- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
Tập thơ mới “Còn tin ở phía con người” (NXB Dân trí, 2020) của Khúc Hồng Thiện, giống “một phong thư mà nội dung của thư được nhiều người đón nhận”. Qua “phong thư” ấy, hẳn bạn đọc đều trân trọng và nhận thấy một phần bản thể chính mình trong đó?!
“Còn tin ở phía con người” là tập thơ in riêng thứ ba của nhà thơ Khúc Hồng Thiện, sau “Chênh chao tích chèo” và “Cùng nhau nhân từ”. Trong cả ba tập, bóng dáng thơ lục bát luôn hiển hiện, “ngạo nghễ”, nhất là tập “Chênh chao tích chèo” là một sự thuần túy khai hoa. Đến tập mới này, tác giả chỉ niêm yết một số bài với thể lục bát được tân tiến bằng cách ngắt nhịp, cách ngắt từ, cách xuống câu ấn tượng. Phải chăng thơ lục bát là “cốt túy hồn thơ dân tộc” mà Khúc Hồng Thiện thích viết, thích nghiền ngẫm hay còn những lý do cao siêu nào khác mà ta chưa thể biết. Nhưng dù với ý nghĩa nào thì làm thơ lục bát hay không phải ai muốn cũng viết được. Vậy nhưng Khúc Hồng Thiện đã viết được, làm được (mà không chỉ có thơ).
Trong “Còn tin ở phía con người” có những vần thơ tinh nghịch mà duyên dáng, hóm hỉnh và sâu sắc, mang tính “giễu nhại dân gian”, đôi lúc tưởng chừng nửa đùa nửa thật như để giảm bớt sự “mất lòng nhân gian”. Đơn cử bài “Hồng nhan tri kỷ bây giờ”, nhà thơ viết “Đậm son phấn, nhạt tâm hồn/ ca dao nhắc “tốt nước sơn…” chấp gì.” Hay trong bài "Em đừng kiêu quá" thì "phấn son rồi cũng nhạt nhòa/ em đừng kiêu quá để mà lỡ nhau".
Nhà thơ quan sát thấu đáo, trách nhiệm cộng với cái tình “dạn dĩ mưa nắng trổ hoa”. Những yêu ghét trân trọng, những phỉ nhổ trách trê, bao mặt người nhởn nhơ, “nháo nhác”, thói đời hợm hĩnh giả dối, lọc lừa… của đời trần được nhà thơ “khứ hồi”, “thi trung hữu họa” viên mãn vào tứ ngữ, phác họa được những bức tranh đa màu để độc giả mãn nhãn. Lối viết triết luận, tư duy đa chiều nhiều hướng cộng ngôn ngữ lúc sắc nhọn, gân guốc, dụ ẩn vi tế, lúc đời thường, dung dị. Trong “Hãy giữ ký ức tươi sáng”, anh viết “Sau này còn chút đắm mê/ vẫn mong gặp lại bờ đê năm nào/ người xưa dù có xanh xao/ thì xin cởi nút yếm đào đôi mươi!”.
Thơ ca là câu chuyện của trái tim nhưng không đơn giản của thứ ngôn tình "tức nước vỡ bờ" mà "ngọt lịm", đằm vị của những thổn thức đong đầy hỷ-nộ-ái-ố nhân gian, chan chát trực chờ "cơn mưa tình chín mùi" để thơm thảo tuôn trào. Và những "chướng tai gai mắt" phẫn nộ ngoài kia bị đà "rút ruột phanh phơi" như một điều tất yếu hiển nhiên vốn thế, phải thế trước một tâm thế luôn thổn thức với đời, yêu đời, yêu người của đau cạn mình, yêu cạn mình, nhưng "yêu, ghét" luôn rạch ròi phân minh, công bằng, chính trực. Như thế, khi nỗi đau cất lời lỗi đau ấy sẽ trang trọng hơn và cao thượng hơn. Miền thơ Khúc Hồng Thiện nội lực và đằm thắm là vậy. Trong “Trang trắng” nhà thơ viết “Ánh cười vẫn đó nay đâu/ trang thơ khép mở trong màu áo thơ/ ngực non hương cốm ngày xưa/ nguyên trong kén lúa thơm vừa vặn đêm” - gợi cho bạn đọc nhiều chiều kích suy tưởng.
Thơ Khúc Hồng Thiện không thuần túy "phác ngôn, duy ý niệm" mà mang hơi thở của hệ nhân-quả trong quan niệm đạo Phật "có nhân ắt có quả". Khúc Hồng Thiện với ý niệm thấu hiểu, đúc rút, kết luận “đơm” từ “thinh lặng” để lòng nhân hậu, từ bi xuất phát từ suối nguồn tâm tuệ hướng ngoại và thơ như “một loại thuốc” chữa lành những vết thương, những dạn nứt tâm hồn. Bởi trong thơ Khúc Hồng Thiện song hành nét đẹp tâm hồn và nét đẹp thơ ca, đã khẳng định giá trị sức mạnh cứu rỗi của thi ca.
Ngôn từ mang nỗi niềm đau đáu xót xa, "thân chữ" rung lên tỉ lệ thuận với những cung bậc xúc cảm, bởi vậy mà "rạn nứt chữ" để "bản lề" chữ bị cong vênh góc cạnh, những góc cạnh của "câu hỏi mang hình mũi tên", chỉ nhẹ chạm rồi cảm nhận mà người "rỉ máu", mà "đau lắm". Thơ Khúc Hồng Thiện là vậy, cứ tự nhiên, dung dị đi vào lòng người nhưng âm vang thơ hắt vào tim người đọc, cứ nhói lên vì chữ nghĩa đã chạm đến những vết thương lòng thẳm sâu mỗi người. Khi ta thấy "đau" mới thấm thía rằng, tình người ở đây - chốn nhân gian này, trao nhau nhiều khi "xa xỉ" quá, tiểu ly, hà khắc và nhỏ giọt quá?!. Sự ngờ vực, không đáng tin, mất niềm tin nơi nhau đang xảy ra "cơm bữa", hàng ngày, hàng giờ khiến cho cuộc sống dường như bất an, bấp bênh, “vui ít buồn nhiều”. Câu thơ “Còn tin ở phía con người” trong thơ Khúc Hồng Thiện, nghe sao mà nhẹ, song vị lượng và nghĩa lượng nặng lắm thay, nó mang hình hài đa nghĩa, đa ẩn dụ, phân thân thành nhiều “nang tầng, nang ý” tầng tầng ý ý. “Còn tin ở phía con người” đứng riêng mặc dù không có dấu “hỏi” ở cuối câu, nhưng bản thân nó đã là một câu hỏi, lúc lại là câu trả lời diễn giải cho vấn đề sẽ hoặc luôn “Còn tin ở phía con người”. Bởi thế, trong nội tại câu hỏi đã có câu trả lời, trong câu trả lời, trong đáp án đã có sẵn mệnh đề hỏi. Sự liên thông kép này làm cho giá trị ngôn ngữ, hình ảnh từ ngữ độc đáo lên rất nhiều, đây là cái tài của nhà thơ khi vận dụng, ứng dụng nét đẹp của ngôn ngữ thi ca”. Đi sâu hơn trong bài thơ (cũng là tiêu đề tập thơ) ta thấy: “Có còn tin ở con người/ đánh nhau tóe máu mà rồi hàm ơn/ trăm năm cứ ngỡ vuông tròn/ rồi ra kẻ mất người còn tác tao/ Có còn tin ở ngôi cao/ vì đâu thì cũng ba đào thế thôi/ một mai gió dập sóng dồi/ còn tin ở phía con người nữa không?”; và nhiều những lập luận, phản bác cho “cái sự” không nên tin ở con người nữa: “Cũng đừng tin phía dòng sông/ bởi khi đã chảy đừng mong quay về/ thôi đừng tin nữa triền đê/ vầng trăng còn đó, câu thề còn đây…/ Chớ tin cái lúc ban ngày/ tới khi nhọ mặt đêm ngay ấy mà/ tin chi tiếng gáy của gà/ ngàn năm cứ ngỡ là cha mặt trời”. Và rồi có “ghét”, có “hận” và mất niềm tin nơi con người nhưng “chốt hạ” cho “tâm sự lớn” đó lại là “Còn tin ở phía con người/ tuy rằng cái bọn đười ươi cũng nhiều. Phải, “xã hội là sự tổng hòa các mối quan hệ”, sự tập hợp đa sắc thái, đa dạng người, đa thể tính, có cái đẹp, có điều xấu, có những điều ngưỡng vọng ca ngợi và cũng có những phỉ nhổ lên án nhưng cuối cùng thiện lương, tình người luôn trỗi đậy thắng thế với tâm thế nhắn nhủ, nhắc người đời cần chống lại thói vô tâm, vô tình đang xuất hiện ở nhiều lúc, nhiều nơi trong cuộc sống hôm nay. Đây là ý nghĩa nhân bản tình người, tình đời sâu sắc mà nhà thơ Khúc Hồng Thiện gửi gắm, cũng chính vì lý do nhân văn, nhân đạo này mà tôi cho rằng, tập thơ “Còn tin ở phía con người” giống “một phong thư mà nội dung của thư truyền tải đều mang gửi gắm “đích danh” cho bất cứ ai hữu ý, hay có duyên được đọc”.
Thơ là tâm tư tình cảm, là trí huệ, là hướng đích của nhà thơ, của muôn triệu người có chung thiện lương mong muốn mà tác giả nhạy cảm, tinh tế "lĩnh cầu" một lần nữa phản hồi, truyền tải tới độc giả. Thơ đã khai mở những vỉa mạch trầm sâu trong tâm hồn chính bản thể. Trong "Khơi lòng" nhà thơ viết "Sang xuân mới, từ làng…/ Lại đi và trải nghiệm/ Lòng ai còn thanh xuân/ Thì yêu trong chính niệm!" hay trong bài “Nghĩ gì”, người thơ viết “Nghĩ tới lâu đài ta dựng/ Sao cho yên ấm thuận hòa… Nghĩ đến những điều lớn lao/ Nghĩ đến nhân dân, thiên hạ…/ Hay đâu một cuộc tầm phào!”. Đọc thơ Khúc Hồng Thiện chúng ta cảm nhận rõ hơn một tâm hồn luôn đau đáu, trăn trở với thế cuộc, vừa trách nhiệm công dân vừa lãng mạn, hào hoa…
Tôi mới chỉ được gặp và đàm chuyện "chóng vánh" với nhà thơ Khúc Hồng Thiện bên hành lang một cuộc hội thảo khoa học. Trực giác cho tôi thấy, anh thuộc "top" nhà thơ trẻ đương đại, thấu hiểu cuộc sống, tình người, "nhân tình thế thái" ở cõi ta bà này; anh chín chắn, thấu tình đạt lý, một con người cẩn trọng, được tín nhiệm và dĩ nhiên những hoài bão của người trẻ bao giờ cũng mang đôi nét "hào hoa, giông bão, lãng mạn và cả đôi chút bất cần"… Cái “lãng mạn” của Khúc Hồng Thiện, của thơ mang ánh sáng trí tuệ, mang tâm hồn "thiện lương" cùng sắc màu của hy vọng, tương lai. Tin một Khúc Hồng Thiện, là còn tin ở phía con người.
Hà Nội, 11-1-2021
Nguyễn Thanh Huyền
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét