Miền yêu được trải
dài qua năm tháng, trên những con đường, địa điểm, vùng miền, những lần của
duyên gặp gỡ, của cái bắt tay thân ái, của nụ cười chao nghiêng, của lời thương
nhắn gửi tình cảm nồng nàn ấm áp và cả những dư vị đắng chát đời người. Qua cảm
nhận có chút “vị tình” tất cả đều đáng trân trọng, để khoang tình của nhân vật
trữ tình trong “Nhà không có đàn bà” của nhà thơ Phan Võ Hoàng Nam “chật ních”
những kỷ niệm – để giờ đây “miền yêu” sóng sánh ắp đầy ấy được hồi tưởng hôi hổi
thiết tha, da diết trên “dòng đời đang trôi”.
Miền yêu trong
“Nhà không có đàn bà” của nhà thơ Phan Võ Hoàng Nam được “tái hiện”, “cài” thực
tiễn của quá khứ cùng hiện tại theo không gian, theo thời gian và những cảm xúc
chín mùi “thơm lừng” từ trong tiềm thức, nhận thức của một nhà thơ đã đi qua,
đã trải qua, nếm đủ “mùi, vị” cung bậc cảm xúc của hỉ, nộ, ái, ố, của tham,
sân, si, danh vọng và những giá trị
thiêng liêng “vô nhãn, hữu trọng” như
trong bài “Tháng tư, Tháng năm, Tháng bảy
và mẹ, Tháng Sáu, Cuối hạ, Một ngày” hay “Mưa chiều, Bến quê, Nắng đồng bằng”...
và miền yêu đó như dòng sông phù sa đỏ hồng đa nhánh chảy miên man, thao thiết,
lúc ồ ạt “cởi lòng” như đập nước mở, lúc nhẹ nhàng, hài hòa chất phát được thể
hiện trong tình yêu lứa đôi, tình quê hương, tình cảm của người con kính yêu mẹ...
Trong tình yêu nam nữ ở
tập thơ “Nhà không có đàn bà” của Phan Võ Hoàng Nam không ồn ào cào cấu, không
ngôn tình sướt mướt. Cái tình ngọt ngào bình dị lắm, trầm dịu mà dõi theo... đằng
đẵng, thông suốt hành trình của một đời người, nó neo đậu "vào ký ức",
luôn giăng mắc khai sinh ở hiện tại để "Người tóc trắng đêm đêm đợi
sáng/Dấu hài xưa... cánh nhạn cuối chân trời" (trong bài cùng tiêu đề với
tập thơ). Cái tình son sắc thủy chung đáng ngưỡng mộ. Chính vì lẽ đó không cần
lộ liễu "đao to búa lớn", không cần nhắc nhở phơi bày, cái tình như
mưa xuân, nhẹ thấm, càng nhỏ nhẹ càng thấm sâu, đọng lâu... giống như thứ rượu
ủ lâu ngày, "uống ngọt lắm thế rồi say... lịm". Tôi thích, trân kính
thứ tình cảm "đắt sắt ra miếng", thứ tình cảm bền lâu thuần khiết,
thánh thiện này... càng thích, tôi càng trân trọng ngôn ngữ thơ bình dị như
chính người thơ vậy. Nó đẹp và gần gũi của khí thở, của bản ngã con người trong
cuộc sống vốn rất đơn giản nhưng rất thiêng liêng.
“Chợt xa chợt gần/ Như
mưa chợt nắng/ Chợt khóc/ Chợt cười/ Chợt lạ/ Chợt quen/ Em là thơ ta nối dài
giai điệu/ Viết bản tình ca yêu mãi một đời.” (trong bài Em)
Hay:
“Cuối hạ rồi/ Em còn
son phấn/ Đêm còn ru/ Chăn gối còn nồng/ Người tình ơi đã yên bến đỗ?!/ Hò hẹn
xưa xin gửi mây bay. (trong Cuối hạ). Và còn đây nữa: Người ta bảo "tình
chỉ đẹp khi còn dang dở" để "Khắc khoải một vòng tay”, trong
"Tháng tư" đầy "tiếc nuối" của cái duyên "lỗi
nhịp", của "mất một bờ vai"... để "ngẩn ngơ" "tìm
lại những vần thơ" mong cái ngày xưa cũ của tiềm thức "tái hiện"
"giữa nắng tháng tư"... Ôi, "Tháng tư" và nhiều bài khác của
Phan Võ Hoàng Nam có cái buồn đẹp mà se sắt lòng. Cái se sắt không gầm rú inh
ỏi mà như "muối ngấm" sót, đau và lịm nữa...
Miền yêu quê hương trong
“Nhà không có đàn bà” ngọt đằm, chiều sâu lắm và có những khoảng suy tư, trăn
trở để khi “quyền năng ngôn ngữ” biểu cảm diễn giải chủ định, ý tưởng hay đơn
giản chỉ là điều muốn nói, muốn làm, muốn thể hiện vì thế mà đồng điệu hơn với "nỗi
niềm" của đời người, của hành trình tịnh tiến đã "ứa đầy" chỉ
cần "một làn gió nhẹ thổi, một chất xúc tác cực nhỏ, một đòn bẩy chạm vào
sẽ làm cho nỗi niềm của dòng sông tình đó ào vỡ"... Thơ của Phan Võ Hoàng
Nam nhẹ nhàng, bình dị mà đằm sắc, xa xăm là vậy... "khi cảm xúc đẫy đầy,
thơ sẽ lên tiếng" và do “Quê là niềm thương yêu, trân trọng. Ở đó một trời
ký ức của tuổi thơ, những kỷ niệm ngọt ngào, của cái thời chớm yêu hay
"liêu xiêu" ai đó... sẽ song hành, nhắc nhớ nhân vật trữ tình hay có
thể chính nhà thơ?! Dù là ai thì miền quê luôn là cái nôi ấm êm, là vùng ký
thác gửi trao những vui buồn thời hoa niên và muối tiêu... mà nhà thơ đã chắt
lọc hồn mình gửi gắm, “đan, gắn” vào thơ.
“Tháng ngày, đi qua
bao bờ bến/ Dòng sông xưa vẫn réo rắt khôn nguôi” (trong bài Bến quê)
Hay:
“Chốn quê ơi! ngược
xuôi bao con nước/ Mùi canh chua quyện mãi... một đời”
và đây nữa, “Chiều quê
tôi/ Xóm nhỏ yên bình khói quyện mây lưng triền dốc/ Núi gối lên đồng, mơ mùa
xanh câu hát/ Sóng lúa thì thầm lời hứa thủy chung” (trong Quê tôi)
... Mẹ và Quê hương
chỉ có một, thơ về mẹ một miền trân kính. Nhà thơ Phan Võ Hoàng Nam viết về mẹ
với tình yêu kính vô bờ cùng dòng cảm xúc nghèn nghẹn xúc động và xa xót.
“Mẹ xa rồi/Xa khung
trời cổ tích/ Cô tiên đâu còn để xoa dịu nỗi đau/ Con đi giữa đời tìm chim
phượng hoàng đòi khế/ Chỉ thấy nhân gian rao bán dối gian” (trong Cổ tích của
mẹ)
Hay:
“Mẹ một đời oằn vai
sương gió/ Cho con bình yên đi giữa nhân gian/... / Sao không có chiếc cầu về
ký ức/ Cho con nằm nôi nghe câu hát ầu ơ” (trong Tháng bảy và Mẹ)
Người ta ví "Cuộc
đời là bể khổ và thơ là bát canh múc từ bể khổ đó”... liệu có đúng?! Thơ Phan
Võ Hoàng Nam ta thấy "cuộc đời là dòng sông”, “cùng con nước lớn ròng,
những dòng kênh vươn dài xứ sở”, có "nhánh" vui buồn, có
"lớp" trăn trở sầu thương, có "bến bờ" ngát xanh, có “triền
đê dang tay ôm xóm thôn yên ả” và có hạt phù sa ươm mầm... nhưng ám ảnh, giăng
mắc là những "đợt" sóng cô đơn của "cánh nhạn" hoàng hôn
bay... có thể với con mắt vị nể có phần tôn kính nhiều sự khiếm diện của tôi để
nhãn mãn càng trở nên độ phóng đại "trên tầng" của những đi ốp
chăng?!
“Ta đón tuổi mình/ Không
có nến/ Không hoa/ Ngày mỉm cười mỉa mai tóc trắng/ Xếp lại ngược xuôi/ Hát lời
kinh nhổ/ Ly cà phê đọng những tháng ngày (trong Sinh nhật). Hay trong bài “Về
đâu cuối nẻo đường” là điệp khúc và ngữ nghĩa của từ “về đâu” lặp lại rất nhiều
lần, là câu hỏi xoáy vào tâm can những đau đáu buồn tủi...
Thơ Phan Võ Hoàng Nam
là sợi tình mộc mạc chân thành, là niềm san sẻ mong được nhìn nhận, đón nhận và
trân yêu, bởi lẽ đơn giản mà đáng quý, thơ giống vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ vậy,
chân thành và nguyên chất.
"Nhà không có đàn
bà" của Phan Võ Hoàng Nam, nhân vật trữ tình trong cuộc hành trình tìm lại
chính mình, đến với bản ngã thiện lương, đánh thức những khát khao mong mỏi
hướng đến, mong đạt, với miền quá khứ nhiều kỷ niệm đáng trân trọng. Ở đó, nhân
vật trữ tình như người “khâu, vá, thợ lắp ghép cẩn thận, tỉ mỉ và chu toàn nâng
như nâng trứng, hứng như hứng hoa đối với những sợi tình vắt ngang đời, với
những kỷ niệm, với “em”, với người thân, với cảnh vật hiện diện lưu khắc đời
người... Nó là "Miền yêu trên dòng đời trôi", “Miền yêu được tái hiện
giữa cuộc sống thực tại, hiện tại, được song hành với cuộc sống đương đại để
thấy rằng quá khứ nhiều ngọt ngào, yêu thương, nhiều kỷ niệm nhưng cũng nhiều
mất mát và hiển nhiên “hiện tại” bắt nguồn từ "ngày hôm qua". Đây là
một cuộc hành trình tìm lại chính mình trong miền yêu đó.
"Tôi đi qua những
cánh đồng, qua những dòng sông/ Tôi đi tìm tôi thở phôi thai mầm sống/ Thở mong
manh như hạt bụi/ Thuở tôi và em chỉ là chút hư vô". Để biết "Một
kiếp lênh đênh/ Giữa đường trần muôn lối/ Mong manh thân xác, lạc bước phiêu
du/ Hun hút trời xa, ai quen ai lạ/ Hỏi bảo giờ tìm được ra tôi". (Trong
bài Đi tìm... tôi"
Thơ Phan Võ Hoàng Nam
hiền hoà "vì người vì đời" "Ta hoá thân vào dòng sông/ Ta hoá
thân thành những cơn mưa/ Ta hoá thân thành tia nắng đầu ngày/ Ta hoá thân vào
những đêm khuya/ Ta hoá thân thành nghìn đốm lửa"... mục đích duy nhất"
Sưởi cho người chút lạnh đêm đông" (trong Hoá thân). Vâng, tôi hy vọng và
mong sự “Hóa thân” này không những để “Miền yêu” xưa cũ luôn được trân trọng mà
góp phần làm đẹp hơn ở cuộc sống hiện tại vốn rất nhân văn của nhà thơ Phan Võ
Hoàng Nam, đồng thời ấm nồng lan tỏa tới nhiều thế hệ độc giả, những tâm hồn
đồng điệu cũng yêu người và yêu đời tha thiết.
Hà Nội 30.10.2019
Nguyễn Thanh Huyền
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét