|
Yên bình
Tranh đá Bảy Núi PVHN |
- Bà Nề ơi, thằng
Tâm nó lại đang nghịch phía bờ sông kia kìa. Ra nhanh đi kẻo nó xuống sông tắm
bây giờ.
Bà Nề đang lúi
húi thổi nấu dưới bếp, vội dập lửa, bỏ đó chạy ra mé bờ sông. Nhìn cái dáng bà
chạy sấp chạy ngửa, quần ống thấp ống cao, ai cũng lắc đầu ái ngại. Người ta
thương bà cả tuổi xuân thờ chồng nuôi con, giờ gần bảy chục tuổi đầu, tóc đã bạc
gần hết thì lại còng lưng nuôi cháu. Bà chạy ra đến bờ sông, chống gối thở hổn
hển, rồi kêu lớn:
- Ới Tâm ơi! Về
đây nhanh với bà. Về bà cho bánh này. Mày không về bà ăn hết đấy!
Gọi xong bà lại
vuốt ngực thở. Thằng Tâm đang lội bì bõm chỗ cát bồi ven sông, nghe bà nhắc đến
ăn bánh thì vội vàng lóp ngóp bò lên. Nó chạy đến bên bà Nề, hớn hở chìa hai bàn
tay còn lấm lem bùn đất ra xin. Nhìn khuôn mặt ngây thơ của cháu bà Nề ứa nước
mắt. Gần bảy tuổi rồi mà nó nhỏ thó như đứa lên ba lên bốn. Năm nay nó vào lớp
Một đây, mà bà chỉ sợ cháu nhỏ quá, sức theo không kịp các bạn. Thằng Tâm nhảy
choi choi bên bà như con chim sẻ vẫn hay nhảy trên sân nhà nó nhặt những hạt
cơm bà rải ra cho:
- Bánh đâu bà,
bà cho cháu xin ạ!
- Đi về rửa chân
tay sạch sẽ rồi bà lấy bánh cho, nha. Tay bẩn thế này mà ăn bánh, con giun nó
chui vào đục bụng đấy!
Nghe bà nói vậy,
thằng bé lè lưỡi ra chiều sợ, gật đầu rồi ngoan ngoãn để bàn tay bé xíu của
mình trong tay bà. Hai bà cháu dắt nhau về nhà trong bóng chiều chạng vạng.
Thằng Tâm ngồi ở hiên cửa ăn bánh ngon lành.
Nó vừa ăn vừa thảy vài mẩu bánh xuống sân cho con chó nhỏ đang chực sẵn. Mắt cười.
Miệng cười. Bà Nề lặng lẽ đưa tay áo chấm giọt nước mắt đang trào ra khi nhìn
thằng cháu nhỏ thó, còm nhom. Phải chi mẹ nó đừng bỏ đi như vậy thì bố nó cũng
không suy sụp đến nỗi bệnh càng nặng thêm rồi chết khi nó mới bốn tuổi. Lúc đó
nó còn nhỏ quá, đã biết gì là mất bố, mất mẹ đâu. Bà đến bên bàn thờ, thắp nén
nhang rồi lầm rầm khấn vái:
- Ông ơi! Con ơi!
Bố con ông sống khôn thác thiêng, phù hộ cho bà cháu tôi. Ông phù hộ cho tôi đừng
ốm đau lúc này, để tôi còn làm nuôi nó cho đến đầu đến đũa. Nha ông!
Rồi bà cứ đứng bần
thần bên bàn thờ mà nhìn mãi vào hình ảnh của người chồng quá cố. Ông với bà cưới
nhau chưa được một năm thì ông đi lính, kịp để lại cho bà giọt máu nối dõi là
anh Tính. Cha con chưa một lần biết mặt. Ông đi được ba năm thì bà ở nhà nhận
được giấy báo tử. Bà nhìn ông, nói như đang mơ:
- Thoắt cái đã mấy
chục năm. Chẳng biết tôi còn được mấy nỗi mà nuôi thằng cu Tâm. Mẹ nó thì chắc
đi luôn rồi.
Nhắc đến con
dâu, bà Nề lại giận sôi người lên. Lấy chồng thì lo vun vén cho gia đình, chồng
con, sướng khổ có nhau. Đằng này, chồng mới ốm được nửa năm, không đi làm được,
chị ta đã không chịu nổi khổ sở mà đành đoạn bỏ chồng bỏ con trốn đi không lời
từ biệt. Thằng Tâm nhớ mẹ khóc đến lạc cả giọng, hai mắt sưng mọng mà mẹ nó
cũng có về đâu. Bà Nề nghe người làng bàn ra tán vào rằng con dâu bà đi theo một
người đàn ông giàu có, bây giờ ăn sung mặc sướng, mặt hoa da phấn; khi thì người
ta lại đoán con dâu bà bị mụ Tú Bà nào đó dụ dỗ đi làm cái nghề bán trôn nuôi
miệng,… Bà không trực tiếp thấy nên không tin nhưng giận con dâu lắm. Chỉ nghĩ
một ngày nào đó mà gặp lại được chị ta bà sẽ chửi cho một trận, cho chị ta
không ngẩng mặt lên được, không dám vác mặt đi đâu. Loại đàn bà gì đâu mà đến cả
con đẻ ra không xót, chỉ biết nghĩ cho bản thân mình. Bà hay nói với thằng Tâm:
“Con mẹ Chi hư đốn, bỏ Tâm ở nhà để đi chơi, nó mà về bà cấm cửa, bà đánh đòn”.
Nói thì nói vậy chứ ngày con dâu mới bỏ đi, đêm nào đi ngủ bà Nề cũng để cổng
ngỏ. Giận thì giận chứ trong thâm tâm, bà vẫn mong con về, mong cho vợ chồng
con cái chúng đoàn tụ, cho thằng Tâm có đủ mẹ đủ cha chứ không phải thiếu thốn
như cha nó. Có nhiều đêm, nghe thằng cu Tâm ngủ mơ khóc gọi mẹ, bà vỗ dỗ cháu
ngủ rồi nằm trằn trọc mãi, lại trở dậy thắp hương, trò truyện với chồng. Bà hay
khấn ông phù hộ cho con dâu tìm được đường trở về. Vậy mà cũng đã ngót ba năm
con dâu bỏ đi rồi, nó vẫn mãi lầm đường lạc lối.
- A! Mẹ Chi về!
Mẹ Chi về!
Bà Nề giật mình
quay ra khi thấy cháu reo lên. Bà đưa tay lên day day hai con mắt kèm nhèm nhìn
ra ngoài sân tranh tối tranh sáng. Thằng Tâm ngồi gọn trong lòng mẹ, tay ôm chặt
cổ mẹ, miệng hôn tíu tít lên má lên trán mẹ, như thể không nhanh mẹ nó sẽ tan biến
đi mất vậy.
- Mẹ ơi, mẹ đi
lâu thế. Con nhớ mẹ lắm!
Đúng là mẹ nó đã
trở về. Con dâu bà, vợ thằng Tính đã về. Bà quá bất ngờ nên cứ đứng mãi như vậy
nhìn ra. Rồi bỗng nhiên, bao nỗi giận trong bà lại trào lên tận cổ. Bà nói lớn:
- Sao chị không đi
luôn đi còn quay về đây làm gì nữa!
Chị Chi vội đặt
con xuống, bước rụt rè vào trong nhà. Đứng trước bà Nề, Chi không dám ngẩng lên
nhìn mẹ chồng. Chị cúi gằm mặt, miệng lí nhí:
- Mẹ, con sai rồi!
Xin mẹ hãy tha thứ cho con…
Câu nói bị ngăn
lại bởi tiếng nấc và những giọt nước mắt đang lăn dài.
- Chị là con đàn
bà chẳng ra gì. Con thì bé tí tẹo thế này, chồng thì đau ốm vậy mà có xót gì
đâu. Thế mà giờ còn dám vác mặt về ư?
Nói rồi bà Nề
xông đến kéo tay con dâu ẩy ra ngoài cửa. Thằng Tâm thấy vậy, vội chạy lại ôm
chặt lấy mẹ nó. Nó ngước khuôn mặt giàn giụa nước mắt nhìn bà nội năn nỉ:
- Bà ơi, bà đừng
đánh mẹ Chi nhé. Mẹ Chi về rồi mà.
Bà Nề thấy cháu
vậy thì chẳng đành. Bà gạt nước mắt, nhuốt cơn giận vào trong, đưa tay vuốt tóc
cháu:
- Ừ! Đi không biết
đường về bà mới đánh, chứ biết đường về rồi bà không đánh nữa. Ở đời, ai cũng vậy,
không ít thì nhiều cũng đều có những sai lầm. Quan trọng là biết nhận ra lỗi
sai và sửa sai cháu ạ!
Bà nói vậy, cốt
là để cho con dâu nghe. Chẳng biết thằng Tâm hiểu được bao nhiêu nhưng nó chắc
chắn rằng bà sẽ không đuổi mẹ nó đi.
Chi nhìn lên bàn
thờ, nơi di ảnh của chồng, mắt ngân ngấn nước.
- Mình à! Em về đây
rồi, cầu xin mình tha thứ. Ngày đó em ngu muội…
Thấy con dâu nghẹn
giọng không nói tiếp thành lời. Bà nhẹ nhàng cất tiếng:
- Các cụ nói:
“Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”. Chuyện đã qua, đừng nhắc lại nữa.
Từ nay, con ở lại nhà làm lụng mà nuôi thằng Tâm. Mẹ cũng già rồi, chẳng con mấy
nỗi đâu.
Rồi bà quay lại
đốt một nén nhang nữa cắm lên ban thờ, thì thầm điều gì đó. Đoạn, quay ra giục
con cháu:
- Thằng Tâm lấy
thêm bát đũa, mẹ mày đi tắm rửa mặt mũi chân tay rồi ăn cơm kẻo muộn.
Lê Công Phượng
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét