|
Bìa sách "9 thập kỷ ca khúc tân nhạc Việt Nam" - Lê Thiên Minh Khoa |
Vào
cuối thập niên
1950, nhạc kích động châu Âu và Mỹ bắt đầu thâm nhập thị trường miền Nam. Đầu
những năm 1960 thì nhạc trẻ (còn gọi là nhạc
xanh) trở thành một hiện tượng của âm nhạc Việt Nam, đó là dòng “âm nhạc trẻ trung,
tươi mới, tự do”, "trẻ" cả về âm nhạc, nhạc sĩ (trừ
Phạm Duy), nghệ sĩ biểu diễn lẫn công chúng.
Thực tế,
nhạc trẻ bao gồm âm nhạc từ loại pop/rock nhẹ nhàng của Bread và The Carpenters, cho đến những bài hát yéyé của Pháp, và rock
nặng (heavy rock) của Mỹ. Gọi là nhạc trẻ cũng để
phân biệt với nhạc tiền chiến, nhạc vàng, tình khúc..., dù rằng
nhiều bản nhạc trẻ của Phạm Duy, Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, Khánh Băng... cũng
được xếp vào dòng tình khúc, được cả giới trẻ lẫn giới trung lưu, trí thức
ở Miền Nam thuở ấy say mê.
Bắt đầu là nhiều bản nhạc ngoại
quốc nổi tiếng được các nhạc sĩ đặt lời Việt rất thành công và có những ca khúc để
đời. Mở đầu cho trào lưu “Việt hóa” các ca khúc Âu
- Mỹ thời ấy có thể nói đến nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng, ông đã chuyển soạn lời Việt
cho các ca khúc được nhiều người yêu mến như: Búp bê không tình yêu (Poupée de cire, poupée de son), Gõ cửa ba tiếng
(Knock three times), Chuyện phim buồn (Sad movies), Lãng du (L’Avventura), Anh
thì không (Toi jamais), v.v... Sau đó nhiều nhạc sĩ khác, nhiều ban
nhạc, cũng đã soạn lời Việt cho nhiều ca khúc ngoại quốc khác: Phạm Duy, Quốc Dũng, Trường Hải, Jo Marcel, Kỳ Phát, Lữ Liên, Khúc Lan, Nam Lộc, Nguyễn Duy Biên, Tùng
Giang, trong đó có cả nhà báo
Trường Kỳ (cột chèo với Vũ Xuân Hùng), v.v...
Nhạc sĩ Nam Lộc "Việt
hóa" nhiều bản nhạc ngoại quốc thịnh hành đương thời bằng cách đặt lời
tiếng Việt: Trưng Vương khung cửa mùa thu (Tell laura i love her), Mây
lang thang (The cowboy's work is never
done), Dĩ vãng buồn (I’ll never fall in love again), Tình ca cho em (Good bye to love), Như mùa
thu lá bay (Ben), Chỉ là giấc mơ qua (Yellow Bird), Một thời để yêu (Les
amoureux qui passent), Phút bên em (L’Amour avec toi), v.v...
Thành công hơn cả là Phạm Duy, với
đa phần là nhạc Pháp, với giọng hát bằng
song ngữ điêu luyện của ca sĩ Thanh Lan, đã gây được ảnh hưởng khá mạnh mẽ
trong giới trẻ: Khi xưa ta bé (Bang bang), Tình cho không
biếu không (L'amour c'es pour rien), Hỡi người tình lara (Dr. Zhivago), Chuyện tình (Love story), Người yêu nếu
ra đi (If you go away), Cuộc tình tàn (Je sais), Himalaya, Ngày tân hôn (The
wedding), Em đẹp nhất đêm nay (La
plus belle pour aller danser),
Những nụ tình xanh (Tous les garcons et toutes les filles), Viễn du trong tưởng
tượng (En partant), Trong nắng trong gió (Dans le soleil et dans le vent), Nắng
đã tắt (Il est mort le soleil), Ôi giàn thiên lý đã xa (Chèvrefeuille que tu es
loin), Tình yêu mùa đông (J'aime bien l'hiver), Chàng (Lui), Nàng (Elle etait
belle), Chỉ cần một giọt lệ (Rien qu'une larme), Tiễn em nơi phi trường (Adieu
jolie candy), Gọi tên người yêu (Aline), v.v…
Sau đó, không chỉ dừng lại ở
việc hát nhạc ngoại quốc, nhiều nhạc sĩ tự sáng tác các bản nhạc trẻ với
tiết điệu nhanh và lạ, lời ca dễ hiểu, gần gũi. Những người đầu tiên có
thể kể tới là Phạm Duy, Khánh Băng, sau đó là
các nhạc sĩ khác như Quốc Dũng, Lê Hựu Hà, Tùng Giang, Nguyễn Trung Cang, Ngọc Chánh, Jo Marcel, Trường Kỳ,
v.v …
Từ giữa thập niên 60, nhiều ban
nhạc trẻ được thành lập, như Les Fanatics
của Công Thành, Spotlights của Tuấn
Ngọc, Les Vampires của Đức Huy, và
nhạc sĩ Lê Hựu Hà với nhiều ban nhạc trẻ
nổi tiếng: Hải Âu (1965), Phượng Hoàng (cộng tác với nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang và ca sĩ Evis
Phương - 1970) và sau đó là Mây Trắng.
Ông còn viết nhiều ca khúc nhạc trẻ rất được ưa chuộng như: Tôi muốn, Lời người điên, Hãy nhìn xuống chân, Bài
ca tuổi trẻ, Yêu người yêu đời, Hãy ngước mặt nhìn đời, Đôi
khi ta muốn khóc...
Nhưng trước đó, khoảng năm 1962, Khánh
Băng đã viết rất nhiều ca khúc có tiết tấu nhanh, sôi động, gần như thể
loại nhạc kích động sau nầy, được coi là những bài nhạc trẻ đầu tiên ở Việt
Nam: Sầu đông, Có nhớ đêm
nào, Tiếng mưa rơi..., đặc biệt bài Sầu đông
có thêm lời tiếng Pháp và tiếng Anh, trong đó lời tiếng Pháp do chính
ông viết.
Tới năm 1971, Đại hội nhạc trẻ đầu tiên được tổ chức tại
sân Hoa Lư do Trường Kỳ, Tùng Giang và Nam Lộc đứng ra chủ trì và sự hợp tác của nhạc sĩ Phạm Duy, với gần 20 ban nhạc quốc tế của Mỹ, Phillippines và
Việt Nam tham gia. Sự thành công của đại hội nhạc trẻ đầu tiên ở Sài
Gòn đã đẩy mạnh nhạc trẻ lên cao độ.
Tiếp theo đó nhiều đại nhạc hội
khác được tiếp tục được tổ chức: năm 1971 tại trường trung học Taberd với hơn
10.000 người nghe, năm 1974 tại Thảo
Cầm Viên với trên 20.000 khán giả.
Năm 1973, Phạm Duy, Ngọc Chánh và Thanh Lan đi dự Đại hội âm nhạc quốc tế tại Tokyo, tại đây bản nhạc trẻ Tuổi biết buồn của Phạm Duy được lọt vào chung kết.
Thuộc thế hệ nhạc sĩ đi trước từ rất lâu, nhưng Phạm Duy vẫn được coi là người đứng đầu và có những đóng góp lớn cho phong trào nhạc trẻ với những sáng tác nhạc trẻ Việt và đặc biệt ca khúc nhạc ngoại lời Việt của ông được cho là nhiều nhất và thành công nhất thời bấy giờ.
Có người cũng xếp "Kích động nhạc” vào dòng nhạc trẻ, nhưng thực chất 2 dòng nhạc nầy hoàn toàn khác nhau: "Kích động nhạc" là loại nhạc "giật gân", sôi động như twist hay rock and roll thường viết về đề tài người lính Việt Nam Cộng hòa, gần với nhạc tâm lý chiến hơn, chứ không “vô tư” như nhạc trẻ mà hai ca sĩ nổi tiềng trở thành cặp bài trùng của loại nhạc nầy là Hùng Cường - Mai Lệ Huyền.
(Kỳ tới: Nhạc du ca 1966-1975 ở Miền Nam).
Lê Thiên Minh Khoa
(Trích trong cuốn sách “9 THẬP KỶ CA KHÚC TÂN NHẠC VIỆT NAM” -
nghiên cứu & nhận định của Lê Thiên Minh Khoa - 2018).
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét