ĐỜI TƯ CÁC VỊ HOÀNG ĐẾ là tập V của bộ
sách "CHUYỆN CÁC VỊ VUA TRUNG QUỐC" do Nhà xuất bản Văn hoá
Thông tin - Nhà sách Bảo Thắng liên kết xuất bản, giới thiệu các gương mặt hôn
quân vô đạo trong gần một trăm quân chủ phản diện mà bộ sách đề cập. Nếu các tập
trước bạn đọc đã làm quen với những vị hoàng đế hoặc ít hoặc nhiều có những
cống hiến nhất định trong lịch sử Trung Quốc nhưng vì một vài lý do nào đó:
Hoặc kiêu căng ưa xiểm nịnh, hoặc không thể vượt quá phạm vi mà điều kiện lịch
sử cho phép nên buộc phải rời khỏi vũ đài chính trị, thì ở tập sách này bạn đọc
sẽ gặp những vị hôn quân ngu muội, bạc nhược, với những việc làm xằng bậy, quái
đản dẫn đến sự diệt vong của một vương triều mà trước đó tổ tiên của họ đã cống
hiến nhiều cho lịch sử Trung Quốc.
Trước hết phải nhắc đến Lưu Sưởng, vị hoàng
đế cuối cùng của vương triều Nam Hán, đã tự phế truất cơ nghiệp của ông cha
bằng những việc làm xằng bậy, những điều luật quái gở, những hành vi hoang dâm
vô đạo trong quãng đời xưng "trẫm" của mình.
Lịch sử phong kiến Trung Quốc nói riêng, lịch sử phong kiến thế
giới nói chung hẳn không có vị đế vương thứ hai ra điều kiện tuyển dụng làm
quan trong triều thì trước hết phải tự thiến, nếu không tự thiến được thì triều
đình sẽ thiến hộ như hôn quân Lưu Sưởng. Và cũng không có vị đế vương nào lại
tuyển dụng những ai thật đẹp trai, thật giỏi chuyện ái ân vào
cung "hầu hạ chuyện gối chăn" với những phi tần được vua
sủng ái. Vậy mà hôn quân Lưu Sưởng lại làm cái chuyện quái đản ấy. Tệ hơn nữa,
đốn mạt hơn nữa, tên hôn quân vô đạo này lại thích thú những trò quái
vật: Chung chăn gối với thần dân trăm họ bất kể thân phận sang hèn ra sao,
miễn là y đạt được khoái cảm; hành lạc tập thể để y ngó nhìn bình phẩm,
tùy theo sự điêu luyện mà phạt roi hay ban thưởng...
Ngán ngẩm thay cho vương triều Hán với "thâm cung bí
sử" đã ẩn giấu biết bao chuyện xằng bậy của Hán Thành
ĐếLưu Ngao không chỉ đắm
chìm trong nhục dục với các phi tần mỹ nữ như: Hứa thị, Phi Yến, Hợp Đức... mà
còn “bắt” những thanh niên đẹp trai như Trương Phóng, Thuần Vu
Trường... vào hậu cung làm "thiếp yêu", khiến cả triều đình
dở mếu dở cười khi chứng kiến những mối tình chàng - chàng chướng tai gai mắt,
giờ lại thêm những "thú vui quái đản" của hôn quân Lưu Sưởng
khiến người đọc lắc đầu khi ngẫm về lịch sử vương triều Hán.
Hầu như suốt chiều dài lịch sử vương triều Hán, suốt từ thủa Lưu
Bang chém rắn phất cờ đến ngày Lưu Thiện nhục nhã quỳ gối dâng giang sơn xã tắc
cho dòng họ Tư Mã, không hiếm những hôn quân vô đạo kiểu như Lưu Sưởng với đời
sống tình dục quái đản, loạn luân, coi thường đạo lý nhưng có lẽ, chỉ có Lưu
Sưởng mới "nổi đình đám" với đạo luật quái gở và những thú
vui mất hết tính người như thế. Cuộc đời của y là cuộc đời độc nhất vô nhị của
kẻ hoang dâm vô đạo mà cổ kim chưa hề từng có.
Cao Vĩ, Hậu chủ Bắc Tề lại nghiện
những việc làm xằng bậy dẫn đến nước Bắc Tề vốn đang cường thịnh chỉ trong
khoảng thời gian Cao Vĩ chấp chính phải lâm vào cảnh đói nghèo tang tóc, dân
chúng oán thán, triều đình rệu rạo, để rồi triều chính phải "bàn giao
cho người khác, chịu chết thê thảm trong tay Vũ Văn Ấp". Vị hôn quân trẻ
con này đã không từ một việc làm bần tiện, vô học nào để đạt được những khoái
cảm rồ dại, những nhục dục thấp hèn. Đường đường là một đấng quân vương, vậy mà
Cao Vĩ lại bày trò chơi ngu muội: Vua đóng giả đầy tớ, ăn xin, bề tôi đóng
giả chúa thượng, người bố thí. Trong suy nghĩ của Cao Vĩ, Tư Mã
Trung thời Tây Tấn là kẻ ngu xuẩn vì đã hỏi cận thần câu hỏi quá ngớ
ngẩn: "Tiếng ếch kêu là của công hay của tư?". Hắn biện
rằng: "Có lẽ Tư Mã Trung chưa bao giờ trông thấy con ếch? Thằng cha
thật đáng thương! Như Cô gia đây vừa có khả năng làm vua, lại vừa có khả năng
làm thằng ăn mày, thử hỏi xưa nay mấy ai làm nổi?" Hắn thật khoan
khoái với suy nghĩ của mình nên càng hăng hái trổ tài ăn xin làm cho quần thần
phải dở khóc dở cười.
Đứng trước ba quân để uý lạo tướng sĩ. Cao Vĩ không làm được như
ông tổ của y là Cao Hoan cao giọng ngâm bài ca trước quân lính, để khích lệ ba
quân xông pha nơi chiến trận, mà y lại cười phá lên khi ba quân im phăng phắc
đang cúi đầu chờ hiểu dụ. Tiếng cười ngu xuẩn của Cao Vĩ đã thức tỉnh những
tướng sĩ đang mông muội trung thành với Bắc Tề: Không thể bỏ vợ, bỏ con xông
pha nơi chiến trận để giữ ngai vàng cho tên hôn quân vô lại! Lòng quân tan rã,
chỉ sau hai tháng (tháng 12 năm 577), hôn quân Cao Vĩ trở thành tù binh của Bắc
Chu, đưa vương triều Tề đi vào dĩ vãng.
Có người cho rằng, nếu Cao Vĩ nghe lời Hũ Luật Hiếu
Khanh nhìn nhận đúng mực đề nghị của trung thần: Thuộc lòng bài từ do Hũ
Luật Hiếu Khanh soạn rồi ngâm, lại thêm vài giọt nước mắt trước ba quân tướng
sĩ thì làm gì mà không giữ được tông miếu tổ tiên. Chúng tôi thì cho rằng, điều
đó không bao giờ có được, bởi một kẻ lấy thoả mãn nhục dục làm lẽ sống như Cao
Vĩ thì làm sao chú tâm tới việc quốc gia đại sự. Đứng trước nguy cơ nước mất,
bất chấp lời khẩn cầu thống thiết của Hũ Luật Hiếu Khanh: Hãy học thuộc bài Từ
rồi uý lạo tướng sĩ giữ vững cõi bờ, y vẫn đùa bỡn với Phùng Thục phi thì làm
sao mà nước không mất. Hơn nữa, bộ óc đần độn đến xơ cứng của y, một bài Từ
thật ngắn mà không nhớ nổi (Dưới chân thành, địch đánh dữ. Nguy nan lắm,
trông vào các ngươi. Tầng mây thấp, tầng sương dầy, phá được giặc rồi, ta cùng
vui) thì y làm sao giải quyết được việc quốc gia đại sự. Một hôn quân như
vậy thì nhà Tề sớm bị diệt vong là điều dễ hiểu.
Còn Bắc Tề
Văn Tuyên Đế Cao Dương lại là kẻ tâm thần, hành
động ngang ngược, cuộc đời của vị hôn quân này chỉ mải mê với hai thú vui đó là
uống rượu và giết người. Thời gian tiếm quyền ngồi trên ngôi báu, mỗi khi uống
rượu vào là Cao Dương thẳng tay chém giết. Để bảo toàn tính mạng cho những cung
nữ, hoạn quan hầu hạ Cao Dương và cũng nhằm để thoả mãn nhu cầu chém giết của
vị đế vương tàn bạo, Bộ Tư pháp buộc phải đưa những "tử tù",
thậm chí cả những kẻ phạm pháp nhưng chưa xét xử vào cung theo hầu Cao Dương đế
để mỗi khi tên hôn quân nổi "máu điên" sẽ có thú để “giải
sầu”. Thời gian đó "Bộ Tư pháp" Bắc Tề đưa ra một quy định: Những
phạm nhân đi theo nhà vua (một ngày) mà không bị giết thì coi như vô tội và
được tha. Thật là một điều luật nực cười, báo hiệu một thể chế chính trị thối
nát, đang rệu rạo chờ ngày sụp đổ.
Cao Dương không chỉ giết những cung ngự tù (phạm nhân cung cấp
cho nhà vua) những hoạn quan, cung nữ để mua vui mà với tất cả mọi người đều bị
y khinh rẻ "dù đó là mẹ đẻ, mẹ vợ, gươm trong tay, đầu thiên hạ, oán
hận có kể gì".
Tháng 10 năm 533, một hôm Cao Dương đột ngột đến nhà mẹ vợ
(thân sinh ra Hoàng hậu Lý Tố Nga - người được Cao Dương sủng ái), không
hiểu Lý phu nhân đã động đến dây thần kinh nào của Cao Dương mà y giật lấy cung
tên từ tay vệ sĩ bắn một phát trúng mặt Lý phu nhân, rồi quát: - "Trẫm
mà say thì bất chấp cả mẹ đẻ, mụ là cái thá gì?". Trước đó ít ngày, mẹ
đẻ của Cao Dương là Lâu Thái hậu vì thấy y suốt ngày uống rượu, say sưa chém
giết, bỏ bê triều chính nên cho gọi đến để nghĩ cách răn đe, vừa giơ gậy doạ
đánh thì tên hôn quân nghịch tử lớn tiếng mắng chửi: - "Đồ chết
dẫm! Định đánh trẫm hả? Ít hôm nữa sẽ gả ngươi cho bọn rợ Hồ, xem ngươi có còn
hung hăng nữa thôi". Thật là một tên hôn quân vô đạo, ngay cả
người đẻ ra y mà y còn ngang ngược xúc phạm thì thử hỏi xã hội có còn kỷ cương,
phép tắc?.
Lưu Dục, ông vua Lưu Tống thời Nam
Triều cũng là một vị vua hôn quân tàn bạo. Thời gian chấp chính của ông ta thật
ngắn ngủi nhưng với quãng thời gian ấy, Lưu Dục đã "kịp" làm những
việc kinh thiên động địa mà hậu thế sau này phải lè lưỡi lắc đầu. Trước khi
chết, Lưu Bị dặn con trai của mình là Lưu Thiện: - "Việc
thiện dù nhỏ, đừng nghĩ nhỏ mà không làm, việc ác dù nhỏ, đừng thấy nhỏ mà làm".
Hai trăm năm sau, Lưu Dục vị đế vương của triều Lưu Tống lại ngang nhiên bài
trừ việc thiện, chạy theo việc ác dẫn đến cái chết thê thảm, kết thúc cuộc đời
chuyên làm điều xằng bậy của y vào ngày 8 tháng 7 âm lịch năm 477.
Có thể nói, tính ngông ngênh, ngang ngược của Lưu Dục so với Cao
Dương có phần nào dễ chịu hơn, nhưng công bằng mà nói thì "kẻ tám
lạng người nửa cân" thật khó mà phân định.
Lưu Dục rất thích thú trong việc chém giết người, với hắn niềm
khoái cảm chỉ đạt tới cực điểm khi chứng kiến sự chết chóc, bị hành hạ thân xác
của người khác. Hắn ngang nhiên như Đôngkixốt dưới ngòi bút Xen Văngtéc điên
cuồng chém giết người dân vô tội trên đường hắn gặp. Hắn ngang ngược biến điện
Kim Loan thành nơi nuôi lừa, biến Long Sàng thành nơi buộc ngựa. Chốn tôn
nghiêm của triều đình, đã bị Lưu Dục biến thành nơi chăn nuôi súc vật: Cùng ở
với người, cùng thiết triều với Thiên Tử. Thật khó bắt gặp một vị đế vương khác
lại có thú chơi ngông cuồng và thất học như hôn quân Lưu Dục.
Hắn không chỉ thích chém giết người, thích nuôi lừa, nuôi ngựa ở
nội điện mà hắn còn thích ăn trộm con gái, ăn trộm súc vật của dân lành. Vụ
trộm nổi "đình đám" trong cuộc đời làm vua càn quấy của y đã được sử
sách ghi lại tiếng nhơ cho muôn thuở, đó là vụ trộm chó ở chùa Tân An vào ngày
7 tháng 7 năm 477, ngày mà âm lịch gọi là Khất Xảo. Hôm đó, sau cuộc mây mưa
tình ái với ái nữ của Hữu vệ Dực Liễn Doanh, hắn lặng lẽ cùng bọn du côn vào
chùa Tân An bắt trộm chó về làm thịt, rồi sai người đến chùa bắt vị sư trụ trì
chùa Tân An đến cùng ngồi uống rượu thịt chó. Vị cao tăng kia vì sợ oai Lưu Dục
đã không giữ được giới luật tối thiểu và ngay trong đêm ấy, vị "hỗn
thế ma vương" Lưu Dục đột nhiên bạo bệnh mà chết.
Cái chết của Lưu Dục đến giờ vẫn còn nhiều giả thiết được đặt
ra, nhưng cho dù thế nào thì vị "hỗn thế ma vương" chấm dứt sự hiện
diện ở cõi đời cũng là điều đáng mừng cho thần dân Lưu Tống, mở ra một trang sử
mới với vị đế vương mới, để rồi lại xuất hiện kẻ hôn quân mới. Nhưng dù thế nào
đi nữa, thì đó vẫn là điều tất yếu phải xảy ra trong trong dòng chảy của lịch
sử phong kiến Trung Quốc.
Đọc ĐỜI TƯ CÁC VỊ HOÀNG ĐẾ hẳn bạn đọc sẽ phì cười
khi "gặp mặt" mẹ con hôn quân Lưu Hồng -
ông vua thứ 12 đời Đông Hán, được người đời phong danh hiệu “Tổ sư của ngành
keo kiệt” - thi nhau mua quan bán tước. Chuyện tưởng chỉ có trong văn học
dân gian nhưng thật trớ trêu đó lại là sự thật được ghi chép rõ ràng, đầy đủ
trong chính sử Trung Hoa làm hậu thế (Trung Hoa) sau này phải gục đầu tủi nhục.
Làm Hoàng đế thì hết thảy tài sản trong xã tắc là của vua thì
Lưu Hồng cần gì tiền mà phải cho bán quan bán tước? Vậy mà Linh đế Lưu Hồng lại
làm cái việc mà từ thủa Bàn cổ khai thiên lập địa đến bấy giờ chưa ai dám nghĩ
đến chứ đừng nói dám làm. Với lối sống bản năng của những kẻ “đầu đường xó
chợ”, Linh đế Lưu Hồng không từ bất kỳ thủ đoạn nào để vơ vét tiền của của muôn
dân cho vào hầu bao, nhằm thoả mãn dục vọng bẩn thỉu, ti tiện của y. So đo tính
toán từng ly từng tý trong chuyện giành lợi lộc chưa hẳn đã là "biệt tài" duy
nhất của hôn quân thất học này mà Lưu Hồng còn nổi danh biến Ngự hoa
viên rộng mấy dặm trở thành kẻ chợ tấp nập chuyện mua bán, đổi chác từ
thượng vàng hạ cám tới nhân phẩm của con người. Nếu Lưu Dục, ông vua Lưu Tống
thời Nam Triều nổi danh với chiến tích biến điện Kim Loan thành nơi nuôi lừa,
biến Long Sàng thành nơi chăn ngựa thì với Lưu Hồng, Ngự hoa viên trở thành kẻ
chợ với thập cẩm trò nhố nhăng chối tai, nhức mắt, và đều tạo thành tiếng nhơ
muôn thủa trong lịch sử Trung Hoa về dòng họ Lưu lố lăng và đốn mạt.
ĐỜI TƯ CÁC VỊ HOÀNG ĐẾ đề cập đến mười lăm quân chủ phản
diện, đặc trưng cho đời sống sa đoạ và tàn bạo của những kẻ thường tự vỗ ngực,
xưng danh "thiên tử", thay trời hành đạo, chăn dắt con
dân". Thấp thoáng trong chốn thâm cung hào nhoáng mà sặc mùi son phấn là
những con quỷ đội lốt người, đắm chìm trong nhục dục, ra sức tác oai tác quái,
mất hết luân thường đạo lý, như: U Vương Cơ Cung Niết vì đắm say sắc đẹp của
Bao Tự mà thả hổ hại con, hay như Hán Hậu chủ Lưu Thiện ở ngôi mấy chục năm
chẳng làm nổi trò trống gì ngoài việc quỳ gối xưng thần, dâng nộp cơ đồ tông
miếu tổ tiên để kéo dài kiếp sống. Hoặc như Tấn Huệ đế Tư mã Trung là một ông
vua bù nhìn, đần độn ngu xuẩn đến lạ lùng. Mười mấy năm trời ngồi trên ngôi báu
chỉ để làm con rối cho thiên hạ giật dây. Chính lệnh ban ra đều do người khác
ban bố, khắp nơi đói rét, lại hỏi một câu kỳ quặc: - "Sao không ăn cháo
thịt?". Những ông vua như vậy thử hỏi làm sao mà sinh linh không điêu
đứng, loạn lạc không xảy ra, lòng người không ly tán!
ĐỜI TƯ CÁC VỊ HOÀNG ĐẾ là tập V của bộ sách CHUYỆN CÁC
VỊ VUA TRUNG QUỐC giới thiệu mười lăm quân chủ phản diện kiểu như vậy. Có
thể trong số mười lăm vị quân chủ đó, có vị đế vương ban đầu chưa phải là hôn
quân, đứng ở một góc độ nào đó họ có những đóng góp nhất định cho lịch sử Trung
Quốc, như Vương Mãng giành lấy chính quyền không phải để thoả mãn dục
vọng cá nhân mà để tái tạo "nền văn minh thượng cổ". Sau khi nắm
quyền thống trị, ông ta thực thi một loạt chính sách mới đi trước thời đại,
mang hình thái của chủ nghĩa xã hội (không tưởng)... Nhưng rất tiếc, những vị
đế vương có tài tề gia trị quốc như vậy không nhiều và những biểu hiện đó, nếu
có cũng không nhiều trong cuộc đời xưng đế của họ, để cuối cùng, họ trở thành
những kẻ hôn quân, hậu thế ngàn đời sau còn nguyền rủa.
Chúng tôi hy vọng với tập sách này, đặc biệt là qua thân phận và
những việc làm xằng bậy của những tên hôn quân trong lịch sử phong kiến Trung
Quốc, bạn đọc sẽ tìm ra được nguyên tắc sống cho mình, sao cho cuộc đời hữu
ích. Và chúng tôi cũng tin rằng bạn đọc sẽ tâm niệm cùng chúng tôi: Việc thiện
dù nhỏ đến mấy cũng cố mà làm, việc ác dù nhỏ thế nào cũng quyết không làm, để
cuộc đời này không có những kẻ hôn quân, hôn thần bất nhân bất nghĩa.
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc tập ĐỜI TƯ CÁC VỊ
HOÀNG ĐẾ do Trần Đình Hiến dịch thuật.
Hà Nội, ngày 12 tháng 02 năm 1997
Đặng
Xuân Xuyến
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét