nhạc" là loại nhạc
"giật gân", sôi động như
twist hay rock and roll, thường thường viết về người
lính cộng hòa, nó gần với nhạc tâm lý chiến hơn, chứ không “vô tư” như nhạc trẻ. Nhưng vài dòng nhạc (không phải tất cả) có
sự gặp nhau tạo nên phần giao chung. Trong đó, có phần giao giữa nhạc vàng và nhạc tâm lý
chiến. Như đã nói, đề tài chủ yếu phổ biến của nhạc vàng
là: Tình - Lính và Quê hương, nên mảng nhạc về lính của nhạc vàng và mảng tình ca về
lính của nhạc tâm lý chiến là rất gần nhau, tuy không phải là trùng khớp nhau.
Các nhạc sĩ được xếp chung vào dòng nhạc phản chiến có phần giao là chống chiến
tranh, mong muốn hòa bình cho dân tộc, nhưng xét cho cùng, có một sự phân cực
giữa các dòng nhạc này, nhất là quan niệm về chiến tranh và mục đích chống chiến tranh không phải giống nhau. Các
nhạc sĩ là các chiến sĩ cách mạng “nằm vùng” như Trần Long Ẩn, Tôn Thất
Lập, Trương Quốc
Khánh, Nguyễn Văn Sanh… là chống chiến tranh xâm lược, đấu tranh cho hòa
bình thống nhất Tổ quốc. Các nhạc sĩ theo chủ nghĩa dân tộc thuần túy (yêu nước
không đảng phái chính trị) như Trịnh Công Sơn, Lê Hựu Hà, Nguyễn Phú
Yên… là chống chiến tranh gây tang tóc cho quê hương, đau khổ cho đồng bào. Còn
một số nhạc sĩ có quan điểm chính trị phức tạp như
Phạm Duy thì đối cực rõ ràng với hai nhóm nhạc sĩ trên: vừa viết ca khúc
phảnchiến, nhưng lại
vừa viết những bài hát ca ngợi chế độ, ca ngợi hình ảnh và chiến công của người
lính cộng hòa. Phạm Thế Mỹ, nhạc sĩ được hâm
mộ trong dòng nhạc vàng lại viết cả nhạc phản chiến lẫn nhạc ca ngợi hình ảnh
oai hùng, phong sương của anh lính chiến.
Còn
phần giao giữa nhạc phản chiến và nhạc du ca cũng rất lớn, có khi gần như trùng nhau,
chồng khít lên nhau, bởi dù đứng ở góc độ khác nhau nhưng đều
muốn “dùng tiếng hát chung
của cộng đồng để xây đắp một quê hương hòa bình, tươi sáng" (trích Tôn chỉ của Phong trào du ca). Phong trào phản chiến của sinh viên, học sinh thường hát
những ca khúc du ca, trong khi các đoàn du ca lại có những bài ca sinh hoạt là
nhạc phản chiến. Hai dòng nhạc này, nhất là nhạc phản chiến vào cuối giai đoạn,
đã hòa nhập với dòng nhạc giải phóng, cách mạng góp phần động viên, cổ vũ quần
chúng tham gia vào công cuộc thống nhất đất nước. Nhiều NS tiêu
biểu như Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập… lại thành công ở cả bốn dòng nhạc:
tình ca, du ca, phản chiến và cách mạng. Trịnh Công Sơn viết rất nhiều thể
loại: nhạc phản chiến, du ca, tình khúc và sau này là nhạc trẻ… Riêng Phạm Duy
lại có nhiều thành tựu trong hầu hết các dòng nhạc, các thể tài âm nhạc VN hiện
đại: nhạc tiền chiến, nhạc đỏ, nhạc phản chiến, nhạc trẻ, nhạc lính, du ca, tình
ca, bình ca, tâm ca, nữ ca, nhi đồng ca, sau này là đạo ca…
Một điều thú vị: Hai dòng nhạc
trữ tình - tình khúc và nhạc vàng, “đối cực” về thính giả, nhưng có khi “đồng
nhất” về tác giả.
Một số NS chuyên sáng tác nhạc vàng nhưng cũng có những ca khúc được xếp vào tình
khúc, như một số bài hát của các NS Hoàng Thi Thơ, Y Vân, Nguyễn Văn Đông, Phạm Thế Mỹ, Song Ngọc, Lam Phương, Anh Bằng,... Ngược
lại, một số NS trước đã nổi tiếng với tình khúc lại thành công trong nhiều bản
nhạc vàng. Như Phạm Mạnh Cương của tình ca Thu ca (1953) bất hủ, sau nầy viết Tình
mùa phượng thắm (1961), Tháng bảy mưa ngâu (1964)… Hoặc
Trần Trịnh của tình khúc Lệ đá nổi tiếng đã viết nhạc vàng
cùng Nhật Ngân trong bút hiệu Trịnh Lâm Ngân: Mùa xuân của mẹ, Xuân này con không về…
Một
điều độc đáo: Bài thơ Màu tím hoa sim
của Hữu Loan được phổ thành khoảng 10 ca khúc thuộc các dòng nhạc bởi các nhạc
sĩ: Phạm Duy, Dzũng Chinh, Anh Bằng, Song Ngọc, Thu Hồ, Hồng Vân, Duy Khánh và
Trọng Khương... Trong đó, Anh Bằng phổ thành 2 bài hát: Chuyện hoa sim, Tím cả
chiều hoang, và 2 bản nổi trội nhất, được phổ biến rộng khắp ở 2 dòng nhạc là: Áo anh sứt chỉ đường tà (tình khúc) của Phạm Duy và Những đồi hoa sim (nhạc vàng) của
Dzũng Chinh.
Một điều đáng mừng: Trình độ thẩm mỹ của công chúng
ngày càng cao. Nhiều tình khúc của Trần Quang Lộc như Về đây nghe em, Có phải em mùa thu Hà Nội; của Đức Huy như Bay đi
cánh chim biển; của Trịnh Công
Sơn như Nhìn những mùa thu đi;
của Ngô Thụy Miên như Niệm khúc cuối; của Đynh Trầm Ca như Ru con tình cũ; của
Vũ Đức Sao Biển
như Thu hát cho người, Chiều mơ…
được phổ biến rộng rãi, được nhiều thế hệ, lứa tuổi, nhiều giới, kể cả giới tu
sĩ trong nhiều thời say mê hát. Ca khúc Thuyền em đi trong đêm của Nguyễn
Phú Yên xếp vào nhạc “trữ tình chiến đấu”, du ca, tình khúc đều hợp, thậm chí
giới bình dân chuyên hát nhạc vàng cũng thích bài hát nầy.
Một điều đáng mừng nữa: Có những bản nhạc bình dân
nhưng lại được nhiều giới yêu thích, chẳng hạn các bài Đường xưa lối cũ (Hoàng
Thi Thơ), Khúc ca ngày mùa (Lam Phương), Nửa đêm ngoài phố (Trúc Phương), Thương
hoài ngàn năm (Phạm Mạnh Cương), Nắng lên xóm nghèo (Phạm Thế Mỹ),
v.v… Cũng có bài nhạc bình dân nhưng có
những câu rất ý vị, nhân văn và xao động
lòng người, chẳng hạn: “Nếu anh có về khi
tàn chinh chiến. Xin em cúi mặt giấu lệ mừng
nghe em…” (Tạ từ trong đêm - Trần Thiện
Thanh).
5. Trong thời đoạn hậu chiến 1975-1985:
Sau thống nhất đất nước, do quan niệm về văn học -
nghệ thuật bị chi phối mạnh mẽ, hoàn toàn bởi định kiến chính trị, nên sự phân
cực giữa các dòng nhạc rất sâu sắc và phổ biến.
Lúc này, trong nước chỉ có nhạc cách mạng là dòng
nhạc duy nhất được coi là chính thống, được nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện để
phát triển và phổ biến rộng rãi. Các dòng nhạc không cách mạng
(trừ một số bản nhạc phản chiến, nhạc du ca và nhạc sinh hoạt) như nhạc tiền
chiến, tình khúc, nhạc vàng... đều bị
xếp là nhạc vàng, thậm chí là nhạc đồi trụy - phản động và bị cấm sáng
tác, lưu hành, biểu diễn hoàn toàn vì không phù hợp với chủ trương. Công chúng
được giáo dục, tuyên truyền tránh xa các loại hình văn hóa đồi trụy, phản động,
trong đó có ca nhạc, là tàn dư độc hại do chế độ cũ để lại và các ca sĩ cũ
được khuyến khích chuyển sang hát nhạc truyền thống cách mạng (nhạc đỏ).
Nhưng
như đã phân tích ở trên, đất nước thống nhất đã hợp lưu được nhiều nguồn sáng
tác và hợp nhất nội dung, đề tài sáng tác của các ca khúc.
Về
nguồn sáng tác thì có một lực lượng nhạc sĩ hùng hậu và
đa dạng hơn bao giờ hết với nhiều thế hệ nhạc sĩ, trong đó có lớp nhạc sĩ trẻ
có tài năng, mới bắt đầu sáng tác sau ngày Thống nhất, với nhiều nhạc sĩ thuộc
các dòng nhạc khác nhau trước đó: nhạc vàng, nhạc du ca, nhạc tiền chiến, nhạc
phản chiến, nhạc trẻ, nhạc giải phóng, nhạc cách mạng… quy tụ về một mối, đổ về
một dòng lớn hơn, dòng sông ca nhạc thời hậu chiến.
Còn nội
dung, đề tài của ca khúc được định hướng, thống nhất nhưng mở rộng hơn.
Ngoài những đề tài truyền thống của nhạc cách mạng như người lính và chiến đấu,
ca khúc thời đoạn này khai thác, phản ánh và biểu hiện các đối tượng trữ tình
phong phú hơn và gần gũi đời thường hơn của dân chúng: tình yêu quê hương, đất nước; tình cảm gia đình, lứa đôi, bạn bè, đồng
đội…, đặc biệt ca khúc chính trị về hai đề tài xây dựng đất nước và bảo vệ biên giới
Tổ quốc vào cuối thập niên 70, được công chúng hân hoan và xúc động đón nhận.
Tình
cảm đằm thắm mà tha thiết của người Việt, không khí hừng hực của tinh thần dựng
xây quê hương và khí thế rực lửa của tinh thần chiến đấu vì Tổ quốc đã tạo ra
một công chúng đông đảo của ca khúc giai đoạn này, khi thỏa mãn được nhu cầu
tình cảm và đáp ứng được thị hiếu âm nhạc của họ.
Lúc
này, dòng nhạc hải ngoại do những nhạc sĩ Việt lưu vong sáng tác đã trở nên lạc
lõng. Là sự tiếp nối vài dòng nhạc ở Miền Nam trước 1975 (nhạc vàng, nhạc trẻ,
tình khúc…), ngoài đề tài cũ là tình yêu lứa đôi, đề tài phổ biến là thân phận
lưu vong, ngục tù, phản kháng… đã trở nên thành đối cực với dòng nhạc chính
thống trong nước. Đáng ghi nhận là thành công của một số ca khúc biểu biện tâm
trạng hoài nhớ quê hương của người Việt tha hương.
6. Trong thời đoạn đương thời - 1986 đến nay:
Sau
Đổi mới, 1986, đất nước Việt Nam có những biến đổi sâu rộng về cả mặt tinh
thần, tư tưởng lẫn văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội. Âm nhạc Việt “chuyển
mình” theo thời cuộc mới và ca khúc đương
thời đa dạng, phong phú hơn cả về nội dung, đề tài, thể loại, lẫn phong cách
thể hiện.
Về đội ngũ sáng tác, nhạc sĩ cũng đông đảo hơn
thời đoạn trước. Có đến năm thế hệ nhạc
sĩ cùng “nhập cuộc” sáng tác: Thế hệ nhạc sĩ
“lão làng” còn sống; thế hệ nhạc sĩ đã thành danh trước 1975; thế hệ
nhạc sĩ trưởng thành trong thời đoạn trước (thời đoạn hậu chiến) nay cũng đã
nổi tiếng với những phong cách riêng; thế hệ nhạc sĩ trẻ trưởng thành sau Đổi
mới và mới đây là một lớp nhạc sĩ trẻ hơn - thế hệ nhạc sĩ xuất hiện vào hai
thập niên đầu của thế kỷ XXI.
Đề tài, chủ đề của ca nhạc cũng sâu rộng hơn,
đặc biệt là thể hiện được bản chất của văn nghệ là phản ánh chủ nghĩa nhân bản
vào trong tác phẩm. Các ca khúc đường thời
thường viết về thân phận con
người, ngợi ca tuổi trẻ, thiên nhiên, hướng tới những giá trị nhân văn và hầu hết tập
trung vào quê hương, đất nước và tình
yêu đôi lứa.
Trong không khí “mở
cửa” và “đổi mới” ngày càng thông thoáng hơn, các dòng nhạc Việt trước 1975, và
kể cả nhiều bản nhạc hải ngoại được sáng tác sau 1975, đều được phổ biến, biểu
diễn (Dĩ nhiên là trừ những ca khúc tâm lý chiến chống Cộng trực tiếp). Điều
này tạo ra một thị trường âm nhạc hội nhập, giao hòa rất đa dạng, sôi động,
nhưng cũng vô cùng phức tạp và hỗn độn.
Đồng thời với sự giao
hòa đó, sự phân cực ca khúc trong nền âm nhạc thị trường đương thời cũng đã
hiện hữu và hiện hữu rất rõ rệt, nhưng không phải chủ yếu do chính kiến khác
nhau như trong các giai đoạn trước, mà cơ bản do
giai tầng, lứa tuổi, văn hóa và thị hiếu thẩm mỹ khác nhau của những người viết
nhạc và của các tầng lớp công chúng hưởng thụ âm nhạc. Ca khúc tân nhạc đang
lưu hành đương thời có thể quy về bốn dạng sau:
Trước hết là
dạng nhạc trẻ đương thời được
các nhạc sĩ, ca sĩ trẻ viết và được một bộ phận đông đảo lớp trẻ yêu thích.
Loại nhạc này thường khai thác các chủ
đề thất tình, hờn giận, oán trách, mẫu chuyện đời thường, có khi là vụn vặt…,
ca từ thường đơn giản, dễ dãi, có khi thô thiển, dung tục…, giai điệu chịu ảnh hưởng nhạc Hoa, Nhật, Hàn, Thái, hay nhạc Rock, Pop
ballad, Rap, Hip-hop, R&B, Dance remix… của phương Tây, và được thể
hiện bởi lối hát trẻ trung, hiện đại. Dạng nhạc được lớp trẻ ngày nay yêu thích
nầy có những vết chàm mà tác giả đã phân tích ở trên: nhạc “đạo”, nhạc nhái, nhạc “nghe bằng mắt”, nhạc thông tục, nhạc lai
căng “lợn cợn”…
Dạng nhạc thứ hai đang
khống chế thị thường ca nhạc hiện nay là nhạc
vàng được công chúng bình dân lớn tuổi và một bộ phận không ít trong giới
trẻ mê say. Bài hát được biểu diễn trong các chương trình của dòng nhạc này là
những ca khúc trữ tình bình dân ở miền Nam trước 1975 và cả những bài hát mới
cũng lặp lại những giai điệu cũ kỹ và nội dung yêu đương sướt mướt như thời xa
xưa trong dòng ca khúc đó, do những người trẻ bây giờ viết, nhưng theo kiểu “mì
ăn liền” không có giá trị nghệ thuật.
Dạng nhạc thứ ba có thể gọi
là dòng nhạc nhẹ chính thống đương đại,
do những nhạc sĩ tài năng thuộc nhiều thế hệ được đào tạo trường lớp sáng tác,
gồm những ca khúc giá trị đang được số
đông công chúng có học và một bộ phận giới trẻ yêu thích. Đó là những ca khúc
ca ngợi tình yêu con người, tình cảm lứa đôi, ý thức trách nhiệm đối với Tổ
quốc quê hương. Các nhạc sĩ chuyên nghiệp đã tiếp nhận và
chuyển hóa các thể loại nhạc quốc tế trong sáng tác và cả trong biểu diễn bằng
cách tăng cường âm hưởng dân gian- dân tộc trong giai điệu, hòa thanh và tiết
tấu cho phù hợp với thói quen thẩm mỹ của công chúng Việt Nam để sáng tạo nên những
ca khúc có giá trị nghệ thuật - nhân văn.
Sẽ là một thiếu sót lớn, nếu không nhắc tới một dạng nhạc
đang được lớp người
có học yêu thích: trí thức cũ (ở Miền Nam ), trí thức cách mạng (ở Miền Bắc),
lớp trẻ có văn hóa thời nay và một lớp người thuộc thành phần trung lưu am hiểu
về âm nhạc... Đó là dạng thường được họ gọi là “nhạc sang” tức là những ca khúc có giá trị nghệ thuật - tư tưởng
được viết từ thập niên 1930 đến 1975, vẫn còn tồn tại đến đương thời như "những bài ca không bao
giờ quên",
thuộc nhiều dòng nhạc: tiền chiến, nhạc hùng, tình khúc, nhạc trẻ, du ca, phản
chiến, trữ tình cách mạng…
Sau Đổi mới,
tình hình kinh tế chính trị xã hội trong nước đã biến chuyển theo chiều hướng
tích cực, vị trí, uy tín Việt Nam trên chính trường quốc tế được khẳng định,
kiều bào Việt ở nước ngoài, nhất là những người “tỵ nạn” đã có thay đổi trong cái nhìn, tâm tư về Tổ quốc,
đất nước và chán ngán lối hô hào, khẩu hiệu rỗng của những kẻ cơ hội, đầu tư
chính trị, nên giới nhạc sĩ Việt kiều cũng “tự nhận thức” lại về mình và về đối
tượng công chúng âm nhạc của mình. Họ không còn viết về các đề tài ngục tù, phản kháng, chống Cộng… như trong
giai đoạn trước nữa mà quay trở về đề tài muôn thưở của ca khúc: quê hương và
tình yêu lứa đôi.
Từ
khi Đổi mới, có sự giao lưu, nối kết giữa âm nhạc chính thống trong nước và
dòng nhạc hải ngoại và điều này thể hiện qua hoạt động sáng tác và biểu diễn
của các nhạc sĩ, ca sĩ trong và ngoài nước.
Trong
lãnh vực sáng tác, nhiều nhạc sĩ nổi tiếng ở trong nước đã tham gia thị trường
âm nhạc hải ngoại bằng những tình ca mới và lúc đầu, gần như các sáng tác mới
của họ chỉ được hát tại hải ngoại. Có những ca khúc của họ được trình bày và
nổi tiếng tại nước ngoài trước khi trở thành ăn khách trong nước. Thậm chí, có
một số nhạc sĩ ở trong nước nhưng đã trở thành tên tuổi ở nước ngoài, trước khi
những nhạc sĩ này được biết đến trong nước. Nhiều nhạc sĩ trẻ đã cộng tác thường xuyên và bán
độc quyền các ca khúc của họ cho các Trung tâm sản xuất ca nhạc ở hải ngoại.
Một số khác trong thời gian du học cũng sáng tác nhiều ca khúc cho thị trường
âm nhạc tại hải ngoại. Nhiều nhạc sĩ đã nổi tiếng từ trong nước, khi ra định cư
tại nước ngoài vẫn tiếp tục sáng tác và trở thành nhạc sĩ hải ngoại.
Từ đầu thập niên 90 của thế kỷ
trước, ngoài chủ đề tình yêu lứa đôi, nhiều nhạc sĩ hải ngoại tiếp nối dòng tình ca quê hương với
nhiều nhạc phẩm rung động lòng người. Trong đó, đáng trân trọng là hòa cùng tiếng hát vệ quốc trong nước, một số
nhạc sĩ hải ngoại đã viết những ca khúc chống xâm lấn biển Đông gây được tiếng
vang trong công chúng yêu nhạc và yêu nước cả trong và ngoài nước.
Từ
năm 2000, một số ca khúc nhạc hải ngoại bắt đầu được phép lưu hành chính thức
trong nước. Một số nhạc sĩ hải ngoại sau này về thực hiện nhiều dĩa nhạc, cũng
như hòa âm phối khí cho các ca sĩ và tham gia các chương trình văn nghệ trong
nước.
Trong
lĩnh vực biểu diễn, nhiều ca sĩ trong nước biễu diễn các ca khúc hải ngoại trên
sân khấu trong nước. Hầu hết các ca sĩ tình ca nổi tiếng trong nước đều đã từng
lưu diễn tại hải ngoại. Một số ca sĩ nổi tiếng sau này định cư tại hải ngoại
cũng tham gia sinh hoạt âm nhạc tại đây rồi trở thành “sao” và rất được nhiều
người mến mộ.
Trong
các thập niên 1990, 2000, các Trung tâm sản xuất ca nhạc ở hải ngoại đã phát
hành tới ngàn tựa CD với các giọng ca quốc nội nổi tiếng hát tình khúc và tình
ca quê hương, trong đó có nhạc hải ngoại và khiến cho những ca sĩ này rất nổi
tiếng trong giới người Việt tại nước ngoài.
Ở
chiều ngược lại, một số ca sĩ hải ngoại
sau này về định cư hẳn tại quê nhà hay thường xuyên hát trong nước, trong đó có
những ca sĩ nổi tiếng.
Có thể nói: Đó cũng là sự
hợp lưu giữa các dòng nhạc Việt
Nam đương đại. Và dòng nhạc hải ngoại thực tế đã trở thành một bộ phận của nhạc
nhẹ Việt đương thời.
Lê Thiên Minh Khoa
(Trích trong
cuốn sách “9 THẬP KỶ CA KHÚC TÂN NHẠC VIỆT NAM” - nghiên cứu & nhận định của Lê Thiên Minh Khoa, sắp xuất bản, quý
I.2019).
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét