Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày
312 trang, khổ 13x19 cm, giá 100.000 đ. Mời quý bạn đọc ủng hộ!
Một lần đi công tác trên tuyến quốc lộ 91, từ vùng “thất sơn hùng vĩ” xuôi xuống vùng “gạo trắng nước trong”. Giữa trưa nắng gắt, tôi tắp vào một xe nước mía bên đường, thuộc địa bàn quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Một là cho “ngựa sắt” của tôi nghỉ mệt một lát, đồng thời để tôi “kéo” một ly nước mía cho đã khát. Ly nước mía ngọt thơm giữa trưa phố thị làm dịu cái nắng gắt ở trong tôi. Nghe nước mía có vị ngọt thơm ngon quá, tôi quay qua thấy chị chủ xe tranh thủ cạo da một cây mía có màu móc móc, xám xám. Thấy màu mía lạ, tôi thắc mắc: Thường thì tôi thấy người ta ép mía Tây, mía đường đỏ hay Hòa Lan tím, còn mía này là giống nào mà thấy lạ quá vậy chị? Chị trả lời: Mía này có tên là gốc 16 (GOC-16) đó anh. “Bệnh nghề nghiệp” nổi lên, tôi phăng tiếp: Chị mua mía này ở đâu về ép vậy? Chị cười: Mối chở lại cho tui, nghe đâu mía này ở Cù Lao Dung trồng nhiều lắm. Nghe chị nhắc tới Cù Lao Dung, tôi lại nhớ những người bạn ở đó và nhớ mấy câu hát:
Ai về Cù Lao Dung/ Nhớ ghé viếng Rạch Già/ Nhớ về An Thạnh Nhất/ Hỏi Tây chết mấy thằng/…(*).
Vậy là một lần nữa tôi có chuyến về vùng cù lao nằm cuối dòng sông Hậu. Tôi về Cù Lao Dung lần này không phải để “Hỏi Tây chết mấy thằng” mà về để hỏi chuyện “cây mía nước”.
Được biết Cù Lao Dung là vùng có diện tích trồng mía đứng nhất nhì cả nước, cũng là ngành kinh tế nông nghiệp mũi nhọn của huyện cù lao này. Thế nhưng sang Cù Lao Dung nhiều lần mà tôi quên để ý đến chuyện cây mía nước.
Cù Lao Dung vào những ngày đầu tháng chạp, trời nắng hanh vàng khởi sắc một vùng quê “mía”. Qua mấy lời xả giao thân mật với anh Võ Hồng Sen, Giám đốc TTVH huyện Cù Lao Dung, tôi liền đi ngay vào mục đích đến Cù Lao Dung lần này: Nghe nói ở đây bà con trồng mía gốc 16 nhiều lắm hả? Võ Hồng Sen nhìn tôi cười hiểu ý: Để tôi dẫn anh lại gặp một người, ảnh rành vụ này hơn tôi. Hóa ra anh Sen dẫn tôi lại gặp anh Đặng Quốc Trí, phó phòng nông nghiệp huyện Cù Lao Dung. Anh Trí cho biết: Nếu trung bình hàng năm ở Cù Lao Dung có 4000 hec-ta đất trồng mía thì trong đó khoảng 30% diện tích là cây mía gốc 16. Mía gốc 16 tập trung nhiều ở các xã, An Thạnh Đông, An Thạnh Nhì, An Thạnh Tây và Thị trấn Cù Lao Dung. Cũng theo anh Trí: Có ba giống mía mà bà con ở đây thường trồng để bán mía nước. Đó là, mía đường đỏ, GOC 27 và GOC 16. Nhưng chuộng nhất hiện nay là giống GOC 16.
Theo đề nghị của tôi, anh Trí và anh Sen dẫn tôi gặp nông dân Cô Văn Nguyễn ở ấp Trương Công Nhựt, xã An Thạnh Đông là “chuyên gia” trồng cây mía nước “khét tiếng” ở đây. Bước tới đám mía xanh um, nằm cặp trục lộ trung tâm của xã An Thạnh Đông. Chúng tôi ngó nghiêng nhìn đám mía cao gần hai mét, cây đều tăm tắp. Đến đây thời gian đã giữa buổi chiều. Mặt trời đã đẩy bóng chúng tôi nghiêng theo bóng mía. Nghe bên trong đám mía có tiếng đánh lá “rột rẹt”, đoán là chủ mía trong ấy, anh Sen gọi to: “Có đánh lá mía ở trỏng không anh Năm?” (Anh Cô Văn Nguyễn nhầm thứ năm). Anh Sen gọi lần thứ hai mới nghe lên tiếng. “Ơi! Có! Tui ra đây!”. Từ trong đám mía nhảy ra là một anh nông dân trạc U50, áo quần lam lũ, tay cầm bửu bối đánh lá mía dài gần hai thước (cây cù móc) nở một nụ cười vui vẻ, đầy thân thiện. Anh Trí nói vui: “Làm nhiệt tình kiểu này tiền cất đâu cho xuể anh Năm!” Năm Nguyễn cười: “Làm bán sống bán chết như thế cuối mùa tính ra cũng chẳng lời được bao nhiêu đâu chú ơi! Nông dân mà!”. Anh Sen chen vào: “Lại than nữa. Lời đâu có bao nhiêu, chừng năm mươi phần trăm hà!”. Chú khuyến khích tui quá trời! – Năm Nguyễn lại cười. Cả ba chúng tôi cũng cười, tiếng cười xen lẫn với tiếng gió khua lá mía lao xao. Năm Nguyễn nhìn chúng tôi và nói: “Ở giữa đám mía cộng với đánh lá um xùm không nghe rõ ở ngoài này, chắc nảy giờ mấy chú kêu tui dữ lắm hả? Thôi kiếm bóng cây nào mát mát ngồi nói chuyện chơi”. Nói xong, Năm Nguyễn dẫn chúng tôi vào một cái bờ cặp đám mía gốc 16 của anh, có hàng dừa mát rượi. Anh với tay bẻ mấy trái dừa tơ, lần lượt chặt đít ba trái mời chúng tôi: “Cây nhà lá vườn, mời mấy chú uống lấy thảo”. Trước hành động thơm thảo của một người nông dân, không chờ đợi lâu tôi bắt chuyện: Giữa trưa nắng mà càn vô đám mía đánh lá coi bộ cực quá hả anh Năm? Chưa đâu chú, vài bữa sau tui còn phải càn vô để xịt thuốc sâu nữa! Ủa, mía cao vậy mà còn xịt sâu nữa hả anh Năm? Xịt chớ chú. Nếu không xịt, sâu nó đục ngang cổ mía, gặp gió mía gãy cổ thì tui cũng gãy cổ theo luôn!(cười). Anh trồng cây mía nước này lâu chưa? Năm Nguyễn tâm sự: Tui trồng cây mía nước tính ra trên mười lăm năm rồi. Cũng toàn giống gốc 16 này hả anh? Không! Cây mía nước lâu nay bà con ở đây thường chọn giống mía đường đỏ để trồng. Nhưng những năm gần đây, tôi chuyển sang trồng giống gốc 16”. Tôi chưa kịp thắc mắc vì sao? Anh sẵn trớn giải thích luôn: “Bởi những lợi thế của mía gốc 16 so với mía đỏ là nó có vị ngọt đậm đà hơn, thơm hơn. Đồng thời cây mía gốc 16, theo nhiều thương lái ưa chuộng cho biết là có tuổi thọ bảo quản tại vựa lâu hơn so với cây mía khác. Vả lại cây mía này là nó dao lóng, lượng nước cũng nhiều hơn so với cây mía đường đỏ hay gốc 27. Cái lợi nữa của cây mía gốc 16 là mình có thể lưu gốc được đợt hai, đợt ba”.
Tôi cắt cớ hỏi anh Nguyễn một câu: Mía nào mà không có nước, nhưng tại sao mía này gọi là mía nước vậy anh Năm? Năm Nguyễn nhìn tôi cười nhưng ánh mắt có vẻ sửng sốt vì câu hỏi nghe khá hóc búa. Suy nghĩ một lúc, anh giải thích: Mía nào mà chẳng có nước là đúng rồi. Nhưng tui chỉ hiểu đơn giản là mía này trồng chủ yếu ép lấy nước tươi uống chứ không cần “nấu nướng” hay chế biến thêm gì cả.
Nghe Năm Nguyễn nói, tôi bổng thú vị về cách gọi: Ở đây nông dân trồng mía gọi là “mía nước”. Nhưng khi đến xe ép mía thì kêu “bán ly nước mía”. Vậy hiểu hai từ “nước mía” và “mía nước” như thế nào? Phải chăng “mía nước” là cây mía có chứa nước trong nó. Còn “nước mía” là ép cây mía ra nước nên không gọi nước khác được. Tôi đem vấn đề này ra nói, ai cũng thú vị cười rần và đồng ý với tôi “chắc nên hiểu như thế thôi!”
Theo anh Năm Nguyễn thì cách trồng cây mía nước không khác so với các giống mía nguyên liệu. Đầu tiên cũng lấy giống, móc hộc, đặt hom, lấp đất, vô chân hai đợt (chân ấm, chân đạp) và đánh lá xả vài lần là thu hoạch. Vấn đề chọn giống là khâu quan trọng đầu tiên, mà theo PGS-TS Nguyễn Bảo Vệ, trưởng khoa nông nghiệp trường Đại học Cần Thơ hướng dẫn, không nên lấy hom quá non, cũng không nên quá già, vì hom non mặc dù trồng mau lên nhưng vốn không đủ chất và sức để giữ cho mập cây lâu. Còn hom mà chọn già quá thì mộng bị chai không lên đều. Đặc biệt quan trọng đối với mía nước là cách chăm sóc, phải biết tiễn chọn những cây mía “không nên thân” từ nhỏ, như: mía dây hay mía sả để nhường chỗ cho những cây chan lứa phát triển đều nhau. Vì điểm khát biệt của cây mía nước là mua bán tính bằng Chục (bó 12 cây) chứ không tính ki-lô-gam như mía nguyên liêu. Do vậy, mía nước đến chín vụ mà cây nhiều, mập và cao thì coi như là “số dzách” thương lái nhìn “mê” đi không nổi.
Cây mía nước bao giờ giá cũng cao hơn so với giá mía nguyên liệu. Nếu mía nước đến chín vụ đạt 10 tấn/1công thì thương lái đếm được trung bình từ 550 bó. Có năm giá mía nước lên đến 35.000/1chục, thì một công mía nước 550 bó nhà nông vắt túi được trọn vẹn 19.250.000đ/1công (Trọn vẹn ở đây vì thương lái tự chặt, tự chuyển, nhà nông không phải tốn thêm chi phí nào nữa). Nếu bán 10 tấn mía nguyên liệu so với ngay thời điểm như trên, trừ chi phí công chặt, công vận chuyển thì 10 tấn mía không thể “chồm” nổi giá 19.250.000 đồng.
Nhưng có một điều mà không ít người ngại trồng hoặc không thể trồng cây mía gốc 16, đó là do mía gốc 16 kén đất (đất phải ráo) và nặng phân bón hơn, chia ra rải nhiều lần hơn so với các giống mía nguyên liệu khác thì mía mới dám cao. Nếu trồng đất thấp ẩm ướt thì dù có rải phân ngập rẫy mía cũng không cao nổi. Vả lại đất thấp thì không thể lưu gốc được, mía lên không đều. Việc trồng cây mía nước phải chú ý vô chân thật kĩ để mía không bị ngã. Nếu để cây mía nước ngã thì thương lái không mua, hoặc có mua thì giá cũng rất thấp. Bởi vì mía ngã sẽ khó bó, khó vận chuyển, cây mía giảm lượng nước, giảm vị ngọt…
Còn vấn đề lưu gốc mía, Năm Nguyễn cho biết: chỉ lưu gốc đợt hai là được, ai ẩu ẩu thì lưu thêm đợt ba. Nếu lưu đợt bốn thì mía không nên thân, nó thường đốc ra mía sả và mía lai rất nhiều, hàng mía thì cây mọc nghênh ngang, xà lay,… làm khó cho người vô chân mía. Vả lại mía lưu gốc đợt ba, đợt bốn sẽ bị nhiều thương lái chê, do tuổi thọ để vựa không lâu, mau đỏ gốc, trại chè…
Nghe anh Nguyễn tâm sự, tôi thiết nghĩ, âu cũng là cái luật bù trừ. Nếu nông dân lưu gốc để tiết kiệm chi phí thì chất lượng mía không bằng trồng lại mới. Đồng nghĩa với việc thương lái không dám mua giá cao. Bù qua chế lại vẫn là một vung. Nhưng cái tệ hại ở đây mà nông dân quên nghĩ đến là đánh mất thương hiệu sản phẩm của mình.
Một vấn đề nữa mà theo anh Nguyễn giãi bày, có một năm nông dân ở đây nhớ đời khi thấy cây mía nước gốc 16 nhiều thương lái ưa chuộng, dễ bán, ai cũng ùn ùn trồng nên cuối cùng phải chịu hậu quả chung: Thứ nhất là do vốn ban đầu, ai cũng tranh nhau mua giống về trồng nên những người bán mía giống dựa vào đó mà đưa giá lên cao ngất ngưỡng. Thứ hai là do trồng quá nhiều nên cung đã vượt cầu, thương lái thấy thế mà làm núng hạ giá mua xuống thấp. Nông dân muốn quay qua đốn đem đến nhà máy đường cân thì gặp phải hệ lụy mía nguyên liệu rớt giá thảm hại.
Kể đến đây, Năm Nguyễn tỏ vẻ ngán ngẩm lo lắng nhìn đám mía của mình rồi thở dài: Mấy chú cũng biết rồi, mặc dù mía gốc 16 này trữ đường có nhỉnh hơn các loại mía nguyên liệu khác nhưng năng suất tấn đâu bằng ai. Nếu đem đi nhà máy cân trừ chi phí đốn vác, chuyên chở thì thua các giống mía nguyên liệu hiện nay. Thật tình năm đó tôi muốn quỳ xuống xá dài giống mía này. Còn anh Hai, anh Ba ở xóm này dám thề “hộc máu” là nếu còn trồng mía gốc 16 nữa.
Có thể nói, đây là tình trạng trạm tới lòng tự trọng của nông dân, bởi nghịch lý là, có mùa mía bị dịch cháy lá, sâu đục thân tấn công dữ dội, đến chín vụ mà mía thấp tè, dựng cờ đầy đám,…Vậy mà thương lái tìm mua nườm nượp. Nông dân không có mía để bán. Thế nhưng có năm thời tiết thuận lợi, mía tươi tốt đầy rẫy. Vậy mà giá lại thấp, chẳng thấy ai đến mua, làm cho nông dân khốn đốn. Còn cây mía nước thì luôn ăn theo giá mía nguyên liệu. Nếu giá mía nguyên liệu cao thì thương lái nhích giá mía nước theo để mua. Còn nếu giá mía nguyên liệu tuột thấp thì thương lái dại gì mà không hạ xuống theo, mặc dù ly nước mía không hề hạ giá bao giờ. “Thương lái lời to, nông dân nhiều lo” là đây!
Tôi thắc mắc lí do vì sao Năm Nguyễn bây giờ trồng lại mía gốc 16? Theo ý trả lời của anh thì nông dân hiện nay phải có tầm nhìn chiến lược, nếu mọi người ùn ùn bỏ nó thì anh sẽ giữ lại nó. Vả lại bây giờ Năm Nguyễn cũng không mấy lo nữa, vì mấy năm trước đây, Bộ Nông nghiệp đã mở cuộc hội thảo về cây mía ĐBSCL diễn ra tại tỉnh Hậu Giang. Tại buổi hội thảo, vấn đề mà các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp đặt ra là, kĩ thuật trồng mía, giống mía, năng suất mía,… Đặc biệt bàn sâu về giá cả của cây mía hiện nay. Đây là việc làm thiết thực của ngành nông nghiệp cho nông dân trồng mía thỏa lòng chờ đợi bấy lâu.
Còn một vấn đề nữa mà anh Năm Nguyễn an tâm trồng mía gốc 16 là hiện nay cây mía nước gốc 16 không những được ưa chuộng trong nước mà nó còn vươn xa ra ngoài biên giới.
Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng/ Về sông ăn cá, về đồng ăn cua. Về Cù Lao Dung, tôi đã ăn cua, ăn cá, ăn cả trái bần nhiều rồi. Lần này về tôi quyết “ăn cho tới” cây mía nước. Vì vậy khi nghe thông tin từ anh Năm Nguyễn, tôi nán lại Cù Lao Dung để tìm gặp bằng được ông Sáu Nga, thương lái mua mía nước gốc 16 chở sang Cam-pu-chia bán. Thường thì thương lái không ai chịu tiết lộ chuyện “chén cơm” của mình cho người khác biết. Nhưng thấy tôi nhiệt tình hỏi mấy lần, vả lại tôi không phải là người địa phương này nên ông Sáu Nga mới chịu phá lệ bật mí “kín” với tôi rằng: Hiện nay cây mía gốc 16 từ Việt Nam mình chở qua Cam-pu-chia bán đắt như “tôm tươi”, do người dân nước bạn cũng chịu vị ngọt của cây mía này. Nghe ông Sáu Nga nói mà tôi mừng thầm cho những nông dân trồng mía nước. Hi vọng cây mía nước của Việt Nam còn vươn xa hơn nữa.
Đi dọc những con bờ quanh co trên đất Cù Lao Dung vào những ngày này, tôi nhận thấy những dòng đất trơ ra chỉ còn là gốc mía. Anh Quốc Trí nói: “Thời điểm này mía nước gốc 16 toàn huyện đã hạ hơn phân nửa. Số còn lại cũng “bị” thương lái đặt cọc xong với chủ đất”. Hiện nay ở Cù Lao Dung có người văn nghệ nói vui rằng: “Mía gốc 16 bây giờ có duyên hơn con gái 16”.
Chia tay Cù Lao Dung, tôi quay trở lại Cần Thơ. Đi dọc trên các tuyến đường của thành phố, tôi bắt gặp khá nhiều xe ép nước mía bên đường. Tôi nhẩm thử không dưới 100 xe ép nước mía tương tự ở thành phố này. Tôi lại tấp vào một chiếc xe ép nước mía bên đường thuộc quận Cái Răng và “kéo” một ly nước mía gốc 16 ngọt lịm. Tôi lại chợt nghĩ đến những lời nói vui khá thú vị của anh Võ Hồng Sen ở Cù Lao Dung: “Cây mía nước có thể đánh giá là “hạng sang” vì cây mía nước giá cả luôn luôn nhỉnh hơn mía nguyên liệu, cách chăm sóc mía nước là chăm sóc con cưng, phải tỉ mỉ, kỉ càng sạch sẽ ”. Thật vui mừng được biết, những năm gần đây cây mía nước được phát triển nhiều ở các tỉnh khu vực ĐBSCL và len lỏi ra các tỉnh Đông Nam Bộ, tạo thu nhập đáng kể cho không ít hộ nông dân, chẳng hạn như anh Cô Văn Nguyễn đây, hơn mười lăm năm nay đã ăn nên làm ra từ cây mía này.
Tôi đi nhiều tỉnh thành trên cả nước, đều bắt gặp những xe ép nước mía tương tự. Cái hạnh phúc nữa cho chúng ta thấy chính là một xe ép nước mía đã “ngọt ngào” tạo cho ít nhất một người có việc làm, thêm thu nhập. Đồng nghĩa với chuyện, cây mía nước đã tạo cho không dưới một ngàn người có việc làm, thêm thu nhập ở 63 tỉnh thành của Việt Nam nói chung và hàng trăm người trên thành phố Cần Thơ thân yêu này nói riêng.
Diệp Bần Cò
(*) Một đoạn bài hát “Du kích Long Phú”.
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét